2.2. Phân loại các từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết
2.2.2. Xét theo phạm vi sử dụng
Dãy đồng nghĩa chỉ cái chết có sự khu biệt về phạm vi xã hội. Điều này có nghĩa là một số tầng lớp nhất định đã có những lối nói riêng, tạo ra những lời nói riêng biệt. Rõ ràng ở đây là có sự chi phối của nhân tố xã hội đến ngôn ngữ. Vậy nhân tố đó là gì? Những nhân tố xã hội này có vai trò như thế nào?
Trước hết, nhân tố ấy chính là tôn giáo. Những người theo tôn giáo khác nhau thường có lối nói riêng theo quan điểm triết lý tôn giáo của mình.
Điều đó đã tạo ra những cách nói khác nhau, góp phần tạo nên sự phong phú của ngôn ngữ thể hiện qua việc sử dụng các từ đồng nghĩa.
Ở Việt Nam, hai tôn giáo lớn nhất đó là Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
Cùng để chỉ cái chết thì giữa hai tôn giáo này lại có cách nói, cách sử dụng từ ngữ khác nhau. Cụ thể :
Phật giáo sử dụng những từ ngữ đồng nghĩa để nói tới cái chết: tịch, viên tịch, tịch diệt, chầu Phật, lên cõi Niết Bàn, đi Tây Phương,về nơi chín suối, về trời, quy tiên, hóa kiếp, mãn phần, về miền cực lạc, trở về với cát bụi, không còn cảm thấy đau đớn, thoát khỏi bể khổ, được giải thoát…
Thí dụ:
Đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang, Viện trưởng tu viện Nguyên Thiều (Bình Định) đã thu thần viên tịch lúc 13h15 phút ngày 5/7/2008.
(Nhật Nam, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã viên tịch)
Viên tịch là từ được dùng riêng để chỉ cái chết của những người tu hành trong đạo Phật. Đó là cái chết lặng lẽ, nhẹ nhàng được hóa kiếp sang một thế giới khác là sự rời bỏ cõi đời để vươn tới thành tựu ở cõi Niết bàn. Sắc thái mà nó đem lại là sự trang trọng, lịch sự và tôn kính. Đồng thời cho người đọc thấy được vị trí, chức danh, địa vị của người đã chết trong lòng nhân dân, đất nước.
Theo triết lý đó, chết là được xem là sự hóa kiếp, được siêu thoát thì những người tu hành coi cái chết thật nhẹ nhàng, là sự trở về với nơi mình đã sinh ra:
Cái phù du của đời người nó nhắc nhở một ngày nào đó ai cũng trở về với cát bụi.
(Trúc Chi, Về một tâm hồn nghệ sĩ )
Trở về với cát bụi là cụm từ đồng nghĩa với từ chết. Việc sử dụng để thay thế cho khái niệm sự kết thúc cuộc đời con người đã cho chúng ta thấy rõ được quan niệm của nhà Phật về cái chết. Triết lý của đạo Phật cho rằng: con người được tạo thành bởi năm yếu tố là đất, nước, gió, lửa và không khí. Nhìn chung, con người có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên và đến lúc chết con người lại trở về với thiên nhiên, lại trở thành cát, thành bụi như hồi mới được sinh ra. Vì vậy để biểu thị cái chết nhưng không khiến người ta hình dung tới sự chết chóc, bi thương mà nó thể hiện được đúng quan niệm của người theo đạo Phật về cái chết thân cát bụi lại trở về với cát bụi, chết là để hóa kiếp, là sự luân hồi ở kiếp sau, là quy luật vĩnh hằng của tạo hóa.
Trong kinh Phật cũng dạy: cuộc đời là bể khổ, khi con người chết đi có nghĩa là những đau khổ đó không còn nữa. Tư tưởng ấy đã ảnh hưởng đến việc sử dụng từ ngữ đồng nghĩa để chỉ cái chết:
Nước biển ép vào người cô càng lúc càng mạnh dần, như muốn xuyên thủng cơ thể. Nhưng cô không còn cảm thấy đau đớn nữa. Xung quanh cô chỉ có một màu đen. Thế giới đã biến mất.
