Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TƯ DUY
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.1. Các khái niệm cơ bản liên quan đến vấn đề nghiên cứu
Tư duy dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác của người ta sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật và ứng xử tích cực với nó.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 4 (NXB Từ điển bách khoa. Hà Nội. 2005): Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt. Bộ não người tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận, v.v...
Benjamin Bloom (1913 - 1999) là nhà tâm lý học Mỹ chuyên nghiên cứu về lĩnh vực nhận thức gắn với giáo dục. Học thuyết về phân loại tư duy chú trọng đến lĩnh vực nhận thức nhằm mục tiêu giáo dục được ông công bố trong cuốn sách “Thang phân loại tư duy” vào năm 1956. Bloom cho rằng tư duy
gồm sáu mức độ và được sắp xếp từ đơn giản nhất, tức là nhớ lại kiến thức, đến phức tạp nhất, tức là đánh giá về giá trị và tính hữu ích của một ý tưởng. Các mức độ này chính là các kỹ năng trong lĩnh vực nhận thức xoay quanh kiến thức, hiểu, và vận dụng tư duy vào một lĩnh vực nào đó với các quá trình phân tích, tổng hợp và đánh giá. Giáo dục truyền thống có xu hướng nhấn mạnh những kỹ năng này, đặc biệt là các mức độ thấp hơn [3].
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chọn hướng tiếp cận theo định nghĩa từ điển tiếng việt của Hoàng Phê (2000): “Tư duy là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, pháp đoán và suy lí [22].
1.2.1.2. Kĩ năng
Có rất nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về kĩ năng và có nhiều quan niệm khác nhau về kĩ năng, tùy thuộc vào cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu.
Theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2000): kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế [22]
Theo I.F Kharlamop (1979): Kĩ năng là năng lực của học sinh có thể hoàn thành những hành động nào đó gắn liền với việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Còn kĩ xảo được coi là kĩ năng thành thạo, đạ tới mức tự động hóa và đặc trưng bỏi một trình độ hoàn hảo nhất định [15].
Khi nghiên cứu về kĩ năng chúng ra phải xem xét những khía cạnh sau:
+ Kĩ thuật của thao tác hay hành động nhất định.
+ Cơ chế hình thành kĩ năng
+ Kĩ năng phản ánh mức độ đúng đắn của việc triển khai hành động trong thực tiễn.
Bởi vậy để đánh giá một hành động có kĩ năng tức là hành động đó phải thành thạo, không còn vụng về, ít lỗi lầm và đặc biệt tốn ít thời gian để triển khai nó.
Theo quan điểm tâm lý học thì kĩ năng được chia thành hai mức: kĩ năng nguyên sinh và kĩ năng thứ sinh. Kĩ năng nguyên sinh là kĩ năng được hình thành đầu tiên qua các hành động đơn giản, là các kĩ năng ban đầu và là cơ sở hình thành kĩ xảo. Kĩ năng thứ sinh chính là những kĩ năng phức hợp dựa trên một số kĩ năng bậc thấp và một số kĩ xảo có trước.
Theo quan điểm Giáo dục học thì kĩ năng được chia thành hai bậc: kĩ năng bậc I và kĩ năng bậc II. Kĩ năng bậc I là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành cho hoạt động ấy, cho dù là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ. Kĩ năng bậc II là khả năng thực hiện hành động một cách thành thạo, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp mới mục tiêu trong các điều kiện khác nhau [27].
1.2.1.3. Kĩ năng tư duy
Năm 1996, Đinh Quang Báo đã nghiên cứu và chỉ ra: KNTD là sự vận dụng linh hoạt, thành thạo các thao tác tư duy [2]. Nội dung các thao tác tư duy bao gồm:
+ Kĩ năng phân tích tổng hợp;
+ Kĩ năng so sánh;
+ Kĩ năng trừu tượng hóa, khái quát hóa.
Những KNTD trên giúp con người nhận biết các sự vật hiện tượng một cách rõ ràng nhất, sâu sắc nhất. Ở các mức tư duy khác nhau về sự vật hiện tượng hay nội dung kiến thức, mỗi người lĩnh hội theo các cách khác nhau.
1.2.1.4. Tư duy logic
Theo B.A. Ozahecrh, tư duy logic là loại tư duy trong đó yêu cầu chủ thể phải có kĩ năng rút ra các hiệu quả từ những tiên đề cho trước; kĩ năng phân chia những trường hợp riêng biệt và hợp chúng lại; kĩ năng dự đoán kết quả cụ thể bằng lý thuyết, kĩ năng tổng quát những kết quả thu được [26].
