Đặc điểm vùng nghiên cứu

Một phần của tài liệu xây dựng chương trình quản lý dữ liệu nông thôn mới dựa trên hệ thống thông tin địa lý tại huyện vũng liêm, tỉnh vĩnh long (Trang 31 - 37)

CHƯƠNG 1. LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU

1.8 Đặc điểm vùng nghiên cứu

Vị trí địa lý

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), huyện Vũng Liêm có tổng diện tích tự nhiên là 29.442,80 ha, trung tâm huyện nằm cách trung tâm Thành phố Vĩnh Long khoảng 35 km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 53.

Huyện có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm có: Hiếu Nghĩa, Hiếu Nhơn, Hiếu Phụng, Hiếu Thành, Hiếu Thuận, Quới An, Quới Thiện, Tân An Luông, Tân Quới Trung, Thanh Bình, Trung An, Trung Chánh, Trung Hiệp, Trung Hiếu, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây và Thị trấn Vũng Liêm.

Theo Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long (2010), vị trí tiếp giáp của huyện Vũng Liêm như sau:

- Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre.

- Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tam Bình và huyện Trà Ôn.

- Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh.

- Phía Bắc giáp huyện Mang Thít.

Hình 1.3: Bản đồ vùng nghiên cứu Địa hình, địa mạo

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), địa hình huyện Vũng Liêm thuộc dạng địa hình đồng bằng do phù sa bồi đắp tạo nên, tương đối bằng phẳng, tiểu địa hình cao ở các xã ven sông Cổ Chiên và sông Măng Thít thấp dần về phía Nam của huyện.

Khí hậu

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), Vũng Liêm nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng, ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào. Nhiệt độ trung bình qua các năm biến động từ 27,3 – 28,40C, tuy nhiên qua các tháng trong năm 2010 vào mùa khô đặc biệt tháng 4, 5 cho thấy nền nhiệt của toàn tỉnh lên cao 37,5 – 38,30C.

Nhiệt độ cực trị trong giai đoạn 2006 – 2010 cao nhất 38,30C, thấp nhất 19,40C; biên độ nhiệt giữa ngày và đêm 7,3 – 7,50C.

Lượng mưa trung bình đạt 1.552 – 1.690 mm/năm, riêng lượng mưa năm 2009 chỉ đạt 1.353 mm/năm và năm 2010 lại tăng lên đến 1.690 mm/năm.

Thủy văn

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), hệ kinh trục phân bố khá đều trên toàn huyện với mật độ bình quân trên 13,7 m/ha, trong khi đó mật độ kinh mương nội đồng trung bình 20 m/ha và phân bố không đều. Nước ngọt hầu như quanh năm (chỉ nhiễm mặn nhẹ diễn ra vài ngày trong năm ở các xã ven sông Cổ Chiên), tạo thuận lợi cho tưới tiêu trong nông nghiệp, giao thông thuỷ, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Tài nguyên đất

Theo kết quả điều tra khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long về thổ nhưỡng và chỉnh lý, đánh giá biến động các đơn vị đất trên toàn tỉnh Vĩnh Long năm 2002 cho thấy đặc điểm về tài nguyên đất của huyện có 4 nhóm chính như sau :

Nhóm đất phù sa: Diện tích 8.259 ha, chiếm 31,77% diện tích đang sử dụng.

Nhóm đất phèn tiềm tàng: Với diện tích 16.349,04 ha, chiếm 62,89% diện tích đang sử dụng.

Nhóm đất phèn phát triển: Diện tích 1.268,62 ha, chiếm 4,88% diện tích đang sử dụng.

Nhóm đất cát giồng: Với diện tích 119,58 ha, chiếm 0,46% diện tích đất đang sử dụng.

Tài nguyên nước

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), nguồn nước mặt cung cấp chính cho toàn huyện chủ yếu từ sông Cổ Chiên thông qua hệ thống các sông nhỏ như sông Măng Thít, Vũng Liêm, Mây Tức và hệ thống kinh rạch nội đồng cung cấp nước cho toàn bộ đất canh tác và sinh hoạt của huyện.

Nguồn nước dưới đất: Nước dưới đất của toàn tỉnh nói chung và của huyện Vũng Liêm nói riêng là khá phong phú, song việc khoanh định phạm vi phân bố và xác định trữ lượng, chất lượng nước để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì hạn chế.

Tài nguyên khoáng sản

Theo Sở Công nghiệp Vĩnh Long (2001), huyện Vũng Liêm có 7 thân sét phân bố tập trung ở các xã Trung Thành Tây, Trung Hiệp, Quới An, Quới Thiện, Tân An Luông, Tân Quới Trung với diện tích có khả năng khai thác 8.915 ha.

