Chương 2: ĐẶC SẮC NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT TÁC PHẨM CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC
2.1. Khái niệm cơ bản
2.1.1. Văn học thiếu nhi và đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi
Văn học thiếu nhi là “những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi” [13, 412].
Trên thế giới, từ rất lâu đã có những tác phẩm viết cho thiếu nhi trở thành kinh điển của nền văn hóa nhân loại như: Truyện cổ Andecxen;
Robinxon Cruxô của Đêphô; Không gia đình của Hecto Malô… Ở Việt Nam đầu thế kỉ XX bắt đầu xuất hiện các tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng phải đến sau 1945, nền văn học thiếu nhi mới chính thức hình thành. Ngày nay, nó trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc. Văn học thiếu nhi của mỗi dân tộc, quốc gia có những nét đặc sắc riêng song chúng đều gặp nhau ở điểm chung là mục đích nhân văn, hướng đến cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống. Đó là những tác phẩm gần gũi với các em, lấy các em làm đối tượng chính và thông qua tác phẩm, các em được giáo dục, mở rộng tầm nhận thức, bồi dưỡng cho các em tình cảm, sự gắn kết với thầy cô, bạn bè và cộng đồng. Văn học thiếu nhi là món ăn tinh thần quan trọng. Những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật khi được các em đón nhận sẽ có tác động tích cực trong việc làm phong phú đời sống tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, góp phần bồi dưỡng, định hướng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho thế hệ độc giả nhỏ tuổi.
Có thể nhận diện văn học thiếu nhi ở những đặc trưng cơ bản như sau:
- Tính giáo dục:
Tính giáo dục được xem là đặc trưng cơ bản và quan trọng nhất của văn học thiếu nhi. Văn học giáo dục toàn diện nhân cách trẻ về đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ. Tác phẩm văn học là người bạn đồng hành, đối thoại với các em bằng hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, khơi gợi dẫn dắt các em tìm hiểu và khám phá thế giới. Văn học tác động nhẹ nhàng đến nhận thức, tư tưởng tình cảm, đem lại cho các em nhận thức đúng và sâu sắc về thế giới xung quanh, từ đó, giúp các em phát triển trí tuệ và thưởng thức cái đẹp, tâm hồn sẽ nhạy cảm, tinh tế hơn…
- Khả năng khơi gợi, kích thích trí tưởng tượng sáng tạo của thiếu nhi:
Sáng tác văn học thiếu nhi đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm lí của đối tượng tiếp nhận. Tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ, tâm hồn trong sáng, cảm xúc và trí tưởng tượng rất phong phú, bay bổng. Tuổi thơ cũng ưa hài hước, dí dỏm, vui tươi. Mỗi tác phẩm văn học thiếu nhi thường chứa đựng những tiếng cười hóm hỉnh và tinh nghịch, kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất trẻ thơ, hồn nhiên, ngộ nghĩnh.Vì vậy, tưởng tượng là một yếu tố không thể thiếu trong tác phẩm văn học viết cho các em. Nhà văn viết cho các em phải thực sự hòa nhập với cuộc sống của trẻ thơ, sống hết mình với tuổi thơ mới có thể tạo được sự cộng hưởng với trẻ thơ trong sáng tác của mình. Một tác phẩm viết cho các em mà hay thì người lớn cũng yêu thích. Nhà văn nào cũng có thể viết về thiếu nhi nhưng không phải ai cũng thành công. Viết cho các em trước hết phải yêu, hiểu, biết đi sâu vào thế giới trẻ em. Tác phẩm cho các em không chỉ bay bổng mà còn phải vui, sống động như chính cuộc sống vậy.
- Hình thức ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu:
Tác phẩm văn học thiếu nhi phải ngắn gọn, súc tích, trong sáng, dễ hiểu. Sự ngắn gọn không chỉ thể hiện ở dung lượng tác phẩm mà còn thể hiện trong cả câu văn, câu thơ. Đồng thời, văn học thiếu nhi rất giàu hình ảnh, nhạc
điệu. Những hình ảnh đẹp, cùng với vần điệu, nhạc điệu vui tươi sẽ làm cho tác phẩm thêm sinh động và có sức lôi cuốn, hấp dẫn các em; trở thành món ăn tinh thần yêu thích của các em.