(Nguyễn Thị Hằng Anh, Trở về)
Cảm thức về cái chết không còn tồn tại, không có sự hiện diện, không hề có sự xót xa, giằng xé hay đau đớn. Giá trị mà cụm từ đồng nghĩa không còn cảm thấy đau đớn nữa đem lại là giảm đi nỗi đau đớn, sự sợ hãi trước cái chết và cho thấy sự thanh thản, thoải mái cho người ra đi. Hơn nữa nó đã minh chứng cho quan điểm, cách nhìn nhận của người theo đạo Phật về cái chết:
chết là sự giải thoát hết mọi sự đau khổ ở cõi đời, là để đến với thế giới của tương lai không còn những muộn phiền, khổ đau.
Văn hóa của người Việt chịu ảnh hưởng lớn từ đạo Phật. Theo triết lý của nhà Phật thì cuộc đời này là vô thường, con người có sinh ắt có tử. Cái đích cuối cùng mà con người cần hướng tới đó là sự giải thoát, là thành tựu ở cõi Niết Bàn. Tư tưởng này cũng ảnh hưởng sâu sắc tới việc sử dụng những từ đồng nghĩa để diễn tả cái chết.
Thí dụ:
Tôi đâu có biết rằng, Đọt chưa được về nơi chín suối. Càng không hề biết được, từ giờ phút đó cho đến hết đời, đồng chí Đọt của tôi tuyệt nhiên không có một giây phút yên lòng.
(Xuân Đức, Bến đò xưa lặng lẽ)
Về nơi chín suối đó là về nơi mà con người sẽ trở về khi chết đi, là quan niệm, cách suy nghĩ theo tín ngưỡng, sự mê tín của người Việt. Theo đây, khi con người chết đi, phải trải qua rất nhiều khổ nạn để có thể đến được nơi yên nghỉ cuối cùng - nơi chín suối. Đây sẽ là nơi mà người chết đi sẽ được yên nghĩ mãi mãi, sống một cuộc sống mới thanh thản và nhẹ nhàng. Cụm từ đồng nghĩa không chỉ cho người đọc thấy được quan niệm, nét văn hóa trong tư
duy của người Việt về cái chết mà còn khẳng định một sắc thái kính trọng, sự cầu mong cho người đã chết được siêu thoát, an nghỉ mãi mãi ở thế giới của tâm linh.
Khác với Phật giáo, Thiên Chúa giáo lại dùng những từ ngữ để thay thế cho cái chết: chầu Chúa, chúa gọi, về nơi nước Chúa, hiến linh hồn cho chúa, tử vì đạo, lên Thiên Đàng, về cõi vĩnh hằng…
Theo người phương Tây con người là sản phẩm của Thượng đế và khi chết đi được lên Thiên Đàng là con người đã trở lại tình trạng trước khi sa ngã. Chính vì quan niệm này mà cụm từ lên thiên đường được chuyển nghĩa để chỉ cái chết của những con người theo đạo Thiên Chúa giáo :
Giá mà được chết đi một lúc
Chắc bình yên hơn một giấc ngủ dài.
Nếu được xuống địa ngục thì càng tốt Lên thiên đường chắc chả gặp ai.
(Nguyễn Thế Hoàng Linh, Giá mà được chết đi một lúc ) Lên thiên đường là sự di chuyển đến một vị trí mới cao hơn, nơi mà những linh hồn không phạm phải những sai lầm, tội lỗi được hưởng cực lạc sau khi chết. Đây là cụm từ đồng nghĩa với cái chết chỉ được sử dụng trong phạm vi của những người theo đạo Thiên chúa giáo. Cách dùng từ ngữ đồng nghĩa để thay thế đã không đem lại những hình dung của con người về cái chết mà chỉ là sự thay đổi môi trường sống, đến với một thế giới tốt đẹp hơn.
Đó là thế giới không có những tội lỗi và sa ngã, nơi mà tất cả các con chiên đều muốn hướng tới để luôn giữ được linh hồn trong sáng, cao đẹp. Không chỉ vậy, sắc thái của từ ngữ này đem lại cũng thể hiện sự trân trọng, sùng kính đối với một tôn giáo được nhiều người hướng tới. Đồng thời tạo ra được một cách suy nghĩ tích cực hơn về cái chết, cần phải có sự phấn đấu, gột rửa linh
Theo Thiên chúa giáo, con người chết đi chỉ là chết về phần thể xác còn linh hồn họ vẫn còn ở trên cõi đời này. Đây chính là nguyên nhân mà cụm từ về cõi vĩnh hằng được xem là từ ngữ đồng nghĩa với từ chết:
Con biết mẹ con yêu thơ lắm Nuốt nỗi đau thương lệ ứa tràn Con viết bài thơ con liệm Mẹ Tiễn Mẹ đi về cõi vĩnh hằng.
