Tác dụng phụ của phác đồ

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả của phác đồ nối tiếp trong điều trị diệt trừ helicobacter pylori ở bệnh nhân loét hành tá tràng (Trang 72 - 75)

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 13 bệnh nhân có tác dụng phụ chiếm 25,5% số bệnh nhân tham gia điều trị. Tuy nhiên, các tác dụng phụ chỉ nhẹ và thoáng qua như đắng miệng (21,6%), mệt mỏi (19,6%) và không có bệnh nhân nào buộc phải dừng điều trị do tác dụng phụ.

Các nghiên cứu điều trị diệt trừ H. pylori của một số tác giả khi dùng những phác đồ khác nhau cũng cho kết quả tượng tự với kết quả của chúng tôi:

Vĩnh Khánh và cộng sự (2011) nghiên cứu hiệu quả phác đồ 4 thuốc thấy rằng mệt mỏi (11,3%), chán ăn (8,1%), tiêu chảy (6,5%) là những tác dụng phụ phổ biến [47].

Nghiên cứu của Bùi Hữu Hoàng (2011) trên 2 nhóm bệnh nhân điều trị diệt trừ H. pylori bằng 2 phác đồ nối tiếp và chuẩn thu được kết quả: ở cả hai nhóm tác dụng phụ ở mức độ nhẹ, tác dụng phụ ở phác đồ nối tiếp thấp hơn so với phác đồ chuẩn (p<0,05). Ở phác đồ nối tiếp, tác dụng phụ thường gặp là đắng miệng 35,1% (liên quan đến Clarithromycin nhưng chỉ xảy ra trong 5 ngày), tiêu chảy (10,8%) và buồn nôn (18,9%). Ở phác đồ chuẩn cũng cho kết quả tương tự nhưng kéo dài hơn do phải sử dụng hai kháng sinh phối hợp (clarithromycin và amoxicilline) trong 10 ngày [41].

Trong nghiên cứu hiệu quả điều trị diệt trừ H. pylori của hai phác đồ trình tự và 4 thuốc của tác giả Trương Văn Lâm và cộng sự (2014) [44] có 32,1% và 39,6% bệnh nhân có tác dụng phụ chủ yếu là đắng miệng (11,6%

phác đồ trình tự, 24,8% phác đồ 4 thuốc) và chóng mặt (8,9% ở phác đồ trình tự và 13,2% ở phác đồ 4 thuốc).

Tóm lại, các thuốc điều trị H. pylori đều dung nạp tốt, tuy có 25,5%

bệnh nhân có tác dụng phụ nhẹ. Khi dùng nhiều phối hợp khác nhau điều trị H. pylori, những tác dụng phụ hay gặp nhất là thay đổi vị giác (Clarthromycin, Metronidazole), ỉa lỏng, mệt mỏi.

Hiệu quả diệt trừ H. pylori phụ thuộc vào liều lượng và thời gian điều trị, loại kháng sinh sử dụng nhưng chủ yếu dựa vào tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh. Ngoài ra còn phụ thuộc vào cách phối hợp thuốc trong từng phác đồ với những kết quả khác nhau dựa trên sự dung nạp, chấp thuận điều trị, tác động tương hỗ và hiệp đồng giữa các thuốc.

Trong những năm gần đây tình trạng kháng thuốc ngày một gia tăng nhanh chóng dẫn đến hiệu quả điều trị diệt trừ H. pylori của các phác đồ mà trước đây vẫn thường sử dụng có tỷ lệ thất bại ngày càng cao. Vì vậy, việc tìm kiếm các phác đồ có hiệu quả điều trị diệt trừ cao như kéo dài điều trị lên 2 tuần hoặc thêm 1 kháng sinh vào một trong các phác đồ kinh điển, hoặc thay đổi cách dùng thuốc, và hoặc sử dụng một kháng sinh mới… vẫn đang là giải pháp tình thế để điều trị diệt trừ H. pylori.

Hiện nay, phác đồ nối tiếp 14 ngày gồm PPI + Amoxicilin trong 7 ngày, 7 ngày tiếp theo dùng PPI + Clarithromycin + Metronidazole đang được xem xét thay thế phác đồ 3 thuốc chuẩn. Một vài nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy rõ hiệu quả điều trị của phác đồ này cao hơn hẳn so với phác đồ chuẩn đặc biệt ở nhóm bệnh nhân đã đề kháng với nhóm Clarithromycin, theo tác giả Vaira D và cộng sự [10] khi dùng phác đồ nối tiếp hiệu quả diệt trừ H. pylori đạt 89% so 77% khi dùng phác đồ 3 thuốc chuẩn và cũng đạt 89% so với 29% khi chủng H. pylori đã kháng Clarithromycin. Theo Zullo A và cộng sự, nghiên cứu tổng hợp phân tích trên 1800 bệnh nhân đã dùng phác đồ nối tiếp hiệu quả diệt trừ H. pylori trên 90% [12], [13].

Hiện nay việc nghiên cứu vaccine phòng ngừa lây nhiễm H. pylori còn chưa hoàn tất. Hy vọng trong tương lai gần, vaccine có thể giúp phòng ngừa được lây nhiễm và có thể giúp tránh tái nhiễm sau điều trị diệt trừ H. pylori thành công. Trong khi chờ đợi vaccine, việc hướng dẫn người bệnh ăn chín uống sạch cũng như thay đổi những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng như hút thuốc lá, uống rượu bia là điều quan trọng và cần thiết.

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả của phác đồ nối tiếp trong điều trị diệt trừ helicobacter pylori ở bệnh nhân loét hành tá tràng (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(86 trang)
w