CHƯƠNG 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT
2.3. Cái tôi phi sử thi
2.3.2. Cái tôi tự nghiệm số phận đời tư
Như một sự phá vỡ mô hình sử thi, cái tôi trữ tình trong thơ trẻ còn thể hiện cảm quan phi sử thi ở khía cạnh đời tư, một sự tự nghiệm số phận. Trước hết, đó là sự bế tắc của con người cá nhân trước cuộc đời hiện hữu, trước những điều bi đát của hậu quả chiến tranh: đường tôi đi có bom và đạn/ có hận thù trên mỗi dấu chân/
ai thả vào hồn tôi mới lớn/ những mùa xương máu ngập tang thương (Đi giữa chiến tranh - Phạm Cao Hoàng); là sự cô đơn, thậm chí cô độc trong hành trình tìm kiếm chính mình; là nhu cầu tự do đích thực; là khát vọng không thỏa của con người trong ý thức đào sâu vào bản ngã; là biểu hiện của ý thức hiện sinh… Như đã khẳng định, sự xuất hiện của những biểu hiện đó không phải là âm hưởng chủ đạo của tiếng nói trữ tình trong thơ giai đoạn này, song lại là điểm nhấn, là sự hoàn thiện chân dung cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975. Có thể xem đây là sự khẳng định tính tất yếu của dạng thức cái tôi phi sử thi với biểu hiện của cái tôi tự nghiệm số phận đời tư.
Cuộc đời là một hố sâu bi thảm, thân phận con người là một sự “ruồng bỏ”, con người đồng hành cùng với cô đơn... là những quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ trẻ 1965 - 1975 minh họa cho cảm thức hiện sinh. Đây là một trong những tín hiệu để nhận diện cái tôi trữ tình tự nghiệm số phận đời tư trong thơ trẻ.
Ở thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ, dấu ấn hiện sinh đã hiển lộ. Trong chặng đời đổ vỡ, nhà thơ vùi thời gian vào những bức tranh nổi gió ở trên tường trong cảm giác cô đơn: Gió âm thầm quằn quại, Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn, Gió đã thổi ngàn cây nến tắt, Tôi chỉ là cây trong nỗi buồn bão gió, Lòng tôi trắng mà mùa thu gió độc, Bao giấc mộng gió đuổi vào dĩ vãng.... Cái tôi thu mình trong tiếng lòng cô độc: Đêm nay tôi chẳng biết lối về/ Phía nào cũng hàng rào trước mặt/ Thế giới có bao nhiêu tường vách/ Ngăn cản con người đến với nhau (Mấy đoạn thơ…). Lưu Quang Vũ tự cảm không còn gì trong đời có thể làm chủ thể vợi đi hoang vắng và quạnh quẽ: Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn (Có những lúc). Như một thái độ triết học, chủ thể bộc lộ sự cô đơn - một khát vọng tận cùng để đạt đến bản chất của con người là tự do, là sự bứt phá trong tuyệt vọng, vươn đến “đảm nhiệm” cô đơn trong cuộc kiếm tìm tự do. “Người hiện sinh không lảng tránh cô đơn mà đảm nhiệm cô đơn” [28, tr.103].
Tuy nhiên, nếu con người trong triết học hiện sinh cô đơn vì không thể tựa vào “tha nhân” thì đối với con người trong văn học hiện sinh, mang cảm giác cô đơn thậm chí cô độc là bởi cảm thấy bất an, ám ảnh, đổ vỡ trước thực tại ngột ngạt. Trong thơ trẻ, cái tôi không chỉ cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa không - thời gian mà cô đơn trong cả bề sâu tâm tưởng. Chìm sâu vào tuyệt vọng, trong thế giới thơ Lưu Quang Vũ ở chặng đổ nát đời tư, cái tôi trữ tình mang cảm thức hiện sinh thường hiện diện.
Chính nhu cầu hiện sinh đã tạo nên trạng thái cái tôi cô đơn đến cô độc, cô đơn ngay giữa đám đông, bên cạnh người thân. Cô đơn ngay cả trong sự ấm áp, sẻ chia:
Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao (Mấy đoạn thơ).
Mang tâm thế của một trí thức yêu nước sụp đổ niềm tin, trong “Ngụ ngôn của người đãng trí”, Ngô Kha cũng chạm vào những phạm trù của triết học hiện sinh.
