Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, nguyên nhân chủ yếu là do tụ cầu và liên cầu nhóm A. Bệnh chỉ xuất hiện khi da bị tổn thương và không được chăm sóc cẩn thận. Môi trường, khí hậu, tuổi, sức đề kháng và các bệnh da có sẵn trên cơ thể là yếu tố thuận lợi có liên quan đến quá trình phát sinh và phát triển của bệnh chốc.
4.1.1. Giới tính
Kết quả thu thập từ mẫu nghiên cứu của chúng tôi tại bảng 3.1 thấy tỷ lệ nam giới chiếm 64,29%, cao gần gấp đôi so với nữ giới (35,71%). Bệnh chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn nên có thể gây bệnh cho bất kỳ đối tượng nào, thường không phụ thuộc vào giới tính, có thể liên quan đến sự tổn thương da và sức đề kháng của mỗi bệnh nhân. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh chốc giữa nam giới và nữ giới theo y văn cũng như theo kết quả nghiên cứu của một số tác giả trong nước và trên thế giới mà chúng tôi tham khảo được là ít có sự khác biệt. Chúng tôi cũng chưa tham khảo được tài liệu nghiên cứu nào đề cập đến khả năng đề kháng các bệnh nhiễm trùng ở nữ giới cao hơn nam giới để suy luận có thể nữ giới ít mắc bệnh chốc hơn so với nam giới. Ly giải về sự chệnh lệch tỷ lệ giới tính trong mẫu nghiên cứu, chúng tôi cho rằng đối với trẻ em bị bệnh chốc thì có thể trẻ nam thường hiếu động, dễ bị tổn thương da nên dễ mắc bệnh hơn trẻ nữ. Có thể đó là một trong những yếu tố làm cho tỷ lệ nam giới bị bệnh cao hơn so với nữ giới. Đối với người lớn bị chốc thì do mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn nhỏ, số bệnh nhân người lớn không nhiều nên chúng tôi cũng không có điều kiện để đi sâu nghiên cứu so sánh giới tính và bàn luận kỹ về vấn đề này. Một khía cạnh liên quan đến tỷ lệ
giới tính nói chung cũng cần được quan tâm. Đó là sự mất cân bằng về giới tính đang gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Do chính sách sinh đẻ kế hoạch của nhà nước và tư tưởng trọng nam của nhân dân ta. Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch gia đình năm 2012 cho thấy 112 trẻ trai/
100 trẻ gái. Tỷ lệ thai trẻ gái bị nạo phá hàng năm xảy ra tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân còn cao. Có thể đây cũng là một trong những yếu tố ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ nam bị chốc nhiều hơn trẻ nữ chăng. Một trong những yếu tố mà chúng tôi cho rằng cũng khá quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự chệnh lệch về tỷ lệ giới tính trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi, đó là do mẫu chưa đủ lớn địa điểm lấy mẫu chưa đại diện cho quần thể. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi về tỷ lệ giới ở bệnh nhân bị chốc không phù hợp với kết quả của một số tác giả khác ở trong nước và trên thến giới là tỷ lệ nam, nữ bị bệnh chốc là tương đương nhau [1].
4.1.2 Phân bố bệnh theo lứa tuổi
Kết quả nghiên cứu bệnh chốc phân bố theo lứa tuổi (bảng 3.2) thấy bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Bệnh chốc gặp nhiều trẻ dưới 6 tuổi, đỉnh cao ở độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi, trẻ dưới 2 tuổi và trên 6 tuổi thì ít gặp hơn. Giải thích về kết quả nghiên cứu này, chúng tôi cho rằng đối với trẻ nhỏ hệ thống miễn dịch của cơ thể chưa hoàn chỉnh nên chưa có khả năng đáp ứng chống lại nhiều tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là đối với trẻ dưới 6 tuổi đây là giai đoạn đang hình thành và gia tăng miễn dịch của cơ thể. Khi trẻ mới sinh thì còn được thừa hưởng kháng thể của mẹ truyền sang qua máu và sữa.
