Vẻ đẹp tâm hồn

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn o henry (Trang 28 - 33)

Chương 2: Chất thơ trong truyện ngắn O.Henry được thể hiện trên phương diện nội dung

2.1.2. Say mê vẻ đẹp con người

2.1.2.2. Vẻ đẹp tâm hồn

Theo Pautôpxki : Về thực chất mà nói thì văn xuôi chân chính, chân giá trị mà chúng ta phải nghiêng mình kính phục đều nói về một điều - về con người.

Họ đã cố đem lại cho con người tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà họ tích lũy được, đã đào luyện nên được trong tâm hồn mình, trong trái tim mình. Họ đã cố đem tới cho con người diễn tả tất cả đến cùng và không đòi hỏi phần thưởng, không chờ đợi được hoàn lại. Thực tế cho thấy hầu hết các nhà văn lớn đều đã xây dựng được cho mình những hình tượng nghệ thuật chân chính chứa đựng một lí tưởng, một tình cảm đẹp đẽ, để lại những cảm xúc lắng đọng sâu xa trong tâm hồn người đọc. Và chúng ta có thể tìm thấy ở đó chất thơ được toát lên từ vẻ đẹp con người.

Tuy cùng say mê kiếm tìm vẻ đẹp nhưng nguồn cảm hứng khơi gợi chất thơ giữa Pautôpxki và O.Henry lại không phải là hai vòng tròn đồng tâm trùng khít lên nhau. Nếu như Pautôpxki khai thác vẻ đẹp tâm hồn của con người trong mối quan hệ mới - quan hệ xã hội chủ nghĩa thì O.Henry lại đi sâu khai thác chất thơ trong mối quan hệ xã hội tư bản đầy nghiệt ngã. Nhưng với niềm tin bất diệt, ông vẫn biết khơi lên dòng nước mát ở những nơi mảnh đất tâm hồn tưởng chừng đã khô hạn từ lâu. Đó là tâm hồn của những tên tù, tên lừa đảo nhưng tận trong sâu thẳm của chúng vẫn le lói những tia sáng lương thiện.

Trong truyện ngắn Hai mươi năm sau, nếu nhìn ở khía cạnh hiện thực đó thực sự là một bi kịch - bi kịch của đôi bạn tri kỉ mà hai mươi năm sau đã biến đổi thành hai lớp người khác nhau: kẻ giàu nhờ làm ăn phi pháp và kẻ không giàu đi theo cuộc đời chính đạo, Jimmy làm cảnh sát, Bôp thành kẻ ngoài vòng pháp luật. Cuộc gặp gỡ của họ sau hơn hai mươi năm xa cách ngỡ hạnh phúc

23

bỗng chốc hóa thành bi đát. Nhưng nếu xét ở khía cạnh nhân văn thì người đọc vẫn tìm thấy chất thơ tâm hồn trong nhân vật Bôp. Đó là một con người biết sống thủy chung, trọng chữ tín và có một tình bạn sâu sắc. Anh đã vượt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết khi “ngoài trời mưa bụi lạnh lẽo gió thổi đều và mạnh”, đã vượt qua được sự xa xôi, cách trở về khoảng cách địa lí hơn một nghìn dặm, và đến một chỗ hẹn chỉ vì một lời hứa vu vơ cách đây hai mươi năm, đó là lời hứa với người bạn thời trẻ mà thời trẻ con người ta còn bồng bột non dại, lời hứa ra trải qua hai mươi năm, khoảng cách ấy dễ gì ai còn nhớ và ai đã quên, nhưng Bôp vẫn tin và chờ đợi.