Chủ thể trữ tình nhìn thấy cuộc đời chỉ là muộn sầu; con người bế tắc giữa thực tại đầy nghịch cảnh: và cho tôi/ nhìn nếp nhăn bao la trên vừng trán mẹ/ vết thương mưng mủ trong mạch máu quê hương/ ôi tiếng đàn không thanh âm không hương sắc/ như nước mắt vốn là loài vô tri/ tất cả chỉ là dây đàn phiền não (Ngụ ngôn của
người đãng trí). Tác giả hình thành một ý niệm sống trong cõi chết: ôi ta nghe gì em/ tháng ngày/ ôi ta thấy gì em/ ly thân với cuộc đời bằng bão tố/ mỗi ngày ta hằng chờ đợi/ ngày ngày mặt trời giết ta. Cái tôi vô vọng trong hành trình đi tìm chính mình: tôi vẫn là người chỉ còn một giác quan đơn độc, thậm chí đối diện với cái chết: chỉ muốntự sát bằng cô đơn nên chẳng bao giờ chết. Có thể thấy rằng đây là tín hiệu của cảm thức hiện sinh trong một số cây bút trẻ vùng tạm chiếm miền Nam, nơi chủ nghĩa hiện sinh đã xuất hiện vào những năm 50 của thế kỉ XX, đặc biệt dấu ấn hiện sinh của Sartre đã hiện diện đậm nét trong văn học Sài Gòn 60 - 70.
Cũng xuất phát từ chất liệu đề tài thiên nhiên, cũng từ cảm quan phi sử thi của thơ trẻ miền Bắc và vùng giải phóng, thơ trẻ vùng tạm chiếm miền Nam thể hiện cái tôi trữ tình qua lăng kính nội cảm phức tạp của chủ thể. Ở đó, ngoại giới in đậm cái tôi ngẫm suy về số phận đời tư. Có khi lay thức tâm can chủ thể trữ tình là ngăn cảm xúc đời thường với cảm quan thiên nhiên đầy suy tư của cái tôi. Thiên nhiên gắn với cõi mộng hung tàn, với tiếng tang thương; gắn với đời sống nội tâm đa đoan của con người. Thanh Tâm Tuyền - một phong cách thơ đậm cá tính sáng tạo của miền Nam - góp phần khắc họa sinh động hơn cái tôi trữ tình trong thơ trẻ giai đoạn này bằng những tiếng thơ nặng trĩu ưu tư như thế. Mang nỗi buồn của một lớp người được nhìn nhận là lạc điệu với dòng thơ “viết trên đường tranh đấu” trong lòng đô thị song tiếng thơ Thanh Tâm Tuyền lại chạm vào những vùng xúc cảm đời thường rất thật của một bộ phận tuổi trẻ miền Nam bấy giờ. Cái tôi trữ tình gửi cảm thức cô đơn vào thiên nhiên như một lời thú nhận thành thật: Trắng phếu sườn non ngày mới chớm/ Một đoá trăng tàn lẩn lút bay/ Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện/
Lòng ta lạnh vắng như cỏ cây (Đỉnh non xa). Ở thế giới thiên nhiên trong thơ Trần Dzạ Lữ, cái tôi trữ tình cũng gắn với cảm thức lạc lõng, thậm chí oán thán: Em đừng hỏi rừng có gì lạ/ Có gì đâu xương rã với hồn đau/ Và khi không tháng giêng lên núi/ Đời đày ta và thần thánh xa nhau (Gửi người ở lại).
