Đầu tư tăng trưởng và đầu tư trị giá
Điểm khác biệt giữa đầu tư tăng trưởng và đầu tư trị giá
Những nhà đầu tư tăng trưởng là những người tìm kiếm những công ty có sự phát triển doanh số và lợi nhuận nhất quán, thông thường khoảng 20% hay hơn trong vòng 3 tới 5 năm vừa qua. Những công ty như Schering Pough, Paychex, Cisco Systems, hay Microsoft được xem như những cổ phiếu tăng trưởng vào thập niên 90. Cổ phiếu tăng trưởng thường ít được chi trả cổ tức hoặc chi trả cổ tức thấp bởi vì chúng thường cần lượng tiền mặt lớn để tái đầu tư phát triển thêm thị phần. Tỷ số P/E của cổ phiếu tăng trưởng thường cao hơn những loại
cổ phiếu khác. Chỉ đơn giản là vì nó có những bản báo cáo tài chính tốt hơn nhiều so với các công ty khác, các nhà đầu tư thường mua đón đầu chúng.
Một trong những đặc trưng của cổ phiếu tăng trưởng là chúng có những sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng cao, thông thường là không vĩnh cửu được thay bằng những sản phẩm khác tương tự trong một khoảng thời gian không lâu.
Chúng cũng có những lợi nhuận biên và lợi nhuận trên vốn cổ đông cao, thường khoảng từ 17% tới 50%. Đồng thời các nhà phân tích thường nhất trí trong việc dự đoán doanh lợi của chúng tăng một khối lượng đáng kể, một hoặc hai năm nữa.
Những nhà đầu tư tăng trưởng cần chú ý, không có một loại cổ phiếu nào là cổ phiếu tăng trường vĩnh cửu, qua một thời gian dài cổ phiếu tăng trưởng sẽ có chiều hướng phát triển chậm dần và sau đó phát triển thị phần tới mức bão hoà không phát triển thêm nữa. Nhà đầu tư cần cân đối lại danh mục đầu tư tại những thời điểm này.
Những nhà đầu tư giá trị thì khác, họ tìm kiếm những công ty mà họ tin rằng nằm dưới giá trị thật. Họ nghiên cứu kỹ các bản cân đối tài khoản và báo cáo lời lỗ, tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy những giá trị ẩn náu của công ty, như là một khối lượng tiền mặt lớn chưa sử dụng hay là những tài sản trong sổ sách của công ty nằm dưới giá trị thực, ...
Họ chờ đợi cơ hội mua được cổ phiếu ở những mức giá hời, và mong muốn mua những cổ phiếu có chỉ số P/E thấp, hoặc những công ty có giá thị trường nằm dưới giá trị sổ sách. Những nhà đầu tư giá trị thường được nhận một số cổ tức chiếm một tỷ lệ lớn trong lợi nhuận kiếm được của công ty do công ty thường không còn khả năng phát triển thêm thị phần.
Họ tìm cách mua cổ phiếu tại một mức giá thấp hơn giá trị thực. Những nhà đầu tư giá trị phải chờ thị trường thừa nhận giá trị cổ phiếu của họ, để cổ phiếu tăng giá.
Điều này thường mất một khoảng thời gian khá lâu và đôi khi không bao giờ xảy ra cả.
Mua cổ phiếu với chỉ số P/E thấp nghe có vẻ hay hơn. Phải chăng mặc cả luôn tốt?
Nói chung thị trường chứng khoán là một thị trường đấu giá hai chiều, nơi mà hầu hết cổ phiếu được bán với giá dao động xung quanh cái giá xứng đáng với nó tại thời điểm ấy. Nói cách khác, một cổ phiếu với chỉ số P/E 10 thì nó đáng giá gấp 10 lần doanh lợi kiếm được, một cổ phiếu với chỉ số P/E 35 nghĩa là nó giá trị gấp 35 lần doanh lợi kiếm được. Nếu giá, hoặc chỉ số P/E của cổ phiếu lên hay xuống là do báo cáo doanh lợi của công ty có tốt như kỳ vọng hay không.
