2.2. Phân loại các từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết
2.2.3. Sự phân hóa ngữ nghĩa của dãy từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết
Đối với các đơn vị định danh trực tiếp: nội dung ngữ nghĩa của các từ đồng nghĩa chỉ cái chết chủ yếu khác nhau về trạng tố (trạng thái, cách thức, mức độ, nguyên nhân, mục đích, địa điểm, thời gian…). Sự khác biệt này giữa các từ ngữ đã được thể hiện tường minh ngay trong hình thái bên trong của chúng với tư cách là những đặc trưng thể hiện ngay ra bên ngoài được lấy làm đại diện cho hành động.
Cụ thể, những từ đồng nghĩa chỉ cái chết trong tiếng việt cùng được dùng để biểu thị khái niệm người hay vật không còn sống nhưng mỗi từ lại có sắc thái ý nghĩa riêng biệt, với những cách thức, dạng thái khác nhau. Theo đó có những từ ngữ: đột tử, chết non, chết yểu, chết đuối, chết chìm, tử tiết, chết băm, chết bất tử, chết cả đám, chết cả nút, chết cháy, chết cứng, chết đói, chết
đứng, chết mất xác, chết trận, chết ngạt, chết ngắt, chết ngóm, chết nhăn răng, chết oan, chết rấp, chết rũ, chết rục xương, chết sặc gạch, chết sình, chết thảm, chết thẳng cẳng, chết tức tưởi, chết tươi, chết vinh…
Cùng biểu thị cái chết nhưng những thành phần trạng tố khác nhau lại đem lại sự phân hóa ngữ nghĩa khác nhau của dãy từ đồng nghĩa chỉ cái chết.
Chẳng hạn như:
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội Chết vội vàng dọc theo biên giới.
(Trịnh Công Sơn, Tình ca của người mất trí) Chết trận là chết ngoài mặt trận, chết vì nhiệm vụ, cho lý tưởng anh hùng. Vì vậy nó đem đến cho người đọc một hình dung rõ nét về mục đích của cái chết, đó là sự thiêng liêng, cao cả. Đồng thời người đọc cần có thái độ trân trọng và biết ơn những cái chết vì mục đích cao quý như vậy. Trong khi đó chết vội vàng lại là cách định danh khác chỉ trạng thái, cách thức của cái chết, rất nhanh, rất vội vã. Nó gợi lên hình ảnh về những cái chết đầy bi thương, thiếu thốn trong hoàn cảnh đặc biệt. Từ đó gợi lên sự đồng điệu, xót xa và thương cảm đối với người nghe, người đọc.
Các đơn vị định danh trực tiếp có thể chỉ ra nguyên nhân của cái chết, thí dụ như: chết cóng, chết đói, chết ngạt…
"Rét tháng ba bà già chết cóng"
(Tục ngữ)
Chết cóng là cái chết vì không chịu được cái lạnh, sự giá buốt. Nguyên nhân dẫn đến cái chết là do thiếu thốn và bất hạnh trong thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên. Vì vậy nó đem lại cho người đọc những hình dung về một cái chết đầy thương cảm, xót xa.
Có khi thành phần trạng tố lại chỉ ra trạng thái của cái chết:
- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi rồi ông đền mạng.
(Nguyễn Công Hoan, Răng con chó của nhà Tư Sản) Chết tươi là chết ngay lập tức trong lúc còn đang khỏe mạnh, sung sức.
Cách định danh trực tiếp với thành phần trạng tố đi sau đã đem đến hình ảnh về một cái chết nhanh, đột ngột, đau đớn mà lẽ ra không đáng có. Sắc thái mà từ ngữ đem lại đó là cảm giác hoang mang, sợ hãi và đáng thương trước một trạng thái như vậy. Đồng thời làm nổi bật thân phận thấp khém, nhỏ bé và đau khổ của người đã chết.
Ca dao có câu :
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma Cà cuống uống rượu la đà Chim ri ríu rít bò ra chia phần.
Thành phần trạng tố thay đổi lại dẫn đến sự phân hóa ngữ nghĩa khác nhau giữa nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết. Chết rũ là trạng thái chết gục xuống, thời gian chết kéo dài mà chưa được chôn cất. Cách dùng trạng thái để biểu thị khái niệm chết, tác động mạnh mẽ khiến người đọc có thái độ xót thương trước cái chết đầy xót xa, tội nghiệp. Không chỉ vậy nó còn tạo nên tính hình tượng, sự liên tưởng sâu sắc đến những cái chết đáng thương, bi ai.
Mức độ của cái chết cũng được chỉ ra rõ ràng thông qua những từ ngữ định danh trực tiếp.
