Kiến nghị với các bên có liên quan

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý tiến độ thi công công trình xây dựng tại Ban Quản lý Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên (Trang 127 - 132)

Chương 4. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ TIẾN ĐỘ THI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN TẠI DỰ ÁN“THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN”

4.3. Kiến nghị với các bên có liên quan

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá đưa ra trong luận văn, tác giả xin trình bày một số khuyến nghị với các bên liên quan trong quá trình quản lý tiến độ thi công công trình xây dựng của dự án như sau:

4.3.1. Đối với Chính phủ

Đối với Dự án Thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Thái Nguyên cũng như các dự án xây dựng cơ bản nói chung, Chính phủ cần thiết phải hoàn thiện thêm cơ chế phân cấp trách nhiệm, phân quyền quản lý phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý dự án của BQLDA. Đặc biệt, với các dự án sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển ODA vốn luôn gặp khó khăn trong thực hiện dự án do các nguyên nhân như chậm giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân vốn, Chính phủ cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế, khung pháp lý để tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư, các BQLDA giải quyết các vướng mắc trên. Cụ thể:

- Về vấn đề giải phóng mặt bằng: Đối với các dự án ODA mới, Chính phủ có thể xem xét giới hạn điều kiện đầu tư, yêu cầu các dự án khi xin tài trợ phải đảm bảo có sẵn mặt bằng; Đối với các dự án đang trong quá trình thực hiện, các dự án cần hoàn thiện thủ tục vốn trước thủ tục mặt bằng, Chính phủ cần có cơ chế nới rộng hành lang pháp lý, hỗ trợ các địa phương nơi dự án ODA được triển khai nhanh chóng hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng. Điều này là hết sức cần thiết để hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở tại các địa phương cần đến vốn ODA.

- Về vấn đề vốn đối ứng: Hầu hết các dự án ODA của Việt Nam đều có yêu cầu sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ nước sở tại. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tài trợ cũng như tiến độ thực hiện dự án ODA, Chính phủ cần thiết phải xây dựng cơ chế vốn đối ứng đặc thù, phối hợp với các Bộ/Ban/Ngành và chính quyền các cấp để tạo lập nguồn vốn đối ứng đáp ứng nhu cầu của các dự án thay vì để các dự án phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương như hiện nay. Hệ quả của việc chậm giải ngân vốn ODA, chậm tiến độ dự án ODA có ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách nhà nước cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội quốc dân.

4.3.2. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

Cơ quan quản lý nhà nước là các đơn vị đặc thù, thực hiện các công việc theo phân cấp và các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động của mình. Phạm vi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước thường ở tầm vĩ mô trong ngành, địa phương, hay vùng, do đó, công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước thường hướng đến việc xây dựng và quản lý cơ chế. Theo đó, để các dự án như Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên có thể thực hiện hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần dành sự quan tâm hợp lý trong tạo ra cơ chế cho dự án như: quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đào tạo nhân sự, khoa học công nghệ, bố trí, sử dụng vốn,…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là 2 Bộ đầu mối, giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều phối vốn, cơ chế thủ tục pháp lý trong quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn vay tài trợ nước ngoài tại Việt Nam. Để các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng được hoàn thiện, bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành từ UBND địa phương, các Sở/Ban/Ngành liên quan, các Bộ đầu mối cũng cần có sự tham gia trực tiếp trong quá trình quản lý, điều hành dự án của BQLDA. Chủ động thu thập thông tin, xử lý thông tin đúng chức năng, nhiệm vụ để có hướng điều chỉnh kịp thời với các biến cố mà chủ đầu tư hoặc BQLDA mắc phải. Hạn chế tối thiểu tình trạng các Bộ điều hành theo cơ chế xin - cho, chờ thông tin một cách thụ động. Thay vào đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước

cấp Bộ trong quản lý nhà nước đối với các dự án tương tự như Dự án Thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Thái Nguyên.

4.3.3. Đối với UBND tỉnh Thái Nguyên và các Sở/Ban/Ngành có liên quan

Thành phố Thái Nguyên là địa bàn thực hiện dự án Thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Thái Nguyên. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, được thực hiện vì mục tiêu công ích, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thái Nguyên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Do đó, vai trò của UBND tỉnh Thái Nguyên và các Sở/Ban/Ngành có liên quan là rất lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý tiến độ dự án của BQLDA. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách do địa phương ban hành như giải phóng đền bù mặt bằng, hỗ trợ vốn đối ứng, giải quyết các thủ tục về xây dựng trên địa bàn dự án,… Trước thực trạng dự án như hiện nay, UBND tỉnh Thái Nguyên và các Sở/Ban/Ngành có liên quan cần chủ động vào cuộc để nắm bắt thông tin, chỉ đạo sâu sát hơn, tích cực hơn nhằm hỗ trợ BQLDA thực hiện nhiệm vụ. Như đã trình bày ở trên, Dự án Thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Thái Nguyên là dự án có tính chất phức tạp, trong bối cảnh trình độ nhân lực và điều kiện thực hiện dự án còn nhiều khó khăn, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ngành là hết sức quan trọng để dự án sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đạt được mục tiêu đã đề ra.

