4.2.1. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch đo đạc, lập bản đồ địa chính. Những nơi đã có bản đồ địa chính thì hoàn thiện bổ sung cho chính xác, kịp thời với những thay đổi. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xác nhận nguồn gốc đất, hồ sơ phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cấp kinh phí cho việc lập bản đồ hiện
77 trạng đất ở, đất nông nghiệp ở các địa phương.
Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh. Quy hoạch chi tiết sử dụng đất để xây dựng các chương trình, dự án, khắc phục tình trạng quy hoạch "treo", từng bước thay thế phương thức GPMB từng dự án, công trình. Rà soát lại các dự án nếu không khả thi cho tạm dừng thực hiện bồi thường, GPMB tránh lãng phí, gây mất lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền địa phương. Đối với những dự án lớn, cần có kế hoạch thực hiện và phân kỳ thực hiện bồi thường, GPMB phù hợp với tiềm lực kinh tế. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
4.2.2. Giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách
Để chính sách bồi thường, GPMB ngày càng phù hợp với thực tiễn, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Công thương... tham mưu ban hành cơ chế chính sách và chủ động điều chỉnh biện pháp, cơ chế chính sách hợp lý và hoàn thiện mục tiêu chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Văn bản được ban hành của các cơ quan Nhà nước ở địa phương phải phù hợp, không mâu thuẫn với văn bản pháp luật do các cơ quan Nhà nước Trung ương ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung, cụ thể, rõ ràng, hạn chế tình trạng có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện dẫn đến chồng chéo, dễ phát sinh mâu thuẫn. UBND tỉnh cần có chính sách đặc thù của tỉnh nhưng vẫn tuân thủ pháp luật.
Cần có một kế hoạch dài hạn với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm để thực hiện bồi thường, GPMB. Giải pháp về kinh tế ở đây chủ yếu quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất.
4.2.3. Giải pháp về thủ tục hành chính
Rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong việc chuyển quyền sử dụng đất để người dân thực hiện các quyền: chuyển đổi,
78
chuyển nhượng, cho thuê sử dụng đất… tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh. Đơn giản hóa một số thủ tục hành chính về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, rà soát, sửa đổi, bổ sung và quy định chi tiết, cụ thể hơn các quy định, quyết định của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường GPMB.
Trình tự cưỡng chế, kiểm đếm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình tự cưỡng chế thu hồi đất phải đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ; đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng cường hơn nữa sự tham gia trực tiếp của người dân, trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
4.2.4. Giải pháp về việc ban hành đơn giá bồi thường, hỗ trợ
Một trong những bất cập hiện nay là giá bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất. Việc định giá để bồi thường là hết sức cần thiết khi GPMB.
Cần xây dựng khung giá đất chuẩn, sát giá thị trường, trong đó người dân được bồi thường theo giá thị trường trong điều kiện bình thường tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ các địa phương tự đẩy giá đất quá cao hoặc hạ thấp giá. Nên cho phép các doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường đất với người sử dụng đất để có thể linh hoạt, thuận lợi hơn cho công tác GPMB. Như vậy sẽ hạn chế tiêu cực, làm tăng cho ngân sách nhà nước, giúp người bị thu hồi đất sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Những điều chỉnh trong xác định giá bồi thường cần dựa trên nguyên tắc cơ bản: đền bù thiệt hại về đất phải đảm bảo cho người bị thu hồi đất có khả năng tái tạo cuộc sống, việc làm, thu nhập bằng đất ở, đất nông nghiệp có giá trị tương đương, tư liệu sản xuất khác hoặc tiền vốn thay thế. Đối với đất nông nghiệp căn cứ định giá sẽ là năng suất thu hoạch chứ không phải là giáp với địa
79
chính phường, thị trấn. Đối với đất ở, căn cứ vào khả năng sinh lời để áp dụng khung giá phù hợp. Cần thống nhất một khung giá đất nông nghiệp trên toàn tỉnh. Đơn giá bồi thường các loại cây cối, hoa màu phải được cập nhật, áp dụng linh hoạt.
Ngoài việc bồi thường theo giá đất tại thời điểm thu hồi cần quy định một tỷ lệ hỗ trợ để thưởng khuyến khích đối với những người bị thu hồi đất chấp hành nghiêm, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Khoản hỗ trợ này được trích từ khoản chênh lệch giữa giá đất bồi thường với giá đất sau khi thực hiện việc thu hồi.
