6.7. Tổ chức dạy học theo phương pháp dạy học kiến tạo
6.7.1. Tiến trình dạy học theo PPDHKT đối với bài lên lớp
6.7.1.2. Giai đoạn dạy bài mới
Hoạt động của GV - Kiểm tra đầu giờ
Việc kiểm tra đầu giờ giúp GV thu nhận được phản hồi về kiến thức, kĩ năng HS tiếp thu được trong bài học trước cũng như thấy được thái độ học tập của mỗi HS. Từ đó GV có những điều chỉnh cần thiết về phương pháp dạy học. GV phải chọn lựa những câu hỏi, nhiệm vụ, vấn đề phù hợp với khả năng của HS được kiểm tra cũng như mức độ yêu cầu của chương trình.
- Tìm hiểu kiến thức đã có của HS liên quan đến bài học
GV có thể thực hiện việc này bằng cách sử dụng các câu hỏi được chuẩn bị từ trước. Nếu GV sử dụng nhiều câu hỏi thì in thành phiếu học tập và yêu cầu HS trả lời cá nhân hay nhóm. Nếu GV sử dụng ít câu hỏi thì có thể hỏi trước lớp và yêu cầu HS trả lời. Nếu GV đã dự đoán được những khó khăn, chướng ngại mà HS sẽ gặp phải thì không cần thực hiện việc này.
- Tổ chức cho HS tiếp xúc với các tình huống học tập:
Các tình huống học tập được GV in thành các phiếu học tập hay trình bày trước lớp. HS nhận phiếu học tập và tìm hướng giải quyết các vấn đề được nêu ra.
- Tổ chức và điều tiết cho HS trao đổi, thảo luận theo nhóm
GV thúc đẩy các nhóm thực hiện giải quyết các tình huống đã đề ra các cấu trúc nhóm tùy thuộc vào dạng tình huống. Thời gian thảo luận nhóm theo hạn định đã dự kiến.
- Hướng dẫn, khuyến khích HS trình bày kết quả thảo luận, đặt vấn đề, ý tưởng mới
GV điều khiển, khuyến khích HS đại diện HS trong nhóm hay cả nhóm trình bày kết quả giải quyết tình huống. Các HS khác nghe, tranh luận tìm ra cách giải quyết hợp lý và rút ra kiến thức thu được trong nội dung bài học.
- Thảo luận với cả lớp và thống nhất những vấn đề còn tranh luận
GV đóng vai trò chủ tọa điều khiển tranh luận trong một khoảng thời gian có hạn định. GV giúp HS nhận ra những kiến thức cần tiếp thu và xây dựng nên các sơ đồ nhận thức. GV tổng kết, kết luận những vấn đề còn tranh cãi.
- Hướng dẫn HS tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau về kiến thức, kĩ năng vừa học được
GV phát các phiếu trắc nghiệm khách quan và yêu cầu HS tự lực trả lời. Sau khi HS trả lời GV nêu đáp án và yêu cầu HS tự chấm điểm. GV cũng có thể cho HS chấm điểm lẫn nhau. GV thu nhận kết quả và kiểm tra lại.
Hoạt động của HS
- Trả lời câu hỏi trong phần kiểm tra đầu giờ
HS thực hiện theo hướng dẫn của GV. HS có cơ hội đối mặt với khó khăn, thách thức không chỉ là những câu hỏi, yêu cầu, nhiệm vụ, giải quyết vấn đề được đặt ra mà còn những khó khăn về tâm lý. HS phải trình bày sự hiểu biết của mình trước một tập thể, trước người hướng dẫn. Thách thức này giúp HS phát triển kiến thức, tư duy và nhân cách.
- Tích cực giải quyết các tình huống học tập thông qua làm việc cá nhân, trong nhóm.
Tình huống học tập đã được GV chuẩn bị và triển khai đến HS. HS tiếp nhận và có trách nhiệm giải quyết nó. Trong LTKT, người học không giải quyết các yêu cầu do GV đưa ra như là một nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện mà là một cơ hội học tập với niềm vui nhận thức. Mỗi HS tích cực tự giải quyết các tình huống hay thực hiện nó trong nhóm với trách nhiệm cao. Cách hoạt động nhóm theo cấu trúc.
Jigsaw, STAD giúp loại bỏ các hiện tượng không tốt thường xảy ra như ăn theo, tách nhóm...
- Trình bày kết quả thảo luận
HS có cơ hội trình bày kết quả hoạt động học tập cá nhân hay của cả nhóm.
HS được rèn luyện khả năng trình bày một vấn đề khoa học trước nhiều người và tranh luận với các ý kiến của HS khác trong lớp. Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng còn yếu với HS. Phương pháp dạy học kiến tạo giúp HS được rèn luyện kỹ năng thuyết trình thường xuyên.
- Đánh giá lẫn nhau, tự đánh giá
Trong quá trình thảo luận, HS có cơ hội đưa ra những ý kiến góp ý đối với phần trình bày của HS khác, nhóm khác. Hoạt động này giúp HS nâng cao khả năng quan sát, nhận xét, định giá, bình luận, trình bày quan điểm của mình. HS cũng cần tự đánh giá, so sánh kiến thức bản thân tích cực lĩnh hội được và kiến thức ban đầu.
HS tự đánh giá lại phương pháp học từ đó có những điều chỉnh cần thiết giúp các em hình thành cách học phù hợp đối với mình.