Đối mặt với cuộc sống ngột ngạt, con người rơi vào bế tắc; hoàn cảnh xã hội bi đát khiến tôi mang thân phận bi thảm… Đó là “nỗi cô đơn siêu hình của người viết trước tờ giấy trắng (…), những cô đơn trong tập thể văn nghệ, trong xã hội và
trong chiến tranh” [168, tr.37], là dấu ấn hiện sinh đậm nét trong những tác phẩm viết về thân phận con người của các cây bút không tìm thấy lí tưởng cách mạng, lí tưởng thời đại. Ở đó, con người rơi vào tấm thảm kịch cô đơn và giải thoát mình bằng tự do, bằng cả cái chết… Cái tôi bế tắc, nổi loạn và khước từ tất cả. Đây là sự dồn chất của cái tôi cô độc tột cùng trong hành trình sáng tạo khi đeo nặng nỗi ám ảnh về sự diệt vong, là nổi loạn để giải thoát: Trong mỹ từ của người đã chết/ người đang chết/ và những người sắp đi vào cõi chết/ đoàn tử tù cất nhịp hát hò lơ/ đoàn tử tù đi vào trong núi đá/ tiếng mù đã lên cao/ ru bình yên những linh hồn tuyệt vọng (Ngụ ngôn của người đãng trí - Ngô Kha). Đây cũng có thể xem là biểu hiện cao độ của cái tôi phản tỉnh - một sắc thái đầy sức ám gợi của cái tôi tự nghiệm số phận đời tư. Và khi ám ảnh về một cuộc chiến buồn ảm đạm, cái tôi trữ tình trong những hồn thơ cô độc càng đeo nặng cảm thức tự trào, trong tự trào có cả chất vấn xót cay: ai thổi vào hồn tôi khúc nhạc/ ngàn năm réo gọi kiếp đời tôi/ nơi đây có kẻ tìm non nước/ lang thang bên những mộ bia người/ ai bắn vào hồn tôi trái nổ/ đứt từng mạch máu nát tim tôi/ vỡ vỡ chiều nay tôi sắp vỡ/ chiến tranh chiến tranh bao giờ thôi (Đi giữa chiến tranh - Phạm Cao Hoàng). Xuất hiện trong thế giới nghệ thuật thơ rất nhiều tâm thế cái tôi hiện sinh cô độc định mệnh: Ta mắc bệnh ung thư thời chiến/ Thoi thóp còn một trái tim khô/ Sợ hãi con người hơn thú dữ/ Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô/ Mai kia trong những ngày ngưng chiến/ Ta chắc rằng không thể yêu ai (Căn bệnh thời chiến - Nguyễn Bắc Sơn). Cái tôi ý thức về cái chết như một con người của triết học hiện sinh, là cách để được giải thoát: lấy chết để giải khuây, là tôi tàn phá mặt tôi đi trốn kiếp người (Tô Thùy Yên) hay cái tôi ám ảnh về sự tan rã, hủy diệt như một nỗi buồn thân phận: Rồi tôi về như một hồn ma hiện/
Nơi mái nhà xưa run lạnh hoang đường/ Tôi đứng đó sắt se ngày mãn cuộc/ Nghe tiếng chim kêu hót nỗi đau buồn (Bài tình buồn - Trần Dzạ Lữ). Con người thấm nghiệm bi kịch thân phận lạc loài: buổi chiều buồn hiu xe đò muộn khách/ như trạm cuối đường chẳng bóng người quen/ như anh lính canh đứng lên ngồi xuống/ như tôi lạc loài bó gối co ro (Chiều buồn và tôi - Tạ Thủy); thậm chí hoài nghi về kiếp sống đang hiện hữu: tôi còn sống được là tôi nữa không (Hư ngôn 1 - Nguyễn Phan Thịnh). Đúng như chân dung tinh thần của tuổi trẻ vùng tạm chiếm miền Nam đánh
mất niềm tin vào cuộc đời: “Con người đã chua chát suy nghĩ về sự hiện diện của cá nhân mình - một sự suy nghĩ khẩn thiết có lý do - nơi đó sự bấp bênh của kiếp sống sẽ xảy ra không báo trước” [10, tr.55].
Từ cảm thức cô đơn, cái tôi trữ tình trong thơ trẻ vùng tạm chiếm đeo đuổi âu lo, như là “sự phản tỉnh tự do bởi chính nó”, là “dấu hiệu trung thực của hiện sinh”:
Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh/ Cơn nghĩ không sao cầm giữ nổi/ Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn/ Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng/ Của chiến tranh mà em không biết rõ (Chiều trên phá Tam Giang - Tô Thùy Yên).
Quan niệm thân phận con người như sự khởi đầu một kiếp, Du Tử Lê đón nhận lo âu như thể đó là hệ quả của đam mê, là cách để hiện sinh: dẫu sao thì chúng ta cũng không dễ gì thoát/ khỏi những lo âu mù mù thảng thốt khi cơn lốc đam mê/
tự hồn ta tấp tới (Khởi đầu một kiếp). Ngay trong cái sắp khai sinh đầy sức sống, cũng xuất hiện cái tôi dự cảm: anh lang thang từ mùa xuân/ và cánh đồng cỏ nhọn/
những đồi cao lẩn khuất trong anh/ như thể đó mùa hạ sau sắp nở/ anh cũng già nua cùng tuyệt vọng/ như nắng mai (Trên đỉnh trời An Khê - Trần Thúc Vũ).
