Chương 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ
1.3. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ
1.3.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ
Hồ Chí Minh là một trong những người luôn coi trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ sức mạnh để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Người không chỉ dừng lại ở những bài nói, bài viết, những chỉ thị Nghị quyết về cán bộ mà còn trực tiếp mở các lớp đào tạo huấn luyện cán bộ đích thân Người tham gia giảng dạy, chỉ dẫn công việc, giáo dục hướng dẫn cán bộ trong thực tiễn công tác.
Về vị trí công tác của cán bộ, Hồ Chí Minh cho rằng cán bộ “là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[14, 54]. Đồng thời cán bộ là người đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Hồ Chí Minh coi: cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, cán bộ là tiền vốn của đoàn thể có vốn mới làm ra lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc tức là lỗ vốn. Như vậy, cán bộ có vị trí chủ thể của sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo. Vị trí lãnh đạo, vị trí chủ thể của cán bộ là do Đảng, Nhà nước, đoàn thể phân công và quyền lực của cán bộ cũng như nhiệm vụ của người cán bộ là do nhân dân giao cho.
Quan điểm của Hồ Chí Minh khác với một số lãnh tụ đương thời trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Một số người lúc đó thường nói
“cán bộ quyết định tất cả”. Luận điểm khái quát nhất của Hồ Chí Minh về vị
trí, vai trò của cán bộ là: cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành, vì vậy cán bộ có vai trò, vị trí rất quan trọng.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về cán bộ nêu trên rất cụ thể, thể hiện quan điểm cách mạng và khoa học về vai trò của cán bộ. Quan niệm cán bộ quyết định công việc, cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc ở đây bao gồm từ việc nghiên cứu tình hình, nắm chắc tình hình thực tiễn để xác định đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng đắn đến việc cụ thể hoá đường lối, nhiệm vụ chính trị đó.
Qua đó thấy được rằng: Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề cán bộ ở một vị trí tính chất quyết định, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công và thất bại của chính sách đó là cách tổ chức công việc do nơi lựa chọn cán bộ, do nơi kiểm tra. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đã toát lên một điều: cán bộ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng mang tính chiến lược của sự nghiệp cách mạng.
Đồng thời, cần phải thấy rằng khi bàn về vai trò, vị trí của người cán bộ, Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong mối quan hệ đa chiều. Khi coi cán bộ là gốc của mọi công việc, Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở đó, ở chỗ có hay không có cán bộ để cho công việc mà Người lưu tâm đến điểm gốc của vấn đề là chất lượng cán bộ từ đó mới khẳng định được một điều : “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [1, 23], Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ tốt, nếu có cán bộ tốt thì thành công , còn nếu không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là thất bại. Vì vậy khi nào nơi nào làm tốt công tác cán bộ thì khi đó, nơi đó cách mạng sẽ có nhiều thuận lợi và giành được nhiều thắng lợi và ngược lại. Với quan điểm đó, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến công tác cán bộ, từ đánh giá lựa chọn huấn luyện thử thách rèn luyện, sử dụng, đãi ngộ cán bộ.
1.3.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn cán bộ
Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vị trí vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời đòi hỏi người cán bộ phải có tiêu chuẩn nhất định, tiêu chuẩn đó xuất phát từ yêu cầu cách mạng, đòi hỏi của thực tiễn, chứ không phải của ý muốn chủ quan theo Hồ Chí Minh, người cán bộ phải là những người vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc của người cán bộ, đó là những tiêu chuẩn chung đối với người cán bộ. Bởi theo người, có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Giữa tài và đức hai mặt đó không được coi nhẹ mặt nào bởi nó thống nhất với nhau, có quan hệ biện chứng qua lại với nhau.
Trong những tiêu chuẩn ấy có những nội dung căn bản chung cho mọi cán bộ, chung cho mọi thời kỳ cách mạng, như lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân tính tổ chức kỷ luật, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị… nhưng trong từng giai đoạn phát triển, những tiêu chuẩn ấy lại được bổ sung và cụ thể hoá cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đang đặt ra.
Những tiêu chuẩn mà Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cần phải có, bao gồm những tiêu chuẩn sau đây:
Thứ nhất, cán bộ phải có đạo đức cách mạng:
Đây là yêu cầu “gốc”, “nguồn” đúng như Hồ Chí Minh đã nêu, đây cũng chính là quan điểm xuất phát, một yêu cầu có tính chất tiên quyết đối với cán bộ cách mạng, không ít lần Hồ Chí Minh lưu ý rằng: Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài, người cán bộ cách mạng không phải là người
“làm quan cách mạng”, không phải vào Đảng, không phải làm cán bộ để
“thăng quan tiến chức” không phải như dưới thời thực dân - phong kiến một người làm quan cả họ được nhờ không phải là cán bộ đè đầu cưỡi cổ dân chúng như thời thực dân phong kiến… Người cán bộ phải tận tuỵ với sự
nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng với tổ quốc phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn – cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [15, 17].
