2.2. Phân loại các từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết
2.2.1. Phương diện sắc thái biểu cảm - phong cách
Các từ ngữ này có thể được phân chia thành ba nhóm lớn.
2.2.1.1.Những từ ngữ mang màu sắc trung tính
Một số từ ngữ tiêu biểu cho nhóm này: ngã, xế, trăm tuổi, xuống suối, nhắm mắt, tắt thở, tắt nghỉ, đứt bóng, tự tử, tử hình, tử vong, tử trận, theo các cụ, về với ông bà ông vải, nhắm mắt xuôi tay, hai tay buông xuôi, mắt nhắm tay buông,…
Nhóm từ ngữ này được sử dụng rộng rãi, phổ biến với sắc thái trung tính, đời thường.
Thí dụ:
Đầu chị đập vào thành giường rồi ngoẹo xuống ngực, miệng há hốc, hai mắt mở to và lờ đờ. Phăng - tin đã tắt thở.
(V. Huy Gô, Những người khốn khổ) Tắt thở là sự ngừng thở hoàn toàn, không còn biểu hiện của sự sống, được dùng để thay thế cho từ chết. Mục đích là nhằm thông báo về tình trạng đã xảy ra: sự thực là Phăng-tin đã chết, nhưng lại tránh nói một cách trực diện trước cái chết của đối tượng được nhắc tới. Đồng thời nó chỉ ra địa vị, thân phận của một con người bình thường, nhỏ bé trong xã hội và có khả năng nhấn mạnh tới sự kết thúc hoàn toàn mọi biểu hiện của sự sống trong con người đó. Từ này được sử dụng nhiều trong cuộc sống đời thường và mang sắc thái trung tính, không có sự đánh giá tốt - xấu khi thay thế cho cái chết của con người.
Huy Cận từng viết :
Ảo não quá buổi trời chiều vĩnh biệt ! Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết Xin lặng giùm cho nhẹ bớt nỗi cô đơn
Báo tin xấu dẫn hồn người đã xế…
(Huy Cận, Nhạc sầu)
Một loạt các dấu hiệu khiến người đọc liên tưởng đến cái chết: vĩnh biệt, buồn thê thiết, nỗi cô đơn, bóng quạ chập chờn, tin xấu… và cuối cùng kết thúc bằng hình ảnh hồn người đã xế. Từ xế với nghĩa nguyên bản để chỉ sự chếch xuống phía dưới chân trời [11], đã được chuyển nghĩa để chỉ cái chết của con người. Chết ở đây là biểu thị cho sự tàn lụi, sự kết thúc mãi mãi, là một quy luật của tạo hóa mà đời người ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, cái chết hiện hữu rõ ràng với nỗi buồn đầy ảo não, bi thương, đem lại những hình dung về một cái chết đời thường, quen thuộc.
Như chúng ta đã biết, cái chết thường đem lại cho con người cảm giác về sự sợ hãi, nặng nề, là điều mà không phải bất cứ ai cũng có thể chấp nhận được. Chính vì vậy, để nói về cái chết người ta thường liên tưởng đến việc người đó đang ngủ, một giấc ngủ dài và sẽ không bao giờ tỉnh lại. Đó cũng chính là nguyên nhân mà những từ ngữ như: nhắm mắt, mắt nhắm tay buông, hai tay buông xuôi, nhắm mắt xuôi tay…được sử dụng để thay thế cho từ chết. Đây là cách gọi tên dựa vào đặc điểm, tư thế của người chết.
Thí dụ:
Trước lúc nhắm mắt, người đàn bà bất hạnh, nhân hậu đó đã trăng trối lại cậu con trai nhỏ của mình là hãy cố gắng chăm sóc cho bà Phẳng và nhận bà Phẳng làm mẹ, để khi bà có vĩnh viễn ra đi thì vẫn có một người mẹ nữa để chăm sóc…
(Chuyện "cổ tích" mang tên Nguyễn Hữu Ân)
Nhắm mắt là hành động khép hai mi mắt lại và bắt đầu ngủ, nhưng giấc ngủ ở đây là giấc ngủ vĩnh viễn, không bao giờ thức dậy, là giấc ngủ ngàn thu. Việc dùng từ đồng nghĩa để thay thế đã tránh được lối nói trực tiếp khi nhắc đến cái chết, đồng thời cũng gợi lên tâm trạng, tư thế của người chết đó
là sự ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản, theo đúng quy luật của tạo hóa.
Sắc thái ý nghĩa mà từ nhắm mắt đem lại là màu sắc trung tính, đời thường và được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày.