(Phùng Quán, Thơ vĩnh biệt Mẹ) Về cõi vĩnh hằng là sự di chuyển đến một thế giới khác, thế giới của sự tồn tại mãi mãi. Đó cũng chính là trở về với nơi con người đã sinh ra, đã đến với cuộc sống này. Theo đây, chết không phải là sự kết thúc hoàn toàn theo quy luật của tự nhiên mà đó chỉ là sự ngừng mọi hoạt động về thể xác còn linh hồn vẫn còn tồn tại bất biến theo thời gian. Vì thế cụm từ đồng nghĩa thay thế cho cái chết này đã góp phần an ủi, giải tỏa bớt những đau buồn cho linh hồn người đã mất. Hơn nữa, nó còn thể hiện rõ tình cảm nhớ thương, thái độ trân trọng, yêu mến của người ở lại đối với người ra đi, dù chết nhưng họ vẫn luôn hiện diện, tồn tại trong suy nghĩ, trong thế giới tâm tưởng của người thân.
Những từ ngữ đồng nghĩa khác như: về nơi nước chúa, tử vì đạo, hiến linh hồn cho Chúa,…đã góp phần thể hiện một sắc thái riêng khi nói về cái chết của những người theo đạo Thiên Chúa. Cái chết ở đây hoàn toàn không hề có sự đau đớn hay nuối tiếc mà đó là sự tự nguyện, hiến thân mình cho lý tưởng đạo giáo để đến một nơi tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Những từ đồng nghĩa này không chỉ cho thấy sự phong phú, sáng tạo của con người trong cách sử dụng ngôn ngữ mà còn cho thấy rõ thái độ, tư tưởng và quan niệm về cái chết của những người theo đạo giáo nói riêng và những người trong từng phạm vi xã hội khác nhau.
Ngôn từ có khả năng chuyên chở cả thái độ, tình cảm của người nói, vậy nên để nói về cái chết trong tiếng Việt lại có rất nhiều từ đồng nghĩa để thay thế. Nó có thể được phân loại theo tôn giáo, giai tầng, chức nghiệp của người đã chết, hay tình cảm, thái độ của người còn sống đối với người đã chết. Do vậy, nhân tố thứ hai ảnh hưởng tới việc lựa chọn, sử dụng từ ngữ đồng nghĩa để chỉ cái chết là do sự phân chia giai tầng trong xã hội.
Để chỉ cái chết của các vị vua chúa ngày xưa người ta dùng từ băng hà để thay thế.
Thí dụ:
Trạng chết chúa cũng băng hà Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ chôn.
(Tục ngữ)
Từ băng hà là một yếu tố Hán Việt với nghĩa gốc là để chỉ ''khối băng lớn di chuyển từ trên núi xuống" [11]. Nó được chuyển nghĩa trở thành từ duy nhất chỉ được dùng để chỉ cái chết của vua chúa. Đó là cái chết của người có vị trí cao nhất của đất nước, đến với một vị trí khác, trở về với những thế hệ, những tầng lớp vua chúa đã qua đời trước đó. Ý nghĩa mà từ đồng nghĩa này mang lại không những khẳng định cho địa vị, quyền lực độc tôn, tối thượng của những người đứng đầu mà còn thể hiện rõ thái độ sùng kính, tôn nghiêm của những bậc tôi thần đối với những con người có vị trí cao quý ấy.
Những người có vị trí, địa vị trong xã hội, hay những người già được mọi người kính trọng thì người ta lại sử dụng những từ ngữ: mất, từ trần, qua đời, từ giã cõi đời, hai năm mươi,… để biểu thị cái chết.
Thí dụ:
Đồng chí Staline mất rồi Đồng chí Staline đã mất
Vạt áo nhân dân thấm đầy nước mắt Dao đâm qua triệu triệu tim người.
(Chế Lan Viên, Đồng chí Staline sống mãi) Mất là không còn, không thấy gì, không tồn tại nữa đồng nghĩa với sự kết thúc cuộc đời của con người. Sắc thái tình cảm mà từ này đem lại đó là sự yêu quý, trân trọng một con người có vị trí đặc biệt trong lòng nhân dân. Cái chết ấy thể hiện sự hụt hẫng, trống vắng của con người khi thiếu đi một điều gì đó quan trọng khi không còn trong cuộc sống. Cùng với tình cảm yêu mến, tiếc nuối của người còn sống đối với người đã chết, từ đồng nghĩa này còn khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của người đã chết đối với con người và toàn thế xã hội. Vì vậy, sắc thái bao trùm là sự trân trọng, kính mến.
