2.1.2.1. Điều kiện kinh tế
Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị phát triển và mở rộng hợp tác kinh tế trong nước và khu vực.
Trong lịch sử cũng như trong thời gian cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, những lợi thế về vị trí địa lý - kinh tế và tiềm lực kinh tế cũng như trí và lực của người Quảng Trị đã và đang tạo cho Quảng Trị một nền tảng rất cơ bản để tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và tăng cường liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, đưa Quảng Trị trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế trong cả nước.
Tỉnh Quảng Trị có trữ lượng hải sản vùng biển Quảng Trị khoảng 60.000 tấn, khả năng khai thác bền vững là 17.000 tấn. Tuy tiềm năng phát triển thuỷ sản của tỉnh nói chung còn rất lớn, song mức độ khai thác còn hạn chế.
Công nghiệp trong vùng còn chưa phát triển. Cơ cấu công nghiệp chủ yếu là vật liệu xây dựng và chế biến nông lâm sản. Công nghiệp chế biến chiếm một tỷ trọng lớn trong các ngành công nghiệp tỉnh Quảng Trị. Nhìn chung, số lượng cơ sở công nghiệp của Quảng Trị có phát triển, song so sánh với Bắc Trung Bộ và cả nước thì công nghiệp Quảng Trị vẫn ở qui mô rất bé, chiếm khoảng 1% cơ sở công nghiệp của cả nước.
Quảng Trị hiện nay đang được chính phủ quan tâm đầu phát triển nhiều dự án, tạo điều kiện để tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy tiềm lực của địa phương. Đặc biệt là khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã được Chính phủ quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tại Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2016. Theo đó, khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị có diện tích 23.793ha trải dài trên 16 xã và 01 thị trấn trên các địa bàn Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Khu kinh tế này đang hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm chế xuất nông, lâm, thủy, hải sản của tỉnh và là trung tâm trung chuyển hàng hóa từ tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây ra Châu Á – Thái Bình Dương thông qua cửa biển nước sâu Mỹ Thủy. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng đã được Chính phủ đồng ý đưa vào danh sách các tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung.
Tóm lại, điều kiện tự nhiên đang tạo ra những tiềm năng kinh tế cho tỉnh Quảng Trị. Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và các dự án nước ngoài sẽ hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai gần.
2.1.2.2. Điều kiện xã hội
Người Quảng Trị năng động và tài hoa đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và đặc sắc, kết tinh được những nét tinh hoa trong văn hóa người Việt trong quá trình định cư ở mảnh đất này.
ở các xã miền núi, hệ thống y tế còn chưa được phát triển, vẫn còn tình trạng mê tín, nên tệ nạn chữa bệnh bằng cúng vái vẫn còn tồn tại ở một số địa phương.
Giáo dục Quảng Trị là một trong những lĩnh vực phát triển ổn định. Chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ được chú trọng cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học. Giáo dục bậc tiểu học, trung học đã được đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Học sinh Quảng Trị được biết đến là thông minh, chịu khó, ham học hỏi và thường đạt những kết quả cao trong các kỳ thi.