Những câu tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa cũng được sử dụng để thay thế cho từ chỉ cái chết với màu sắc trung tính:
Vì biết phù sinh đời có thế Thông minh, tài bộ, thế gia chi!
Học hành, danh đạt, chung quy hão.
Mắt nhắm, tay buông, giữ được gì?
(Lê Văn Bái)
Hay :
Để được nằm trong bộ áo quan, nghĩa là được chết bình đẳng như những cái chết khác, lão phải vui lòng nhận thêm một sự vất vả khi đã nhắm mắt xuôi tay.
(Nguyễn Khắc Trường, Mảnh đất lắm người nhiều ma).
Rồi chắc ngày sau chết, cũng đến hai tay buông xuôi, chứ đem đi được đồng nào
(Nguyễn Công Hoan, Đi giày).
Một loạt các cụm từ cố định: mắt nhắm tay buông, hai tay buông xuôi, nhắm mắt xuôi tay, được dùng để chỉ sự kết thúc cuộc đời của con người. Đây là tên gọi lấy nguyên nhân, đặc điểm của tư thế để chỉ tính chất, trạng thái của đối tượng. Việc sử dụng những cụm từ cố định này cũng cho thấy rõ tư thế của đối tượng khi đã hoàn thành xong mọi việc của cuộc đời. Vì vậy đây là sự ra đi một cách thoải mái, nhẹ nhàng, không còn bất cứ sự níu kéo hay vương vấn nào. Đó là sự buông xuôi, từ bỏ cuộc sống, cái chết bỏ mặc tất cả mọi thứ
cụm từ thay thế này mang tính hình tượng mạnh mẽ, tác động sâu sắc vào trí tưởng tượng của người đọc về tư thế cũng như tâm lý, trạng thái của con người trước lúc chết. Cách gọi tên dựa vào đặc điểm, tư thế của đối tượng còn cho chúng ta thấy rõ được những quan sát tinh tế và vốn ngôn ngữ phong phú, đa dạng của con người trước những hiện tượng quen thuộc xảy ra trong đời sống.
Các yếu tố Hán Việt thường được sử dụng với mục đích thể hiện sự trang trọng, uy nghiêm, nhưng đôi khi cũng được sử dụng rộng rãi với mục đích thông thường, mang màu sắc trung tính.
Thí dụ:
Nhưng cũng chính trong lúc này, dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và rất ít dấu hiệu suy giảm.
(Cô-Phi An-Nan, Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS) Tử vong là từ đồng nghĩa chỉ cái chết thường được sử dụng riêng trong lĩnh vực y học. Đây là cách gọi tên mang tính chất khoa học nhằm thông báo về cái chết của đối tượng được nói tới. Đồng thời gợi lên nguyên nhân của cái chết là do bệnh tật, tai nạn... và có sự can thiệp của y học. Mục đích của từ đồng nghĩa ở đây chỉ đơn giản là sự thay thế nhằm thông báo về một sự việc, một hiện tượng đã xảy ra trong cuộc sống.
Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn tiêu biểu cho phong trào văn học hiện thực phê phán. Trong các tác phẩm của ông số lượng từ ngữ đồng nghĩa được sử dụng tương đối nhiều với những mục đích khác nhau.
Trong một truyện ngắn ông đã viết:
Nếu tự tử thật, tôi cứ lẳng lặng mà chết, dại gì lại sai người giúp, để việc vỡ lở ra. Tôi chờ thằng Thao đi khỏi, mới lấy bút giấy thảo thư tuyệt mệnh.
(Nguyễn Công Hoan, Tôi tự tử)
Tự tử là từ được dùng để chỉ trường hợp tự giết chính mình và thường được tiến hành một cách lặng lẽ. Khi là từ đồng nghĩa để chỉ cái chết nó nhằm nhấn mạnh vào một vấn đề mang tính chất nghiêm trọng, thu hút sự chú ý của mọi người. Nó chỉ ra nguyên nhân của cái chết là do sự bất mãn của đối tượng trước những sự việc, hiện tượng nào đó trong cuộc đời mà không được thỏa mãn như mong muốn. Giá trị mà từ này đem lại là tạo nên sự quan tâm, chú ý của mọi người trước cái chết của đối tượng được nói tới, một cái chết không đáng có, không theo quy luật của tạo hóa.
Những từ: tử vong, tự tử,..đều đồng nghĩa với từ chết trên phương diện sắc thái, tình cảm trung tính, không có sự đánh giá tốt - xấu. Tuy nhiên mỗi từ ngữ lại có những ý nghĩa khác biệt nhau để làm nổi bật giá trị của những từ đồng nghĩa. Nó không chỉ được dùng với mục đích tránh sự trùng lặp khi diễn đạt mà những từ ngữ này còn thể hiện rõ được sự sáng tạo của người nói, người viết trong việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp với nội dung, hoàn cảnh trong khi giao tiếp.
