PHẦN 4: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC Ô NHIỄM ĐẤT TẠI CÁC
4.3. Đánh giá công nghệ xử lý đất ô nhiễm HCBVTV, lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp đất ô nhiễm tại các kho HCBVTV tồn lưu đã chọn nghiên cứu
Dựa vào kết quả đánh giá, cho điểm các công nghệ xử lý đất ô nhiễm HCBVTV được đề cập ở trên, sau đây là một số đánh giá, nhận xét về công nghệ xử lý.
• Xử lý đất ô nhiễm HCBVTV trong lò nung xi măng
Đây là công nghệ hiện đại, hiệu xuất xử lý cao do sử dụng lò nung clinke, xử lý được nhiều loại chất thải với nhiều thành phần khác nhau với khối lượng lớn, kể các các chất thải có chứa Halogen. Đặc biệt, đối với một số chất thải có thành phần phù hợp với nguyên liệu sản xuất xi măng có thể sử dụng để sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, đồng xử lý còn tận dụng hệ thống sản xuất xi măng sẵn có nên tiết kiệm được chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Theo kết quả đánh giá, công nghệ xử lý đất ô nhiễm HCBVTV bằng phương pháp thiêu đốt trong lò nung xi măng được lượng hóa đạt 65,25 điểm, trong đó tiêu chí về “hiệu quả xử lý” đạt điểm tối đa, tiêu chí về trình độ và thiết bị xử lý đạt 73% mặc dù tiêu chí về “chi phí kinh tế” đánh giá đạt 6 điểm, chỉ đạt khoảng 23% so với điểm số tối đa của tiêu chí. Do đây là công nghệ xử lý tương đối triệt để các hóa chất BVTV độc hại nên cần khuyến khích áp dụng công nghệ này trong thực tế.
• Phương pháp xử lý đất ô nhiễm hóa chất BVTV bằng atphan hóa và cô lập Đây là công nghệ tương đối đơn giản, dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay của các địa phương do chủ yếu sử dụng các các kỹ thuật thủ công, nguyên vật liệu sẵn, chi phí xử lý thấp tuy nhiên tồn dư hóa chất BVTV trong đất không được xử lý triệt để.
Theo kết quả đánh giá, lượng hóa bằng điểm số của phương pháp chỉ đạt 39,5 điểm tức là chưa đạt 50% tổng điểm lượng hóa tối đa. Mặt khác, tiêu chí quan trọng nhất là “hiệu quả xử lý” của phương pháp đạt 0 điểm. Do đó, công nghệ này không được lựa chọn để áp dụng vào thực tế.
• Công nghệ xử lý bằng lò thiêu nhiệt độ thấp
Đây là công nghệ phổ biến hiện nay, vận hành khá đơn giản, tính cơ khí hóa cao, có thể vận chuyển lò đốt đến từng địa phương để tiêu hủy, hạn chế rủi ro trong quá trình thu gom, vận chuyển đất ô nhiễm, tuy nhiên với nhiệt độ thiêu đốt thấp nên khi đốt đất ô nhiễm HCBVTV lượng khí phát sinh từ quá trình thiêu đốt chứa nhiều khí độc hại, trong đó có các khí rất khó xử lý như Dioxin và Furan.
Công nghệ xử lý đất ô nhiễm sử dụng lò đốt nhiệt độ thấp được đánh giá đạt 53,5 điểm. Trong đó, tiêu chí “an toàn về môi trường” đạt 5 điểm, chưa đạt 50%
số điểm tối đa của tiêu chí đó. Nguyên nhân là do đây là công nghệ xử lý không triêt để chất ô nhiễm, phát sinh nhiều loại khí thải độc hại, không an toàn đối với người lao động. Do đó, mặc dù công nghệ này được lương hóa đạt trên 50% số điểm tối đa tuy nhiên vẫn không được khuyến khích lựa chọn áp dụng. Để nâng cao
hiệu quả xử lý cũng như hạn chế phát sinh khí ô nhiễm trong quá trình xử lý cần nâng cao nhiệt độ lò đốt, cải thiện tính tự động hóa của lò đốt nhằm giảm thiểu ảnh hưởng độc hại từ quá trình thiêu đốt đến sức khỏe công nhân.
