Nguồn tài nguyên nước tuy dồi dào và phong phú nhưng do nhu cầu dùng nước không ngừng tăng lên, hơn nữa trữ lượng và chất lượng của các nguồn nước đang bị đe doạ nghiêm trọng cho nên bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiện đang là quốc sách của nhiều quốc gia, tiêu chuẩn ngành (TCN) về vấn đề khai thác và bảo vệ nguồn nước.
Để làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên nước cần phải thực hiện tốt những công việc sau đây:
Có kế hoạch ở cấp Quốc gia về bảo vệ và gìn giữ nguồn nước;
Ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng nước nguồn;
Quy hoạch đánh giá trữ lượng nước và quy hoạch khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên nước;
Gìn giữ và phát triển rừng đầu nguồn, xoá bỏ tệ nạn phá rừng;
Xây dựng các công trình xử lý nước thải trước khi trả nước trở lại nguồn;
Nâng cao hiệu quả quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các công trình sử dụng đa mục tiêu.
ở các nước công nghiệp phát triển hàng năm phải bỏ một khoản kinh phí lớn để xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước. ở Mỹ số tiền dành cho việc xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước lên đến 200 tỷ USD năm 1995, ở Đức năm 1990 bỏ ra là 200 tỷ DM.
ở Việt Nam đã ban hành luật môi trường (12/1993). Luật tài nguyên nước đã được Quốc hội khoá X thông qua ngày 20-5-1998 và có hiệu lực từ ngày 1-1- 1999 đã khẳng định nước là một tài nguyên vô cùng quý giá và nhà nước đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng VN mỗi năm để xây dựng các hồ chứa, hàng trăm tỷ đồng cho công tác trông và bảo vệ rừng đầu nguồn và nhiều khoản tiền đầu tư lớn khác cho các dự án nghiên cứu và bảo vệ lưu vực xây dựng các trạm và các nhà máy xử lý nước thải.
Chất lượng nước ở Việt Nam được phân thành 4 loại như sau:
Nguồn loại A: Dùng cho mục đích ăn uống
Nguồn loại B: Dùng cho mục đích sinh hoạt và vui chơi giải trí
Nguồn loại C: Dùng cho mục đích tưới tiêu
Nguồn loại D: dùng cho mục đích nuôi cá
Thành phần và tính chất lý, hoá và cơ học của nước thuộc chất lượng nước đối với mỗi loại nguồn nước nói trên được quy định cụ thể trong các TCVN về chất lượng nguồn nước.
1.5 Ví dụ về sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông Hồng
Việt Nam chia sẻ lưu vực sông Hồng với Trung Quốc. Tổng diện tích của lưu vực là 169 000 km2, trong đó một nửa (87.400 km2, kể cả đồng bằng sông Hồng) nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng bằng có diện tích 17.000km2, chiếm 20% tổng diện tích lưu vực thuộc phần Việt Nam. Sau đây sẽ trình bày nghiên cứu quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước đồng bằng sông Hồng.
1.5.1 Khí hậu và các đặc điểm thuỷ văn của lưu vực
Lưu vực nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Thời tiết ở đây chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa Đông á. Lượng mưa hằng năm chênh lệch từ 1200mm đến 4800mm. Độ chênh lệch này ở khu vực đồng bằng thấp hơn với lượng mưa trung bình khoảng 1740mm. Tuy nhiên, khí hậu theo mùa tồn tại trên toàn lưu vực. Chỉ có 10% lượng mưa trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3, là thời kỳ mùa khô ở lưu vực. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa, trong thời gian này mưa nhiều gấp 15 lần so với mùa khô. Không giống như các lưu vực khác, nhiệt độ trung bình ở lưu vực sông Hồng trong năm chênh lệch nhiều hơn.
Dòng chảy hằng năm của sông Hồng vào khoảng 115 đến 137 tỷ m3 (dòng chảy trung bình vào khoảng 3.600m3/s ở Sơn Tây). Khoảng 40% lượng nước này bắt nguồn từ Trung Quốc. Đây là lưu vực lớn nhất về diện tích, chiếm 16% toàn bộ lượng nước ở Việt Nam, đứng thứ hai sau lưu vực Mê Kông. Sự thay đổi theo mùa của dòng chảy phản ánh sự thay đổi theo phân bố lượng mưa nhưng chậm hơn một chút.
1.5.2 Những ưu thế của lưu vực (a) Đồng bằng đông dân
1/3 dân số Việt Nam sống ở lưu vực sông Hồng. Dân số ở đây khoảng 24 triệu, trong đó 15% sống ở thành thị. Mật độ dân số trung bình là 277 người/km2, nhưng dân số tập trung ở đồng bằng với mật độ khoảng 1000người/km2. Đây là khu vực có nguồn nhân lực trình độ cao với giá lao động thấp.
(b) Nền kinh tế mạnh
Tổng thu nhập quốc dân của đồng bằng chiếm 80% thu nhập của cả lưu vực và chiếm 20% tổng thu nhập quốc dân toàn quốc.Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở đây tăng nhanh. Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong ba trung tâm kinh tế quốc gia.
(c) Nền nông nghiệp mạnh
Nông nghiệp chiếm khoảng 35%, công nghiệp chiếm 24% và các dịch vụ chiếm 41%; tuy nhiên nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất ở các tỉnh, trừ tam giác kinh tế.
(d) Tài nguyên nước phong phú và mạng đường thuỷ rộng lớn
Hệ thống đường thuỷ gần với vùng đất được tưới, vì vậy không có kênh dài và lớn. Tiềm năng về thuỷ điện dồi dào và phân bổ gần khu vực đồng bằng nơi dự kiến có nhu cầu về năng lượng cao.
