Chương 1:HỒ CHÍ MINH - CUỘC ĐỜI VÀ SÁNG TÁC VĂN HỌC
1.3 Sáng tác cho thiếu nhi của Hồ Chí Minh
Trong cảm nhận của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam, hình ảnh Bác Hồluôn gần gũi và vô cùng thân thiết. Bác yêu thương thiếu nhi, luôn dành cho các em một tình cảm đặc biệt. Câu thơ của Bác đã trở thành câu hát của các thế hệ thiếu nhi, làm rộn ràng lòng các em biết bao khi nhớ đến Bác:
Ai yêu các nhi đồng Bằng Bác Hồ Chí Minh
(Làm theo lời Bác Hồ dạy, NXB Kim Đồng, 1970) Trong sự nghiệp sáng tác văn học, Hồ Chí Minh hướng đến nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau: những chiến sĩ trên chiến trường; những người nông dân trên cánh đồng; những công nhân trong các xí nghiệp; những nhà văn, nhà thơ… nhưng có lẽ tình cảm đặc biệt nhất, Bác dành cho các em nhi đồng. Đó là lớp "công dân đặc biệt" được Người chú ý. Các nhà nghiên cứu văn học phân chia tác phẩm của Bác theo đặc trưng thể loại, nên không chia riêng mảng sáng tác cho thiếu nhi. Song những bài thơ, bài văn viết cho thiếu nhi của Người luôn xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ tập thơ nào; có khi trong tập Nhật kí trong tù; có khi ở tậpThơ chữ Hán Hồ Chí Minh; có khi lại là những bài thơ lẻ… Ngay từ những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ đã quan tâm đến thiếu nhi. Bác mơ ước xây dựng cho các cháu một thiên đường trên đất nước. Khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, những đau đớn, đầy đọa về thể xác hành hạ, nhưng Người vẫn đau xé lòng khi nghe tiếng khóc của một em bé. Sau cách mạng tháng Tám, Người kêu gọi mọi tổ chức đoàn thể chú ý đến sự nghiệp giáo dục của các em. Mặc dù công việc bận rộn, nhưng Bác vẫn quan tâm làm thơ, gửi thư cho các cháu, nhất là
những ngày vui của các cháu như: tết trung thu, ngày khai trường, ngày quốc tế thiếu nhi…
Viết cho thiếu nhi, trước tiên, Bác Hồ thể hiện một tình yêu thương đặc biệt; một nỗi xót xa, đau đớn khi các em phải sống trong cảnh nước nhà có chiến tranh; các em chưa được hưởng niềm vui hòa bình, tự do như các thiếu nhi khác trên thế giới. Hai bài thơ Bác viết cho thiếu nhi năm 1941: Kêu gọi thiếu niên, Trẻ chăn trâu có những đoạn viết về cảnh khổ đau của thiếu nhi thật xúc động. Đó là nỗi đau khía vào tim gan của những người cha, người mẹ khi nhìn con mình cực khổ, lầm than:
Trẻ em như búp trên cành, Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.
Chẳng may vận nước gian nan, Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng.
Học hành, giáo dục đã không, Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa.
Sức còn yếu, tuổi còn thơ Mà đã khó nhọc cũng như người già.
Có khi lìa mẹ lìa cha, Để làm tôi tớ người ta bên ngoài
(Thơ Hồ Chí Minh, Nxb Văn học, H.1976, tr 22) Đó là những câu hỏi làm day dứt, đau lòng:
Vì ai ta chẳng ấm no?
Vì ai ta đã phải lo cơ hàn?
Vì ai cha mẹ nghèo nàn?
Vì ai nhà cửa, giang san tan tành?
Vì ai ngăn cấm học hành?
Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?
(Trẻ chăn trâu)
Và Bác đã giải thích rõ vì sao các em phải đau khổ:
Ấy là vì Nhật, vì Tây, Ra tay vơ vét, đọa đầy chúng ta.
Làm cho tan cửa nát nhà, Trẻ con vất vả, người già đắng cay.