Năm 2006, Vũ Văn Viên đã nghiên cứu và cho rằng tư duy logic là giai đoạn nhận thức lý tính, sử dụng các hình thức cơ bản như: khái niệm, phán
đoán, suy luận cùng các thao tác logic xác định của chủ thể, nhằm sản xuất các tri thức với mục đích phản ánh ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về hiện thực khách quan [28].
Trong nghiên cứu đề tài, tôi đưa ra khái niệm về tư duy logic như sau:
“Tư duy logic là quá trình nhận thức đối tượng, xác định các yếu tố liên quan để hình thành và kết nối các ý tưởng, nhằm tìm kiếm giải pháp và hành động phù hợp với ngữ cảnh của đối tượng”.
1.2.1.5. Rèn luyện kĩ năng tư duy cho HS trong quá trình học tập
Kỹ năng tư duy được hình thành khi chúng ta áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Kỹ năng học được do quá trình lặp đi lặp lại một hoặc một nhóm hành động nhất định nào đó. Kỹ năng luôn có chủ đích và định hướng rõ ràng. Đó là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.
a. Rèn luyện kĩ năng phân tích - tổng hợp
Trong dạy học vấn đề hình thành kỹ năng phân tích cho HS cần phải được coi trọng, tùy vào nhiệm vụ học tập cụ thể GV đề ra những yêu cầu phân tích khác nhau. Nhưng mục đích chủ yếu của việc rèn luyện kỹ năng phân tích là hình thành ở các em tìm hiểu sự vật, hiện tượng có chiều sâu, nhằm nắm được bản chất của đối tượng nghiên cứu, cho nên nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động phân tích trước hết là nắm được cấu trúc của đối tượng. Nhờ có phân tích từng phần, từng mặt của sự vật, hiện tượng mà ta hiểu đầy đủ về sự vật, hiện tượng đó và phân biệt được với các sự vật hiện tượng một cách khách quan.
Tổng hợp: là một thao tác trí tuệ kết hợp các yếu tố, các thành phần của sự vật hiện tượng trong một chỉnh thể. Trong thực tế mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại đồng thời các yếu tố cũng như các mặt khác nhau tác động lẫn nhau.
Việc tổng hợp giúp cho người học hình thành khái niệm một cách trọn vẹn.
Phân tích - tổng hợp là 2 mặt của một quá trình tư duy thống nhất có sự liên hệ mật thiết với nhau.
b. Rèn luyện kĩ năng so sánh
Trong tư duy nhận thức cùng với sự hiểu biết sự vật, hiện tượng là cái gì và như thế nào, còn phải hiểu được sự vật hiện tượng này không giống sự vật hiện tượng khác ở chỗ nào thì phải sử dụng đến phương pháp so sánh.
So sánh là sự phân tích những điểm giống nhau và khác nhau giữa các đối tượng nhằm phân loại sự vật, hiện tượng thành những loại khác nhau.
Tùy mục đích mà phương pháp so sánh có thể nặng về tìm sự giống nhau hay sự khác nhau. So sánh điểm khác nhau chủ yếu dùng trong phân tích, so sánh điểm giống nhau
Để rèn luyện kỹ năng so sánh phải thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nêu định nghĩa đối tượng cần so sánh
Bước 2: Phân tích đối tượng, tìm ra dấu hiệu bản chất của mỗi đối tượng so sánh
Bước 3: Xác định những điểm khác nhau của từng dấu hiệu tương ứng Bước 4: Xác định những điểm giống nhau của từng đối tượng tương ứng Bước 5: Khái quát các dấu hiệu quan trọng giống và khác nhau của hai đối tượng so sánh
Bước 6: Nêu nguyên nhân của sự giống và khác nhau đó thường dùng trong tổng hợp.
c. Rèn luyện kĩ năng khái quát hóa - trừu tượng hóa
Khái quát hoá là hoạt động trí tuệ cấp cao, nhằm xếp các đối tượng có cùng thuộc tính và bản chất vào một nhóm, là quá trình chuyển từ cái đơn nhất lên cái chung. Sự khái quát hóa giữ vai trò chủ yếu trong hình thành các khái niệm mới [6].
Ở HS ta thường phân biệt các hình thức khái quát hóa sơ bộ; khái quát hóa cục bộ; khái quát hóa chuyên đề; khái quát hóa tổng kết; khái quát hóa liên môn. Khi HS khái quát hóa được vấn đề sẽ giúp HS tiết kiệm được sức lực, thời gian học tập của mình..
Trừu tượng hóa là một thao thác trí tuệ “tách” các thuộc tính, quan hệ bản chất để tư duy. Đây là một trong những hình thức cao của hoạt động tư duy và luôn luôn gắn bó với khái quát hóa. Có nhiều cách thức thực hiện trừu tượng hóa: trừu tượng hóa tách biệt; trừu tượng hóa nhấn mạnh; trừu tượng hóa đối lập.