2.1.2. Thơ và đặc trưng cơ bản của thơ
Thơ là“hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu” [13, 309]. Thơ là sản phẩm của nhận thức, tưởng tượng và sáng tạo. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt, những nồng cháy mãnh liệt ấy theo đầu ngòi bút mà phát khởi thành thơ. Thơ viết cho thiếu nhi là những sáng tác trữ tình mà đối tượng hướng tới là thiếu nhi. Cảm xúc và chất thơ trong thơ viết cho thiếu nhi luôn trong sáng, giản dị, dễ hiểu và gần gũi với các em. Chính đặc trưng về đối tượng này sẽ chi phối và quy định về đặc trưng của thơ.
- Tính trữ tình là đặc trưng nổi bật nhất của thơ:
Hegel viết: “Đối tượng của thơ không phải là mặt trời, núi non, phong cảnh, cũng không phải là hình dáng và các biểu hiện bên ngoài của con người, máu thịt, thần kinh… Đối tượng của thơ là hứng thú tinh thần”.
“Nhiệm vụ chính của thơ là gợi lên cho ý thức nhận thức sức mạnh của cuộc sống tinh thần và tất cả những gì lay động ta, làm ta xúc cảm trong các dục vọng và các tình cảm nhân tính” (Mĩ học, Phan Ngọc dịch). Như vậy, thơ không miêu tả sự vật bên ngoài, không kể các sự việc xảy ra mà chỉ biểu hiện các xúc động nội tâm, những tình cảm, cảm nhận của con người trước sự việc, giúp ta hiểu con người chủ thể bên trong. Thơ viết cho thiếu nhi thường hướng đến thế giới tình cảm của các em. Đó là tình cảm gia đình; tình bạn bè;
tình cảm với quê hương, đất nước… Thế giới tình cảm của các em đa dạng và giàu cung bậc cảm xúc. Có khi là niềm vui lúc các em chăm ngoan, học giỏi;
nghe lời thầy cô, bố mẹ và biết giúp đỡ những người xung quanh. Có khi là nỗi buồn trước những điều trong cuộc sống mà các em chưa hiểu…
- Thơ là nghệ thuật của trí tưởng tượng:
Nếu tình cảm là sinh mệnh của thơ thì trí tưởng tượng là đôi cánh của thơ.
Tưởng tượng là hoạt động tâm lý phân giải, tổ hợp các biểu tượng đã có để tạo ra hình tượng hoàn toàn mới. Mọi hình tượng nghệ thuật đều cần đến tưởng tượng. Thơ không xây dựng các hình tượng khách thể như nhân vật trong truyện hay kịch, mà xây dựng hình tượng của bản thân dòng ý thức, cảm xúc đang diễn ra, vì thế tưởng tượng ở đây chủ yếu là liên tưởng, giả tưởng, huyễn tưởng. Với thơ viết cho thiếu nhi thì trí tưởng tượng lại càng phong phú và đa dạng. Thơ đưa các em vào một thế giới mới với nhiều màu sắc. Đối tượng trong thơ của các em có khi là các con vật, có khi là cỏ cây, hoa lá, chim muông, có khi còn là các vị Thần, ông Bụt, bà Tiên… Chính tưởng tượng làm phong phú hơn đời sống tâm hồn của các em. Vì vậy, muốn trở thành nhà thơ của thiếu nhi, đòi hỏi phải có tâm hồn trẻ thơ, phải gắn mình với các em, phải trải lòng cùng trí tưởng tượng trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng của các em.
- Ngôn từ của thơ có nhịp điệu:
Nhịp điệu trong thơ thể hiện ở sự phân dòng, ngắt nghỉ của lời thơ. Tùy theo số chữ (tiếng) trong dòng thơ mà có nhịp điệu khác nhau. Thơ viết cho thiếu nhi chủ yếu làm theo thể 4 hoặc 5 chữ. Nhịp điệu trong những bài thơ ấy thường nhanh, hài hòa phù hợp với tâm hồn của các em. Cách gieo vần tạo cho bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ. Ngôn từ thơ không có tính liên tục và tính phân tích như ngôn từ văn xuôi, ngược lại, nó có tính nhảy vọt, gián đoạn, tạo thành những khoảng lặng giàu ý nghĩa. Ngôn từ của thơ giàu nhạc tính với âm thanh luyến láy, những trùng điệp, sự phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị gợi cảm. Chính tính nhạc và sự luyến láy của câu chữ giúp các
em dễ thuộc, dễ nhớ. Vì vậy rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành công.
