CHƯƠNG 3 QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NGUỒN NƯỚC
4.1 Chiến lược quản lý bền vững tài nguyên nước ở các nước đang
4.1.2 Chiến lược quản lý bền vững tài nguyên nước ở các nước đang phát triển
Tài nguyên nước liên quan đến nhiều khía cạnh của sự sống, từ sự sống của hệ sinh thái đến sức khoẻ của con người, từ sự cần thiết thức ăn cho sự tăng dân số trên trái đất đến sự cần thiết cung cấp năng lượng. Và chỉ trong vài năm gần đây sự phức tạp và mối liên quan giữa chúng mới trở nên rõ rệt hơn.
Khi dân số tăng đồng thời kéo theo sự tăng trưởng kinh tế tăng, nhu cầu nước cho con người cũng tăng theo. Để thoả mãn các nhu cầu này cần phải thay đổi các hướng của chu trình thuỷ văn, chuyển nước từ vùng này sang vùng khác, xây dựng thêm hồ chứa để trữ nước cho mùa khô, khai thác để sản xuất điện, bơm nước từ nguồn nước ngầm...
Ngày nay, nhu cầu nước sạch tối thiểu cho con người vẫn còn chưa được đáp ứng, sự nhiễm bẩn nước mặt và nước ngầm ngày càng tăng, sự lây lan bệnh truyền nhiễm gây ra liên quan đến nguồn nước vẫn còn đe doạ con người. Do đó con người cần sự cố gắng để giảm bớt các vấn đề này.
Vì vậy, một số chiến lược chủ yếu được đưa ra để nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước trong các nước đang phát triển như sau (Falkenmark, 1999):
(1) Thu thập và chia sẻ tài liệu về tài nguyên nước
Tài liệu thu thập thông qua vệ tinh hay hệ thống thông tin địa lý hiện nay còn có nghi ngờ. Sự cố gắng cần đạt được như: các số liệu cơ bản về tài nguyên nước cần phải được phổ biến và truy cập dễ dàng cho bất cứ những ai cần đến nó. Các số liệu tài nguyên nước của vùng và các quốc gia cần phải thu thập và chia sẻ cho nhau sẽ là yếu tố quan trọng để quản lý tài nguyên nước. Khi các quốc gia không thỏa thuân chia sẻ số liệu thuỷ thì cần đến một cơ quan trung gian thứ ba có thể là Liên Hiệp quốc hoặc một tổ chức khác để giải quyết.
(2) Kinh tế tài nguyên nước
Nước là tài nguyên hiếm trên thế giới vậy mà cho đến nay vẫn còn coi là hàng hoá không mất tiền, tự do khai thác, bất cứ ai cũng có thể tự do bơm nước hoặc lấy từ nguồn nước ngầm, hoặc lấy nước từ sông, hồ. Chúng ta phải trả tiền để chuyển nước từ chỗ này sang chỗ khác, để sử dụng nước, nhưng chúng ta chưa để ý đến chi phí cơ hội sử dụng nước ở chỗ khác có giá trị hơn. Thêm nữa, làm nhiễm bẩn nước thì không phải trả tiền hoặc rất ít, chi phí môi trường thì không thể đo được từ việc sử dụng nước của con người. Những loài chim, các động vật quý hiếm phụ thuộc vào nước cũng không thể biết nói để nói lên những vấn đề môi trường mà thường thì đối với chúng chỉ có thể là sống hoặc chết. Chỉ cho đến khi giá nước phản ánh đúng giá trị của nó mới có thể thúc đẩy việc sử dụng nước có hiệu quả.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững phải cố gắng áp dụng việc quản lý tài nguyên nước, tính lại giá nước, giảm hoặc hạn chế các trợ cấp chính phủ, đưa ra thị trường kinh doanh nước, cung cấp tiền để để đảm bảo cho các hoạt động của hệ sinh thái.
(3) Luật và quản lý tài nguyên nước
Sự sắp đặt thể chế cho sự phân phối nước có xu hướng phức tạp, hệ thống quản lý tài nguyên nước thường cứng rắn và không có hiệu quả. Luật tài nguyên nước thì thay đổi rất khác nhau giữa các quốc gia. Các chính phủ theo dõi và quản lý tài nguyên nước thông qua các bộ như bộ môi trường, bộ thương mại, bộ nông
nghiệp, tài chính, y tế, thuỷ sản hoặc du lịch. Những khía cạnh bảo vệ và sử dụng nước khác nhau thường được chia ra các cơ quan khác nhau.