Sống và chết là quy luật tất yếu của cuộc sống, tuy nhiên hầu hết mọi người đều khó chấp nhận được sự thật là ai đó mất đi. Vì vậy, người nói thường tìm những từ ngữ đồng nghĩa để biểu thị cho cái chết, tránh cách nói trực tiếp:
Trương Sinh về tới nhà, được biết mẹ đã qua đời, con vừa học nói.
Chàng hỏi mồ mẹ, rồi bế đứa con nhỏ đi thăm.
(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương - trích Truyền kì mạn lục).
Cùng là biểu thị khái niệm sự kết thúc cuộc đời nhưng từ qua đời thường chỉ dùng cho những người có tuổi hay có vị trí được trân trọng trong lòng mỗi người. Cái chết chỉ được xem là sự di chuyển từ thế giới này sang thế giới khác, rất nhanh và nhẹ nhàng. Đó chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời mà mỗi người đều phải trải qua. Vì lẽ đó từ đồng nghĩa này đã phán ánh rõ một quy luật của của cuộc đời và thái độ của con người là sự chấp nhận hiện tại, giảm đi những nỗi buồn, sự mất mát trước cái chết của đối tượng được nói tới.
Đồng thời nó cũng đem lại sắc thái nhất định trong việc thể hiện rõ tình cảm sâu sắc, trân trọng đối với người đã mất.
Khi nói tới cái chết của những con người, những thân phận bình thường trong xã hội thì lại có những từ ngữ: ra ma, ngã, nhắm mắt, theo các cụ, thả hồn theo gió, trút hơi thở cuối cùng…đây đều là những từ ngữ thông dụng, quen thuộc được dùng một cách phổ biến, rộng rãi để thay thế cho từ chết.
Thí dụ:
Cô thống Biệu trút hơi thở cuối cùng khi người ta đang chia đất, ma nổi đầy đồng. Toàn những con ma sống mà không bùa nào trị được.
(Trần Đăng Khoa, Chân dung và đối thoại) Hơi thở được xem là một yếu tố quan trọng cho sự sống của con người, nếu một người không còn thở nữa, nghĩa là người ấy đã chết. Trút hơi thở cuối cùng là làm cho thoát khỏi cái cảnh mà con người không muốn tiếp tục giữ, không muốn níu kéo đồng nghĩa với việc giải thoát khỏi cuộc đời. Đây là tên gọi lấy nguyên nhân của của cái chết để chỉ cái chết. Từ ngữ đồng nghĩa này được sử dụng khá rộng rãi và quen thuộc để chỉ cái chết của những con người trong cuộc sống bình thường.
Sự khác nhau về phạm vi lãnh thổ cũng khiến cho nhóm từ đồng nghĩa chỉ cái chết có một vài đơn vị bị hạn chế về lãnh thổ,và đặc điểm khác biệt đó chính là các từ địa phương: chết trôi, tắt nghỉ, du lịch Văn Điển…
Thí dụ:
Anh tưởng phen này quyết hết nợ, quyết được về cạnh giường bệnh của cha để nhìn thấy mặt cha một lượt sau cùng trước khi tắt nghỉ, thì ở hàng ghế hạng nhất người ta kêu ầm : - Bis! Bis!.
(Nguyễn Công Hoan, Kép Tư Bền)
Tắt nghỉ là từ đồng nghĩa với chết, được phát triển từ ý nghĩa của từ tắt thở để chỉ cái chết của con người. Đó là sự ngừng lại hoàn toàn mọi sự vận động, sự trao đổi của con người để nghỉ ngơi vĩnh viễn. Nhưng do yếu tố
là nguyên nhân để tạo nên sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ nói chung và các từ ngữ đồng nghĩa nói riêng.
Như vậy, xét theo phạm vi xã hội thì nhóm từ ngữ đồng nghĩa chỉ cái chết trong tiếng Việt lại chịu sự chi phối, ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau: tôn giáo, địa vị giai cấp, lãnh thổ… Tất cả những điều đó đem lại sự khác nhau nhưng phong phú và đa dạng trong việc sử dụng từ ngữ đồng nghĩa nói riêng và từ ngữ tiếng Việt nói chung, tạo nên sự đa dạng, màu sắc cho ngôn ngữ.