NGUYÊN NHÂN GÂY SUY THOÁI ĐDSH VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính đa dạng thực vật trong các hệ sinh thái rừng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ làm cơ sở cho công tác quy hoạch và bảo tồn (Trang 43 - 47)

Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4. NGUYÊN NHÂN GÂY SUY THOÁI ĐDSH VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ

Trong những thập kỷ qua, sự suy thoái đa dạng sinh học xảy ra với một tốc độ khủng khiếp. Hiện tượng này trước đây thường chỉ gặp ở các nước

công nghiệp phát triển, nhưng hiện nay đang lặp lại ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Sự suy thoái đa dạng sinh học xảy ra do các nguyên nhân chủ yếu như: Thay đổi hay mất môi trường sống (môi trường sống bị phá huỷ, bị chia cắt,...), mất loài và mất đa dạng di truyền. Sự mất mát về các loài, sự xói mòn nguồn gen, sự suy thoái về các hệ sinh thái tự nhiên nhất là rừng nhiệt đới diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có mà nguyên nhân chủ yếu là do con người.

Bão, lụt, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác được coi là những nguyên nhân tự nhiên chủ yếu gây ra suy giảm đa dạng sinh học. Tuy nhiên, ngày nay những tác động nhiều mặt của con người được xác định là những nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng sinh học.

1.4.1. Trên thế giới

Những nghiên cứu nguy cơ gây suy thoái ĐDSH, tùy từng nước có những nguy cơ khác nhau, Nguyễn Nghĩa Thìn (2005) [82] đã tổng hợp và rút ra nhận xét rằng nguyên nhân gây nên sự tổn thất đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đó là mâu thuẫn giữa cung và cầu. Tài nguyên thiên nhiên là có hạn trong khi nhu cầu của nhân loại thì ngày một tăng, một mặt là sự tăng dân số rất nhanh, một mặt là sự đòi hỏi trong tiêu dùng và mức sống của mọi người cũng tăng lên không ngừng. Thêm vào đó, tự con người làm ô nhiễm môi trường sống thông qua các hoạt động chiến tranh, khai thác quá mức, không quy hoạch tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Nhận thức đầy đủ về giá trị của ĐDSH đối với sự tồn tại của xã hội loài người và sự suy giảm với tốc độ ngày càng nhanh, nhiều tổ chức Quốc tế đã ra đời để hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức việc đánh giá, bảo tồn và phát triển ĐDSH trên phạm vi toàn thế giới như: Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), chương trình môi trường Liên hợp Quốc (UNEP), Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Kế hoạch con người và sinh quyển (MAB), Uỷ ban giáo dục môi trường và công viên quốc gia, Uỷ ban các VQG. Từ đó, các

hoạt động về BTTN và môi trường đã được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Nhờ vậy, các khu bảo tồn đã trở thành nơi chủ yếu để bảo tồn những tài nguyên thiên nhiên hoang dã của mỗi quốc gia và thế giới. Nhu cầu cơ bản và sự sống còn của chúng ta đang phụ thuộc vào tài nguyên của trái đất, nếu những tài nguyên đó bị giảm sút thì cuộc sống của chúng ta và con cháu chúng ta sẽ bị đe doạ. Để tránh hiểm hoạ đó, chúng ta phải tôn trọng trái đất và sống một cách bền vững. Vì thế, sau Hội nghị tại Rio De Janeiro (Brazil) tháng 6 năm 1992 nhiều hội thảo được tổ chức để thảo luận và nhiều cuốn sách mang tính chất chỉ dẫn ra đời. Năm 1990 WWF đã xuất bản cuốn sách về tầm quan trọng của ĐDSH (The importance of biological diversity); IUCN, UNEP và WWF đưa ra chiến lược bảo tồn thế giới (World conservation strategy);

IUCN và UNEP đưa ra chiến lược bảo tồn ĐDSH toàn cầu (Global biological strategy). Năm 1991, Ngân hàng Thế giới (WB), WWF xuất bản cuốn bảo tồn ĐDSH thế giới (Conserving the World’s biological diversity) hoặc IUCN, UNEP, WWF xuất bản cuốn “Cứu lấy trái đất” (Carring for the earth) [43].

Cùng năm, IUCN và UNEP xuất bản cuốn chiến lược ĐDSH và chương trình hành động. Tất cả các cuốn sách đó nhằm hướng dẫn và đề ra các phương pháp để bảo tồn ĐDSH, làm nền tảng cho công tác bảo tồn và phát triển trong tương lai. Năm 1992 - 1995, WCMC công bố một cuốn sách tổng hợp các tư liệu về ĐDSV của các nhóm sinh vật khác nhau trên toàn thế giới nhằm làm cơ sở cho việc bảo tồn chúng có hiệu quả (Global biodiversity assessment).

Một trong những nỗ lực mà nhiều nước triển khai đó là dành nhiều diện tích để thành lập các khu BTTN để bảo tồn tại chỗ (In-Situ) các hệ sinh thái điển hình, các loài động thực vật hoang dã quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng và cũng được coi là ưu việt nhất trong công tác bảo vệ cả hệ sinh thái lẫn tài nguyên sinh vật, đặc biệt là đối với những loài có vùng phân bố hẹp và các loài đặc hữu (Richard, 1999 [71]), (Nguyễn Đắc Triển, 2015 [89]).

1.4.2. Ở Việt Nam

Theo Nguyễn Nghĩa Thìn, Mai Văn Phô (2003) [83], để bảo tồn được nguồn tài nguyên rừng quý, hiếm, có giá trị cao thì ngay từ năm 1945, khi còn nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, nhà nước bảo hộ đã cho xây dựng 5 khu dự trữ thiên nhiên và bảo vệ toàn phần, trong đó 2 khu ở Sa Pa, 2 khu ở Bà Nà và khu Bạch Mã [83]. Theo số liệu do Cục kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và PTNT cung cấp thì cho đến nay, Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc đã thành lập được hệ thống rừng đặc dụng bao gồm 144 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,2 triệu ha, trong đó có 30 VQG, 69 Khu BTTN và 45 khu rừng bảo vệ cảnh quan [12], [14], [15], [28], [47].

Từ năm 1972 đến nay, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều Nghị định, Chỉ thị và Quyết định về các khu rừng cấm; Luật bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị về quản lý và bảo vệ động, thực vật quý hiếm, về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm; Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

để hạn chế đến mức tối đa sự suy giảm ĐDSV trên phạm vi toàn quốc.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhà nước cũng như chính quyền nhiều quốc gia đã dành sự quan tâm đáng kể cho công tác này thông qua các Hội nghị phạm vi quốc tế và lãnh thổ. Tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể mà mỗi quốc gia cũng đã ban hành những Nghị định, Quyết định phù hợp giúp cho việc quản lý và bảo tồn ĐDSH có hiệu quả.

VQG Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ nằm giáp ranh trên 3 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, chính vì vậy công tác quản lý ĐDSH cũng gặp nhiều khó khăn.

Những nguy cơ đe dọa đến công tác bảo tồn ĐDSH là rất lớn. Nhận thức rõ được điều này, luận án cũng đã dành một nội dung trong nghiên cứu để tìm hiểu những nguyên nhân gây suy thoái ĐDSH tại VQG Xuân Sơn, để từ đó có đề xuất giải pháp bảo tồn, đặc biệt là những loài thực vật quý hiếm có giá trị.

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính đa dạng thực vật trong các hệ sinh thái rừng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ làm cơ sở cho công tác quy hoạch và bảo tồn (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(264 trang)