CHƯƠNG 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN VĂN HÓA KINH DOANH
4.2. TƯ VẤN GIẢI PHÁP CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM
4.2.1. Một số gợi ý giải pháp đối với doanh nghiệp Nhật Bản nhằm xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh phù hợp với văn hóa Việt Nam
Thứ nhất, các chủ DN Nhật Bản cần thực sự chú trọng tới việc tìm hiểu và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam, qua đó xây dựng VHKD của DN mình phù hợp
Rõ ràng vấn đề hiểu biết về văn hóa Việt Nam chính là tiền đề đầu tiên để xác định được hướng đi trong việc xây dựng VHKD của DN, chỉ có một sự hiểu biết sâu sắc, cặn cẽ đối với văn hóa bản địa mới giúp các DN xây dựng được VHKD có sự phù hợp cao, đóng góp cho hiệu quả công tác quản trị cũng như kinh doanh của DN. Để thực hiện được điều này, bản thân chủ các DN Nhật Bản cần phải dành thời gian cho tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, tham gia sinh hoạt văn hóa, cùng đón các ngày lễ, tết truyền thống với người lao động, qua đó sẽ thấu hiểu được những nét văn hóa truyền thống của người Việt. Ngoài ra, các chủ DN cũng có thể học tiếng Việt, như là một bước tiếp cận quan trọng đối với
văn hóa Việt Nam, và cũng là để xóa bỏ các rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với nhân viên.
Thứ hai, các DN Nhật Bản cần chú trọng xây dựng những quy định, ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp, trao quyền nhiều hơn cho người lao động
Các DN Nhật Bản vẫn bị đánh giá là khá nghiêm khắc, độc đoán trong công việc, đặc biệt việc cho nhân viên cấp dưới được nêu ý kiến là rất hạn chế, vì thế, một trong những điểm quan trọng cần các chủ DN Nhật Bản cải thiện chính là nguyên tắc quản lý, điều hành doanh nghiệp phải theo cơ chế cởi mở hơn, trong đó, việc tham gia của các nhân viên quản lý cấp trung người Việt cần phải thể hiện rõ trong việc được quyền đóng góp ý kiến và sự tiếp thu ý kiến đó từ phía lãnh đạo DN. Muốn thực hiện tốt công việc này, các chủ DN Nhật Bản cần thay đổi triệt để tư duy văn hóa dân tộc vẫn còn nặng nề và không phù hợp với sự hội nhập.
Thứ ba, các DN Nhật Bản cần triệt để tuân thủ các quy định pháp luật trong việc quản lý tài chính, thực hiện nghĩa vụ đối với chính quyền và xã hội
Trong các vấn đề về tài chính, một trong những hiện trạng hay xẩy ra với các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn của Nhật Bản là hiện tượng chuyển giá, đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của ngân sách nhà nước và uy tín của thương hiệu. Điển hình của các DN Nhật Bản có hiện tượng báo lỗ liên tiếp những năm gần đây như Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia , Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và một số đơn vị khác. Vì thế, trong thời gian tới, hiệp hội các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam cần có sự liên kết và quản lý tốt hơn đối với các DN trong hiệp hội, giúp đảm bảo uy tín cho các DN Nhật Bản nói chung.
Đối với các trách nhiệm với xã hội, các DN Nhật Bản hầu như đều thực hiện khá tốt, nhưng vẫn có những tập đoàn chưa thực hiện tốt các công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường tại khu vực sản xuất, gần đây nhất, nhà mày sản xuất của Vedan đã có hiện tượng xả nước thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Vì thế, các DN Nhật Bản cần chú trọng tới những biện pháp an toàn sản xuất, đảm
bảo xử lý nguồn nước thải cũng như chất thải rắn để đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, trách nhiệm đối với cộng đồng cũng cần tiếp tục duy trì thông qua các hoạt động tài trợ nguồn vốn cho các chương trình xây dựng cầu, đường, trường học cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam. Các DN Nhật Bản có thể thành lập một quỹ chung hoạt động với tiêu chí vì cộng đồng, giúp nâng cao hình ảnh của các DN Nhật Bản đối với người dân Việt Nam.
4.2.2. Các gợi ý giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản phòng ngừa,hạn chế và giải quyết các tình huống xung đột,khó xử về văn hóa.