Theo Công ty địa chất và khoáng sản Geosimco (2009), huyện Vũng Liêm có nguồn tài nguyên cát lòng sông khá phong phú, theo khảo sát có 4 thân cát tập trung ở các xã ven sông Cổ Chiên như: Quới An, Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây với tổng chiều dài hơn 23,8 km, rộng trung bình 200 – 600 m, độ

dày cát từ 2,4 – 4,24 m, chủ yếu là cát hạt nhỏ (0,24 – 0,1 mm), hạt trung (0,5 – 0,25 mm), cát hạt lớn (2 – 0,5 mm) và nhóm bột sét (<0,1 mm) với trữ lượng là 12,727 triệu m3.

1.8.2 Đặc điểm kinh tế xã hội Tăng trưởng kinh tế

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), trong giai đoạn 2006 – 2010 cùng với sự phát triển chung của tỉnh và cả nước, kinh tế xã hội của huyện không ngừng tăng trưởng được thể hiện qua kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chủ yếu trong giai đoạn 2006 – 2010.

Về chỉ tiêu kinh tế: Giá trị sản xuất nông nghiệp – thủy sản tăng bình quân 5,41%/năm, bình quân giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng lên 20,66%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa – dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 24,11%/năm, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng bình quân 12,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 14 triệu đồng.

Về chỉ tiêu xã hội: Tỷ lệ tăng dân số đến năm 2010 giảm còn 1%, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 còn 5%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch phổ thông 97%, trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung 50%.

Nông nghiệp

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), kết quả sản xuất nông nghiệp – thuỷ sản tăng bình quân 5,41%/năm trong giai đoạn 2006 – 2010; giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2010 đạt 75 triệu đồng/ha/năm, đồng thời còn có trên 3.000 ha đất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Ngành trồng trọt chiếm ở tỷ lệ trên 80% tổng giá trị nông nghiệp qua các năm. Giá trị sản xuất tăng trưởng theo các năm, ở giai đoạn 2006 – 2010 tăng đạt 4,77%/năm.

Ngành chăn nuôi, giá trị sản xuất năm 2010 đạt 162,57 tỷ đồng so với năm 2000 tăng 1,55 lần, tăng bình quân ở giai đoạn 2001 – 2005 là 7,67%/năm và giai đoạn 2006 – 2009 là 3,3%/năm, tính cả giai đoạn 2001 – 2009 là 5,46%/năm.

Ngành thủy sản, giá trị sản xuất năm 2010 đạt 90,29 tỷ đồng so với năm 2000 là 19,95 tỷ đồng, tăng bình quân ở giai đoạn 2001 – 2005 là 3,88%/năm và giai đoạn 2006 - 2009 là 32,34%/năm. Giá trị sản xuất ngành thuỷ sản năm 2009 chiếm 8,2% trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp huyện với sản lượng đạt 16.638 tấn.

Công nghiệp

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), huyện có 2.557 cơ sở sản xuất với 5.521 lao động, so với năm 2005 tăng 1.765 cơ sở và 3.453 lao động; giá trị sản xuất tăng bình quân là 20,66%/năm. Năm 2010 giá trị sản xuất đạt 94,63 tỷ đồng, tăng 2,56 lần so với năm 2005, trong đó các ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh thu hút số

lượng lớn lao động ở địa phương, toàn huyện có 4 làng nghề được công nhận năm 2008 (se lõi lát xã Quới thiện; se lõi lát xã Thanh Bình; 2 điểm trồng lát và se lõi lát xã Trung Thành đông - sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu).

Dịch vụ

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), giá trị sản xuất thương mại dịch vụ năm 2000 đạt 88.450 triệu đồng; năm 2005 đạt 163.911 triệu đồng; đến năm 2009 đạt 213.084 triệu đồng và ước cuối năm 2010 đạt 260.000 triệu đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 9,67%/năm.

Toàn huyện đến nay có 6.505 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ với 9.718 lao động so với năm 2005 tăng 2.102 cơ sở và tăng 2.200 lao động.

Dân số, lao động việc làm và thu nhập

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), tổng dân số toàn huyện là 161.160 người, trong đó khu vực nông thôn 154.587 người, chiếm 95,92% tổng dân số và khu vực đô thị có 6.573 người, chiếm 4,08% tổng dân số, với tổng số hộ 43.537 hộ (khu vực nông thôn 41.612 hộ và khu vực đô thị 1.925 hộ), các hộ đô thị tập trung ở khu vực Thị trấn Vũng Liêm. Mật độ dân số bình quân của huyện năm 2010 là 548 người/km2 thấp hơn so với mật độ dân số bình quân chung của tỉnh (688 người/km2). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2010 còn 1% giảm 0,13% so với năm 2005 và giảm 0,22% so với năm 2000.