Nếu như Bôp chinh phục bạn đọc bởi một tình bạn sâu sắc thì các nhân vật như Bấc, Pic, Malôi trong truyện Một cơn gió dịu lại khiến ta xúc động vì lòng nhân hậu của họ với những con người thuộc dưới đáy xã hội. Tuy là những kẻ lừa đảo nhưng mục tiêu họ nhắm tới không phải là những người nghèo khổ mà là những tên trại ấp giàu sụ. Họ đã dùng một ngón đẹp như thơ, cái mẹo rất đẹp rất tinh vi, rất lãng mạn dựa trên phương châm “ai ai cũng yêu kẻ đang yêu”. Chính Pic đã thừa nhận: “Tính ra tôi đã xuất hiện đúng lúc để làm lễ cưới cho Bấc và Malôi tại khoảng hai mươi trại ấp. Tất cả những tờ hôn chứng ấy được đưa đến bán cho nhà băng, và các chủ trại phải bỏ ra từ ba trăm đến bốn nghìn năm trăm đô la để trả những trái khoán mà họ đã kí”. Rồi họ tiếp tục làm phi vụ khác mang tên “Công ty đầu tư và chứng khoán vàng Gôncônđa” với mục đích lừa đảo những kẻ nhà giàu. Nhưng khi họ biết được người mua cổ phiếu của họ không phải là những kẻ giàu sụ như họ tưởng mà là đám dân nghèo, những bà già, cô gái làm việc trong các xưởng, những đứa trẻ đánh giày, bán báo, người thì khóc, kẻ thì thờ thẫn và ngay lập tức họ hiểu ra và trả lại tiền. Bởi “Chúng tôi có thể chộp từ một đô la trở đi mỗi khi thấy đồng đô la nào có vẻ dư thừa. Nhưng chúng tôi không bao giờ săn lùng những đồng tiền ở tận cùng đầu ngón chân của chiếc bít tất giấu dưới hòn gạch đã được cậy lên ở xó bếp”. Hai người quay về với nghề

24

bán thuốc chữa cảm lạnh “dẫu sao thì kiếm ăn bằng cách lương thiện vẫn hơn làm nghề ở phố Wall”. Đấy là kết luận sau vụ làm ăn vỡ lở mà suýt nữa họ đã trở thành những kẻ bất lương không thể tha thứ được.

Đến với truyện Con người hai mặt ta lại bắt gặp điểm hiền lương ở nhân vật Jêmx vừa là bác sĩ vừa kiêm đạo chích. Nếu như hình tượng bác sĩ tượng trưng cho đạo đức làm công việc cứu người thì đạo chích lại là kẻ luôn gây ra bất hạnh cho người khác. Hai tính cách đối lập nhau cùng tồn tại trong một chỉnh thể đã làm nên sự mâu thuẫn phức tạp của nhân vật. Qua đó đã thể hiện cái nhìn biện chứng của nhà văn về con người. Trong lần đối diện trực tiếp giữa hai nhân vật: bác sĩ kiêm đạo chích với bệnh nhân - con mồi - một kẻ ăn chơi trác táng đã nướng hết hai mươi nghìn đô la của vợ vào chiếu bạc – và trong khoảnh khắc ấy chúng đã bộc lộ rõ bản chất: “Tên này là con hổ tên kia là chó sói, tên này miệt thị sự độc ác của tên kia, và từ cặn bã của bùn lầy mỗi tên đều cố tỏ ra mình đạt tiêu chuẩn cao quí”. Nếu như dừng lại ở đây truyện sẽ kết thúc trong dư vị cay đắng chua chát về lẽ đời, nhưng trong một phút giây nào đó nhà văn đã phát hiện ra bản chất tốt đẹp của nhân vật bác sĩ kiêm đạo chích, phần thiện đã chiến thắng phần ác khi anh ta bỗng nhận ra sự đau khổ bất hạnh trên khuôn mặt của người phụ nữ - vợ con bệnh - người đã từng bị kẻ ăn chơi kia làm cho tan nát cuộc đời. Chính niềm thương cảm ấy đã dẫn đến hành động cao cả của tên đạo chích: số tiền mà chỉ vài phút trước thôi hắn định đánh cắp, hắn đã trao lại tất cả cho người vợ tội nghiệp kia. Vì hắn muốn người vợ ấy tha thứ cho người chồng bội bạc, không muốn cô bị giày vò, sống trong đau khổ thù hận: Trong những năm về sau lời dối trá của tên sát nhân tỏa sáng như một ngôi sao nhỏ trên nấm mồ tình yêu an ủi cô và nhận được sự tha thứ”.