Trung thành ở đây đòi hỏi cán bộ phải hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được giao, kể cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cả khi thời bình, xây dựng đất nước; khi gặp thắng lợi thì không kêu căng, chủ quan tự mãn; khi gặp khó khăn, gian khổ trở ngại thì không hoang mang, dao động “vô luận trong hoàn cảnh nào lòng họ cũng không thay đổi” phải luôn có ý thức và hành động bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Trung thành với cách mạng là phải hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân là việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng hết sức tránh.
Trong quan niệm về cái “đức làm gốc” nhất thiết phải bao hàm phẩm chất chính trị bên trong, điều này được Hồ Chí Minh khẳng định:
“Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là:
- Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt.
- Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật cho Đảng thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng.
- Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình, hết lòng phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
- Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để năng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ” [18, 19].
Trong bài “Người cán bộ cách mạng” viết ngày 3 tháng 3 năm 1955, Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:
Nhận rõ phải trái. Gĩư vững lập trường Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”
[14, 46]
Trên đây chính là tiêu chí đạo đức của người cán bộ cách mạng đã được Hồ Chí Minh vạch ra hết sức cụ thể: Hồ Chí Minh chỉ ra những căn bệnh mà cán bộ cần phải tránh, sửa chữa, đó là: Tư tưởng địa phương chủ nghĩa, bè phái quân phiệt, hẹp hòi, chuộng hình thức, vô kỷ luật, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo lãng phí.
Thứ hai, người cán bộ phải có năng lực tổ chức thực hành.
Theo Hồ Chí Minh người cán bộ chỉ có đạo đức trong sáng cùng lòng nhiệt tình thôi thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực trí tuệ, biết nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật tự nhiên và xã hội vào hoạt động thực tiễn.
Năng lực tức là những thuộc tính nói lên tương quan giữa cá nhân với hoạt động, bảo đảm cho cá nhân đạt được hiệu quả lao động trong lĩnh vực chuyên môn nhất định phải thực hành khẩu hiệu “làm việc gì học việc ấy”, “vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ chức, tuyên truyền, công an…, cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy” [14, 14].
Hồ Chí Minh cho rằng, năng lực tổ chức thực hành của người cán bộ thể hiện ở những điểm: quyết định vấn đề một cách cho đúng tổ chức thi hành cho đúng và tổ chức kiểm soát cho đúng. Để quyết định một cách cho đúng cần phải có năng lực trí tuệ, nắm được thông tin sử lý thông tin, đưa ra những
phương án để lựa chọn, quyết định. Đồng thời về năng lực, cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân. Muốn thế, phải chuyển đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quyết định của đoàn thể chỉ biến thành hiện thực trong cuộc sống, ngoài yêu cầu về việc đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định đó phải đúng đắn, có việc phải tổ chức lãnh đạo toàn Đảng toàn dân ra sức thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Thứ ba, người cán bộ phải có trình độ lý luận.
Bên cạnh việc cạnh việc coi trọng năng lực đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh về cán bộ, thì Hồ Chí Minh còn rất coi trọng đến trình độ lý luận của cán bộ. Theo Hồ Chí Minh thì lý luận phải đi đôi với thực tiễn, nếu lý luận mà xa rời thực tiễn sẽ trở thành lý luận suông. Vì thế, người cán bộ phải học tập, rèn luyện để nâng cao lý luận phải thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, để làm phong phú thêm lý luận một cách là trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế, lúc học rồi có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích.
Muốn làm được điều đó, khi còn sống Bác Hồ thường khuyên cán bộ phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, phải quan tâm tới sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, lý luận không liên hệ với thực tế là lý luận suông.
Trong thực tế, việc xa rời lý luận tách lý luận ra khỏi thực tiễn đã làm cho cán bộ chúng ta mắc phải những căn bệnh, mà nguyên nhân chính của nó chính là do: kém lý luận hoặc khinh lý luận hoặc lý luận suông. Giống như, Bác Hồ đã từng nói: “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi…
có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Vì thế mỗi cán bộ, Đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế, phải chữa căn bệnh kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận
suông” [15, 24], có như thế lý luận với thực tiễn mới tạo ra hiệu quả, đó chính là chìa khoá phát triển công việc để giúp cho cán bộ tiến tới có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng. Lý luận phải đi đôi với thực tiễn, từ thực tiễn mà kiểm nghiệm lý luận.
Thứ tư, phong cách của người cán bộ.
Theo Hồ Chí Minh người cán bộ phải có phong cách tốt, phải phòng và chống tác phong chủ quan, tác phong quan liêu đại khái qua loa. Phải sâu sát tỉ mỉ; nắm việc lớn, phải giải quyết bắt đầu từ những việc cơ bản, không cận thị (tức chỉ nhìn gần mà không nhìn xa trông rộng được) có đầu óc quan sát, phải chân đi miệng nói tay làm, không như thế thì đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo công văn nhưng công việc không chạy, đồng thời người cán bộ phải nêu cao tính Đảng, mọi hoạt động của cán bộ phải dặt lợi ích của Đảng lên trên hết.
Đó chính là tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực của cán bộ câng phải có để đáp ứng yêu cầu và sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.
CHƯƠNG 2