Thí dụ:
Lão ta đã chết ngóm
Chết ngóm biểu thị cái chết ngay lập tức, chết hẳn và không còn một chút biểu hiện của sự sống. Đó là sự biểu thị tới mức tận cùng khi kết thúc cuộc đời con người và mang sắc thái khinh bỉ, coi thường khi có tính chất
đồng hóa con người với loài vật. Cách nói này mang tính thông tục, khẩu ngữ, thường được sử dụng trong đời sống và thường mang hàm ý khinh bỉ, coi thường.
Sự khác biệt về trạng tố chỉ thời gian cũng đem lại ngữ nghĩa khác nhau cho nhóm từ ngữ đồng nghĩa định danh trực tiếp :
Máu đã khô rồi thơ cũng khô Tình ta chết yểu tự bao giờ
(Hàn Mặc Tử, Trút linh hồn)
Chết yểu là cái chết khi còn ít tuổi, cái chết với đầy sự thương cảm, xót xa, đem đến những suy nghĩ, những dự cảm về cuộc đời ngắn ngủi, bất an. Từ đồng nghĩa định danh trực tiếp này đã tác động sâu sắc tới thái độ, tình cảm xót thương của con người khi nhắc đến một cái chết đầy bất hạnh với cuộc sống ngắn ngủi của người đã chết.
Như vậy, tùy theo những thành phần trạng tố khác nhau mà những từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết trong nhóm định danh trực tiếp lại có những sắc thái ngữ nghĩa khác nhau. Điều này đã góp phần tạo nên sự phong phú cho hệ thống từ đồng nghĩa chỉ cái chết nói riêng và trong hệ thống ngôn ngữ nói chung.
Tuy nhiên, các thành phần trạng tố trong ngữ nghĩa của từ ngữ có khi không được thể hiện tường minh bằng hình vị như trên mà chỉ hàm ẩn trong cấu trúc nghĩa của từ. Chẳng hạn như: hy sinh, bỏ mình, bỏ xác, bỏ thây, chầu Diêm Vương, tạ thế, từ trần…
Thí dụ:
Công chúa Ha - ba - na đã hy sinh anh dũng, thanh kiếm vẫn cầm tay.
(Truyện cổ Cu Ba)
Yếu tố ngữ nghĩa của từ đồng nghĩa chỉ cái chết ở đây không được biểu
hàm ẩn bên trong thông qua từ hy sinh. Đó là cái chết tự nguyện, hiến thân mình cho nghĩa vụ, lý tưởng cao cả. Nó không chỉ khiến người đọc liên tưởng đến tư thế, hình tượng cao quý của người anh hùng mà còn tỏ rõ thái độ khâm phục, kính trọng với người đã chết. Đó là cái chết của những con người cao quý, vì mục đích, lý tưởng cao đẹp nên cần có thái độ biết ơn và ghi nhớ công lao của người đã chết.
Dù không thể hiện một cách tường minh, nhưng ẩn chứa bên trong mỗi từ ngữ đồng nghĩa đó lại là những sắc thái ý nghĩa khác nhau. Đó có thể là những cái chết vì một cái gì đó cao quý (Bỏ mình), chết một cách trang trọng (tạ thế, từ trần); hay có thể là những cái chết nhục nhã, đáng khinh (bỏ xác, bỏ thây)… Nhưng tựu chung lại những từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết đều ẩn chứa những đặc điểm, nguyên nhân, trạng thái, mục đích khác nhau và tạo nên sự phong phú, đa dạng trong việc định danh sự vật, sự việc.
Như vậy, có thể dựa vào sự khác biệt về hình thái bên ngoài của từ ngữ và trạng tố để chỉ ra sự khác biệt về nội dung, sự phân hóa ngữ nghĩa của dãy từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết. Nhìn chung, trong nhóm đơn vị định danh trực tiếp về cái chết, các từ ngữ thường có nội dung nghĩa hẹp hơn so với ý nghĩa của từ trung tâm - từ chết.
Đối với các từ định danh gián tiếp: Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự khác biệt ngữ nghĩa của chúng chủ yếu là ở mức độ rộng - hẹp của ý nghĩa.
Nếu như sự khác biệt về mức độ rộng - hẹp của ý nghĩa các đơn vị định danh trực tiếp chủ yếu liên quan đến các trạng tố thì sự khác biệt về mức độ rộng - hẹp ý nghĩa của các từ ngữ thuộc kiểu định danh gián tiếp thể hiện chính ở sự khác biệt về phạm vi ngoại diên của khái niệm chủ thể được nói tới. Cụ thể:
Có những từ ngữ có thể được sử dụng chung cho cả người lẫn động thực vật, hoặc vật nào đó. Trong khi đó có những từ ngữ chỉ dùng cho con người.
