Chương 2:THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI TỪ THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XV
2.2. SỰ SUY YẾU CỦA THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI
Từ thế kỉ XV, thương cảng Thị Nại bắt đầu có dấu hiệu của sự suy tàn.
Biểu hiện của nó là sự mất dần các mối quan hệ với thương nhân ngoại quốc...
và thuyền ra vào cũng ít dần, chỉ còn lác đác một số tàu thuyền qua lại nơi đây nhưng số lượng ngày càng giảm dần rồi mất hẳn. Thương cảng Thị Nại cũng giống như nhiều thương cảng cùng thời lúc đó, không còn chỗ đứng trong hệ thống thương cảng ở Champa, chỉ còn lại chút hoạt động buôn bán mang tính địa phương hay vài thuyền buôn nước ngoài lỡ vận đến thăm. Các tàu buôn đã chuyển điểm đến của mình sang cảng thị khác trên con đường thương mại Đông- Tây, chấm dứt thời kỳ hưng thịnh của thương cảng Thị Nại.
Trong một thời gian dài, Thị Nại cùng hệ thống cảng miền Trung đã mất dần đi vai trò là những trạm trung chuyển giữa thế giới Arab, Tây Á với thị trường rộng lớn Trung Hoa. Thương cảng Thị Nại bước vào thời kỳ dài suy thoái, và chỉ được phục hưng dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong.
2.2.2. Nguyên nhân suy yếu của thương cảng Thị Nại
Thương cảng Thị Nại đã từng là quốc cảng của vương quốc Champa trong một khoảng thời gian dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, là một địa điểm quan trọng trong tuyến hải thương của khu vực. Tuy nhiên, vào thế kỷ XV, thương cảng Thị Nại đánh mất vị trí, vai trò của mình, bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Từ khoảng nửa sau thế kỷ XIV, vương quốc Champa rơi vào tình trạng suy thoái, khủng hoảng nặng nề, bởi những cuộc chiến tranh, với các quốc gia láng giềng (chủ yếu là Đại Việt) thường xuyên diễn ra, làm cho quan hệ Đại Việt - Champa diễn ra theo chiều hướng xấu. Champa nhiều lần đem quân tấn công Đại Việt, có khi vào tận kinh đô Thăng Long cướp bóc và đốt phá. Trong 8 năm (1375 - 1383), năm nào Champa cũng tiến quân ra đánh Đại Việt. Chính những cuộc chiến tranh, xung đột liên tục như vậy đã làm suy yếu vương quốc Champa. Thêm vào đó, trong nội bộ triều đình Champa luôn diễn ra
45
những cuộc tranh giành quyền lực, khiến đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng.
Đây là một nhân tố quan trọng dẫn tới sự suy yếu của các thương cảng của Champa, trong đó có thương cảng Thị Nại.
Thứ hai, do sự xâm chiếm của các quốc gia láng giềng mà tiêu biểu là Đại Việt:
Đã từ lâu, vùng bờ biển Đông là mục tiêu nhòm ngó, xâm chiếm của nhiều quốc gia, trong đó có Đại Việt và Champa. Đối với Champa, vấn đề bảo vệ các vùng lãnh thổ, các hải cảng và các nguồn hàng quan trọng chính là lí do dẫn đến xung đột với các nước láng giềng để giành lấy vùng đất này. Đối với Đại Việt, đây là những hành động thể hiện vị thế của một quốc gia đang lên, là nhu cầu tìm kiếm lãnh thổ mới, các vùng đất canh tác mới trước áp lực dân số của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng đồng thời cũng thể hiện tham vọng dự nhập vào mạng lưới hải thương khu vực thông qua việc chiếm lĩnh và bảo trợ các tuyến thương mại vùng, các nguồn hàng và đặc biệt các thương cảng ven biển.
Để nắm quyền kiểm soát vùng bờ biển Đông- một vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như mở rộng lãnh thổ về phía Nam, chính thể Đại Việt đã thực hiện nhiều cuộc viễn chinh. Thương cảng Thị Nại là một trong những mục tiêu của quốc gia Đại Việt trong âm mưu bành trướng lãnh thổ xuống phía Nam. Những sự kiện này được Đại Nam nhất thống chí ghi chép đầy đủ: “Năm Thái Hòa thứ 4 [1446]: đời Lê Nhân Tông, đánh Chiêm Thành, bình chương Lê Thụ và thiếu phó Lê Khắc Phục kéo quân đến các xứ Ly Giang và Cổ Lũy đánh tan được quân giặc, thừa thắng hạ luôn thành Thi Nại, rồi tiến vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Bí Cai. Đời Lê Thánh Tông, năm 1471 đánh Chiêm Thành, tiến quân đánh Thi Nại, vây thành Chà Bàn, bắt được chúa Chiêm Thành là Trà Toàn” [14, tr.39].