Thứ nhất, các DN Nhật Bản cần luôn luôn chú ý tới những sự khác biệt về văn hóa trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Sự khác biệt về văn hóa là rất rõ ràng và chắc chắn luôn luôn tồn tại trong hoạt động của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, vấn đề ở đây là việc các chủ DN có thực sự quan tâm và tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm hạn chế sự khác biệt này hay không. Vì những sự khác biệt này có những ảnh hưởng khá tiêu cực tới hiệu quả làm việc của người lao động Việt Nam, cũng như hiệu quả của các quá trình làm việc, hợp tác với đối tác Việt Nam của các DN Nhật Bản. Do đó, các chủ DN Nhật Bản cần thể hiện sự quan tâm, chú ý nhiều đối với vấn đề khác biệt về văn hóa của hai nước.
Các chủ DN Nhật Bản có thể sử dụng sự hỗ trợ của các tổ chức và chuyên gia văn hóa trong việc tìm hiểu về văn hóa và văn hóa kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời có một thư ký người Việt, với nhiều kinh nghiệm và vốn kiến thức rộng với nhiều mặt trong xã hội để hỗ trợ các chủ DN trong việc đưa ra các quyết định quản lý.
Thứ hai, các DN Nhật Bản cần xây dựng quy chuẩn về văn hóa với tiêu chí hài hòa giữa cả hai nền văn hóa, tránh tình trạng sử dụng quy chuẩn của nền văn hóa này đánh giá đối với những cá nhân thuộc nền văn hóa khác.
Xác định được điểm chung của hai nền văn hóa, và đồng thời tìm ra những điểm khác biệt lớn chính là bước đầu tiên trong việc xây dựng các quy chuẩn về văn hóa. Việc xây dựng các quy chuẩn này có ý nghĩa hết sức thực tế, khi mà trong một nền văn hóa hành vi này có thể không thể chấp nhận, nhưng trong một nền văn hóa khác thì hoàn toàn ngược lại. Do đó, quy chuẩn để đánh giá chung cho cả hai nền văn hóa là hết sức cần thiết trong hoạt động quản lý hay hợp tác của các DN. Tuy nhiên, rõ ràng rằng trong hoạt động quản lý, số đông người lao động là người Việt Nam, vì thế, các quy chuẩn về văn hóa cũng cần có những sự thiên lệch về phía văn hóa Việt Nam, để tránh gây ra những tâm lý bức xúc cho số đông. Trường hợp không tìm ra được một quy chuẩn đánh giá chung, trong các quyết định quản lý có liên quan đến người lao động Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xử lý kỷ luật, các chủ DN Nhật Bản nên thật sự có sự cân nhắc trong việc xây dựng bộ nguyên tắc, quy tắc làm việc, khen thưởng và kỷ luật cho DN của mình.
Thứ ba, các DN Nhật Bản cần tạo ra môi trường làm việc hợp lý cho người lao động, chú trọng hơn nữa tới quyền phát ngôn, đóng góp ý kiến của lao động người Việt.
Điểm hạn chế rõ ràng của các DN Nhật Bản trong hoạt động quản lý lao động Việt Nam là vấn đề nghiêm khắc trong việc giao việc cho lao động, thường không cho cấp dưới có ý kiến đóng góp trong công việc, vì thế, gây ra những áp lực khá lớn và tâm lý cảm thấy không được tôn trọng trọng một bộ phận lao động. Do đó, trong thời gian tới, các lãnh đạo DN Nhật Bản cần thực hiện việc thay đổi chính sách quản lý, tăng quyền cho cấp dưới người Việt, xem họ như là những đồng nghiệp có kiến thức, có khả năng đóng góp và hỗ trợ cho sự phát triển của DN.
Môi trường làm việc của các DN Nhật Bản cũng cần có những cải thiện theo hướng tạo ra một môi trường làm việc cởi mở hơn, giảm bớt áp lực từ chính sách quản lý hiệu quả công việc. Thực tế có nhiều DN chỉ quan tâm đến giao việc cho nhân viên, mà không chú ý tới việc nhân viên đều phải làm thêm ngoài giờ để hoàn thành các công việc này. Vì thế, phương thức quản lý bằng hiệu quả công việc tỏ ra có nhiều điểm hạn chế, khiến cho nhiều lao động chỉ biết làm việc, không có thời
gian dành cho bản thân và gia đình. Trong tương lai, các DN Nhật Bản cần có biện pháp giao việc khoa học hơn, không mang tính ép buộc nhân viên như hiện nay, mà thay vào đó, giao việc cần có sự tính toán, cân nhắc về thời gian hoàn thành cho người lao động Việt Nam, mặc dù vẫn có thể giao những việc mang tính áp lực để rèn luyện nhân viên, nhưng phải là hạn chế, không nên liên tục trong thời gian dài.