Trong phạm vi khảo sát của khóa luận này chúng tôi tập chung tìm hiểu
những từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết của con người, và bao gồm cả những từ đồng nghĩa đồng hóa cả con người và con vật.
Những từ ngữ đồng nghĩa với từ chết chỉ được dùng cho con người: về, ngã, xế, đi, lên tiên, trăm tuổi, về trời, xuống suối, nhắm mắt, tắt thở, tắt nghỉ, đứt bóng, tử trận, lên đường theo tổ tiên, lên thiên đường…
Đây đều là những từ ngữ được sử dụng cho con người chứ không được sử dụng để chỉ cho các loại cây, con vật, hay một vật gì đó.
Thí dụ:
Bác đã lên đường theo tổ tiên Mác - Lê Nin, thế giới người hiền.
(Tố Hữu, Bác ơi)
Lên đường theo tổ tiên là từ ngữ đồng nghĩa chỉ được sử dụng để chỉ cái chết của con người. Cái chết thể hiện quan niệm - chết là sự chuyển dời đến một vị trí mới, là trở về sum họp với ông bà, tổ tiên, những người đã khuất. Vì vậy việc sử dụng từ ngữ đồng nghĩa thay cho cái chết đã đem lại suy nghĩ nhẹ nhàng, thoái mái trước sự ra đi của con người, không gây cảm giác bi thương, đau xót.
Cái chết của con người còn được hiểu là thời gian sống ở thế giới này đã hết, phải ra đi đến một thế giới khác :
Lượng con ông Độ đây mà... Rõ tội nghiệp về đến nhà thì bố mẹ chẳng còn .
(Hồ Phương, Thư nhà ).
Chẳng còn đồng nghĩa với đã chết, không còn tồn tại trên thế giới. Cách nói ấy biểu thị cái chết của con người mang lại tình cảm nhớ thương, tiếc nhớ người đã mất. Đồng thời khẳng định cho sự mất đi một điều quý giá nhất cảm giác trống vắng, hụt hẫng bao trùm. Những từ ngữ đồng nghĩa chỉ được sử
dụng để chỉ cái chết của con người, thông qua đó bày tỏ thái độ, tình cảm của người còn sống đối với người đã chết.
Những từ ngữ này không thể được dùng để biểu thị cái chết của đối tượng không phải là con người, bởi người ta không thể nói :
Cây lúa đã lên đường theo tổ tiên Hay:
Con trâu đã lên thiên đường.
Cách nói như vậy là hoàn toàn phi lý, trái với logic thông thường và vô hình chung đồng hóa tất cả con người với loài vật ngay cả trong những trường hợp không chính đáng. Điều này cũng không phù hợp với đặc điểm văn hóa tư duy của người Việt trong cách định danh, gọi tên sự vật, sự việc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định thì những từ ngữ đồng nghĩa được dùng để chỉ cho cả cái chết của con người và của động vật, nhưng không dùng cho thực vật: ngoẻo, ngỏm, ngủm, toi, tạch, tèo, ngã, rũ xương, đi toi…
Thí dụ:
Hắn đã rũ xương lâu rồi.
Hoặc:
Một con gà nữa đã ngoẻo tối hôm qua.
Đây đều là những từ ngữ mang sắc thái thông tục, khẩu ngữ. Nếu để chỉ cái chết của con vật thì nó hoàn toàn hợp lý, chính xác nhưng khi chỉ cái chết của con người thì lại nhằm mục đích thể hiện sự coi thường, thái độ khinh bỉ và mỉa mai. Cái chết ấy lại cho thấy sự đáng thương, nhục nhã của những đối tượng hèn kém, vô nghĩa trong xã hội.Việc sử dụng từ ngữ chỉ cái chết của con vật để thay thế cho cái chết của con người có nghĩa là con người đã bị đồng hóa với loài vật, là đối tượng bị đem ra để phê phán, giễu cợt.
Trong số những từ ngữ dùng để chỉ cái chết của con người lại có những từ ngữ có thể được dùng một cách rộng rãi, phổ biến cho mọi lớp người, mọi lứa tuổi, như: mất, khuất, lìa, qua đời, thất lộc, tắt thở, nhắm mắt, ra đi, xuống suối vàng, …
Thí dụ:
Tôi kể u tôi đã mất rồi; cửa nhà còn có một mình tôi.
(Nguyễn Bính) Hoặc:
Anh ấy mất đã mấy năm nay.
Mọi lứa tuổi, giới tính, giai cấp... đều có thể sử dụng những từ ngữ này để chỉ cái chết.