Như vậy, sau khi đánh giá và lượng hóa các công nghệ xử lý đất ô nhiễm hóa chất BVTV ở Việt Nam, chúng tôi lựa chọn công nghệ xử lý trong lò nung xi măng để xử lý đất ô nhiễm hóa chất BVTV tại các kho HCBVTV chọn nghiên cứu do hiệu quả xử lý đất ô nhiễm các chất tồn lưu dạng POPs lớn, tính tự động hóa cao, không phát sinh khí thải độc hại. Tuy nhiên, để công nghệ này có thể áp dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc cần giảm giá thành xử lý để phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta. Ngoài ra, nhà nước cần tạo các chính sách ưu tiên về tiêu thụ sản phẩm, thuế đối với các nhà máy sử dụng lò nung xi măng xử lý chất thải nguy hại nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất xi măng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tạo sự cạnh tranh trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại và giảm giá thành xử lý. Trong tương lai, đây sẽ là công nghệ có tính khả thi cao nếu được ứng dụng phổ biến ở nhiều Công ty xi măng tại các địa phương trên cả nước.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ I. KẾT LUẬN
1. Hiệu suất thu hồi tồn dư hóa chất BVTV của quy trình phân tích đạt giá trị từ 84 đến 92 %. Với độ thu hồi đã nhận được cho phép áp dụng quy trình để phân tích tồn dư hóa chất BVTV trong đất ở nồng độ ppb.
2. Kết quả phân tích các mẫu đất trong phạm vi luận văn cho thấy sự tồn dư lớn các hóa chất BVTV tại 3 điểm nghiên cứu:
+ Trong đó mẫu đất lấy ở kho xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn có hàm lượng DDT tổng, HCB, HCH, Aldrin lần lượt dao động trong khoảng 1,05 – 10,98 mg/kg;
0,32 – 6,81 mg/kg; 0,65 – 10,6 mg/kg và 0,54 – 6,07 mg/kg.
+ Hàm lượng DDT tổng và HCH xác định được trong các mẫu đất tại kho HCBVTV xóm 6, Tân Sơn, Tân kỳ lần lượt dao động trong khoảng 4,87 – 14 mg/kg và 1,0 – 5,25 mg/kg.
+ Tại kho HCBVTV của HTX Diễn Hải, Diễn Châu chỉ phát hiện thấy tồn dư của DDT và các chất chuyển hóa của nó. Hàm lượng DDT tổng xác định nằm trong khoảng 3,0 – 9,54 mg/kg.
3. Bước đầu đã có mối quan hệ dương ở mức độ yếu giữa các thông số pH và tổng Cacbon hữu cơ với tồn dư của DDT tổng trong các mẫu đã phân tích. Mối quan hệ trên cần được nghiên cứu thêm trong các đề tài tiếp theo.
4. Thông qua một số công nghệ xử lý đất ô nhiễm hóa chất BVTV: công nghệ đồng xử lý đất ô nhiễm trong lò nung xi măng, xử lý đất ô nhiễm trong lò thiêu đốt nhiệt độ thấp, xử lý đất ô nhiễm bằng phương pháp Atphan hóa và cô lập, luận văn đã tiến hành đánh giá và lượng hóa bằng điểm số các công nghệ xử lý đất ô nhiễm hóa chất BVTV ở trên. Từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp nhất là công nghệ đồng xử lý đất ô nhiễm trong lò nung xi măng để xử lý đất ô nhiễm tại các điểm ô nhiễm HCBVTV tồn lưu đã chọn nghiên cứu.
Đánh giá công nghệ xử lý chất thải là một quá trình cần tham khảo nhiều tài liệu chuyên ngành và ý kiến của nhiều chuyên gia để có thể đánh giá một cách khách quan và chính xác nhất. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, không thể không tránh khỏi ý kiến cá nhân của tác giả nên quá trình đánh giá này còn mang nhiều tính chủ quan.
II. KIẾN NGHỊ
- Đối với các công nghệ đồng xử lý đất ô nhiễm trong lò nung xi măng, cần các chính sách khuyến khích để công nghệ này có thể áp dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc, tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở sản xuất, giảm giá thành xử lý để có thể phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta.
- Đối với công nghệ xử lý đất ô nhiễm HCBVTV trong lò đốt nhiệt độ thấp để nâng cao hiệu quả xử lý cũng như hạn chế phát sinh khí ô nhiễm trong quá trình xử lý cần nâng cao nhiệt độ lò đốt, cải thiện tính tự động hóa của lò đốt nhằm giảm thiểu ảnh hưởng độc hại từ quá trình thiêu đốt đến sức khỏe công nhân.
- Đối với phương pháp xử lý đất bằng công nghệ atphan hóa và cô lập, phương pháp này không được khuyến khích áp dụng do không xử lý triệt để chất ô nhiễm và nguy cơ xảy ra các sự cố môi trường là rất lớn.
Luận văn thực hiện trong một thời gian ngắn, những thông tin và số liệu thu thập và phân tích, đánh giá còn hạn chế và mang tính chủ quan.
- Trong thời gian tới, tiếp tục tiến hành ngiên cứu theo các hướng như đánh giá vai trò của vi sinh vật đến sự phân hủy hóa chất BVTV trong môi trường đất; Nghiên cứu về cơ cấu bệnh tật tại các khu vực xung quanh các kho hóa chất BVTV tồn lưu.