Phần 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Khái quát về điều kiên tự nhiên, kinh tế - xã hội của Thị trấn Hương Sơn
4.1.1.1. Vị trí địa lý
Thị trấn Hương Sơn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Phú Bình, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 23 km về phía Tây Bắc, với tổng diện tích tự nhiên là: 1030,33 ha, có vị trí địa lý tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau:
Phía Bắc giáp với xã Tân Kim, huyện Phú Bình.
Phía Đông giáp với xã Tân Hòa, xã Lương Phú huyện Phú Bình.
Phía Tây giáp với xã Xuân Phương, huyện Phú Bình.
Phía Nam giáp với xã Kha Sơn, huyện Phú Bình.
Thị trấn Hương Sơn có 19 tổ dân phố, dân số tính đến tháng 05 năm 2014 là:
8.563 khẩu với 2.175 hộ.
4.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Địa hình của thị trấn Hương Sơn tương đối bằng phẳng, dốc dần từ Bắc xuống Nam, độ chênh cao trung bình là 0.5m trên 1km dài, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 30 mét, ít núi cao, được chia thành ba vùng rõ rệt.
Vùng phía bắc là vùng đồi núi thấp, thoải dạng đồi bát úp sen kẽ là những dải ruộng, các khu dân cư hình thành từ lâu đời với tính chất tiện canh tiện cư, vùng này có khả năng phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại vừa và nhỏ.
Vùng phía nam và phía đông là vùng đồng bằng rất thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nước, cây hoa mầu ngắn ngày, có điều kiện nuôi trồng thủy sản dọc hai bên bờ sông đào, có điều kiện phát triển ngành nghề dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Vùng trung tâm của thị trấn nằm trên trục đường Quốc lộ 37, có các điểm nút giao thông đi các ngả, là vùng đất tương đối bằng phẳng, là nơi tập trung các cơ quan đầu não, là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Phú Bình.
4.1.1.3. Khí hậu
Thị trấn Hương Sơn có khí hậu mang tính chất đặc thù của vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm được chia thành hai mùa rõ rệt, đó là mùa Đông và mùa Hè.
- Mùa Đông (hanh, khô), từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa này thời tiết lạnh, có những đợt gió mùa Đông Bắc cách nhau từ 7 đến 10 ngày, mưa ít thiếu nước cho cây trồng vụ đông.
- Mùa Hè (mùa mưa) nóng nực từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, thường gây ngập úng ở nhiều nơi trên địa bàn thị trấn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân, mùa hè có gió Đông Nam thịnh hành.
4.1.1.4. Thuỷ văn
- Hệ thống sông:Sông Đào nằm trong hệ thống thủy nông sông cầu có chiều rộng từ 25 m đến 30 m chạy dọc suốt từ phía bắc đến phía nam của thị trấn, đây là nguồn nước chính cung cấp cho sinh hoạt của người dân và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
- Hệ thống kênh mương: Toàn thị trấn có một hệ thống kênh mương chính và các tuyến kênh mương nội đồng.
4.1.2. Các nguồn Tài nguyên 4.1.2.1. Tài nguyên đất
a.Các loại đất
Thị trấn Hương Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 1.030,33 ha, chiếm 4,09 % diện tích tự nhiên của huyện (25171,49 ha). Bao gồm 2 nhóm đất chính:
- Đất nông nghiệp 851,03 ha, chiếm 82,60 % tổng diện tích đất tự nhiên của thị trấn.
- Đất phi nông nghiệp 179,30 ha, chiếm 17,40 % tổng diện tích đất tự nhiên của thị trấn.
b.Thổ nhưỡng
Đất đai trên địa bàn thị trấn có đặc điểm thổ nhưỡng chủ yếu thuộc các nhóm chính là:
- Đất feralít mầu đỏ vàng phát triển trên đá Mác ma a xít, phân bố ở các vùng đồi núi, loại đất này có tầng đất dầy > 1m, đất có cấu trúc tơi xốp, thành phần cơ
giới thịt nặng, hàm lượng mùn, đạm nhiều, đất chua có độ PHkcl khoảng từ 4,5 - 5,5, phù hợp với các loại cây ăn quả và trồng rừng sản xuất.
- Đất dốc tụ: Đất lúa nước hình thành do sản phẩm dốc tụ, phân bố ở các thung lũng lòng chảo, ở các chân đồi gò đã được nhân dân khai thác để trồng cây lúa nước và các cây hoa mầu ngắn ngày khác, loại đất này có tầng đất dầy, độ mùn cao.
- Ngoài ra trong thị trấn còn có các loại đất khác như: Đất mầu nâu vàng phát triển trên mẫu chất phù sa cổ, đất phù sa của các con sông, suối, số lượng không đáng kể nằm dải rác trên địa bàn thị trấn.