Song lại có những từ ngữ chỉ được dùng cho một tầng lớp, một loại người nhất định. Chẳng hạn như: tạ thế, từ trần, quy tiên, thăng thiên, yên nghỉ, hy sinh, băng hà…được dùng để chỉ cái chết của những người có tuổi, đối tượng được được mọi người quý trọng, tôn kính hoặc nhừng người thuộc tầng lớp có địa vị, có công lao trong xã hội.
Thí dụ:
Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non Xin chớ vô tình với người hy sinh Trên mảnh đất quê mình.
(Tân Huyền, Cỏ non thành cổ)
Như vậy, xét về phương diện ngữ nghĩa các từ trong nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết trong tiếng Việt có sự khu biệt tinh tế và cụ thể, rõ ràng.
Cùng một khái niệm, một đối tượng nhưng tùy mục đích giao tiếp mà con người lại sáng tạo ra những tên gọi khác nhau để nói lên những khía cạnh khác nhau trong nội dung thông điệp của mình.
2.3. Nguyên nhân dẫn đến sự phong phú, đa dạng của các từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phong phú, đa dạng của nhóm từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết. Trong đó phải kể đến một số nguyên nhân cơ bản và quan trọng sau :
Trước hết, đó là nguyên nhân xã hội - hiện tượng kiêng kị (tabu). Đây là một trong những hiện tượng phổ biến đối với nhiều dân tộc trên thế giới khi nói về cái chết nói riêng và những hiện tượng khác trong xã hội nói chung. Ở Việt Nam, khi biểu thị sự chết chóc người ta cũng phải dùng đến những uyển ngữ kiểu như: yên nghỉ, thác, qua đời, trăm tuổi, hai năm mươi, về nơi chín suối.. nhằm kiêng kị và tránh đi những cảm xúc về sự chết chóc, không hay.
Chẳng hạn như :
Hôm qua còn nằm bên tôi
Sáng nay anh đã về nơi suối vàng.
(Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù) Cụm từ về nơi suối vàng thay thế cho từ chết để tránh đi cách nói trực tiếp về sự chết chóc, giảm đi sự xót xa, mất mát. Đồng thời cũng thể hiện thái độ trân trọng, tình cảm yêu mến và cầu mong cho người chết được yên nghỉ một cách thoải mái, thanh thản.
Nguyên nhân quan trọng hơn đó là do nhu cầu giao tiếp của con người về những khía cạnh khác nhau của một khái niệm. Nếu như hiện tượng kiêng kị làm nảy sinh các uyển ngữ là các từ đồng nghĩa gần như tuyệt đối thì nguyên nhân này lại làm xuất hiện những đơn vị chỉ gần nghĩa với nhau mà thôi.
Sự phong phú, đa dạng của nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết trong tiếng Việt còn xuất phát từ sự hiểu biết những phong tục tập quán, vốn sống, vốn từ ngữ đầy sáng tạo, độc đáo của người Việt Nam. Nhu cầu thể hiện những sắc
thái thẩm mĩ, tình cảm của mỗi người là khác nhau, do đó con người tìm những cách diễn đạt khác nhau để có thể truyền tải đầy đủ được những thái độ, tư tưởng, tình cảm của mình trước một hiện tượng của xã hội. Do đó cùng biểu thị khái niệm chết nhưng lại có nhều cách thể hiện, nhiều từ ngữ khác nhau, tạo nên những nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết mang màu sắc trung tính, kính trọng, hay khẩu ngữ, thông tục.
Thí dụ:
Quy tiên: chết theo quan niệm của đạo giáo là lên cõi cực lạc, nơi ở của các vị tiên. Đó là cái từ đồng nghĩa thể hiện sự kính trọng đối với người đã chết.
Về cõi vĩnh hằng: biểu thị cái chết theo quan niệm của đạo Thiên Chúa, đó chỉ là cái chết về thể xác còn linh hồn là sự bất diệt.
Hai tay buông xuôi: là tư thế của người chết khi đã xong việc đời, không còn gì để nuối tiếc. Cái chết được định danh dựa vào đặc điểm, tư thế của đối tượng và được sử dụng phổ biến, mang màu sắc trung tính, đời thường, không có sự đánh giá tốt - xấu.
Bỏ xác, bỏ thây: chết một cách nhục nhã, đớn hèn. Vì vậy sắc thái tình cảm ở đây là sắc thái thông tục, mang tính chất tiêu cực, thể hiện sự là khinh bỉ, coi thường.
Sự kiêng kị, tránh trùng lặp trong cách diễn đạt cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự phong phú và đa dạng của nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết trong tiếng Việt. Đồng thời cũng đã cho chúng ta thấy được phần nào sức sáng tạo mạnh mẽ và không ngừng trong đặc điểm sử dụng vốn từ vựng, ngôn ngữ của con người.
Trên đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tạo nên sự phong phú, đa dạng của nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết nói riêng và trong