Nhưng sau 6 tháng tuổi, lượng kháng thể từ mẹ truyền cho trẻ sẽ giảm dần, cơ thể trẻ phải tự sinh kháng thể để chống lại các yếu tố môi trường. Nhất là cơ thể trẻ phải sinh ra các loại kháng thể khác nhau để chống lại nhiều loại vi khuẩn trong môi trường sinh hoạt. Do đó, bệnh chốc thường hay gặp ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi ngoài khả năng đề kháng do mẹ truyền
cho thì trẻ còn được chăm sóc tại nhà với điều kiện vệ sinh ăn ở sạch sẽ, dinh dưỡng cũng tốt nên ít mắc các bệnh nhiễm trùng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi bị chốc thấp hơn trẻ từ 4 tuổi đến 6 tuổi cũng phù hợp với cơ sở l í luận này. Khi trẻ lớn hơn, trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ phải sinh hoạt tập trung, thường tiếp xúc trực tiếp với các bạn cùng lớp hoặc gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt tập thể nên dễ bị lây bệnh khi một trong các thành viên trong lớp bị bệnh, trong đó có bệnh chốc là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan. Mặt khác, ở lứa tuổi này trẻ thường hiếu động, thích khám phá môi trường xung quanh thích bắt chước, học hỏi, làm theo nên da trẻ dễ bị tổn thương, đó cũng là điều kiện thuận lợi để cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Điều đáng quan tâm là ở lứa tuổi này nhận thức vệ sinh cá nhân của trẻ còn hạn chế, trẻ chưa tự chăm sóc và tự vệ sinh thân thể một cách đầy đủ, mà mức độ vệ sinh cá nhân hầu như phải phụ thuộc vào môi trường sinh hoạt và sự chăm sóc chu đáo của người lớn. Cho nên, điều đó cũng ảnh hưởng đến sự lây nhiễm bệnh tật nói chung và bệnh chốc nói riêng.
Trong điều kiện sinh hoạt tập thể ở nhà trẻ hay ở trường mẫu giáo thì chế độ dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc vào từng cơ sở, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ. Đặc biệt là những nhà trẻ, trường mẫu giáo ở những vùng nông thôn, miền núi, những vùng kinh tế khó khăn chưa phát triển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Còn ở lứa tuổi trên 6 tuổi và người lớn, ít mắc bệnh nhiễm trùng ngoài da trong đó có bệnh chốc hơn trẻ dưới 6 tuổi là có nguyên nhân. Nguyên nhân để độ tuổi này ít mắc bệnh, thì ngoài kháng thể hoàn chỉnh còn biết tránh những việc làm gây tổn thương da.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về phân bố bệnh chốc theo lứa tuổi thấy gặp nhiều trẻ dưới 6 tuổi và đỉnh cao là ở độ tuổi đi nhà trẻ và mẫu giáo (từ 6 tháng đến 6 tuổi chiếm 90%) cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của
một số tác giả khác ở trong nước cũng như một số nước nhiệt đới và cận nhiệt đới khác [7], [15].
4.1.3. Phân bố bệnh theo vùng, miền
Theo kết quả nghiên cứu tại bảng 3.3 thì tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh chốc ở thành thị là 44,29%, ở nông thôn là 40,00%, miền núi là 15,71%. Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh chốc ở nông thôn và thành thị không thấy có sự khác nhau. Đối chiếu với nhận xét của một số tài liệu thì lại cho rằng bệnh chốc chủ yếu gặp ở nông thôn, miền núi, nơi mà môi trường sống không được sạch sẽ, chỗ ở trật trội, đông đúc cộng thêm với các thủ tục sinh hoạt ăn uống thiếu vệ sinh [7].
Hiện nay ở nước ta, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhân dân đổ về các đô thị để sinh sống và làm việc ngày càng đông. Đặc biệt ở các phố cổ của các thành phố lớn mật độ dân sống đông đúc, trật trội và tỷ lệ gia đình có mức sống dưới mức bình thường là tương đối cao. Những gia đình này thường là công nhân, người lao động tự do có mức thu nhập thấp nên họ thường thuê sống tại khu nhà tập thể có môi trường không sạch. Họ có nhận thức yếu kém kết hợp với cuộc sống vất vả, nên họ có ít thời gian chăm sóc cho con.
Đó có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ bệnh nhân chốc ở thành thị gia tăng.