2.1.3. Văn xuôi và đặc trưng của văn xuôi
Văn xuôi (rộng hơn văn xuôi nghệ thuật) “là lời nói trực tiếp hiểu theo nghĩa, nó là lời nói hoặc chỉ có mục đích thực tiễn, hoặc phục vụ cho việc biểu đạt khoa học. Lời văn xuôi là lời biểu đạt một cái gì đó trực tiếp, không có biểu tượng, và nhìn chung là lời nói không tạo ra hình ảnh”(Thi pháp tiểu thuyết - A.Potebnhia). Văn xuôi là hình thức ngôn từ dùng để truyền đạt thông tin, đối lập với sáng tạo thi ca. Loại hình văn xuôi gồm nhiều thể loại khác nhau: văn chính luận, nghị luận, kí, thư, truyện, tiểu thuyết… Ở đây, chúng tôi không trình bày các đặc trưng chung của văn xuôi mà chỉ tập trung làm rõ một số đặc trưng của thể loại văn chính luận và thư, hai dạng thể loại mà luận văn nghiên cứu.
- Văn chính luận:
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Thể văn nghị luận viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau: chính trị, kinh tế, triết học, văn hóa… Mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định” [13, 400]. Đặc điểm chung của văn chính luận là sức thuyết phục. Sức thuyết phục bắt nguồn từ lý lẽ phù hợp với quy luật của đời sống và chân lý khách quan, từ cách phân tích thấu tình đạt lý. Đặc điểm thứ hai của văn chính luận là tính logic chặt chẽ. Tính logic ở đây được hiểu là cách lập luận phù hợp với quy luật của tư duy suy lý, không phạm vào mâu thuẫn mơ hồ, không nhập nhằng ý này với ý kia. Đặc điểm thứ ba của văn chính luận là có tính khái quát. Mọi lý lẽ, dẫn chứng đều phải đi đến kết luận thành các tư tưởng khái quát, thành các luận điểm rõ ràng. Văn chính luận tuyên truyền sự thật về chân lý hay cổ vũ,
khích lệ mọi người, ngoài ra nó còn có chức năng đả phá các lời dối trá.
Chính vai trò này mà văn chính luận cần có tính tư tưởng sâu sắc và tiến bộ;
lập luận phải chặt chẽ, linh hoạt và sáng tạo. Để đạt được dụng ý nghệ thuật cao, văn chính luận cần phải sử dụng rộng rãi các thuật ngữ chuyên môn, sử dụng nhiều thành phần từ vựng, sử dụng phổ biến các kiểu câu trong ngôn ngữ toàn dân, sử dụng nhiều biện pháp tu từ đa dạng.
Trong sự nghiệp văn học của mình, Hồ Chí Minh sử dụng thể văn chính luận như một công cụ đắc lực để đấu tranh cách mạng. Người viết Tuyên ngôn Độc lập để đọc trước toàn dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Người viết Bản án chế độ thực dân Pháp để tố cáo tội ác của thực dân Pháp trước nhân dân thế giới... Trong từng chặng đường cách mạng, Người lại viết lời kêu gọi tới nhân dân, đồng bào: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, Lời kêu gọi chống nạn thất học… Có thể nói, sáng tác của Hồ Chí Minh là điển hình tiêu biểu của dạng văn chính luận.
- Dạng văn theo hình thức viết thư:
Thư “là thể loại nghị luận dân chủ rất quan trọng để trình bày các ý kiến cá nhân về các vấn đề tư tưởng, học thuật, xã hội, chính trị” [13, 323].
Đặc trưng của hình thức viết thư là giãi bày những tâm tư, tình cảm cũng như tấm lòng của người viết. Hồ Chí Minh lựa chọn hình thức viết thư gửi tới nhiều đối tượng tiếp nhận, đặc biệt là các em thiếu nhi với sự quan tâm, gần gũi. Trong phạm vi khảo sát của luận văn, chúng tôi tìm hiểu một số tác phẩm thư viết cho thiếu nhi của Hồ Chí Minh được giảng dạy trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở Tiểu học.