Luật nước có thể phân quyền sử dụng nước cho các hộ sử dụng đất ở gần sông, hoặc cho người sử dụng đầu nguồn hoặc thông qua các giấy phép.
Như vậy nhất thiết phải có một khung bộ luật thống nhất cho các địa phương, vùng, quốc gia về quản lý và sử dụng tài nguyên nước. Phải chú ý đến tính linh hoạt của các bộ luật này nhằm giảm các rủi ro và mâu thuẫn về sử dụng tài nguyên nước.
(4) Sử dụng nước có hiệu quả
Tăng hiệu quả sử dụng nước giữa các ngành. Trong các quốc gia công nghiệp hoá, thì có thể giảm đầu tư nước cho thương mại, sinh hoạt. Sử dụng các công nghệ thiết bị dùng để tiết kiệm nước mà không làm tăng chi phí cận biên.
(5) Phát triển các dự án đầu tư tài nguyên nước mới
Một số dự án phát triển tài nguyên nước cần phải được đầu tư của nước ngoài cho các vùng nghèo đói như chống lũ, cấp nước tưới, phát điện là rất cần thiết. Ngoài ra còn đầu tư cho các dự án làm giảm nhẹ tác động môi trường tác động xã hội, đảm bảo tính công bằng cho người hưởng lợi từ dự án.
(6) Giải pháp quản lý tài nguyên nước truyền thống
Ở các nước đang phát triển thì có rất nhiều kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước theo phong tục truyền thống. Các hệ thống công trình địa phương có quy mô nhỏ thường hoạt động có hiệu quả thoả mãn nhu cầu của cộng đồng mà không cần phát triển quy mô lớn. Và quản lý và phát triển tài nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng sẽ nhận được tốt các lợi ích kinh tế sức khoẻ giáo dục. Những giải pháp này thường thay đổi phụ thuộc vào nguồn nước sẵn có, đặc điểm xã hội văn hoá của địa phương, điều kiện khí hậu đất đai, và một số nhân tố khác.
Một số phương pháp có thể áp dụng như: Lựa chọn loại cây trồng phù hợp với nguồn đất và nước hơn là trồng cây xuất khẩu, phát triển mô hình tưới vi mô cho vườn, cũng như loại cây có thể thương mại. Sử dụng ruộng bậc thang cho một số vùng cao có thể tăng năng suất cây trồng. Xây các đập dâng nhỏ có thể tránh các tác động xấu mà vẫn có thể mang lại lợi ích tưới, phát điện, cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Các chính phủ và hội đồng phát triển quốc tế lại thường hay nghi ngờ các phương pháp quản lý truyền thống. Các phương pháp này bị ngăn chặn, điều tra và không nhận được chương trình viện trợ của quốc tế, bị từ chối ủng hộ các dịch vụ về giáo dục và thông tin, và họ thiếu các dự án đầu tư có quy mô lớn.
Tóm lại chúng ta phải khai thác và khuyến khích những hoạt động có quy mô nhỏ để tăng sự hiểu biết, nâng cao cải thiện đời sống của người dân ở những vùng nghèo nhất trên thế giới.
(7) Giảm sự rủi ro và mâu thuẫn liên quan đến nước
Một số mâu thuẫn xảy ra trong khi sử dụng nguồn nước đa quốc gia, vì vậy cần phải có luật và thể chế quốc tế để bảo vệ tài nguyên môi trường. Những tổ chức quốc tế cũng cần được đứng ra giải quyết những mâu thuẫn khi có sự tranh chấp trong việc chia sẻ nguồn nước như là những tổ chức trung gian.
Cuối cùng, nếu các quốc gia nhận biết được lợi ích các hiệp ước được thi hành, các cuộc đàm phán thành công và thực hiện các thoả thuận quốc tế thì sẽ giảm được các rủi ro và mâu thuẫn liên quan đến nguồn nước.
(8) Mục tiêu bền vững
Giữ vững được chất lượng của cuộc sống con người là làm sao cho phù hợp việc sử dụng tài nguyên thoả mãn nhu cầu nguyện vọng của con người, một trong các nhu cầu cơ bản là nước sạch cho cuộc sống. Hiểu rõ sự liên quan giữa nước và các vấn đề khác sẽ giúp ta có được những phương pháp phù hợp và thành công về quản lý bề vững tài nguyên nước.
Sự phấn đấu của chúng ta phải đạt được như loại trừ các bệnh lây truyền theo môi trường nước, đảm bảo nước cần thiết cho sự sống cho hệ sinh thái, tránh các mâu thuẫn liên quan đến nước, và đảm bảo đầy đủ nước sạch cho mọi người trên thế giới.