Mặt khác, đề tài nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuy là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành nhưng lại nằm giữa Thủ đô Hà Nội. Cho nên, những bệnh nhân bị chốc đến khám và điều trị tại bệnh viện chủ yếu là ở trong địa bàn nội ngoại thành, gần bệnh viện. Ít khi có bệnh nhân chốc được chuyển đến từ tuyến dưới. Bởi vì, bệnh
chốc là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, nếu được chẩn đoán sớm và được điều trị kịp thời thì rất nhanh khỏi. Cho nên, các bệnh nhân bị chốc ở các vùng nông thôn xa bệnh viện thường được chữa trị khỏi ngay tại các tuyến cơ sở. Điều đó có thể làm cho tỷ lệ bệnh nhân bị chốc ở nông thôn trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi thấp. Kết quả này có thể phần nào góp phần minh chứng cho tính ưu việt của hệ thống mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam nói chung và đào tạo, phát triển tốt của hệ thống mạng lưới chuyên khoa Da liễu nói riêng. Mạng lưới y tế ở nước ta ngày càng phát triển cả về bề sâu và bề rộng đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân.
Họ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, không những được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn chặn lây lan và các biến chứng có thể xảy ra mà còn giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
4.1.4. Mùa mắc bệnh
Nghiên cứu bệnh chốc phân phối theo mùa trong năm, chúng tôi thấy trong số 70 bệnh nhân mà chúng tôi nghiên cứu thì có 47 bệnh nhân mắc bệnh vào mùa hè (chiếm 67,14%), vào mùa xuân là 19 bệnh nhân (chiếm 27,14%). Còn mùa đông rất ít, chỉ có 4 bệnh nhân (chiếm 5,72%). Về mùa hè và mùa xuân khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh. Cũng do khí hậu nóng ẩm, mà cơ thể con người phải tăng điều tiết thân nhiệt bằng cách tăng tiết mồ hôi và tăng bay hơi nước, đặc biệt là ở trẻ em thì hoạt động chuyển hóa lại càng mạnh nên sinh nhiệt càng nhiều.
Mồ hôi và hơi nước thoát qua da làm cho da luôn ẩm ướt, lớp tế bào sừng ở thượng bì có thể bị tổn thương gây giảm vai trò màng chắn bảo vệ của da, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Tụ cầu và liên cầu là những vi khuẩn gây bệnh chốc. Chúng sống dễ dàng ở
nhiều nơi trong môi trường tự nhiên như đất, nước..., trên cơ thể con người chúng tồn tại ở da và quanh các hốc tự nhiên. Chúng thường sống cộng sinh và trở thành tác nhân gây bệnh khi có cơ hội như vai trò màng chắn của da bị giảm, da bị chấn thương xây xước, suy giảm miễn dịch, bệnh da cơ địa có sẵn...[6]. Các tế bào sừng trên da bình thường được bong ra theo chu kỳ và vi khuẩn một phần cũng được loại khỏi cơ thể theo cơ chế sinh l í này.
Nhưng khí hậu mùa hè nóng bức, cơ thể con người tiết nhiều mồ hôi gây bết dính hoặc hòa tan các tế bào sừng thành môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Trong khi đó trẻ thường mặc quần áo ngắn nên da không được bảo vệ, khi trẻ ngã hoặc có va chạm thì dễ bị tổn thương tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triền gây bệnh. Thời tiết nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi để trẻ dễ bị viêm nhiễm các hốc tự nhiên đặc biệt là quanh miệng, lỗ mũi, lỗ tai ngoài. Khi bị viêm nhiễm thường kèm có ngứa gây khó chịu, trẻ sẽ gãi và chà xát làm da xây xước. Đó là một trong những lý do bệnh chốc hay gặp ở quanh các hốc tự nhiên. Còn mùa đông, thì ngược lại, khí hậu khô hanh không thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, trẻ mặc quần áo kín, có thể trẻ cũng ít hoạt động hơn. Cho nên, có thể đó cũng là lý do bệnh chốc gặp rất ít vào mùa đông.
Như vậy trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi thấy tỉ lệ bệnh chốc cao vào mùa hè, mùa xuân và giảm vào mùa thu, mùa đông chúng tôi không gặp trường hợp nào.
