Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp. Ở mỗi vùng, mỗi địa phương, do có những đặc điểm khác nhau nên sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố cũng khác nhau. Tuy nhiên, xét một cách chung nhất thì phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng đều chịu sự tác động của các yếu tố sau:
* Vị trí địa lý
Vị trí địa lý bao gồm vị trí tự nhiên, vị trí kinh tế, giao thông, chính trị. Vị trí địa lý tác động rất lớn tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng xí nghiệp cũng như phân bố các ngành công nghiệp và các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
Nhìn chung, vị trí địa lý có ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành cơ cấu ngành công nghiệp và xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành trong điều kiện tăng cường mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế và hội nhập vào đời sống kinh tế khu vực và thế giới.
Sự hình thành và phát triển của các xí nghiệp, các ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vị trí địa lý. Có thể thấy rõ hầu hết các cơ sở công nghiệp ở các quốc gia trên thế giới đều được bố trí ở những khu vực có vị trí thuận lợi như gần các trục đường giao thông huyết mạch, gần sân bay, bến cảng, gần nguồn nước, khu vực tập trung đông dân cư.
Vị trí địa lý thuận lợi hay không thuận lợi tác động mạnh tới việc tổ chức lãnh thổ công nghiệp, bố trí không gian các khu vực tập trung công nghiệp. Vị trí địa lý càng thuận lợi thì mức độ tập trung công nghiệp càng cao, các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp càng đa dạng và phức tạp. Ngược lại, những khu vực có vị trí địa lý kém thuận lợi sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp cũng như việc kêu gọi vốn đầu tư ở trong và ngoài nước.
* Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Điều kiện địa lý, vị trí địa lý của một địa phương hay quốc gia ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, vùng nguyên liệu cho công nghiệp, cũng như mối liên hệ của địa phương, quốc gia đó đối với các trung tâm kinh tế khu vực và quốc tế. Môi trường tự nhiên cũng là nơi hấp thụ ô nhiễm, làm giảm chi phí cho việc cải thiện môi trường, do đó nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Khí hậu, thời tiết là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nguồn nguyên liệu công nghiệp, đến các hoạt động khai thác, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm công nghiệp. Đặc biệt, ngày nay, biến đổi khí hậu là nhân tố ảnh hưởng ngày càng quan trọng đến phát triển công nghiệp.
Tài nguyên thiên nhiên là cơ sở của nguồn đầu vào có thể khai thác được để phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của các ngành, vùng hay quốc gia. Thực tế đã chứng minh rằng, với một mô hình phát triển tương tự nhau, thì sự vượt trội về tài nguyên sẽ rút ngắn con đường dẫn đến thành công của một vùng hay quốc gia nào đó. Cụ thể hơn, tài nguyên là nhân tố tiết giảm chi phí lớn trong sản xuất công nghiệp của một quốc gia nếu biết cách sử dụng hiệu quả nó.
* Vốn sản xuất và vốn đầu tư
Vai trò của vốn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế đã được chứng minh trong lý thuyết của kinh tế học phát triển như: mô hình Harrod-Domar, J.Keynes.
Đối với sản xuất công nghiệp, vốn có vai trò quan trọng trong quá trình tái sản xuất và mở rộng; góp phần gia tăng năng lực sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ đầu tư đổi thiết bị, công nghệ sản xuất. Đối với cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp, vốn góp phần đầu tư mới, duy trì và mở rộng theo hướng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại.
Trong các hoạt động đầu tư cho sản xuất thì đầu tư cho tái sản xuất tài sản sản cố định được xem là một hoạt động hết sức quan trọng, có tính chất lâu dài và có những mối quan hệ ổn định, ảnh hưởng đến tất cả các ngành, các khâu và các yếu tố trong nền kinh tế. Do đó, đầu tư vào tài sản cố định cần phải được xem xét một cách thận trọng, đảm bảo khả năng phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đây là những khoản đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian thu hút vốn chậm nên rất cần huy động các nguồn lực từ bên ngoài tham gia đầu tư phát triển; cũng như cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp trong hoạt động này.
Đối với công nghiệp, nguồn vốn FDI có vai trò hết sức quan trọng thể hiện ở những tác dụng sau:
+ Giải quyết tình trạng thiếu vốn cho phát triển kinh tế nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Do tích luỹ nội bộ của đa phần các nước đang phát triển thấp, là cản trở lớn cho sự phát triển nên đây được xem là yếu tố quan trọng để gia tăng nguồn lực cho phát triển.
