Chương 2: Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry được thể hiện trên phương diện nội dung
2.1.2. Say mê vẻ đẹp con người
2.1.2.1. Vẻ đẹp ngoại hình
Bút pháp đặc trưng của truyện ngắn là thiên về chấm phá. Chính vì vậy truyện ngắn sẽ không tham các chi tiết mà nó sẽ chọn lọc những chi tiết sáng giá nhất để đưa vào trong tác phẩm. Trung thành với điều đó nên khi khắc họa nhân vật, O.Henry đã tập trung vào một số điểm nhấn. Thực tế khi tiến hành tìm hiểu truyện ngắn của ông, chúng tôi đã phát hiện có một số chi tiết được lặp đi lặp lại như: đôi mắt, mái tóc, nụ cười (cụ thể: chi tiết mái tóc được lặp lại khoảng 16 lần, nụ cười khoảng 25 lần, đôi mắt khoảng 55 lần trên tổng số 28 truyện ngắn được khảo sát).
Trong truyện ngắn, O.Henry miêu tả mái tóc dài với mục đích làm tăng thêm vẻ đẹp mềm mại cho các nhân vật nữ. Đêla xuất hiện với “mái tóc xõa xuống, gợn sóng và óng ả như một thác nước màu nâu. Tóc dài tới quá đầu gối và hầu như tạo thành một chiếc áo dài cho cô” (Món quà của các đạo sĩ), còn Rôsita lại hiện lên với “mái tóc dài, một đôi mắt nâu đậm vô cùng chân chất và một tiếng cười vang khắp vùng đồng nội như tiếng róc rách của một dòng suối ẩn kín” (Món quà giáng sinh đồng nội).
Nếu như mái tóc của Đêla có thể hạ bệ tất cả giá trị châu báu tặng phẩm của nữ hoàng thì mái tóc lượn sóng buông thả của người con gái trong truyện Cây xương rồng lại có một “mãnh lực lôi cuốn dịu dàng trinh nguyên” đối với chàng trai Trysdale, để rồi anh đã yêu cô ngay từ giây phút đầu tiên ấy.
Trong quan niệm của người phương Đông, mái tóc dài của người con gái là biểu hiện của sự nữ tính, và trong nhiều hoàn cảnh, mái tóc ấy đã được nâng lên thành biểu tượng của anh hùng bất khuất. Mái tóc của chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức là một minh chứng: khi cả ba lần kẻ thù
20
đều không thể chặt đứt được mái tóc đẹp như suối của chị. Trở về với O.Henry, ta thấy ông cũng viết về mái tóc của người phụ nữ với tất cả sự nâng niu trân trọng. Điều đó đã thể hiện ở tác giả một trái tim nhân hậu, một cái nhìn nghiêng về nắm bắt những nét đẹp tinh lọc của con người.
Không chỉ có mái tóc dài mà đôi mắt cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với nhà văn. Chi tiết đó xuất hiện với tần khá lớn (55 lần trên tổng số 28 truyện).
Bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là cửa ngõ của trái tim, là con đường dẫn đến tình yêu. Chính vì vậy đã có không ít thi sĩ phải thốt lên:
“Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lặng trong dòng mắt em”.
Sóng tình yêu dâng lên từ mắt em làm cho con thuyền tình yêu của anh chòng chành chao đảo. Thi sĩ Tagor trong một phút giây yếu lòng đã thú nhận thành thật với người yêu của mình rằng:
“Anh như con chim lạc loài hoang vu Đã gặp được mắt em nơi khung trời của nó”
Lúc này đôi mắt người yêu lại trở thành bến đỗ bình yên cho cuộc đời chàng trai sau bao tháng ngày lạc loài hoang vu. Còn với Aragông - nhà thơ, nhà chiến sĩ cách mạng Pháp, lại dành cả cuộc đời mình để si mê kiếm tìm cảm hứng nghệ thuật từ đôi mắt Enxa và sau này đã trở thành người bạn đời của ông.