Theo niên giám thống kê huyện Vũng Liêm năm 2010, toàn huyện có 83.873 người trong độ tuổi lao động, so với năm 2005 giảm 1.576 người và so với năm 2000 giảm 11.326 người trong độ tuổi lao động. Năm 2009 trong tổng số người trong độ tuổi lao động có 75.600 người đang làm việc trong các ngành, chiếm 90,1% tổng số người trong độ tuổi lao động, trong đó ngành nông nghiệp – thuỷ sản 54.432 người (chiếm 72%); ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có 8.316 người (chiếm 11%) và ngành thương mại – dịch vụ có 12.852 người (chiếm 17%). Số lao động còn lại 9,9%

đi làm việc nơi khác và lao động chưa có việc làm.

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 14 triệu đồng/người/năm so với năm 2005 tăng 170% và so với năm 2000 tăng 260%.

1.8.3 Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

Giao thông

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), thực trạng giao thông như sau :

- Đường bộ: toàn huyện đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông bằng nhiều nguồn vốn và huy động nhân dân đóng góp đầu tư nâng cấp, láng nhựa, rãi đá được 55 km đường liên xã, 87 km đường liên ấp, 40 cầu bê tông và 04 bến phà. Về tiêu chuẩn đường đến nay toàn huyện có 62% đường nhựa và 38% đường đá cấp phối, với tổng chiều dài 286,62 km, mật độ giao thông đạt 0,97 km/km2.

- Giao thông thủy: huyện có hệ thống giao thông thủy khá thuận lợi cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hoá, từ trung tâm huyện lỵ có thể đi đến hầu hết các xã trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh. Một số xã nằm dọc theo sông Cổ Chiên gần với tuyến công nghiệp Cổ Chiên, cảng Mỹ Phước có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi. Quan trọng đường thuỷ trên địa bàn huyện là sông Măng Thít và sông Cổ Chiên, là 2 tuyến giao thông thủy nội địa quan trọng từ Thành phố Cần Thơ đi Thành phố Hồ Chí Minh ngang qua địa bàn huyện thuận tiện lưu thông, vận tải, mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế.

Cơ sở Văn hóa - Thể thao

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao trong thời gian qua luôn được duy trì và phát triển, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, hoạt động của Trung tâm văn hoá huyện, các nhà văn hoá xã, thư viện, các phòng đọc sách, thông tin truyền thông, phong trào văn nghệ quần chúng tiếp tục được cũng cố, nâng cao chất lượng.

Giai đoạn 2005 – 2010 trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hoá: bia Nam kỳ Khởi nghĩa (xã Thanh Bình); Quảng trường văn hoá (thị trấn Vũng Liêm); 5 nhà văn hoá xã; Đình Phú Nhuận; hoàn thành dự án bảo tàng nông nghiệp, khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; xuất bản lịch sử xã Trung Hiệp…

Cơ sở y tế

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), diện tích sử dụng đất cho ngành y tế của huyện, đến năm 2010 là 5,51 ha, chiếm 15,06% diện tích ngành y tế toàn tỉnh (36,52 ha).

Giai đoạn 2005 – 2010, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, nâng cấp mở rộng bệnh viện đa khoa huyện, 10 trạm y tế xã, trong đó bệnh viện đa khoa của huyện với qui mô 50 giường, một phòng khám đa khoa khu vực có 10 giường và 19 trạm y tế với 95 giường bệnh.

Cơ sở giáo dục - đào tạo

Theo UBND huyện Vũng Liêm (2010), diện tích sử dụng đất cho ngành giáo dục của huyện đến năm 2010 là 45,52 ha, chiếm 14,46% diện tích ngành giáo dục toàn tỉnh (314,82 ha).

Hệ thống cơ sở giáo dục – đào tạo của toàn huyện trong thời gian qua luôn được quan tâm phát triển, giai đoạn 2005 – 2010 trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng trên 127 tỷ đồng, sửa chữa 296 phòng học, 138 nhà vệ sinh, 6 nhà công vụ, đến nay nâng số phòng học được xây dựng cơ bản đạt 99,26%.

Về công tác giáo dục đào tạo, Năm học 2009 – 2010 toàn huyện có 68 trường với 696 phòng học, 954 lớp học, 1.621 giáo viên và 26.524 học sinh.

Một phần của tài liệu xây dựng chương trình quản lý dữ liệu nông thôn mới dựa trên hệ thống thông tin địa lý tại huyện vũng liêm, tỉnh vĩnh long (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)