+ Cùng với việc cung cấp vốn, thông qua FDI các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ từ nước này sang nước khác, từ đó giảm dần khoảng cách về khoa học công nghệ giữa các nước, nhất là trong công nghiệp là ngành đòi hỏi yếu tố về khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại trong quá trình sản xuất cao hơn nhiều so với các ngành khác trong xã hội.
+ Đầu tư FDI còn làm cho các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trong nước phát triển, thúc đẩy tính năng động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện khai thác có hiệu quả các tiềm năng của đất nước. Từ đó, có tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
* Lao động và chất lượng lao động công nghiệp
Lao động là yếu tố sản xuất đặc biệt có tầm quan trọng hàng đầu, quyết định trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Lao động cho phát triển công nghiệp gồm nhân lực quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, kỹ năng lao động phù hợp, tác phong lao động và ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Một nguồn lao động chất lượng cao, dồi dào về số lượng là nhân tố đặc biệt quan trọng để phát triển công nghiệp.
* Tiến bộ khoa học- công nghệ
Tiến bộ khoa học- công nghệ không chỉ tạo ra những khả năng mới về sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển một số ngành, làm tăng tỉ trọng của chúng trong tổng thể toàn ngành công nghiệp, làm cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên và phân bố các ngành công nghiệp trở nên hợp lý, có hiệu quả và kéo theo những thay đổi về quy luật phân bố sản xuất, mà còn làm nảy sinh những nhu cầu mới, đòi hỏi xuất hiện một số ngành công nghiệp với công nghệ tiên tiến và mở ra triển vọng phát triển của công nghiệp trong tương lai.
Nhân tố khoa học công nghệ còn ảnh hưởng quyết định đến nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ các tiến bộ của khoa học công nghệ các dây chuyền, thiết bị trong khai thác, sản xuất công nghiệp ngày càng trở nên tiến tiến, hiện đại; từ đó tăng khả năng khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho sản xuất, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ứng dụng và đổi mới công nghệ giúp tạo ra những sản phẩm có ưu thế vượt trội, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đa tính năng, chủng loại và mẫu mã, nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường, do đó mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Công nghệ và đổi mới công nghệ trong công nghiệp còn góp phần giải quyết nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, giảm lao động nặng nhọc độc hại, biến đổi cơ cấu lao động theo hướng: nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn cao, lao động kỹ thuật có tay nghề giỏi, giảm dần lao động phổ thông và lao động giản đơn. Mặt khác, Tiến bộ khoa học công nghệ còn làm hạn chế ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, cho phép phát triển công nghiệp ngay cả khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi.
Tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy sự phát triển của phân công lao động xã hội. Ở mỗi trình độ công nghệ có những hình thức và mức độ phân công lao động thích ứng. Đồng thời sự phân công lao động xã hội hợp lý là môi trường thuận lợi để thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ phát triển . Phân công lại lao động là tác nhân trực tiếp của sự hình thành công nghiệp và sự phân hoá nội bộ công nghiệp thành những phân hệ khác nhau. Bởi vậy, trình độ tiến bộ của khoa học công nghệ càng cao, phân công lao động xã hội càng sâu sắc, sự phân hoá công nghiệp diễn ra càng mạnh và cơ cấu công nghiệp càng phức tạp.
Tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra những nhu cầu mới. Chính những nhu cầu này là tác nhân dẫn đến sự ra đời và phát triển một số ngành công nghiệp mới đại diện cho công nghiệp trình độ cao. Những ngành này khi xuất hiện được xem là những ngành công nghiệp non trẻ, nhưng tương lai sẽ trở thành những ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước.
* Hiện trạng kết cấu hạ tầng cho phát triển công nghiệp
Kết cấu hạ tầng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển công nghiệp, nó bao gồm hệ thống giao thông (đường, cầu, bến bãi…), điện, nước, thông tin liên lạc.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư và phát triển đồng bộ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp phát triển.
* Cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp
Vấn đề phát triển công nghiệp được thể hiện tập trung nhất trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội và chính sách bảo vệ môi trường, trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội và mục tiêu bảo vệ môi trường của một địa phương. Trong chính sách quốc gia về phát triển kinh tế, chính sách cơ cấu kinh tế theo ngành và theo sở hữu có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu
công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo, dựa trên cơ sở công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đảm bảo được tốc độ và chất lượng tăng trưởng công nghiệp dài hạn, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động. Cơ chế chính sách phát triển công nghiệp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nền công nghiệp của một quốc gia, địa phương.