4.1.2.2. Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: Diện tích là 5,00 ha, chủ yếu là hệ thống thủy nông sông Cầu chảy suốt từ phía bắc đến phía nam của thị trấn, đây là nguồn nước chính cung cấp cho sinh hoạt của người dân và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
- Nguồn nước ngầm: Độ sâu từ 10-15 mét là nguồn nước ngầm rất quý hiếm đã được nhân dân khai thác bằng phương pháp khoan và đào giếng để phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
4.1.2.3. Tài nguyên rừng
Diện tích rừng trên địa bàn thị trấn Hương Sơn là 120,00 ha rừng trồng sản xuất, cây trồng chủ yếu cây thông, cây bạch đàn, cây keo... Toàn bộ diện tích rừng đã giao khoán cho các hộ để quản lý, đây là nguồn tài nguyên quý, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thị trấn.
4.1.2.4. Tài nguyên khoáng sản
Do quy mô diện tích đất đai của thị trấn hẹp chỉ có 1030,33 ha, lại chạy dọc hai bên đường Quốc lộ 37, chủ yếu là đất ở đô thị, nên tài nguyên khoáng sản chưa phát hiện thấy trong lòng đất.
4.1.2.5.Tài nguyên nhân văn
Thị trấn Hương Sơn có 6 làng cổ 10 điểm dân cư đường phố đông đúc. Trên địa bàn thị trấn không có làng nghề truyền thống, trình độ dân trí ở mức khá. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Uỷ Đảng, Chính quyền thị trấn, cán bộ và nhân dân đoàn kết, thống nhất một lòng, cần cù chịu khó, hăng say học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
4.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng 4.1.3.1. Tình hình dân số và lao động
- Dân số tính đến tháng 5 năm 2014 toàn thị trấn Hương Sơn có 8563 người, 2175 hộ, được phân bố thành 19 tổ dân phố
- Lao động: Số lao động tính đến tháng 5 năm 2014 toàn thị trấn có trên 5411 lao động chính, chiếm 63,48% số khẩu của toàn thị trấn, ngoài ra còn có một số lao lao động phụ khá lớn, số lao động nông nghiệp chiếm trên 70%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên 30%, đây là nguồn lực chủ chốt, quyết định lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn trong những năm qua.
- Việc Làm: Số người có việc làm mới hàng năm là 160 người (trong đó lao động xuất khẩu là 15 người), Lao động được đào tạo mới trong năm là 180 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động là 20%. Trong sản xuất nông nghiệp mang rõ tính thời vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa ổn định, quy mô còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, năng suất lao động chưa cao, thu nhập hạn chế.
Thu Nhập: Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 9,7 triệu/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,31 %.
4.1.3.2.Trạm y tế
Được xây dựng trên diện tích là 0,05 ha, gồm một nhà 2 tầng có đủ trang thiết bị và các phòng điều trị, phòng làm việc. Được sự quan tâm của các cấp các ngành, sự nghiệp y tế ở thị trấn ngày càng phát triển. Đội ngũ cán bộ gồm 01 bác sỹ, 04 y sỹ, 19 y tá thôn bản, cộng tác viên dân số, cán bộ y tế học đường, y học dân tộc, cơ sở vật chất được đầu tư và nâng cấp dần. Ngành y tế của thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2012-2014.
4.1.3.3. Văn hóa
Thị trấn Hương Sơn hiện đang có 18 nhà văn hóa tổ dân phố và có các câu lạc bộ thể dục thể thao, có sân vận động huyện và khu trung tâm văn hóa của huyện xây dựng trên địa bàn thị trấn, có các sân chơi cầu lông, và các sân thể thao khác. Năm 2014 có 921 hộ/2.175 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố đạt 15/19 tổ tiên tiến, có 5 cơ quan đạt cơ quan văn hóa.
4.1.3.4. Thuỷ lợi
Hệ thống thuỷ lợi của thị trấn có diện tích là 29,51 ha, chủ yếu là hệ thống sông đào, các tuyến kênh mương nội đồng và các ao, hồ chứa nước. Được các cấp các ngành quan tâm, khai thác triệt để đáp ứng phần lớn nhu cầu tưới tiêu theo thiết kế.
4.1.3.5. Giao thông
Hệ thống giao thông của thị trấn những năm gần đây phát triển mạnh, ngoài 4 km đường QL 37 đã được nâng cấp, đa số tuyến đường giao thông đã và đang được mở rộng và nâng cấp bê tông cứng hóa đúng theo quy định của nhà nước, thuận lợi cho việc đi lại lưu thông hàng hóa.
