CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƢ XÂY DỰNG CƠ BẢN TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN
1.1. Đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước
1.1.1. Các khái niệm cơ bản
1.1.1.1. Đầu tư xây dựng cơ bản
Theo giáo trình Kinh tế xây dựng (2019) do tác giả PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng (Chủ biên), thạc sĩ Nguyễn Thu Hương, tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Dung, tiến sĩ Đặng Thế Hiến, tiến sĩ Cù Thanh Thuỷ biên soạn, nhà xuất bản xây dựng, ĐTXDCB là hoạt động đầu tư thực hiện bằng cách tiến hành xây dựng mới tài sản cố định, bao gồm các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ bản (khảo sát, thiết kế, tư vấn xây dựng, thi công xây lắp công trình, sản xuất và cung ứng thiết bị vật tư xây dựng) nhằm thực hiện xây dựng các công trình.
Theo quy định của Nghị định 06/2021/NĐ-CP của chính phủ ngày 26/01/2021, công trình xây dựng được phân loại theo công năng sử dụng thành 6 nhóm như sau:
Thứ nhất, nhóm các công trình dân dụng là công trình kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác (có thể là một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình) phục vụ cho các hoạt động, nhu cầu của con người như ở; học tập, giảng dạy; làm việc; kinh doanh; tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao; tập trung đông người; ăn uống, vui chơi, giải trí, tham quan; xem hoặc thưởng thức các loại hình nghệ thuật, biểu diễn, thi đấu thể thao; trao đổi, tiếp nhận thông tin, bưu phẩm; khám bệnh, chữa bệnh; tôn giáo, tín ngưỡng và các công trình cung cấp các dịch vụ, nhu cầu khác của con người.
Thứ hai, nhóm công trình công nghiệp là các công trình kết cấu dạng nhà (nhà công nghiệp) hoặc các hệ kết cấu khác sử dụng cho việc khai thác, sản xuất ra các loại nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, năng lượng phục vụ nhu cầu của con người và các ngành kinh tế.
Thứ ba, nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật là công trình kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho việc khai thác, sản xuất và cung cấp nước; lưu trữ, xử lý nước và thoát nước thải; lưu trữ, xử lý các loại chất thải rắn; chiếu sáng các khu vực công cộng; chôn cất, hỏa táng, cử hành tang lễ; truyền tải thông tin; duy trì cảnh quan đô thị; cung cấp các chỗ đỗ xe công cộng.
Thứ tư, nhóm công trình giao thông là công trình kết cấu dạng cầu, đường, hầm hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho giao thông vận tải; điều tiết, điều phối các hoạt động giao thông vận tải.
Thứ năm, nhóm công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là công trình có kết cấu dạng đập, đê, kè, kênh, mương hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho các công tác thủy lợi; chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn khác.
Thứ sáu, nhóm công trình an ninh quốc phòng là công trình có kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng, bộ Công an quy định chi tiết về loại công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
ĐTXDCB có các đặc điểm như sau:
Thứ nhất, gắn liền với đất xây dựng công trình: các công trình xây dựng cơ bản đa số đều gắn liền với đất đai và khi đã hoàn thành công trình thì sản phẩm đầu tư khó có thể di chuyển đi nơi khác. Chính vì thế trước khi đầu tư, các công trình xây dựng cơ bản cần phải được quy hoạch cụ thể. Đồng thời công tác quản lý đầu tư cũng phải được xác định và phê duyệt dựa vào bảng dự toán đầu tư.
Thứ hai, tính đơn chiếc của sản phẩm ĐTXDCB: đặc thù của sản phẩm ĐTXDCB là luôn phải chịu tác động của các yếu tố xung quanh như địa hình, địa chất, khí hậu,… Do đó, các sản phẩm của ĐTXDCB không thể được sản xuất hàng loạt theo một dây chuyền nhất định. Thậm chí cấu phần ngay trong cùng một công trình xây dựng cũng không hề giống nhau hoàn toàn về mặt thiết kế hoặc kiểu cách,…
Thứ ba, có vốn đầu tư lớn, được tạo ra trong thời gian dài: với mục đích sản xuất phục vụ nhu cầu sử dụng chung của toàn xã hội, các công trình ĐTXDCB đều được tạo ra trong thời gian dài và có quy mô, vốn đầu tư lớn.
Trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là vốn từ NSNN. Ngoài ra còn có nguồn do đóng góp tự nguyện của tư nhân vì lợi ích cộng đồng và vốn đầu tư gián tiếp hoặc trực tiếp từ nước ngoài. Do sở hữu nguồn vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi quá trình xây dựng cơ bản phải có biện pháp quản lý phù hợp. Điều này góp phần đảm bảo tiền vốn được sử dụng hiệu quả, không bị ứ đọng hoặc thất thoát. Từ đó các công trình đầu tư xây dựng mới có thể hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng như kế hoạch đề ra ban đầu.
Thứ tư, đặc điểm kinh tế kỹ thuật riêng biệt: các công trình nằm trong hạng mục xây dựng cơ bản bao gồm tất cả các ngành từ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, văn hoá, xã hội,… Mỗi ngành đều có đặc thù và yêu cầu kỹ thuật riêng biệt. Chính vì thế việc xây dựng các công trình cấp đặc biệt,
cấp I và cấp II đều yêu cầu bắt buộc thực hiện lập chỉ dẫn kỹ thuật. Ngoài ra, đối với công trình di tích và các công trình còn lại thì có thể lập riêng chỉ dẫn kỹ thuật hoặc quy định cụ thể trong bản thuyết minh thiết kế xây dựng công trình. Các chỉ dẫn kỹ thuật này sẽ do phía nhà thầu thiết kế hoặc do chủ đầu tư thuê nhà thầu khác tư vấn. Đây được xem là một phần quan trọng của hồ sơ thi công, đồng thời cũng là cơ sở để quản lý, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình.
Thứ năm, chịu ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên: các sản phẩm của đầu tư xây dựng còn luôn phải đối mặt với sự tác động bởi yếu tố tự nhiên mà không thể lường trước được. Chẳng hạn như tình hình thời tiết, mưa bão, động đất hoặc sự biến động của địa chất, thuỷ văn,… Chính vì vậy phương pháp tổ chức sản xuất và biện pháp kỹ thuật cũng luôn thay đổi nhằm phù hợp với điều kiện xây dựng ở mỗi địa điểm khác nhau.
1.1.1.2. Ngân sách nhà nước
Theo Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015, NSNN là toàn bộ các nguồn vốn được tính dựa trên các khoản thu, chi của Nhà nước, trong đó bao gồm: các nguồn vốn từ ngân sách trung ương tới ngân sách địa phương.
Nguồn vốn này đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm tài chính mà trong đó nguồn vốn chỉ được bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Những nguồn chính của thu NSNN gồm:
Thuế, phí, lệ phí có tính chất thuế (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí bảo trì đường bộ, lệ phí công chứng…)
Hoạt động sự nghiệp có thu của các đơn vị sự nghiệp công, ví dụ như trường học công, bệnh viện công, viện nghiên cứu, trung tâm thể thao… Hiện nay, thu của các đơn vị này đang chuyển dần sang cơ chế giá dịch vụ
Vay, viện trợ không hoàn lại (như phát hành công trái, trái phiếu chính phủ, các khoản vay ODA hoặc vay ưu đãi của chính phủ…)
Nguồn thu khác: Lợi tức góp vốn từ tổ chức kinh tế, thu hồi vốn từ tổ chức kinh tế, bán và cho thuê tài sản nhà nước, đóng góp tự nguyện.
Những khoản chi NSNN bao gồm:
Nhóm chi thường xuyên là khoản chi nhằm duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước, ví dụ như lương thưởng, công tác, hội họp, thiết bị văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng (điện, nước…), công tác phí, chi sửa chữa thường xuyên máy móc, văn phòng…
Nhóm chi đầu tư phát triển là các khoản chi dài hạn nhằm tăng cường cơ sở vật chất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như điện, đường, trường, trạm.
Nhóm chi trả nợ và viện trợ để Nhà nước trả các khoản đã vay trong nước, nước ngoài khi đến hạn và các khoản chi làm nghĩa vụ quốc tế.
Nhóm chi dự trữ quốc gia phục vụ việc dự trữ cho các biến động bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai…
1.1.1.3. Đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sáchnhà nước
Theo Luật NSNN số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015, có thể hiểu:
ĐTXDCB từ nguồn vốn NSNN là một bộ phận của đầu tư phát triển, ĐTXDCB từ nguồn vốn NSNN là việc xây dựng những công trình mang đến lợi ích cộng đồng chung, phục vụ cho mọi người, mọi ngành trong xã hội, giúp ổn định và an sinh xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Luật Ngân sách, ĐTXDCB phân theo cấp ngân sách gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương.
+ ĐTXDCB từ ngân sách Trung ương do các Bộ, Cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ quản lý.
+ ĐTXDCB từ ngân sách địa phương do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các phường, xã, thị trấn quản lý.