QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI

Một phần của tài liệu Thương cảng thị nại từ thế kỷ x đến thế kỷ XV (Trang 31 - 35)

Chương 1:QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI

1.2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI

Qua khảo sát thực địa, một số nhà nghiên cứu cho rằng niên đại của thương cảng Thị Nại được xây cất sớm nhất là vào năm 803, muộn nhất là vào năm 1000. Khi người Chăm dời đô đến Đồ Bàn thì đã có thành này rồi và được tồn tại cho đến thế kỷ XV.

1.2.2. Tên gọi

Dọc theo miền duyên hải miền Trung dưới thời vương quốc Champa có một thương cảng rất quan trọng, gọi là thương cảng Thị Nại. Trong các nguồn tư liệu, thương cảng Thị Nại được nhắc tới với nhiều tên gọi khác nhau như: Thi Lị, Bì Nại, Tì Ni, Thiết Ti Nại, Thu Mi Liên, Tân Châu Cảng, Chiêm Thành Cảng, Cri Banoy...

Thị Nại lần đầu được gọi theo tiếng Phạn là Srivinaja. Đến thế kỷ XIII, Thị Nại lại được gọi với tên là Tì Ni. Sang thế kỷ XIV, thương cảng này được gọi là Tì Ni Bi Nại, sau phiên âm là Thị Nại.

Tên gọi Thị Nại được sử dụng phổ biến và được ghi chép nhiều trong các cuốn sử của Quốc sử quán triều Nguyễn, như Đại Nam nhất thống chí đã ghi chép: “năm Thái Hòa thứ 4 [1446]: đời Lê Nhân Tông, đánh Chiêm Thành, bình chương Lê Thụ và thiếu phó Lê Khắc Phục kéo quân đến các xứ Ly Giang và Cổ

28

Lũy đánh tan được quân giặc, thừa thắng hạ luôn thành Thị Nại, rồi tiến vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Bí Cai”. [14, tr.40].

Tên Tì Ni được Đại Việt sử ký Toàn thư ghi chép như sau: “Tỳ Ni bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn… chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là chỗ bến tàu xung yếu” [9, tr. 87].

Đến thời nhà Minh, trong sách Doanh Nhai Thắng lãm gọi thương cảng Thị Nại là Thiết Tỉ Nại: “Chiêm Thành có cửa biển gọi là cảng Tân Châu, bờ cũng có tháp đá làm mốc, thuyền đến đấy thì buộc vào, có trại gọi là Thiết Tỉ Nại” [13, tr.169]. Theo các tác giả cuốn sách này thì Thiết Tỉ Nại tức Thi Lị Bì Nại trong Việt sử lược và là Thị Nại, tức cửa Quy Nhơn.

1.2.3. Tiêu chí

Tiêu chí chung để có thể gọi một khu vực, vùng miền là đô thị phải có 2 yếu tố:

Thứ nhất, không chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Nếu như ở các nơi khác đặc biệt là các nước Tây Âu, những địa điểm tụ cư đô thị ngay từ khi mới xuất hiện hình thành đã là những tập hợp người hoàn toàn tách rời nghề nông chuyên sống bằng các nghề thủ công và dịch vụ… thì “ở Việt Nam hầu hết nếu không phải là tất cả các đô thị ngay cả vào lúc đã phát triển hoặc rất phát triển vẫn tồn tại ngay trong lòng đô thị thậm chí giữa đô thị những hoạt động nông nghiệp không phải với tính chất là những “vành đai xanh” [18, tr.10]. Vì vậy, ở Việt Nam lấy tiêu chí chỉ cần từ 50% số dân không sinh sống bằng nông nghiệp trong khu vực ấy đã được coi là đô thị.

Thứ hai, đó là yếu tố “đô”. Trong thực tế, những địa điểm tụ cư đông đúc và chủ yếu sinh sống bằng hoạt động phi nông nghiệp cũng chưa bao giờ là hay được coi là đô thị. Bởi nó còn thiếu một yếu tố “đô” tức từ để biểu thị một chức năng quan trọng đó là trung tâm hành chính - chính trị. (không nhất thiết phải là kinh đô mà có thể là “thành” (thành thị) hay “trấn” (thị trấn). Điều đó có nghĩa là các vùng và khu vực ấy phải làm nhiệm vụ của một trung tâm hành chính - chính trị lớn nhỏ của một vùng hay liên vùng mà cao hơn là của cả nước.