Vì vậy thực sự là không đúng khi cho rằng cổ phiếu là một món hời chỉ bởi vì chỉ số P/E của nó thấp, và ngược lại cũng không đúng nếu cho rằng những cổ phiếu với chỉ số P/E cao là đắt. Điều này rất đơn giản như việc bạn không thể mua một chiếc Mercedes với giá của một chiếc Chevrolet.
Một bài học đơn giản: bạn có những thứ xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra. Những công ty tốt nhất trong một nhóm ngành luôn có chỉ số P/E cao hơn nhiều những công ty không thành công trong ngành ấy.
Thực sự có lẽ giá trị duy nhất của chỉ số P/E chỉ là để đánh thức chúng ta về tiềm năng của cổ phiếu. Để làm được điều này chúng ta cần so sánh với chính nó trong quá khứ. Hiện tại chúng đang cao hơn hay thấp hơn. Tại sao. Phải chăng chúng đang có sự phát triển thuận lợi nên có rất nhiều người chịu bỏ ra một cái giá cao hơn để mua chúng. Hay chúng đang có một tương lai tồi tàn nên hiện tại mặc dù giá so với lợi nhuận có thấp hơn cũng không ai muốn mua.
Tất cả những công ty ưu tú trong thập niên 90 như Amgen, Cisco Systems, Microsoft, America online, Ascend, EMC, People Soft... có chỉ số P/E trung bình khoảng 31 trước khi chúng bắt đầu tăng giá gấp năm gấp mười trong những khoảng thời gian ngắn. Và những loại cổ phiếu hàng đầu này đều có một tỷ số P/E trung bình khoảng 70 khi chúng đã có những sự tăng giá khổng lồ.
Một nhà đầu tư giá trị sẽ bỏ qua tất cả những loại cổ phiếu này trong thời kỳ phát triển nhất của nó. Thực sự P/E chỉ là một sự hiểu sai, được phóng đại thành một công cụ đầu tư thần kỳ. Sự tăng trưởng doanh số và lợi nhuận chính là nguyên nhân quan trọng nhất của việc giá cả cổ phiếu tăng.
Nếu bạn chọn lựa để đầu tư vào các cổ phiếu đơn lẻ, và nếu bạn không là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, thực sự không nên đi theo con đường đầu tư giá trị.
Hãy đầu tư vào những công ty phát triển tốt nhất. Mua cổ phiếu của những công ty đang dẫn đầu trong lĩnh vực của nó về doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận biên, và doanh thu trên vốn cổ đông. Những công ty đang bành trướng phát triển thị phần tốt nhất so với những đối thủ cạnh tranh của nó.
Tại sao lại chọn đầu tư tăng trưởng?
Hãy nghe William J. ONeil trình bày quan điểm về việc đầu tư giá trị hay tăng trưởng "Trong cuộc đời kinh doanh của mình tôi đã gặp hàng ngàn nhà đầu tư, tôi chưa hề biết tới một nhà đầu tư không chuyên nghiệp nào, những người có kết quả đầu tư nổi bật, lại sử dụng phương pháp đầu tư giá trị. Tôi biết phải có một vài con người ngoại lệ, nhưng tôi chưa gặp họ bao giờ. Tuy nhiên tôi lại biết hàng tá những nhà đầu tư tăng trưởng mà kết quả kinh doanh thực sự đáng khâm phục, những người trung bình mỗi năm có tỷ lệ lợi nhuận từ 25% tới 50%
thậm chí còn nhiều hơn thế nữa."
Người quản lý tiền bạc của công ty William ONeil + Co., Lee Freestone đã có mức lợi nhuận là 271% vào năm 1998, và trên 100% nửa đầu năm 1999. Năm 1991 lúc mới 25 tuổi anh đã ghi tên mình vào danh sách những nhà đầu tư vô địch toàn nước Mỹ với tài khoản tiền mặt của mình với mức lợi nhuận 279%. Tất nhiên những kết quả như thế phải tới từ những con người tận tâm, thực sự làm việc hết mình mới có thể tạo ra những kết quả khác thường. Tuy nhiên thật dễ chịu khi biết những gì bạn có thể đạt được nếu bạn chịu tiêu phí thời gian, và làm việc theo một phương pháp nghiêm túc.