4.3.4. Đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên

Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở tiền thân là BQLDA. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty giữ vai trò là chủ đầu tư dự án, quản lý, chỉ đạo BQLDA thực hiện dự án Thoát nước và xử lý nước thải. Với vai trò quản lý trung gian giữa BQLDA và UBND tỉnh, đồng thời trực tiếp nắm bắt chỉ đạo của UBND tỉnh và điều hành BQLDA, Công ty Thoát nước cần thiết phải có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước của Công ty. Cụ thể:

- Chủ động, tích cực nắm bắt các thông tin về quá trình thực hiện dự án của BQLDA. Đẩy mạnh quá trình luân chuyển thông tin, xử lý thông tin chính xác, nhanh chóng, phân tích tình huống và đưa ra các quyết định kịp thời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Thái Nguyên về các hướng giải pháp giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho BQLDA. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng điều phối thông tin giữa UBND tỉnh và các Sở/Ban/Ngành liên quan để tạo điều kiện tối đa cho BQLDA thực hiện nhiệm vụ được giao.

4.3.5. Đối với các nhà thầu

Các nhà thầu tham gia thực hiện dự án là các chủ thể chính thực hiện công tác thi công, xây lắp, lắp đặt công trình, hạng mục công trình của dự án. Trong khi BQLDA và các cơ quan hữu quan điều hành, quản lý dự án về mặt cơ chế thì các nhà thầu lại là những chủ thể trực tiếp thực hiện cơ chế đó. Tiến độ thực thi dự án có mối liên hệ chặt chẽ với tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình của nhà thầu.

Do đó, để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đạt kế hoạch, các nhà thầu cần có ý thức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình thực thi các công việc:

- Thực hiện tốt công tác chuẩn bị thi công

Công tác chuẩn bị thi công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện công trình đúng tiến độ. Một sự chuẩn bị tốt dựa trên các tiên lượng về các yếu tố đầu vào của quá trình thi cônglà tiền đề vững chắc để các nhà thầu nhanh chóng triển khai thi công công trình.

- Tập trung nguồn lực để đảm bảo thi công đúng tiến độ và đạt chất lượng Một dự án đầu tư xây dựng cơ bản nói chung cũng như gói thầu thi công công trình nói riêng đều có rất nhiều công việc cần thực hiện, trong khi điều kiện về nguồn lực có hạn, đặc biệt là điều kiện về tài chính. Do đó, trong quá trình thực thi gói thầu, thực thi dự án, các nhà thầu cần xây dựng kế hoạch nguồn lực, xác định các công việc cần tập trung nguồn lực để thực hiện và hoàn thành đúng hạn. Việc điều phối nguồn lực chính xác, hợp lý thể hiện trình độ quản lý của các nhà thầu trong thực hiện gói thầu, có ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công gói thầu.

- Phối hợp với BQLDA và các cơ quan hữu quan thực hiện giám sát, kiểm soát toàn bộ quá trình thực thi công việc một cách chặt chẽ nhất.

Về cơ bản, trong quá trình thực thi mỗi dự án đầu tư xây dựng cơ bản, các chủ thể tham gia dự án đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án, hoàn thành công trình đúng tiến độ. Nếu chậm, ràng buộc về tài chính thể hiện trong các hợp đồng thi công xây dựng là

các chế tài mà đơn vị thi công phải chịu. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện dự án, thi công công trình, có rất nhiều biến cố phát sinh ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ công việc, tùy mức độ nghiêm trọng của biến cố mà nhà thầu hoặc tự xử lý, hoặc cần có sự hỗ trợ từ BQLDA và các cơ quan hữu quan để giải quyết vướng mắc. Bên cạnh việc tự chịu trách nhiệm với lỗi do yếu tố chủ quan, các nhà thầu cần có sự chủ động, tích cực phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ từ phía BQLDA và các cơ quan hữu quan trong xử lý các vấn đề khách quan nằm ngoài xử lý, vì mục tiêu chung là hoàn thành dự án đúng hạn, đạt mục tiêu đề ra.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý tiến độ thi công công trình xây dựng tại Ban Quản lý Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên (Trang 127 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)