4.2.5. Giải pháp về tái định cư
UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất, quy định khu tái định cư phải xây dựng cơ sở đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của địa phương; Quy định việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư; Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng; Phải có chính sách hỗ trợ người bị thu hồi đất ở không đủ tiền để mua một suất tái định cư tối thiểu.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sớm quy hoạch, giao đất dịch vụ và đất tái định cư cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp và đất ở. Trong quá trình lập kế hoạch di dân, TĐC nên khuyến khích các hình thức TĐC không tập trung theo phương thức xen ghép và tự nguyện nhằm hạn chế sức ép đất đai tập trung, tăng cường khả năng tự điều chỉnh, tiến tới hồi phục nhanh cuộc sống của các hộ dân sau TĐC.
4.2.6. Giải pháp về hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm đối với người bị thu hồi đất:
Có chính sách cụ thể hơn về đào tạo nghề, giải quyết lao động việc làm;
xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho những hộ gia đình và cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, nếu có quỹ đất nên thực hiện bồi thường bằng việc giao đất để người dân có đất sản xuất.
80
Nhà nước cần có phương án đào tạo, giải quyết việc làm cho người nông dân có đất bị thu hồi để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Phương án đào tạo phải gắn với phương án sử dụng, bố trí việc làm sau khi người nông dân được đào tạo lại.
Cần phát triển đa dạng các loại hình đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và có kế hoạch để những đối tượng được đào tạo nghề có thể tự mình phát triển.
Chú trọng phát triển, đào tạo những ngành nghề gắn với thương mại dịch vụ như bán hàng, kinh doanh nhỏ, chế biến nông sản thực phẩm, trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh, lắp đặt sửa chữa điện nước, điện dân dụng, lái xe... cho phù hợp với từng độ tuổi, giới tính người lao động trong điều kiện thực tiễn của địa phương. Cần có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất phải được tiến hành song song với quá trình lập quy hoạch, kế hoạch thu hồi đất của Nhà nước.
4.2.7. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục và tăng cường sự phối hợp của các tổ chức Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khi triển khai dự án phải phối hợp với chính quyền địa phương niêm yết công khai cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và các văn bản pháp luật có liên quan tại nơi GPMB. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân; đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB phải giải thích rõ, cụ thể, mềm dẻo để người dân thấy được việc thu hồi đất là phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức, đặc biệt rất cần hình thức đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể như:
81
Mặt trận tổ quốc, chi bộ đảng, hội phụ nữ, hội nông dân, tổ dân phố… trong việc tuyên truyền, vận động người bị thu hồi đất chấp hành các quyết định của cấp có thẩm quyền. Có sự phân công, phối hợp trách nhiệm trong thực hiện;
phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cán bộ, đảng viên; phát huy quy chế dân chủ, làm tốt công tác dân vận theo tinh thần “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; trong đó vai trò lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể phải đi tiên phong, giải quyết triệt để kiến nghị, thắc mắc của nhân dân khu vực có dự án. Lập các tổ công tác vận động nhân dân; giải thích cho nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa của chính sách để người dân tự giác chấp hành cũng như tham gia giám sát việc thực hiện. Tăng cường hơn nữa sự phân công và phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng ban hành chính sách và các tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách bồi thường, GPMB.
4.2.8. Giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách bồi thường, GPMB
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, GPMB. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật về bồi thường, GPMB. Có chế độ đãi ngộ, trang thiết bị làm việc cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khó khăn này. Củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các huyện, thành phố tinh, gọn, hoạt động có hiệu quả, có tính chuyên nghiệp, có trình độ nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm.
4.2.9. Giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc địa chính, kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây cối và áp giá bồi thường đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, dân chủ; thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm
82
pháp luật về việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Giải quyết dứt điểm, triệt để và đúng thời hạn các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến công tác bồi thường, GPMB và kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh từ tại cơ sở.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong bồi thường, GPMB. Ủy ban kiểm tra đảng các cấp là cơ quan chuyên trách kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, đảng viên, cán bộ thực hiện bồi thường, GPMB nhằm sớm phát hiện những thiếu xót, tiêu cực và xử lý dứt điểm nhằm hạn chế bức xúc của nhân dân, phát sinh khiếu kiện kéo dài, điểm nóng phức tạp. Giải quyết dứt điểm, triệt để và đúng thời hạn các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến công tác bồi thường, GPMB.
Kiên quyết thực hiện các biện pháp hành chính trong GPMB (trong trường hợp cố tình vi phạm quy định của pháp luật); kịp thời xử lý đối với các cán bộ các cấp khi có hành vi làm trái quy định, làm sai chính sách có như vậy chính sách pháp luật về bồi thường, GPMB mới được thực hiện tốt, đảm bảo tính pháp chế trong việc thực hiện chính sách.
Giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của công dân ngay khi phát sinh từ cơ sở, các ngành, cấp không đùn đẩy, né tránh. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức làm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.