(Trẻ chăn trâu) Năm 1954, đất nước tạm thời chia thành hai miền, Bác xót thương cảnh Bắc, Nam chia cách, xót thương cảnh các cháu miền Nam chưa được hưởng ngày hòa bình. Bác viết thư Gửi các cháu thiếu nhi Trường Hoàng Lệ Kha và tất cả các cháu miền Nam:
Bắc Nam sum họp một nhà,
Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi
(Làm theo lời Bác Hồ dạy, sđđ, tr 51- 65) Trong mọi hoàn cảnh, tình thương yêu của Người dành cho các cháu thiếu nhi luôn sâu đậm, tha thiết:
Trung thu trăng sáng như gương Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương
(Thư Trung thu 1951)
Hình ảnh các em thiếu nhi sống trong cảnh cơ cực, lầm than và thiếu thốn đã hun đúc cho Người tinh thần cách mạng ngày một lớn lao. Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân dân ta trên khắp các chiến trường, liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng. Trong Thư trung thu năm 1953, Bác vui vẻ báo với các em về chiến thắng lớn của dân tộc:
Thu này hơn những thu qua,
Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần.
Phát động nông dân, Cái cách ruộng đất, Dân đỡ chật vật Hăng hái tăng gia.
Xóm gần cho đến làng xa
No cơm ấm áo, theo đà tiến lên.
Cuối bài thơ Bác chia vui cùng các cháu:
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Và Bác khẳng định:
Thu sau so với thu này vui hơn
(Làm theo lời Bác Hồ dạy, sđđ, tr 51, 65) Đến ngày Nam, Bắc một nhà:
Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng.
Là con người có tầm nhìn thấu suốt thời đại, khi vận mệnh dân tộc nguy nan, Người đã kêu gọi đồng bào cả nước tham gia kháng chiến, trong đó có các em thiếu nhi. Bác kêu gọi các em hãy đem sức mình đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung:
Vậy nên trẻ em nước ta, Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!
Người lớn cứu nước đã đành, Trẻ em cũng góp phần mình một tay.
(Trẻ chăn trâu) Bác còn nêu gương những thiếu nhi anh dũng trong kháng chiến để các em noi theo, học tập. Đó là tấm gương dũng cảm của em Lê Văn Thục:
Cháu có can đảm Giơ súng dọa Tây Bắt nó hàng ngay Lấy được súng nó Vì thành công đó Bác gửi lời khen.
Là tấm gương mưu trí của em Phạm Đỗ Hải:
Bác được tin rằng Cháu làm liên lạc Bị giặc bắt được Lại trốn thoát ngay Mang hai lính Tây Theo về bộ đội Thế là cháu giỏi
Biết cách tuyên truyền Bác gửi lời khen
(Hồ Chủ Tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội Nhân dân, H, 1965, tr. 34- 35).
Trong từng chặng đường lịch sử của dân tộc, Người không quên động viên và giao nhiệm vụ cho các em. Có khi chỉ là những lời động viên, nhắc nhở:
Trẻ em như búp trên cành Biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan
(Thơ Hồ Chí Minh, Nxb Văn học, H.1976, tr 22) Những năm 1960- 1961, xuất phát từ tình hình mớicủa đất nước, Bác lại căn dặn và giao nhiệm vụ cho các em:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Ngày nay, năm điều Bác Hồ dạyđã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của thiếu nhi Việt Nam. Bác khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công họctập của các cháu”
(“Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9 năm 1945”, Sách Làm theo lời Bác Hồ dạy, sđđ, tr 20).Người luôn gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ, vào những búp măng non của Tổ quốc.Trung thu năm 1946, dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước, Bác vẫn không quên làm thơ gửi cho các cháu:
Bác mong các cháu chăm ngoan Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam.
Ý thơ thể hiện sự quan tâm, niềm mong mỏi các cháu thiếu nhi chăm học và làm được nhiều việc tốt, góp phần xây dựng và giữ gìn nền độc lập non trẻ của đất nước. Bác nhắc đến những danh từ thiêng liêng như: Lạc Hồng, Tiên Rồng... như muốn gợi lại truyền thống yêu nước bốn nghìn năm của lịch sử dân tộc.
Cách mạng tháng Tám thành công, một kỷ nguyên mới mở ra cho đất nước niềm mong ước của Bác dành cho các em:
Bao giờ đuổi hết Nhật Tây Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng
(Kêu gọi thiếu nhi)
Sau khi giành độc lập với bản Tuyên ngôn Độc lập vang dội thế giới, Bác không quên thiếu nhi - những chủ nhân tương lai của đất nước, Bác viết thư gửi nhi đồng toàn quốc. Và cũng từ đó không năm nào Bác quên viết thư cho các em: “Các cháu hãy nghe lời Bác, lời của một người lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các cháu được giỏi giang…” (“Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9 năm 1945”, Sách Làm theo lời Bác Hồ dạy, sđđ, tr 19). “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh thắng giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được sung sướng” (“Thư gửi các cháu nhi đồng toàn quốc nhân ngày Nhi đồng quốc tế 1- 6 -1951, Sách Làm theo lời Bác Hồ dạy, sđđ, tr 19).
