Chương 2: LÝ LUẬN VỀ PHƯƠNG THỨC THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN VÀO QUÁ TRÌNH CHÍNH SÁCH CÔNG
2.1. Khái niệm phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công
2.1.1. Khái niệm chính sách công
Cho đến nay trên thế giới và ở Việt Nam cuộc tranh luận về định nghĩa CSC vẫn là một chủ đề sôi động và khó đạt được sự nhất trí rộng rãi. Dưới đây, chúng tôi muốn dẫn chứng một số định nghĩa CSC khá tiêu biểu của các học giả nước ngoài và trong nước để cùng tham khảo trước khi đi đến một định nghĩa thích hợp:
Thomas Dye đƣa quan niệm đơn giản về chính sách công: “chính sách công là bất kỳ những gì Nhà nước lựa chọn làm hoặc không làm” [187, tr.4]. William Jenkins quan niệm chính sách công cụ thể hơn: “chính sách công là một tập hợp các quyết định liên quan với nhau đƣợc ban hành bởi một hoặc một nhóm các nhà hoạt động chính trị liên quan đến lựa chọn các mục tiêu và các phương tiện để đạt mục tiêu trong một tình huống xác định thuộc phạm vi thẩm quyền” [187, tr.5]. James Anderson quan niệm về chính sách công: “chính sách công là một đường lối hành động có mục đích được ban hành bởi một hoặc một tập hợp các nhà hoạt động để giải quyết một vấn đề phát sinh hoặc vấn đề quan tâm” [187, tr.6].
Lê Chi Mai định nghĩa về chính sách công nhƣ sau: “chính sách công là một chuỗi các quyết định hoạt động của Nhà nước nhằm giải quyết một vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế xã hội theo mục tiêu xác định” [69, tr.38]. Lê Vinh Danh thì cho rằng: “chính sách công là những gì mà chính quyền thi hành đến dân” [21, tr.123].
Giáo trình Khoa học chính sách công của Học viện Báo chí và tuyên truyền định nghĩa: “chính sách công là quyết định của các chủ thể quyền lực Nhà nước, nhằm quy định mục đích, cách thức và chế định những hành động của những đối tƣợng liên quan, để giải quyết những vấn đề nhất định mà xã hội đặt ra. Đó là tổng thể các chuẩn mực, biện pháp mà Nhà nước sử dụng để quản lý xã hội” [53, tr.16].
Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả Nguyễn Hữu Hải đƣa ra khái niệm về Chính sách công nhƣ sau: “Chính sách công là kết quả của ý chí chính trị của Nhà nước được thể hiện bằng một tập các quyết định có liên quan với nhau, bao hàm trong đó định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết những vấn đề công trong xã hội” [49, tr.51].
Nhƣ vậy, cho đến hiện tại, có rất nhiều quan niệm khác nhau về chính sách
công, mỗi quan niệm của các nhà nghiên cứu đã cung cấp những hiểu biết nhất định về khái niệm chính sách công. Nhƣng các quan niệm nêu trên đều xem xét chính sách công là sản phẩm có mục đích của Nhà nước, chính quyền nhằm tác động đến đời sống của nhân dân. Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, Chính sách công là tổng thể chương trình hành động của Nhà nước, nhằm giải quyết những vấn đề có tính cộng đồng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo phương thức nhất định, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra và đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững, ổn định.
Theo quan niệm về chính sách công nêu trên, chúng ta có thể rút ra những điểm cơ bản về chính sách công sau đây: Thứ nhất, chính sách công bắt nguồn từ các quyết định do Nhà nước ban hành và nội dung của chính sách được thể hiện trong các văn bản quyết định của Nhà nước. Thứ hai, chính sách công hướng tới giải quyết vấn đề công và tác động đến lợi ích của một hoặc nhiều nhóm dân số trong xã hội. Thứ ba, chính sách công bao gồm hai bộ phận cấu thành là mục tiêu và giải pháp chính sách. Thứ tư, mục tiêu của chính sách công là tạo ra những thay đổi (thay đổi hành vi của đối tƣợng hoặc thay đổi hiện trạng vấn đề) và nhằm đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước hoặc địa phương. Thứ năm, các chính sách công luôn thay đổi theo thời gian, bởi vì những quyết định sau có thể có những điều chỉnh tăng dần so với các quyết định trước đó, hoặc do có những thay đổi trong định hướng chính sách ban đầu; hoặc là kinh nghiệm về thực thi chính sách công có thể đƣợc phản hồi vào quá trình ra quyết định; và do định nghĩa về các vấn đề chính sách công cũng thay đổi qua thời gian. Cuối cùng, về cơ bản chính sách công đƣợc xem là đầu ra của hệ thống chính trị.
2.1.2. Khái niệm phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công
Nghiên cứu phương thức tham gia của người dân vào chính sách công được bắt nguồn từ Hy Lạp và vùng thuộc địa New England của Mỹ và cho đến giữa thập niên 1960, phương thức tham gia đã được thể chế hóa trong chương trình đại hội của Tổng thống Mỹ - Lyndon Johnson [194]. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã trình bày nhiều khái niệm về phương thức tham gia của người dân vào chính sách công, và cho rằng nó phụ thuộc vào bối cảnh và mục đích nghiên cứu của họ.