29

Vậy, gọn lại, “cùng với tính chất, chức năng hoạt động kinh tế phi nông nghiệp là chủ yếu, còn có vai trò và nhiệm vụ hành chính - chính trị của một trung tâm quan trọng - đó là 2 tiêu chí có quan hệ biện chứng với nhau để thống nhất xem xét một địa điểm sinh tụ cư dân là đô thị hay không” [18, tr.13]. Tuỳ vào từng khu vực khác nhau và vị trí khác nhau của nó mà một trong 2 tiêu chí trên trở thành nhân tố chính nổi bật quyết định đặc điểm của đô thị ấy.

Các nhà nghiên cứu chia đô thị thành 2 loại là đô thị hành chính và đô thị kinh tế. Với loại hình đô thị kinh tế, có thể chia thành 3 dạng là:

Thứ nhất là đô thị miền núi (Kỳ Lừa, Hưng Hóa).

Thứ hai là đô thị cảng (Thị Nại, Chiêm Cảng,Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An...).

Thứ ba là đô thị nội địa (Thăng Long, Sài Gòn).

Thương cảng Thị Nại mang đầy đủ những đặc điểm của một đô thị kinh tế, mà cụ thể là một đô thị cảng:

Một đặc điểm nổi bật trong lịch sử đô thị Việt Nam là những đô thị kinh tế của Việt Nam đều hưng thịnh rồi lần lượt suy tàn và nông thôn hóa. Thương cảng Thị Nại hình thành, phát triển, hưng thịnh và suy tàn cùng với vương triều Vijaya. Nhưng khi Đại Việt xâm chiếm vào năm 1471, thương cảng Thị Nại đã mất đi vai trò kinh tế thương nghiệp của mình, và trở lại với kinh tế nông nghiệp là hoạt động chính. Cho đến tận thời kỳ chúa Nguyễn thì Thị Nại mới dần phục hồi trở lại dưới sự phát triển của thương cảng Nước Mặn.

Quá trình hình thành các đô thị cảng như Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, Thị Nại hoàn toàn là một quá trình kinh tế, nó đánh dấu một trình độ phát triển của nội thương kết hợp với sự phát triển của các luồng ngoại thương.

Đô thị cảng Thị Nại không phải chỉ có chức năng đối ngoại xuất khẩu hàng hóa, nó còn làn trung tâm kinh tế nhằm phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu trao đổi buôn bán giữa vùng núi và vùng biển, giữa miền ngược và miền xuôi. Hai chức năng của Thị Nại vừa nội thương, vừa ngoại thương có thể nhận thấy ở chỗ phần lớn những mặt hàng xuất khẩu, trao đổi với thuyền buôn

30

nước ngoài của Thị Nại là những mặt hàng lâm thổ sản ở miền núi như trầm hương, sừng tê, ngà voi, vàng,... hay đơn giản nhất như nước ngọt. Về mặt này, Thị Nại là đô thị cảng xuất khẩu các mặt hàng cho Trung Quốc, Đại Việt, Arập, Philippin....

Còn những mặt hàng bán thường xuyên tại Thị Nại như cá biển, muối, thuộc da, đồ gỗ,... là phục vụ nhu cầu địa phương và trong nước.

Bên cạnh cảng Thị Nại, thành Thị Nại cũng được xây dựng, là vị trí tiền đồn, bảo vệ vương triều Vijaya khỏi sự xâm lấn của các thế lực ngoại bang.

Với vai trò của mình, thương cảng Thị Nại xứng đáng là một đô thị cảng cổ của vương quốc Champa từ thế kỷ X đến thế kỷ XV.

Tiểu kết chương 1

Như vậy, với tất cả các cơ sở thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các điều kiện về kinh tế và chính trị, xã hội tác động, cùng với những truyền thống và kinh nghiệm ngoại thương của cư dân nơi vùng đất Bình Định, Thị Nại đã gia nhập trào lưu hàng hải và thương nghiệp khu vực và Quốc tế. Sự phong phú về hàng hóa, đông đúc của cư dân và tấp nập của thuyền buôn ngoại quốc đã biến Thị Nại trở thành một thương cảng thứ nhất của Champa, báo hiệu một thời kỳ mới của nền kinh tế hàng hoá phát triển vượt bậc trong các triều đại của vương quốc cổ Champa.

Sự ra đời của thương cảng Thị Nại đã giúp chính thể Vijaya phát triển ổn định, bền vững trong suốt 5 thế kỷ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV), đồng thời nó cũng phản ánh một lối tư duy mới trong phát triển nền kinh tế hàng hoá của một nước chuyên sản xuất theo lối tự nhiên như ở Champa. Thị Nại đã trở thành một đô thị cảng quan trọng, có vai trò to lớn trong sự phát triển đó của chính thể Vijaya.

Một phần của tài liệu Thương cảng thị nại từ thế kỷ x đến thế kỷ XV (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(65 trang)