Đất nước đã được tự do, cảnh trăng thu của một nước độc lập sao vui lạ lùng:
“Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng, trời xanh của trung thu lại làm cho các cháu vui cười hớn hở. Các cháu vui cười hớn nở, Bác Hồ cũng vui vười hớn hở với các cháu(…) một là vì Bác rất yêu mến các cháu, hai là vì trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bày nô lệ trẻ con, mà Trung thu năm nay đã được tự do và các cháu đã thành những người tiểu chủ nhân của một nước độc lập” (“Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết Trung thu năm 1945”, Sách Làm theo lời Bác Hồ dạy, sđđ, tr 14).
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã viết nhiều bài thơ, thư chúc tết, thư nhân dịp trung thu cho trẻ em. Bác còn đến thăm hỏi, trò chuyện, chia kẹo, hỏi thăm tình hình ăn ở, học hành, sức khỏe của trẻ, gửi tiền nhuận bút của mình xây dựng trường lớp... Những việc làm đó xuất phát từ trái tim nhân hậu, đầy tình yêu thương, sự tin tưởng vào thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Trẻ em luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệpvăn chương của Hồ Chí Minh. Hình tượng trẻ em trong thơ văn Người luôn vận động hướng về tương lai, ở thì tương lai;
luôn hướng tới những điều vui vẻ tốt đẹp. Đây là tư tưởng tiến bộ nhất quán trong quan niệm của Hồ Chí Minh về chiến lược phát triển con người. Thế hệ thiếu nhi hồi đó giờ đây đã trưởng thành, và trong số đó có biết bao con người mới, đã trở thành tấm gương ưu tú, những anh hùng của dân tộc. Họ đã làm vui lòng Bác và thực hiện đúng lời Bác: “Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Rấtnhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã tự hào và vui sướng mỗi khi hát vang câu hát:
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn chúng em nhi đồng!
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn thiếu nhi Việt Nam!
(Bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng- Phong Nhã) Cảm động trước tình yêu thương vô bờ mà Bác dành cho thiếu nhi, cũng như cho mọi người dân đất Việt, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Bác ơi! tim Bác mênh mông thế Ôm cả non sông, mọi kiếp người
(Bác ơi! - Tố Hữu) Tình yêu của Bác dành cho thiếu nhi không chỉ giới hạnlà các em thiếu nhi Việt Nam, mà mở rộng ra tất cả thiếu nhi trên toàn thế giới. Hồi bị giặc Tưởng bắt giam, Bác từng xót xa, thổn thức trước cảnh tượng một em bé trong nhà lao Tân Dương (Trung Quốc):
Oa!...! Oa…! Oa…!
Cha trốn không đi lính nước nhà Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi Phải theo mẹ đến ở nhà pha
(Nhật ký trong tù)
Năm 1955, trong dịp đi thăm Trung Quốc, Bác có viết một bức thư cho các em thiếu nhi Trung Quốc, trong đó có đoạn: “Bác yêu các cháu như yêu cáccháu thiếu nhi Việt Nam”.Trước khi qua đời, trong Di chúc, Bác có lời chào “các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Bác luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp hạnh phúc nhất đến với các em: “Cái gì tốt nhất đều để dành cho các em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường cho trẻ con… Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên Tổ quốc Việt Nam, trái lại, ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước Nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng mạnh khỏe như trẻ em Liên Xô”(Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, sđđ, tr 60). Nguyện vọng tha thiết của Bác là mong các cháu thiếu nhi Việt Nam được sung sướng. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Bác làm cách mạng và Bác đi tới đâu là ở đấy có thay đổi “Ở đâu có Việt kiều là ở đấy có tổ chức trường học cho trẻ em. Ở đâu có trường học là ở đó cha mẹ tụ họp để nghe đọc báo và bàn bạc công việc. Nạn cờ bạc, cãi nhau bớt hẳn. Người lớn giúp đỡ nhau công việc. Trẻ em không ngỗ nghịch. Nạn mù chữ dần dần thanh toán hết” (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, sđđ, tr 57).
Nói tóm lại, thơ văn Hồ Chí Minh viết cho thiếu nhi có một vị trí quan trọng trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Đó là những bài viết giản dị mà chan chứa tình yêu thương như chính tấm lòng của Bác dành cho các em.
Trong giờ phút thiêng liêng cuối cùng của cuộc đời, Người vẫn dành trọn vẹn tình yêu thương cho con trẻ: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng” (Di chúc).
CHƯƠNG 2