Khai thác mặt tốt trong tâm hồn những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời, O.Henry muốn khẳng định hạt nhân tính thiện trong bản chất con người: những

25

con người ấy chưa hẳn đã xấu hoàn toàn. Chính niềm tin đó đã dẫn dắt chất thơ chảy trong tác phẩm của ông.

Bên cạnh đó, khi khảo sát hàng loạt các truyện ngắn như Chị em bạn vàng, Món quà của các đạo sĩ, Món quà giáng sinh đồng nội… chúng tôi còn thấy nét đẹp tâm hồn tỏa sáng ở nhân vật những người phụ nữ. Đến với Chị em bạn vàng, người đọc cảm động trước một tình bạn thắm thiết. Họ không phải là cố nhân cũng không phải là tri âm tri kỉ của nhau, có chăng họ cùng là cô dâu và chỉ quen nhau trên chuyến xe du lịch thăm quan Rubberneck đi hưởng tuần trăng mật. Nhưng người này vẫn sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình cho người kia: “Em làm thế là vì cô ấy - ý em là cô gái chuyện trò với em trên chuyến xe thăm quan. Em được hạnh phúc với anh lắm nên em không muốn người khác bị mất hạnh phúc. Jim, họ chỉ mới cưới nhau buổi sáng nay nên em muốn giúp cho anh ấy chạy thoát”. Và như thế hai người phụ nữ đã trở thành chị em bạn vàng của nhau: “Khi họ nhìn thấy người kia đứng trong vùng ánh sáng lôi cuốn vốn chỉ lóe lên một lần và ngắn ngủi cho mỗi người. Đàn ông biết về hôn lễ qua nghi thức cưới hỏi và hàng lụa. Nhưng cô dâu thông cảm cho cô dâu chỉ qua một tia mắt nhìn và giữa hai người niềm ấm cúng và ý nghĩa trao đổi nhanh chóng qua lại trong ngôn từ mà đàn ông và người góa không thể nào hiểu được”. Lời bình luận của tác giả đã mang đậm chất thơ. Đó là chất thơ được toát lên từ sự tinh tế nhạy cảm, giàu lòng yêu thương, sẵn sàng sẻ chia cho nhau của các nhân vật trong truyện.

Ở truyện ngắn Món quà của các đạo sĩ ta bắt gặp một kiểu hi sinh khác.

Đêla đã bán đi bộ tóc đẹp như thác nước của mình chỉ để mua một chiếc dây đồng hồ cho Jim vào ngày Nôen. Đây là một hành động hi sinh cao cả vì ta hiểu rằng mái tóc ấy là tài sản quí giá nhất, là vật điểm tô cho sắc đẹp của Đêla, vì lẽ ấy bán đi bộ tóc cũng đồng nghĩa với việc cô bán đi sắc đẹp của mình.

Hành động của cô chỉ có thể giải thích bằng tình yêu. Tình yêu là điều kì diệu

26

nhất của tâm hồn, nó tạo ra sức mạnh giúp con người vượt qua mọi éo le của cuộc sống. Cũng giống như Đêla, Đêlê trong Một sự giúp đỡ của tình yêu đã hi sinh đam mê giấc mơ âm nhạc của mình để người cô yêu có thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật.