Rifkin và Kangere [176, tr.37-49] đã chỉ ra rằng: vào thập niên 90, các khái niệm về phương thức tham gia nhấn mạnh đến quá trình người dân tham gia vào các vấn đề công cộng, từ lập kế hoạch đến ra quyết định và cuối cùng là đánh giá.
Theo Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ La tinh [2, tr.92] phương thức tham gia của người dân được xác định như một đóng góp tự nguyện của người dân vào một hoặc nhiều chương trình công cộng nhằm phát triển quốc gia, nhưng người dân không được mong đợi là sẽ góp phần vào hình thành chương trình hoặc phê phán nội dung các chương trình; Theo Cohen và Uphoff [2, tr.92] phương thức tham gia bao gồm sự can dự của người dân trong tiến trình ra quyết định, trong thực hiện chương trình, chia sẻ quyền lợi của các chương trình phát triển cũng như trong đánh giá những chương trình này; Theo FAO, [2, tr.92] phương thức tham gia của người dân chủ yếu là tạo mối quan hệ với kinh tế và chính trị trong diện rộng xã hội; nó không chỉ là sự can dự trong những hoạt động dự án, mà hơn nữa là tiến trình trong đó người dân có khả năng tự tổ chức, thông qua tổ chức của riêng họ, họ có khả năng xác định nhu cầu của mình, chia sẻ thiết kế, thực hiện và lƣợng giá hành động cùng tham gia; Theo Paul, (1987) [2, tr.93] phương thức tham gia của cộng đồng là một tiến trình chủ động qua đó người thụ hưởng hay nhóm thân chủ ảnh hưởng định hướng và sự thực hiện một dự án phát triển với quan điểm nâng cao chất lượng cuộc sống về thu nhập, tăng trưởng cá nhân, tự tin hoặc những giá trị khác mà họ mong ƣớc.
Nabatchi [190] định nghĩa phương thức tham gia của người dân là một quá trình, trong đó những vấn đề, nhu cầu và các giá trị công cộng đƣợc đƣa vào việc ra quyết định. Phương thức tham gia của người dân xảy ra ở nhiều nơi (xã hội dân sự, bầu cử, lập pháp, hành chính…) và theo nhiều hình thức khác nhau (từ trao đổi thông tin đến ra quyết định dân chủ). Người dân có thể trực tiếp tham gia (ví dụ như quyền biểu quyết và hỗ trợ các nhóm vận động để công dân chọn người đại diện cho quyết định của họ) hoặc gián tiếp tham gia (cá nhân tích cực tham gia vào việc ra quyết định). Cùng với việc đưa ra một khái niệm về phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công, Nabatchi cũng có sự phân biệt giữa tham gia trực tiếp và gián tiếp như sau: tham gia trực tiếp: người dân dân chủ động hoặc tích cực tham gia vào quá trình quyết định; tham gia gián tiếp: người dân bầu ra người đại diện cho tiếng nói và hành động của họ.
Ở Việt Nam, trong nghiên cứu của Trịnh Duy Luân [62] có một nhận định đáng chú ý rằng, các thuật ngữ nhƣ “tƣ vấn”, “giám sát”, “giám định”, đặc biệt là
“phản biện xã hội” với tƣ cách là sự tham gia đóng góp ý kiến của cá nhân, tổ chức
chính trị, tổ chức xã hội vào một vấn đề, chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước ngày càng xuất hiện nhiều trong các văn bản pháp lý. Tác giả khẳng định đây là
“một cách tiếp cận mới để thực hiện dân chủ hóa lĩnh vực quản lý xã hội”. Đỗ Văn Quân [84] cũng nhấn mạnh phản biện xã hội là “hoạt động tất yếu của xã hội dân chủ”. Tuy chưa có một nghiên cứu sâu rộng về sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách công, nhƣng các nghiên cứu trên đã phản ánh phần nào thực tế là sự tham gia của người dân trong quản lý xã hội là một hợp phần của quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, phản ánh trình độ dân chủ của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi tổ chức, mỗi thiết chế xã hội.
Như vậy, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công. Qua các khái niệm từ những nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã rút ra ba đặc điểm cơ bản của khái niệm phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công phù hợp đối với điều kiện nghiên cứu này, đó là:
Một là, phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công diễn ra khi vấn đề công đó có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Hai là, phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công là một tiến trình trải qua nhiều bước với các cấp độ tham gia khác nhau vào quá trình chính sách.
Ba là, có hai hình thức tham gia chủ yếu của người dân vào quá trình chính sách công bao gồm: tham gia trực tiếp (công dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chính sách công) và tham gia gián tiếp (thông qua các đại biểu dân cử và các thiết chế đại diện tham gia vào quá trình chính sách công). Các hình thức tham gia này thực hiện trong cả quá trình chính sách công.
Tóm lại, theo chúng tôi phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công được hiểu là toàn bộ các cách thức, phương pháp mà người dân sử dụng để tác động vào quá trình chính sách khi chính sách công có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Với cách hiểu này, chính người dân mới là người chịu tác động trực tiếp của chính sách, do vậy trong quá trình chính sách đó đòi hỏi phải có sự tham gia của ngươi dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Câu hỏi đặt ra là: vì sao cần thiết phải có sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách công?; phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công như thế nào?; có những yếu tố nào ảnh hưởng đến phương thức tham gia của người dân vào quá trình chính sách công?.