Chương 3: Ý NGHĨA GIÁO DỤC TÁC PHẨM CỦA HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI HỌC SINH TIỂU HỌC
3.3. Đề xuất và kiến nghị
3.3.1. Đề xuất kiến nghị việc dạy
Trước tiên, để có thể dạy tốt sáng tác của Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc Tiểu học, người giáo viên cần phải xác định rõ sự đặc trưng thể loại mỗi tác phẩm. Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn, nhà thơ lớn. Văn thơ Bác phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của Người. Giáo viên cần xác định được mục tiêu giảng dạy để giúp học sinh cảm nhận hết vẻ đẹp ngôn từ và vẻ đẹp tâm hồn ẩn chứa trong tác phẩm của Bác. Đó là vẻ đẹp của ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu.
Nội dung chủ yếu là động viên, khích lệ, đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các em, từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước; ý thức tu dưỡng bản thân. Khi đã xác định được mục tiêu đó, người giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp. Bên cạnh cách phương pháp giảng dạy truyền thống như:
thuyết trình, nêu vấn đề, gợi mở, giáo viên có thể phối hợp và mở rộng linh hoạt với một số phương pháp khác
Tác phẩm của Hồ Chí Minh được giảng dạy trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở Tiểu học dù phong phú đa dạng, nhưng không thể phản ánh được hết tấm lòng và hình ảnh về Bác. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên lồng ghép những câu chuyện nhỏ về Người để giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn về Bác và rút ra những bài học cho bản thân. Ví dụ, khi dạy bài tập đọc Tặng cháu trong chương trình Tiếng Việt 1, tập 2, giáo viên có thể kể cho học sinh nghe chuyện Bác Hồ tặng cho một em bé quả táo khi ở bên Pháp hay Bác dành bể cá vàng trong ngôi nhà sàn của mình dành cho các cháu thiếu nhi. Hay khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài Thư Trung thu của Bác, giáo viên có thể giúp các em hiểu rõ tình cảm của Bác dành cho các em bằng việc kể thêm câu chuyện: “Có lần đang ngủ đến gần sáng, lạnh quá, Bác thức dậy. Gió vun vút đập vào cửa kính.
Chợt Bác nghe thấy có tiếng trẻ em rao hàng dưới đường, Bác mở cửa ngó xuống nhìn em bé, nhìn mãi cho đến khi em bé đi khuất mới từ từ khép cửa lại. Một lần khác, Bác cùng xem phim với cán bộ đồng bào sau Đại hội Chiến sĩ thi đua năm 1952. Buổi chiếu phim tan, mọi người lục tục kéo nhau đứng dậy ra về, Bác vội đứng lên đưa tay ra lệnh trật tự và nói to: Xin hãy để các cháu bé ra trước kẻo lộn xộn các cháu sẽ lạc đấy. Thế là những người lớn lại ngồi xuống chờ các cháu nhỏ ra hết mới đứng lên về. Có lần Bác bảo đồng chí phục vụ Bác đưa cháu nhỏ 5 tuổi đến chơi với Bác. Đồng chí phục vụ dẫn con đến, lúc ấy Bác bận nên đã bảo đồng chí cho cháu ngồi chơi ăn kẹo. Khi Bác trở vào vẫn thấy 2 cha con ngồi chờ và không dám lấy kẹo ăn. Bác tỏ vẻ không bằng lòng, phê bình đồng chí: Ở nhà, cháu là con của cô chú, nhưng đến đây, cháu là khách của Bác. Chú phải có nhiệm vụ giúp Bác đãi khách
chứ, ai lại để cháu bé ngồi chơi suông hay sao?”… Những mẩu chuyện nhỏ ấy sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn tình yêu thương mà Bác dành cho các em.
Khi dạy tác phẩm của Người, giáo viên cần phối hợp phương pháp dạy học trực quan sinh động. Tức là giáo viên có thể cho các em xem tranh ảnh, tài liệu về Bác. Ngoài ra, giáo viên có thể kết hợp với hoạt động vui chơi, dã ngoại cho các em. Ví dụ: dạy bài Ngắm trăng, giáo viên có thể cho các em xem hình ảnh bức tranh trăng sáng, hình ảnh người tù trong song sắt ngắm trăng. Dạy bài Không đề, giáo viên có thể cho các em xem bức tranh về khung cảnh núi rừng Việt Bắc - khung cảnh khơi nguồn cho cảm hứng sáng tác của Bác. Trong mỗi dịp tham quan: quê Bác, chiến khu Việt Bắc, Lăng Bác…, giáo viên có thể lồng ghép bài học để thuyết minh cho các em. Với cách làm này, người giáo viên vừa phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo của học sinh, vừa giúp các em dễ dàng tiếp nhận và khơi gợi cảm xúc trong các em.
Học sinh Tiểu học là lứa tuổi nhạy cảm và đang hình thành nhân cách, hình thành tư duy sáng tạo, do đó, khi giảng dạy sáng tác của Hồ Chí Minh, không nên vì Bác là lãnh tụ mà giáo viên áp đặt cách nghĩ, cách hiểu cho học sinh. Giáo viên chỉ định hướng và gợi mở cho các em tự tiếp nhận. Giáo viên cũng cần giải thích cụ thể hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để học sinh hiểu rõ và khắc sâu ý nghĩa và lời răn dạy của Bác.
3.3.2. Đề xuất kiến nghị việc học
Đối với học sinh, để tiếp nhận hiệu quả tác phẩm của Hồ Chí Minh, bên cạnh việc các em học theo hướng dẫn của giáo viên, mỗi học sinh cần phải chủ động học tập và tìm hiểu. Các em có thể trực tiếp sưu tầm các bài báo, các mẩu chuyện, sáng tác của Hồ Chí Minh để tự trau dồi vốn ngôn ngữ, nguồn kiến thức và tiếp thu được những bài học từ vị Chủ tịch vĩ đại.
Đối với học sinh lớp lớn như lớp 4, 5, các em có thể tự lập nhóm học tập, tự kể cho nhau nghe và rút ra những bài học qua những câu chuyện về
Bác để tự mình rèn luyện kỹ năng kể chuyện, kỹ năng khái quát sau khi đọc xong một tác phẩm. Ngoài ra, các em có thể tự tìm hiểu các kiến thức về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách đi thăm các di tích như Lăng Bác, viện bảo tàng, quê Bác…
Nhìn chung, để có thể tiếp nhận hiệu quả nhất tác phẩm của Hồ Chí Minh, cả học sinh và giáo viên phải phối hợp linh hoạt phương pháp giảng dạy và học tập. Phải tìm được con đường tối ưu nhất để cảm thụ hết cái hay, cái đẹp ẩn chứa trong mỗi trang văn, trang thơ của Người.