Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp - kiểm soát ô nhiễm khí thải từ CCN ở Việt Nam” (2012 - 2013) nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận về kiểm soát ô nhiễm khí thải và đặc thù cụm công nghiệp (CCN), đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại các CCN ở Việt Nam, từ đó, đề xuất được các giải pháp kiểm soát ô nhiễm khí thải hiệu quả nhằm tăng cường công tác BVMT tại các CCN ở Việt Nam.
Đề tài tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề kiểm soát ô nhiễm khí thải tại các CCN, do đây là loại hình công nghiệp vừa và nhỏ, có công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị kiểm soát ô nhiễm và quản lý môi trường còn nhiều bất cập và khả năng kinh phí đầu tư cho cải thiện môi trường hạn chế.
Kết quả cho thấy, thực trạng ô nhiễm khí thải tại CCN đối với hai loại hình sản xuất, tái chế giấy và tái chế kim loại là vấn đề cần được quan tâm nhiều nhất với mức độ gây ô nhiễm khá cao. Đối với loại hình sản xuất, tái chế giấy, các chất khí như CO, SO2, Bụi, Cl2 trong khí thải ống khói đều vượt quá giới hạn cho phép so với quy chuẩn Việt Nam, cụ thể: hàm lượng trung bình của CO vượt từ 1,02 - 2,50 lần; SO2
vượt từ 1,23 - 1,42 lần; Bụi vượt từ 3,63 - 4,13 lần; Cl2 vượt từ 1,21 - 1,35 lần so với quy chuẩn cho phép (QCVN 19:2009/BTNMT).
Đặc biệt, việc thực hiện kiểm soát ô nhiễm khí thải bằng công cụ chính sách, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các hoạt động đanh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Kiểm soát ô nhiễm khí thải bằng công cụ kỹ thuật còn chưa hiệu quả do công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều khí thải. Tại các CCN, có tới 78,4%
các cơ sở sản xuất được điều tra chưa có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.
Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm khí thải tại các CCN, các nhà khoa học đề xuất 3 giải pháp chính, đó là: Trước hết, cần hoàn thiện các thể chế về bảo vệ môi trường không khí: rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí, cụ thể, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2014, phí BVMT đối với khí thải,… Hoàn thiện tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường không khí ở cấp Trung ương và địa phương.
Đối các Bộ, ngành địa phương phải bổ sung, sửa đổi quy chuẩn Việt Nam về phương pháp quan trắc khí thải. Xây dựng các quy chuẩn khí thải riêng cho từng ngành, từng loại hình cụ thể. Xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin về quản lý khí thải giữa các Bộ, ngành và các địa phương, giữa các khu, CCN
Đối với các CCN, việc quy hoạch phải được phân theo loại hình sản xuất để dễ dàng quản lý, đặc biệt, trong việc thu gom chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, phải nâng cao năng lực, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện cần thiết, bố trí nguồn kinh phí để duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát tại các CCN nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm khí thải để xử lý kịp thời, thỏa đáng. [11]
Theo kết quả Báo cáo hiện trạng môi trường không khí quốc gia năm 2013 của Bộ Tài nguyên Môi trường chất lượng không khí xung quanh các khu sản xuất công nghiệp: vấn đề nổi cộm là vấn đề ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi lơ lửng tổng số tại rất nhiều điểm quan trắc xung quanh các khu công nghiệp vượt giới hạn quy định, thậm chí vượt nhiều lần giới hạn cho phép đối với trung bình 24 giờ và trung bình năm.
Năm 2011 là năm ghi nhận xung quanh các khu công nghiệp, khu sản xuất bị ô nhiễm bụi nặng hơn cả, trong khi năm 2012, bức tranh môi trường không khí lại được cải thiện đáng kể ở những nơi tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do hoạt động kiểm soát ô nhiễm hiệu quả mà do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều nhà máy công nghiệp ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp đang hoạt động vẫn tiếp tục phát thải vào môi trường không khí một lượng bụi thải lớn, đó là các ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng. Trong những năm qua, ô nhiễm tiếng ồn xung quanh các khu công nghiệp cũng duy trì ở ngưỡng cao. Các thông số khác (NO2, SO2) nhìn chung vẫn thấp hơn ngưỡng quy chuẩn cho phép. [1]