Thực sự vẫn có một số nhà đầu tư giá trị gặt hái được những thành công với phương pháp của mình, mà tiêu biểu trong số họ là Warren Buffet. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng có được khả năng phát hiện công ty độc đáo, sự nhạy bén đánh giá những đặc quyền của công ty, và sự nhìn nhận chính xác năng lực của những người điều hành công ty như ông.
Giữ cho việc đầu tư đơn giản và dễ hiểu
Khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, tránh những loại đầu tư quá rủi ro
Khi bạn mới khởi sự đầu tư, bạn sẽ được nghe rất nhiều về những cơ hội đầy kích thích có thể tìm kiếm những lợi nhuận khổng lồ. Danh sách những cạm bẫy dành cho những con người đang hồ hởi và cả tin bước chân vào thị trường bao gồm chứng khoán nước ngoài foreign stock, các quỹ đầu tư cố định closed-end funds, chứng khoán giá rẻ low-price stocks, penny stocks, hợp đồng quyền chọn option, hàng giao theo hẹn future, trái phiếu khả hoán convertible bonds, trái phiếu cấp thấp về giá trị junk bond, những loại chứng khoán miễn thuế và các công ty bất động sản. Cũng cần phải coi chừng những công ty bị sàn giao dịch đánh dấu, chúng thường rất nhạy cảm.
Có một quy luật, luôn giữ cho sự đầu tư của bạn đơn giản và dễ hiểu. Mọi thứ sẽ rối tung cả lên, chìa khóa quan trọng để thành công trong đầu tư và cả trong cuộc sống đó là cố làm cho mọi thứ trở nên đơn giản và dễ hiểu. Đồng thời những rủi ro khá lớn là lý do chính để những nhà đầu tư mới hoặc những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên tránh đầu tư vào những thứ đã kể trên.
Khi trong nước của bạn chẳng hề thiếu những công ty xuất sắc tại sao bạn lại đổ tiền vào các công ty nước ngoài. Bạn thực sự hiểu được bao nhiêu về đường lối chính trị cũng như những chính sách kinh tế của một quốc gia xa lạ. Bạn hiểu gì về cơ cấu quản lý thị trường, các công ty bạn định đầu tư cũng như sự vững chắc của đồng tiền của quốc gia ấy.
Rất nhiều quốc gia có một thị trường chứng khoán cực kỳ bất ổn định. Ngay cả những nhà đầu tư thực sự có khả năng cũng không thể thành công trong một môi trường như thế. Bernard Baruch, một nhà đầu tư rất nổi bật của phố Wall đã bị mất khá nhiều tiền bạc vào thị trường Mêhicô. Cho tới bây giờ vẫn còn rất nhiều người đang sa lầy tại Mêhicô và các quốc gia Nam Mỹ.
Rủi ro gắn liền với các quỹ đầu tư cố định là nó thường rớt ngay sau đợt phát hành đầu tiên và được giao dịch dưới giá trị cơ bản của nó. Giá cả của chúng được xác định duy nhất bằng mức cung và mức cầu. Không có gì đảm bảo chúng có thể được bán bằng với giá trị tài sản của chúng. Mức giảm này được duy trì trong vài năm sau đó.
Tại sao không mua những loại cổ phiếu giá thấp?
Những loại cổ phiếu giá thấp - được bán dưới 15$ một cổ phiếu - thông thường hấp dẫn mọi người với một lý do duy nhất: rẻ. Nhưng trong khi nó đang quyến rũ mọi người mua chúng với giá rẻ thì hoạt động tài chính của chúng lại rất kém và chậm chạp so với những loại cổ phiếu khác trong ngành.