4.1.3.6. Điện thắp sáng
Toàn thị trấn có 19 tổ dân phố sử dụng điện lưới quốc gia, 100% số hộ dùng điện thắp sáng bằng nguồn điện lưới Quốc gia, đây là điều kiện quan trọng để phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ trong toàn thị trấn.
4.1.3.7 Thực trạng phát triển kinh tế
Nền kinh tế của thị trấn trong năm qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng/người/tháng, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.260 tấn. thu nhập bình quân đầu người 9.000.000 đồng/ người/ năm, tốc độ tăng trưởng đạt 9,5%, Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5% năm.
Bảng 4.1. Tăng trưởng kinh tế 2010- 2014 thị trấn Hương Sơn
Chỉ tiêu ĐVT Năm Tăng BQ
(%) 2010 2011 2012 2013 2014
Tăng trưởng kinh tế % 12,00 10,00 9,60 9,50 12,00 10,56 Nguồn số liệu: UBND thị trấn Hương Sơn cung cấp.
4.1.4 Hiện trạng sử dụng đất theo mục đích sử dụng
Bảng 4.2. Diện tích, cơ cấu các loại đất chính
STT LOẠI ĐẤT DIỆN TÍCH ( HA) CƠ CẤU (%)
Tổng diện tích tự nhiên 1030,33 100,00
1 Đất nông nghiệp 851,03 82,60
2 Đất phi nông nghiệp 179,30 17,40 Nguồn số liệu: UBND thị trấn Hương Sơn cung cấp.
* Đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp 851,03 ha, Chiếm 82,60% so với tổng diện tích tự nhiên, trong đó:
- Đất trồng lúa nước: 406,91 ha, chiếm 39,49% so với tổng diện tích tự nhiên.
- Đất trồng cây hàng năm còn lại: 69,86 ha, chiếm 6,78% so với tổng diện tích tự nhiên.
- Đất trồng cây lâu năm: 228,27 ha, chiếm 22,16% so với tổng diện tích tự nhiên.
- Đất lâm nghiệp: 120,00 ha, chiếm 11,65% so với tổng diện tích tự nhiên.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: 25,99 ha, chiếm 2,52% so với tổng diện tích tự nhiên.
*Đất phi nông nghiệp179,30 ha.
4.1.5. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội
* Thuận lợi:
Thị trấn Hương Sơn có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của huyện Phú Bình, là nơi tập trung các cơ quan đầu não của huyện, có hệ thống giao thông đường bộ rất đa dạng và phong phú, thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu trao đổi và buôn bán hàng hóa với các thị trường lớn trong huyện và các huyện, tỉnh lân cận, là đầu mối giao thông nối liền khu trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Giang.
Có khí hậu, thời tiết phù hợp với nhiều loại cây trồng, độ ẩm, lượng mưa thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thuỷ lợi, thông tin liên lạc, điện, nước, trường học, thương nghiệp, dịch vụ, văn hoá thể thao, đã và đang được xây dựng khá đầy đủ và hoàn thiện, nhưng chưa khai thác đạt hiệu quả.
- Thị trấn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, đây là một lợi thế trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
- Thị trấn có nguồn lao động dồi dào, nhân dân có trình độ nhận thức tương đối đồng đều, có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong những năm qua thị trấn Hương Sơn đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần, do có sự đầu tư, cải tiến phương tiện sản xuất và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm cho năng xuất lao động đạt kết quả, cuộc sống của nhân dân đang được từng bước nâng lên, năm sau cao hơn năm trước.
* Hạn chế:
- Do dân số ngày một gia tăng, các nhu cầu của con người về ăn, mặc, vui chơi giải trí, văn hóa - xã hội, gây áp lực mạnh mẽ đối với đất đai. Mức độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh. Đất canh tác ngày một thu hẹp lại, lực lượng lao động dôi dư không có công ăn việc làm kéo theo ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi cơ cấu đất đai, xếp sắp lại lao động, phân bố hợp lý để tạo ra một bước phát triển mới, toàn diện và bền vững.
- Tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả biến động mạnh, suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
- Lao động dồi dào nhưng chất lượng còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ trong nhân dân còn có thái độ trông chờ, ỷ lại, bảo thủ trì trệ.
- Công tác chuyển giao ứng dụng KHCN vào sản xuất còn chậm, thiếu đồng bộ. Người sản xuất chưa được đào tạo các kĩ thuật mới một cách hệ thống và toàn diện, chưa thay đổi, nếp sản xuất cũ còn lạc hậu, chưa có cách tiếp cận linh hoạt với nền kinh tế thị trường.[11]