Có thể nói rằng các nhân vật nữ giữ vai trò chính trong tác phẩm O.Henry thường là những phụ nữ trẻ, nghề nghiệp tuy khác nhau nhưng nét chung giữa họ là lòng nhân hậu giàu lòng yêu thương, họ sống với mục đích làm cho mọi người xung quanh họ, người thân của họ sống tốt đẹp hơn.

Truyện ngắn Ngôi giáo đường với cối xay nước lại thể hiện chất thơ từ phương diện khác đó là nét đẹp của tình cha con. Vì bị thất lạc đứa con gái nhỏ từ nhiều năm về trước cho nên trên gương mặt của cha Abram không còn tiếng cười vui vẻ như xưa nữa. Tình cảnh của người cha ấy có phần nào giống với tình cảnh của Anđrây trong Chiến tranh và hòa bình: một người mất con gái, một người mất vợ, và cả hai đều đau nỗi đau mất người thân. Tuy nhiên nếu như sau cái chết của Lisa, Anđrây chìm đắm trong nỗi sầu, sống không hi vọng, không ước mơ như cây sồi rụng lá cuối đông thì người cha trong truyện ngắn của O.Henry lại dồn tất cả tình yêu và nỗi nhớ của mình vào các công trình kỉ niệm con gái. Nơi nhà máy xay bột khi xưa gắn với kỉ niệm vui đùa của hai cha con giờ đây đã được ông cho xây dựng thành ngôi giáo đường:

Đấy là một giáo đường duy nhất trên thế giới có băng ghế dài và đàn oócgan”. Tên của cô bé cũng được ông lấy để đặt thành bột gạo Aglaia, và qua bột gạo ấy mọi người đã cảm nhận được sự tồn tại của cô ngay trong chính cuộc sống này. Có thể đối với một nhà thơ chủ đề quá vật chất này không thể hiện được nét đẹp của thi ca, nhưng với những người nghèo khổ kia thì đó thực sự là chất thơ của cuộc đời, bởi những chuyến gạo Aglaia được chuyển đến từ sứ mệnh của tình thương và lòng từ thiện, và với họ nó đã đem lại sự sống trong những ngày tháng khó khăn nhất.

27

Có thể nói rằng chính niềm say mê vẻ đẹp thiên nhiên, sự kiếm tìm nét bản chất tốt đẹp trong tâm hồn con người, O.Henry đã đem đến cho truyện ngắn của mình một chất thơ độc đáo. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, ngòi bút của ông còn tiếp tục khám phá ra địa hạt của những ước mơ hi vọng. Đó là mảnh đất chứa đựng nhiều chất thơ bởi như ai đã từng nói hi vọng là khoảnh khắc đẹp nhất của con người, là lúc con người ta vươn tới chân trời của cái đẹp.

2.2. O.Henry - Nhà văn nâng niu những ước mơ lãng mạn bay bổng của con người

Lỗ Tấn - một nhà văn lớn của Trung Quốc đã từng triết lí trong truyện ngắn Cố hương của mình rằng: Hy vọng cũng giống như con đường, kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Hãy hi vọng, hãy dũng cảm để bám lấy và theo đuổi nó. Đó là thông điệp nhà văn gửi đến bạn đọc. Thật ra điều này không mới, bằng chứng là cổ tích đã xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên ở thời nào cũng vậy, nó đều giúp cho con người có đủ nghị lực để vượt qua được những bão giông, sóng gió của cuộc đời, biết từ trong bóng tối ngưỡng vọng về nơi ánh sáng, từ trong đau khổ hướng về nơi bình yên hạnh phúc. Nó không chỉ làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm mà còn là nét thơ trong mỗi trái tim, mỗi cuộc đời.

Để có thể nâng đỡ những ước mơ lãng mạn của con người O.Henry đã tìm đến với các đề tài, chủ đề ngọt ngào, cách giải quyết xung đột bằng “giải pháp trái tim”, đem đến cho bạn đọc những kết thúc có hậu tràn đầy niềm vui, sự lạc quan hứng khởi.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn o henry (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)