Bạn có muốn đặt những đồng tiền kiếm được một cách khó nhọc vào những công ty có chất lượng nghèo nàn hay không? Những tổ chức tài chính lớn sẽ không mua những loại cổ phiếu này, ngoài vì những chỉ tiêu cơ bản kém cỏi còn là vì số lượng cổ phiếu giao dịch của chúng quá mỏng không thích hợp với những khoản tiền khổng lồ của các tổ chức tài chính. Và như chúng ta đã biết, chính những tổ chức tài chính là người làm giá cả dịch chuyển trên thị trường.
Những loại cổ phiếu tốt không bao giờ được bán ở cái giá $2, $4, $6. Không hề có vận may trong những loại cổ phiếu giá thấp này!
Những loại cổ phiếu vài xu penny stocks, cổ phiếu được buôn bán với giá dưới một đôla còn chứa đựng những thứ tồi tệ hơn. Thêm vào những điều đã trình bày ở trên, sự khác biệt giữa giá đặt mua và giá đặt bán ask-bid: giá mà tại đó bạn mua hoặc bán cổ phiếu có thể là một cái bẫy cho những người nhẹ dạ. Hãy tưởng tượng một loại cổ phiếu được niêm ở mức giá 5/8 để mua và 1/2 để bán.
Mặc dù sự cách biệt giữa giá mua và giá bán $1/8 trông không lớn. Nhưng giá chứng khoán phải tăng tới 20% để bạn có thể hòa vốn.
Những quy tắc để xây dựng một danh mục đầu tư hợp lý Bạn nên phân tán rủi ro như thế nào
Hầu hết các nhà đầu tư sẽ khuyên bạn nên đa dạng hoá, chia phần tài sản của bạn ra, điều này có nghĩa là phân chia số tiền của bạn trong nhiều kiểu đầu tư với những tỷ lệ khác nhau. Thực sự nguyên tắc này không sai, nhưng bạn nên đi ngược lại những kiến thức thông thường này, ngay cả khi nó có thể gây ra cho bạn đôi chút lo lắng ban đầu. Copy những gì tất cả mọi người đang nghĩ và làm trên thị trường có lẽ sẽ cho bạn cảm giác yên tâm, nhưng thực sự nó không phải điều đáng làm nhất.
Mục tiêu của bạn không chỉ là hành động đúng, mà còn là kiếm được những khoản lợi nhuận có giá trị khi bạn đúng. Điều này được thực thi một cách tốt nhất
khi bạn nhốt tất cả trứng của bạn trong vài cái giỏ, hiểu biết về chúng rõ ràng, và theo dõi chúng một cách cẩn thận.
Chẳng lẽ không có một chút giá trị nào trong việc đa dạng hoá?
Đa dạng quá nhiều sẽ dẫn bạn tới sự thiếu hụt về kiến thức cũng như trọng tâm về việc đầu tư của bạn. Nếu một người khuyên bạn nên đầu tư 45% vào cổ phiếu, 80% vào trái phiếu, 10% vào chứng khoán nước ngoài, 10% vào quỹ thị trường tiền tệ Money Market Fund - một dạng quỹ hỗ tương đầu tư mở rộng đầu tư vào thị trường huy động vốn ngắn hạn, 5% vào vàng, điều này có thể khiến bạn an tâm hơn nhưng đồng thời việc đầu tư rải rác này sẽ làm loãng đi lợi nhuận của bạn. Có lẽ bạn không nên đầu tư vào vàng, chứng khoán nước ngoài, trái phiếu vì nó sẽ làm sụt giảm lợi nhuận chung.
Đồng thời bạn cũng không thể bỏ tất cả số tiền kiếm được vào một công ty nào đó, cho dù công ty ấy có là Microsoft chăng nữa. Sự sụp đổ của Enron vào cuối năm 2001 cho thấy ngay cả những công ty trông khổng lồ vẫn có thể phá sản như thường. Và bạn hoàn toàn có thể gặp trường hợp thiếu may mắn như thế.