Nói chung những từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết mang màu sắc trung tính được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến trong hệ thống từ vựng. Những từ ngữ này thường gần gũi, thông dụng và có thể dùng với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, nhằm mục đích thông báo đơn thuần. Điều đó cũng cho thấy sự phong phú về ngôn ngữ, vốn từ vựng và sự sáng tạo độc đáo của con người trong việc lựa chọn và sử dụng từ ngữ.
2.2.1.2.Những từ ngữ mang màu sắc tích cực
Một số từ ngữ tiêu biểu cho nhóm này như: về, đi, tử, mất, khuất, thác, chẳng còn, đi xa, qua đời, yên nghỉ, lên tiên, về đất, từ trần, tạ thế, hy sinh, thăng thiên, quy tiên, xấu số thiệt phận, hai năm mươi, vĩnh viễn ra đi, rời bỏ cuộc đời, đi gặp cụ Các Mác - Lê Nin, ngừng suy nghĩ, từ giã cõi đời, trút hơi
thở cuối cùng, về với núi ngàn, lên đường theo tổ tiên, đoàn tụ ông bà, an giấc ngàn thu,...
Những từ ngữ đồng nghĩa mang sắc thái tích cực này thường là những từ ngữ mang màu sắc kính trọng, có tính chất thiêng liêng, cao cả.
Thí dụ:
Đồng chí đã từ trần hồi 13h30 phút.
Đây là từ đồng nghĩa để chỉ cái chết với màu sắc tích cực, dành riêng cho những đối tượng quan trọng, được nhiều người tôn kính. Cái chết ở đây được hiểu chỉ là sự rời bỏ cuộc sống trần gian, từ bỏ cõi đời, đó là điều mà bất cứ ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Vì vậy, sắc thái mà nó mang lại cho mọi người là một cảm giác nhẹ nhàng, bình tâm khi đón nhận thông tin mà không hề có sự đau đớn, đồng thời biểu thị địa vị xã hội của người đã chết. Từ đồng nghĩa từ trần được sử dụng để thay thế cho cái chết đem lại một không khí trang nghiêm, biểu thị lòng kính trọng của con người khi nhắc tới người đã chết.
Trong các sáng tác văn chương, những từ ngữ đồng nghĩa mang màu sắc tích cực này thường được dùng với mục đích ngợi ca những con người anh hùng sẵn sàng hiến thân cho tổ quốc cho tự do.
Thí dụ:
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh.
(Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc )
Thác là từ cũ được dùng để chỉ cái chết, mang sắc thái trang nghiêm, cổ xưa? Đó là cái chết cho lý tưởng, vinh quang, cái chết biểu thị cho sự dũng cảm, kiêu hùng. Việc sử dụng từ thác để thay thể còn có tác dụng nhấn mạnh, ngợi ca cho cái chết vì mục đích cao đẹp, sự quyết tâm hiến thân mình, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Đồng thời cũng minh chứng cho quan niệm của người xưa trong cuộc chiến chống quân xâm lược: sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, hoặc sống thờ vua, thác cũng thờ vua.
Hy sinh là từ đồng nghĩa với từ chết nhưng lại đem đến một sắc thái hoàn toàn khác biệt :
Chết - hy sinh cho Tổ quốc Hùng ơi Máu thấm đỏ, lời ca bay vào đất Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc .
(Nguyễn Đức Mậu, Nấm mộ và cây trầm) Đó là cái chết tự nguyện hiến thân mình, từ bỏ mọi quyền lợi riêng để cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc và chỉ được dùng để chỉ cái chết cho những người chiến sĩ đã chiến đấu hết mình, có công ơn đới với đất nước. Vì vậy giá trị mà từ đồng nghĩa đem lại ở đây là sự trang nghiêm, đầy thiêng liêng và cao cả. Chết là bất tử, là hóa thân vào non sông, là ghi danh vào lịch sử. Không chỉ vậy nó còn đem đến cảm giác về sự tự hào, sự tôn vinh những người con anh dũng, kiên cường. Chính vì vậy mà cái chết ở đây không còn là sự mất mát, đau thương mà là sự hy sinh cao cả, là âm hưởng hào hùng, là bản trường ca về truyền thống của lịch sử dân tộc và luôn luôn được ngợi ca, trân trọng.
Những cái chết cho Tổ quốc, cho dân tộc có khi lại được diễn tả bẳng thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng mà thấm thía:
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống Vẫn nằm trong tư thế tiến công.