1.5.3 Cân bằng nước
Phân tích cân bằng nước cho thấy dòng chảy của sông đủ để đáp ứng nhu cầu tưới trước mắt cho tất cả các vụ mùa trong năm.
Ví dụ đập Hoà Bình đóng vai trò chủ chốt trong việc điều tiết dòng chảy mùa kiệt. Điều này có thể thấy rõ đối với dòng chảy trong hai tháng khó khăn nhất trong năm. Trong tháng 1, nhu cầu tưới đạt mức cao nhất là 630m3/s, còn sinh hoạt và công nghiệp cần thêm hơn 30m3/s. Tổng lượng nước cần cung cấp vì vậy khoảng 700 m3/s. Dòng chảy kiệt 85% hạ lưu (vượt qua trung bình trong 26 ngày trong tháng) tại Sơn tây cao hơn nhiều, ở mức 1367 m3/s. Như vậy, nhu cầu về nước chỉ chiếm gần một nửa toàn bộ lưu lượng. Trong tháng 3, lưu lượng dòng chảy của sông ở mức thấp nhất, nhu cầu về nước tưới vào khoảng 260 m3/s. Tổng lượng nước cung cấp lấy từ sông lên khoảng 300 m3/s. 85% dòng chảy hạ lưu bằng 1270 m3/s, tức là gấp 4 lần lượng nước cần cung cấp. Nước tưới chiếm hơn 95% lượng nước sử dụng cung cấp từ sông ở phần hạ lưu của lưu vực. Dòng chảy thường xuyên trong lòng dẫn của sông bảo đảm cho tàu bè qua lại quanh năm.
1.5.4 Lũ lụt - mối đe doạ chủ yếu đối với sự phát triển trong lưu vực
Lưu lượng nước lớn, khí hậu gió mùa và bão thường xuyên khiến lưu vực này khó chống chọi với lũ lụt mạnh là nguy cơ đe doạ môi trường chủ yếu từ xưa đến nay. Cứ mười năm thì có khoảng 15 trận bão đổ bộ vào khu vực bờ biển của lưu vực, gây gió to, mưa bão lớn kèm theo sóng rất cao. Lụt lớn thường gây hậu quả vỡ đê, tiêu nước kém, dồn nước bất hợp lý vào khu trữ nước lụt nhằm bảo vệ các khu kinh tế chủ yếu.
Để chống lụt, đồng bằng này đã được bảo vệ bởi gần 3000 km đê sông và 1500 km đê biển (chống sóng cồn của bão). Theo thiết kế, đập Hoà Bình trên sông Đà có thể giảm mức lụt cao nhất ở Hà nội vào năm 1971 xuống khoảng 1,5 m (từ 14,8 xuống 13,3m). Đây là đập chính có hiệu quả về nhiều mặt ở Việt Nam - có dung tích trữ nước 9,5 tỉ m3, lượng nước trữ thường xuyên là 5,6 tỉ m3, sản xuất khoảng 8 tỉ kwh mỗi năm (cung cấp 40% năng lượng cho hệ thống điện Việt Nam).
Tuy nhiên, độ ổn định của hệ thống đê gây lo ngại vì ba lý do: (1) Đập Hoà Bình giảm mức lụt tối đa nhưng làm tăng khoảng thời gian các đê phải giữ nước ở mức cao, dẫn đến kéo dài sự bão hoà của đê và đe doạ đến độ bền vững của đê;
(2) Hệ thống đê được xây dựng từng đoạn một trong một thời gian dài hàng thế kỷ, độ cao được nâng dần sau mỗi lần lụt lớn, như vậy lòng sông được nâng cao và các đê cũng vậy. Dẫn đến, hệ thống đê ở trong tình trạng cần được sửa chữa và nâng cấp; (3) Nếu hệ thống đê bị vỡ sẽ dẫn đến chi phí tăng cao (World Bank, 1996).
1.5.5 Bảo đảm nước ngầm cấp nước đô thị và nông thôn
Phần lớn các khu vực nông thôn ở vùng đồng bằng này và các thành phố như Hà nội, Hải Phòng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm nội địa để cung cấp cho sinh hoạt.
Do nước ngầm có vai trò sống còn để sử dụng trong lưu vực, cần chuyển sự chú ý từ việc tìm kiếm các tầng ngầm mới sang bảo vệ chất lượng nước ngầm.
Những vấn đề nghiêm trọng về chất lượng nước mặt đã xuất hiện ở những trung tâm công nghiệp và thành thị đông dân, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Quy hoạch tổng thể dự kiến công nghiệp sẽ tăng 11-15%/năm và trong hai thập kỷ sẽ chiếm khoảng 1/2 tổng sản phẩm của lưu vực. Sự tăng trưởng này sẽ chuyển biến từ 15% thành thị trở thành 80% thành thị, đỏi hỏi phải chú ý đến sự ô nhiễm do quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Vì vậy cần sớm có biện pháp bảo vệ chất lượng nước ngầm.
1.5.6 Các chiến lược được khuyến nghị đối với lưu vực
(a) Củng cố hệ thống đê và đầu tư cho hệ thống dự báo, cảnh báo lũ.
(b) Tăng cường khả năng trữ nước:
Bằng các xây dựng các hồ chứa đa mục tiêu, nó sẽ không những mang lại lợi ích nhờ giảm lũ lụt mà còn phát triển thuỷ điện to lớn. Tuy nhiên, có những mối lo ngại về định cư, môi trường và thay đổi bồi lắng của sông. ảnh hưởng môi trường của các hệ thống hồ chứa này cần được xem xét sớm để đầu tư không gây ra những tác động tiêu cực.