Tốt nhất bạn nên bỏ hết tiền bạc định đầu tư vào vài công ty hàng đầu trong những lĩnh vực khác nhau. Điều này có vẻ như là một sự đa dạng hoá hợp lý hơn.
Như vậy bạn nên sở hữu bao nhiêu loại chứng khoán?
Điều duy nhất muốn nhấn mạnh ở đây là bạn chỉ nên đầu tư tối đa vào năm hay sáu loại cổ phiếu, không có lý do gì để nắm giữ 20 loại cổ phiếu khác nhau, bạn sẽ không thể nắm bắt đầy đủ thông tin về chúng và những loại cổ phiếu hoạt động kém trong nhóm sẽ làm giảm lợi nhuận chung.
Nếu bạn thấy những loại cổ phiếu mới quá tuyệt thì sao?
Với số tiền của mình bạn nên quyết định số cổ phiếu bạn sẽ sở hữu, và đừng vượt quá chúng. Nếu bạn giới hạn là sáu và bạn đã sở hữu đủ số, đừng mua loại thứ bảy, ngay cả khi chúng đang rất quyến rũ bạn.
Nếu cổ phiếu mới quá tuyệt vời, hãy bắt buộc mình bán đi loại cổ phiếu kém hấp dẫn nhất trong sáu cái cũ để thay thế. Bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu bạn tuân thêm điều này.
Cách xây dựng một danh mục đầu tư tốt nhất.
Hãy làm điều này một cách đơn giản, khởi đầu nếu bạn muốn đầu tư $100000 vào năm loại cổ phiếu, mỗi loại sẽ được đầu tư $20000. Bạn không cố gắng mua một số lượng cổ phiếu nào đó, bạn chỉ đầu tư một số tiền đã định cho mỗi loại cổ phiếu.
Nhưng đừng bao giờ quá hồ hởi trong việc mua cổ phiếu, đừng mua cả năm loại cổ phiếu một lần. Hãy thi hành từng bước một, hãy để cổ phiếu của bạn tự chứng minh chúng bằng cách chỉ ra một sự phát triển nào đó trước khi bạn đầu tư 100%
số tiền.
Chiến lược mua các loại cổ phiếu đơn lẻ.
Chỉ mua một nửa trong tổng số tiền $20000 của bạn trong lần mua đầu tiên. Nếu cổ phiếu đi xuống, đừng mua thêm nữa, nếu nó rớt tới 8% so với số tiền mua, bán tất cả chúng đi để cắt giảm thua lỗ.
Nhưng nếu cổ phiếu tăng giá khoảng 2% tới 3% so với giá mua ban đầu, và nếu bạn thấy chúng vẫn đang có những dấu hiệu tốt, mua thêm $6500. Lúc này bạn đã mua hết $16500 trong tổng số $20000 định dành cho cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu tiếp tục tăng khoảng 2% tới 3% nữa, mua nốt $3500 còn lại. Bạn đã thành lập xong vị thế của bạn trong cổ phiếu với tổng số tiền là $20000 trong khoảng thời gian nó tăng giá 5%. Lúc này hãy cho cổ phiếu một ít thời gian và cơ hội để chúng phát triển.
Khái niệm mua thêm những khối lượng nhỏ hơn trong quá trình cổ phiếu tăng giá khoảng 5% từ giá mua ban đầu được gọi là tiến hành mua theo kiểu kim tự tháp. Chỉ mua với chiến lược trung bình tăng, không thi hành chiến lược trung bình giảm. Không bao giờ thêm tiền vào những loại cổ phiếu đang có những kết quả tồi tàn.
Bạn cần biết thêm những gì khi mua cổ phiếu và quản lý danh mục đầu tư của mình?
Bạn nên dùng đồ thị để xác định thời điểm mua bán thêm chính xác. Đừng theo đuổi những loại cổ phiếu đã tăng giá khá nhiều khi chúng đã ở phía bên kia những mô hình cơ bản. Điều này tuy đúng với phương pháp trung bình tăng