(Chính Hữu, Giá từng thước đất) Nằm xuống là một tư thế ngả toàn thân trên một vật thể nào đó để nghỉ ngơi. Khi thay thế cho từ chết nó không còn đem lại cho người đọc những suy nghĩ về sự chết chóc, đau thương. Đó chỉ là một cách để nghỉ ngơi, thoải mái và thanh thản nhất sau những giây phút chiến đấu mệt mỏi, ác liệt. Từ đồng nghĩa như một phương thức nói giảm, nói tránh để xóa đi những mất mát, đớn
vô nghĩa, chết chỉ là sự nghỉ ngơi để nhường bước cho những thế hệ sau tiếp tục chiến đấu, cống hiến cho dân tộc. Nằm xuống còn nhấn mạnh tới những phần xương máu và công lao to lớn mà những người anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ non sông, đất nước. Chính vì vậy giá trị biểu cảm mà từ này đem lại là sự tác động mạnh mẽ tới thái độ, tình cảm của người đọc về lòng biết ơn, kính trọng đối với những thế hệ cha anh đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt.
Đó cũng chính là những tấm gương oanh liệt nhất để những thế hệ sau tiếp tục noi gương, bước tiếp theo truyền thống anh hùng của dân tộc.
Cái chết là mối đe dọa, luôn rình rập, không báo trước đối với mỗi người lính nơi chiến trường. Chính vì điều đó mà để nói tới cái chết họ thay thế bằng những từ ngữ khác như: về đất, ngã xuống…
Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Quang Dũng, Tây Tiến)
Quan niệm của người lính trước cái chết chỉ là sự hóa thân về đất, trở lại nơi mình đã sinh ra, trở về với đất mẹ thân yêu. Cách nói giảm nói tránh này đã lột tả được hình ảnh về những cái chết ngoan cường, anh dũng, không hề có sự lo âu, sợ hãi. Cái chết là sự biểu hiện của lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc thân yêu, vì vậy nó không hề mang lại cảm giác đau đớn, bi thương mà còn đem đến sự lạc quan cho con người khi đối diện với cái chết.
Qua đây chúng ta cũng cảm nhận thấy được tinh thần, ý chí hào hùng của những người lính cụ Hồ trong cuộc chiến đấu gian khổ và dành cho họ những tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất.
Nhiều khi nhóm từ ngữ đồng nghĩa với từ chết mang sắc thái tích cực này được dùng để thể hiện sự thân thiết, quý trọng với người đã chết và xem cái chết như một cuộc nghỉ ngơi yên tĩnh. Chết được hiểu là thời gian sống ở thế giới này đã hết, đã đến lúc phải ra đi đến một thế giới khác, vì thế người ta
sử dụng những từ ngữ đồng nghĩa để thay thế: mất, khuất, về, qua đời, yên nghỉ,…
Hoàng Cầm từng viết:
Mẹ hiền tôi đã khuất Nhưng trước khi nhắm mắt Mẹ mừng cho đàn con.
(Đêm liên hoan)
Khuất là từ được dùng để chỉ một vị trí bị che lấp, không nhìn thấy [11]
và được chuyển nghĩa để chỉ cho cái chết. Khi dùng từ đồng nghĩa như vậy người đọc không hề cảm nhận thấy sự đau thương, xót xa trước cái chết của người mẹ hiền. Cái chết ấy chỉ là một sự di chuyển đến một địa điểm, một thế giới khác mà mọi người không còn nhìn thấy, không thấy được sự tồn tại và hiện diện của họ trong cuộc sống.Việc sử dụng từ đồng nghĩa để thay thế cho cùng một khái niệm chỉ cái chết đã đem lại sắc thái phù hợp để tránh đi sự mất mát, xót xa trước sự kết thúc cuộc đời của một con người. Hơn nữa nó còn cho thấy tình cảm yêu mến, lòng biết ơn và kính trọng của con đối với mẹ. Chính vì vậy mà cái chết chỉ được xem như một sự lùi xa, lui về với một chốn yên tĩnh để nghỉ ngơi, tránh xa mọi sự vận động của cõi đời trần tục, chết nhưng vẫn luôn tồn tại trong tâm tưởng của mỗi người con.
Để giảm bớt sự xót xa, đau đớn khi nói về cái chết người ta thường tìm đến những từ ngữ mang tính chất an ủi: hai năm mươi, xấu số thiệt phận...
Thí dụ:
Bà tôi cười mỉa, đẩy ra: Chết, tôi đã hai năm mươi đâu mà ông cho chiếu bó .
(Ma Văn Kháng, Côi cút giữa cảnh đời) Hai năm mươi là cách nói quen thuộc, để chỉ cái chết mà chúng ta vẫn