Trở lại với những sáng tác của O.Henry, ta thấy chi tiết đôi mắt được nhà văn đặc biệt quan tâm. Có khi ông chỉ miêu tả đôi mắt qua “một tia nhìn trong sáng” giữa những người yêu nhau, hoặc đôi lúc lại nắm lấy khoảnh khắc của nó khi niềm vui đi qua. Đó là giây phút “mắt sáng long lanh” của Đêla khi cô nảy sinh ý định bán tóc để mua quà giáng sinh cho người cô yêu là Jim (Món quà của các đạo sĩ), đó còn là đôi mắt đẹp, trong sáng như nước nguồn của Glađi: “sắc hồng tươi phớt trên đôi má cô, một nụ cười thỏa mãn tế nhị được nảy nở trên khuôn mặt” (Chuyện một tờ báo), và trong truyện ngắn Một
21
câu chuyện dở dang, Đanxi cũng hiện lên thật đẹp qua ánh mắt: “Mắt cô sáng long lanh, má cô ửng lên màu hồng phơn phớt của buổi bình minh đang tới của cuộc đời - một cuộc đời thực sự”. Qua ánh mắt ấy ta hiểu được phần nào thế giới nội tâm phong phú của các nhân vật. Họ không phải là những con người sống vô hồn, vô cảm, mà chính ánh sáng long lanh tỏa ra từ những đôi mắt kia đã khẳng định họ là những người biết sống lạc quan, vui vẻ tin yêu cuộc sống, mặc dù đối với họ, đời không phải lúc nào cũng thơ mộng dịu ngọt.
Có những lúc chỉ hờ hững điểm qua màu mắt của các nhân vật như “màu xanh” của đôi mắt cô dâu trong Chị em bạn vàng, “màu nâu đậm” của Rôsita trong Món quà giáng sinh đồng nội, nhưng cũng có lúc nhà văn dừng ngòi bút khá lâu để đặc tả đôi mắt - vẻ đẹp tiêu biểu của sắc đẹp nữ giới: “Nếu quả là Ixaben Ghinboc đang ngồi ở bàn trong căn phòng bày biện sơ sài này thì lời đồn về sắc đẹp của cô ta đúng là đã không nói được hết. Mắt cô ta màu xám và như được đúc từ một cái khuôn đã từng đúc những cặp mắt cho tất cả các mĩ nhân trứ danh. Lòng trắng mắt trong trẻo và sáng long lanh một cách lạ thường, lẩn dưới cặp mi nặng nằm ngang bên trên để lộ ra một vành trắng như tuyết ở phía dưới” (Bị bắt).
Không chỉ miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của các nữ nhân vật, O.Henry còn quan tâm đến việc miêu tả ngoại hình của nam nhân vật. Nhưng không phải lúc nào ngoại diện của các nhân vật nam cũng mang đầy chất thơ. Ở đây chúng tôi chỉ nghiên cứu và phát hiện những ngoại diện nam mang đầy chất thơ mà thôi.
Đó là ngoại diện của tướng Kitsnơ: “người thẳng tắp, dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp sầu tư, đôi mắt tuyệt đẹp, một đôi mắt buồn đẹp và nghiêm” (Một câu chuyện dở dang).
Nếu như phần lớn đôi mắt của các nữ nhân vật đều tỏa sáng long lanh thì riêng ở tướng Kitsnơ đó là vẻ đẹp của một đôi mắt buồn. Ta cảm nhận có cái gì đó thanh thản, tĩnh lặng, một khoảng trống mênh mông xa xăm của tâm hồn được gợi mở.
22
Một ánh mắt, một nụ cười, một mái tóc dài như suối có thể khơi gợi chất thơ nhưng chất thơ thực sự phải nằm ở trái tim con người, nơi phát lộ ra vẻ đẹp tâm hồn.