4.1.5. Phối hợp với các bệnh da khác
Bệnh chốc xuất hiện phụ thuộc vào 3 yếu tố đó là tác nhân gây bệnh (vi khuẩn), đường vào của vi khuẩn (da bị tổn thương) và phản ứng viêm của cơ thể (sức đề kháng). Căn nguyên của bệnh chốc đã được xác định là do tụ cầu
và liên cầu nhóm A. Các vi khuẩn này thường sống trong môi trường đất, nước..., trên cơ thể con người chúng luôn tồn tại nhưng chỉ sống cộng sinh.
Những vi khuẩn này trở thành tác nhân gây bệnh khi da có tổn thương, chúng có cửa ngõ để xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Khi mắc các bệnh da khác, tức là da bị tổn thương kết hợp có ngứa làm bệnh nhân thường gãi hoặc chà xát gây tổn thương thứ phát tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh chốc. Bệnh chốc xuất hiện không những do vi khuẩn có ở tại chỗ tổn thương mà còn do lây nhiễm từ các vị trí khác trên có thể đưa tới. Đặc biệt khi bị mắc các bệnh da có ngứa, khi bệnh nhân gãi sẽ đưa vi khuẩn từ nhiều nơi khác nhau trên cơ thể đến vị trí gây bệnh Chính nguyên nhân này có thể tạo ra nhiều hình thái thương tổn khác nhau, phức tạp và làm bệnh nặng khó chẩn đoán. Vì vậy, khi bệnh chốc xuất hiện trên cơ thể có sẵn các bệnh da khác đặc biệt là viêm da cơ địa thì điều trị là rất khó khăn. Bệnh chốc có thể kết hợp với bất kì bệnh ngoài da nào. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại bảng 3.4 và bảng 3.5 thì có gần 1/2 trường hợp chốc có kèm theo bệnh da khác (47,14%). Trong số những trường hợp bệnh chốc phối hợp với các bệnh da khác thì hay gặp nhất là phối hợp với bệnh viêm da cơ địa, chiếm 72,73%; với vảy nến là 3,03%; với các bệnh da khác là 24,24%. Bệnh chốc hay gặp phối hợp với bệnh viêm da cơ địa có lẽ là do bệnh viêm da cơ địa là bệnh mạn tính, da thường khô, mất lớp mỡ bảo vệ trên da, ngứa nhiêu, thương tổn da hở ở các giai đoạn cấp và bán cấp nên dễ bị bội nhiễm tụ cầu, liên cầu gây bệnh chốc. Với các bệnh da không có thương tổn hở có thể ít bị bội nhiễm hơn nên ít bị bệnh chốc hơn như vảy nến chẳng hạn.
Như vậy qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy tỉ lệ bệnh nhân chốc có bệnh da kết hợp mà chúng tôi gặp chủ yếu là bệnh viêm da cơ địa.
4.1.6. Bệnh chốc liên quan đến tình trạng suy dinh dƣỡng
Theo số liệu thống kê của chúng tôi tại bảng 3.6 thấy tỷ lệ bệnh nhân có suy dinh dưỡng là 7,14%, chủ yêu là gặp ở trẻ em vùng nông thôn và miền núi. Tỷ lệ này là xác thực với kinh tế xã hội Việt Nam, cũng gần sát với con số thống kê của Mỹ. Bệnh chốc gặp khoảng 9- 10% tổng số trẻ em, thường gặp ở trẻ em, người già bị suy dinh dưỡng.
Trước đây, Việt Nam là một nước nghèo đói, lạc hậu. Đời sống người dân lam lũ, đói khổ, trình độ văn hóa thấp kém, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thiếu và hạn chế về kiến thức. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng rất cao, đó là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng trong đó có bệnh chốc. Nhưng hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đang có sự thay đổi tiến bộ. Số trẻ em suy dinh dưỡng đang giảm dần nhưng chưa thực sự đồng đều ở các vùng miền. Theo thống kê của Viện dinh dưỡng Việt Nam 2010 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 17,50%. Ở nông thôn, miền núi cao hơn so với thành thị. Ví dụ như ở Hà Nội là 10,80%, Lào Cai là 22,80%, Lai Châu là 26,50%. Những tỷ lệ khác nhau trên là do điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa và lối sống sinh hoạt khác nhau. Trẻ em ở thành thị thường có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn rất nhiều so với vùng nông thôn, miền núi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại bảng 3.6 thấy trẻ suy dinh dưỡng chỉ thấy có 7,14%. Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng góp phân làm giảm bệnh tật nói chung trong đó có bệnh chốc.