CHƯƠNG 3 ĐỊNH HƯỚNG, QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM
3.1. Định hướng, quan điểm tổ chức quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp
3.1.1. Định hướng mục tiêu quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Đảm bảo an sinh xã hội luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 khẳng định sự quan tâm về BHXH trong đó có BHTN là một trong các chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Với mục tiêu trên, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội;
quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng Quỹ. Rà soát, bổ sung quy
định buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động bị thất nghiệp và tránh trục lợi bảo hiểm.
Kiện toàn tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội các cấp để thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và bảo hiểm xã hội ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cơ sở. Củng cố và tăng cường quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng Quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.
Trọng tâm nâng cao hiệu lực và năng lực quản lý của các, cấp ngành từ khâu hoạch định chính sách, tổ chức thực thi chính sách, thanh, kiểm tra thực hiện chính sách và tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTN. Nâng cao năng lực, hiệu lực của các ngành chức năng trong quản lý BHTN, nhất là ngành lao động và ngành BHXH.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Cùng với Nghị quyết 21-NQ/TW và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020, Luật bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và một số Luật liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 23/7/2013 và nhấn mạnh một số nội dung:
Quản lý, sử dụng đúng quy định và có hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm quỹ bảo hiểm xã hội cân đối trong dài hạn, quỹ bảo hiểm y tế cân đối hàng năm.
Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (mạng máy tính, máy chủ, máy trạm, an ninh mạng, trung tâm dữ liệu ngành và hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet) để giải quyết các chính sách, chế độ bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế. Liên thông, kết nối thông tin giữa các đơn vị trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội trong phạm vi cả nước và với các đơn vị tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thuộc ngành lao động.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta cũng xác định rõ vai trò và tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý được nêu tại một số Nghị quyết như: Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, quản lý nguồn nhân lực, lao động, trong thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ người cao tuổi, thương binh, khuyết tật, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, giám sát và thực hiện chính sách xã hội đối với người có công và an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Như vậy, Đảng và Nhà nước đã định hướng và xác định rõ mục tiêu trong tương lai với những nội dung quan trọng về nghiên cứu sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đây cũng là các nhân tố quan trọng mà trong luận án đã nêu trong phần cơ sở lý luận và được khẳng định, chứng minh trong phần phân tích, đánh giá thực trạng quản lý quỹ BHTN ở Việt Nam đó là: Chính sách pháp luật; Chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin.
Thực hiện định hướng, mục tiêu trên, cơ quan BHXH có chức năng thực hiện quản lý quỹ BHTN phải đảm bảo các nguyên tắc về tài chính, thực hiện quản lý chặt chẽ, hiệu quả, công khai minh bạch. Nguồn thu của quỹ BHTN luôn luôn được kiểm soát chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng. Quỹ BHTN phải sử dụng thực sự hiệu quả, không những kịp thời chi trả các chế độ BHTN cho người thất nghiệp mà còn đáp ứng được các chính sách chủ động để hỗ trợ người lao động hạn chế tình trạng thất nghiệp bằng nhiều biện pháp trên cơ sở cân đối thu - chi tài chính quỹ BHTN trong trung hạn và dài hạn. Công khai minh bạch quá trình đóng BHTN, mức tiền lương làm căn cứ đóng của người lao động để kiểm soát tình hình đơn vị sử dụng lao động kê khai, đóng BHTN cũng như cơ quan BHTN thu nộp đúng với mức lương của người lao động được hưởng.