4.2. KẾT QUẢ PHẪU THUẬT
4.2.2. Biến chứng sớm sau mổ
Là thời gian từ khi bệnh nhân mổ tới khi ra viện.
- Chảy máu sau mổ.
Trong phẫu thuật nói chung, thì biến chứng chảy máu sau mổ là một biến chứng thường gặp tuy nhiên vùng cổ là vùng rất nhiều mạch máu nuôi dưỡng, mặt khác khi chảy máu bệnh nhân tử vong trước hết chưa phải là mất máu mà là do máu chảy ra tụ lại gây chèn ép khí quản và bó mạch cảnh, thần kinh đe dọa đến tính mạng cả về hô hấp và tuần hoàn. Chính vì vậy phải theo dõi sát biến chứng này.
Trong nghiên cứu của chúng tôi bảng 3.17 có 2/51 BN (3.92%) trong đó 1 trường hợp xuất hiện sau 3 giờ sau mổ, 1 trường hợp xuất hiện 6 giờ sau mổ. Trong 2 trường hợp một trường hợp chảy ở các mạch máu nhỏ vùng cổ
hoặc cơ dưới móng, 1 trường hợp từ động mạch giáp trên, đã được xử lý băng ép vùng cổ 1 trường hợp, 1 trường hợp bằng mở vết mổ cầm máu, diễn biến sau đó thuận lợi bệnh nhân ra viện trong tình trạng ổn định. Biến chứng chảy máu sau mổ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: Khối u to khi cắt bỏ phải làm tổn thương nhiều mạch máu, xung huyết mạnh, tỉ lệ prothrombin, thời gian máu chảy, máu đông, cầm máu chưa kỹ lúc mổ. Nhưng nguyên nhân chủ yếu trong nghiên cứu của chúng tôi là sau phẫu thuật bệnh nhân bất động không tốt, cử động nhiều, nói nuốt nhiều làm căng giãn vùng cổ gây chảy máu thứ phát. Do vậy, để dự phòng biến chứng này cần theo dõi sát, cầm máu kỹ trước khi khâu phục hồi cơ, cân, da và dẫn lưu tốt.
Trong nghiên cứu tác giả B.Barasa [38] với 44 ca khối u khoang bên họng được mổ theo đường cổ bên thì có 2/44 BN chiếm tỉ lệ (4.55%) có tai biến chảy máu trong đó có 1 trường hợp có khối u cận hạch dây X sau khi phẫu thuật 2 ngày xuất hiện nhồi máu não lan tỏa bên phải và tiến triển liệt nửa người bên trái. 1 trường hợp khối u tế bào schwann dây IX động mạch cảnh trong bị tổn thương trong phẫu thuật và đã được xử lý tốt tuy nhiên sau 24h thì xuất hiện thuyên tắc động mạch não giữa và phải phục hồi sau 2 tháng mà không có liệt thần kinh sọ vĩnh viễn.
- Nhiễm trùng.
Theo nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 3.17 thì có 1/51 BN (1.96%) bị nhiễm trùng sau phẫu thuật ngày thứ 3. Đã được xử lý bằng kháng sinh liều cao, sát khuẩn vết thương. Bệnh nhân ổn định khi ra viện.
- Liệt thần kinh sọ.
Trong phẫu thuật cắt bỏ khối u khoang bên họng biến chứng nghiêm trọng nhất là liệt thần kinh sọ.
Trong nghiên cứu của chúng tôi thì biến chứng liệt thần kinh sọ chiếm tỉ lệ cao có 10/51 BN (19.60%) trong đó đã có 4 trường hợp liệt trước phẫu thuật, 6 trường hợp liệt sau phẫu thuật trong đó chủ yếu là tổn thương dây X với triệu chứng nói khàn, dây thanh cùng bên kém hoặc không di động có 4/51 BN, tổn thương dây IX với rối loạn vị giác có 2/51 BN do quá trình phẫu thuật làm tổn thương hoặc buộc phải cắt bỏ khi muốn lấy bỏ toàn bộ khối u hoặc do phù nề chèn ép vào dây thần kinh sọ.
Trong nghiên cứu tác giả B.Barasa với 44 ca khối u khoang bên họng được mổ theo đường cổ bên thì tỉ lệ liệt thần kinh sọ sau phẫu thuật có 22/44 BN chiếm (50%) trong đó liệt dây X có 17/44 BN, dây IX có 1/44 BN, dây XII có 1/44 BN, 3/44 BN có liệt thần kinh trước phẫu thuật [38].
- Các biến chứng khác.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u khoang bên họng có nhiều biến chứng nặng và nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phù nề thanh quản, ứ đọng dịch vết mổ, nhiễm trùng vết mổ. Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi không gặp những biến chứng này. Điều này có thể giải thích là do bệnh nhân đã được chuẩn bị trước mổ kỹ lưỡng, trong mổ thao tác nhẹ nhàng, tránh được các tổn thương về mạch máu, thần kinh, các biến chứng sau mổ được theo dõi kỹ và xử trí kịp thời hoặc có thể do cỡ mẫu nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ lớn nên chưa gặp các biến chứng này.
- Suy hô hấp cấp.
Đây là biến chứng sớm thường gặp sau phẫu thuật vùng cổ, nguyên nhân chính của cơn suy hô hấp cấp sự tắc nghẽn đường thở do viêm phù nề thanh môn, ứ đọng đờm rãi, bọc máu chèn ép khí quản, tổn thương dây TK quặt ngược 2 bên, cơn co thắt thanh khí quản trong và sau mổ.
Trong nghiên cứu tác giả B.Barasa với 44 ca khối u khoang bên họng được mổ theo đường cổ bên không có trường hợp nào suy hô hấp.