Như vậy, sau cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471, Thi Nại và vùng Vijaya thuộc quyền kiểm soát của người Việt và được sát nhập vào lãnh
46
thổ của Đại Việt. Dưới quyền kiểm soát của người Việt, thương cảng Thị Nại đã không phát huy được vai trò là “thương cảng thứ nhất” của mình nữa và chỉ sau khi những chính sách khuyến thương của các chúa Nguyễn đưa ra thì thương cảng này mới dần được phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Thứ ba, nền thương mại Đông Nam Á nói chung và nền thương mại Champa nói riêng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc của thị trường Trung Quốc.
Dưới thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1366- 1399), triều đình quyết định thực hiện chính sách “đóng cửa” đất nước. Thực chất của chính sách này là triều đình nhà Minh đã chuyển hoạt động ngoại thương từ tay các thương nhân vào tay Nhà nước bằng một hệ thống quản lý ngoại thương hoàn bị thông qua chế độ Thị bạc ty với hình thức thương mại triều cống. Chính quyền cấm các thuyền bè tư nhân đi ra nước ngoài và hoạt động ngoại thương chỉ dành cho các đội tàu thuyền của Hoàng đế và những ai tới thăm Trung Hoa dưới hình thức các sứ bộ đến triều cống. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến sự giao thương mang tính “truyền thống” của các quốc gia xưa kia vẫn thường chọn các thương cảng Trung Quốc là điểm dừng chân trong những chuyến hành trình của mình. Giờ đây, các thuyền buôn ngoại quốc tìm đến những thương cảng khác bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc để trao đổi, buôn bán hàng hóa. Vì vậy, những thương cảng nằm trên tuyến đường thương mại dẫn đến Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và Thị Nại không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Thứ tư, do tình hình chính trị Champa không ổn định, cộng với sự hạn chế của thị trường Trung Hoa và sự nổi lên của nhiều trung tâm buôn bán khác vào thế kỷ XIV- XV, các thương thuyền ngoại quốc đã chọn các thương cảng khác ngoài thương cảng Thị Nại (Champa) là nơi trao đổi, buôn bán và dừng chân.
Trước tiên, thành phố và vương quốc Ayuthya được thành lập năm 1351 và đóng vai trò trạm trung chuyển giữa người Thái và người Mã Lai. Cũng như vương quốc Majapahit, nó kiểm soát khu vực nông nghiệp từ cảng thị. Tại đây, các mặt hàng như gạo, hàng lâm sản (gỗ, sừng tê,...) và một số hàng thủy sản đã
47
được xuất khẩu ra nước ngoài, cung cấp cho các thuyền buôn từ ngoại quốc đến vương quốc này.
Sau vương quốc Ayuthya, thành phố và vương quốc Malacca ra đời vào thế kỷ XV. Sau khi thoát khỏi ách thống trị của người Xiêm và đất cống của Trung Hoa, Malacca đã nổi lên mạnh mẽ, là trạm trung chuyển lớn nhất và quan trọng nhất ở vùng biển Đông Nam Á do vị trí của nó nằm giữa eo biển Malacca, nơi mà tàu bè từ Ấn Độ và Tây Á có thể tới gặp gỡ tàu bè từ phía đông qua.
Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, những yếu tố vốn là điều kiện để tạo nên một thương cảng Thị Nại sầm uất giờ lại trở thành yếu tố khiến nó suy tàn. Thị Nại dần mất đi vị thế của mình trong hệ thống đường biển quốc tế và khu vực, chỉ còn lại hơi thở dài và sự tiếc nuối cho một thời kỳ hoàng kim…
Tiểu kết chương 2
Nhờ vào vị trí thuận lợi cùng với sự năng động của cư dân và chính sách của nhà nước Champa, đã tạo điều kiện cho thương cảng Thị Nại giao lưu buôn bán và trao đổi văn hoá với các vùng trong vương quốc cổ Champa và với các nước trong khu vực, trên thế giới, tạo nên thời kỳ huy hoàng trong lịch sử thương mại cổ trung đại Champa, được phản ánh qua sự sầm uất và phồn thịnh của thương cảng Thị Nại. Các quan hệ buôn bán, giao lưu với Trung Quốc, Philippin, Ảrập,… đã khiến Thị Nại trở thành điểm hội tụ văn hoá của các nước trong khu vực, khẳng định vị thế to lớn của Thị Nại trong hệ thống thương mại hàng hải khu vực và Quốc tế vào thế kỷ X- XV. Hơn nữa, với vai trò hoạt động nội thương, thương cảng Thị Nại còn là điểm trung chuyển, kết nối giữa biển và lục địa, giữa không gian duyên hải và không gian cao nguyên.
Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, thương cảng Thị Nại bước vào giai đoạn suy tàn, dần dần mất đi vị trí, vai trò của mình trong hệ thống thương mại khu vực và Quốc tế.