Chống đối thực tại cũng là cách để thể hiện cái tôi nhập cuộc song có khi trong thơ trẻ vùng tạm chiếm miền Nam, chúng ta bắt gặp không ít hình tượng cái tôi trữ tình cô đơn đến trống rỗng, cái tôi “hãnh tiến trong hoang vu cũng như trong bức bối của thời đại” [254]:
Có một quảngđời tôi để trắng Sống cho qua
Qua
Cho qua luôn những tháng ngày còn của một đời Những tình nghĩa không tròn
Những hận thù không trả Những dự định không thành
Những nét mặt nhòe tan trong kí ức Cũng cho qua
(Nói một mình - Tô Thùy Yên) Cũng có khi trong thơ trẻ, hiện hữu một cái tôi phức hợp những trạng thái hiện sinh: tôi hỏi mỗi người đi riêng con đường nào/ và sẽ gặp nhau ở nơi nào/ tôi hỏi em ôm trong cánh tay tôi/ để thở than chúng mình không có quê hương/ chúng mình sẽ chết giữa con đường/ và cát buồn cây cỏ/ tôi đã đi trong thành phố/ không tìm thấy con người (Xin cho tôi được hỏi - Nguyễn Phan Thịnh). Có thể nói, cái tôi mang cảm thức hiện sinh là một biểu hiện đặc sắc, là sự thể hiện cao độ của cái tôi tự nghiệm số phận cá nhân - ám ảnh bi kịch riêng tư trong thơ trẻ 1965 - 1975, nhất là thơ trong vùng tạm chiếm miền Nam. Suy đến cùng, đây là sự thể hiện sâu sắc cái tôi trữ tình mang giá trị nhân bản, đúng như tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh:
“không phải bằng cách quay về với mình mà bao giờ cũng bằng cách tìm ra ở ngoài mình một mục đích tức là sự giải phóng nào đó, sự thực hiện yêu cầu riêng biệt nào đó, thì chính khi đó con người sẽ tự thực hiện được tư cách người” [172, tr.32].
Trong cảm quan phi sử thi, cái tôi tự nghiệm số phận đời tư còn thể hiện đậm nét trong cái tôi khắc khoải với nỗi niềm được mất trên địa hạt tình yêu. Đó là cái tôi tình yêu với những lời thú nhận yêu thương thành thật; là ám ảnh chia li, mất mát, đổ vỡ; là hoài nghi đầy dự cảm… Song ngay những bi kịch tưởng rất riêng tư lại chạm vào nỗi lòng của không biết bao số phận tình yêu.
Chiến tranh tạo ra giằng xé, chia lìa; chiến tranh tạo ra những chênh chao, khao khát, đợi mong… Vì thế, cái tôi trữ tình trên mảnh đất riêng tư ấy vẫn mong muốn được trải mình trong nhiều cung bậc yêu thương. Ở đó, người đọc được sẻ chia với những nhớ nhung thành thật, những lí lẽ tình yêu sâu sắc và còn cả những nỗi niềm đa đoan… Chính những biểu hiện này đã tạo nên cái tôi chiêm nghiệm số phận con người trên địa hạt tình yêu. Dẫu đến sau nhưng mảnh đất tình yêu trong thơ trẻ 1965 - 1975 vẫn xôn xao làn điệu không trộn lẫn với thơ tình trước đó. Đó là tình yêu mang gương mặt đa diện của thế hệ khát sống và khát yêu. Bên cạnh một Nguyễn Duy khắc khoải, nồng nàn; một Thúy Bắc thao thiết, nôn nao; một Lâm Thị Mỹ Dạ dịu dàng, trở trăn… là một Lưu Quang Vũ day trở, đa đoan; một Xuân Quỳnh đầy dự cảm; một Lệ Khánh mê đắm trong nỗi buồn thân phận tình yêu; một
Trần Dạ Từ đầy hoài niệm, một Nguyễn Tất Nhiên đam mê yêu đến lụy tình… Tất cả khắc nên những lời “tự tình” phức điệu của thơ 1965 - 1975.
Thơ trẻ đến với tình yêu trong nhiều nguồn cảm xúc không trộn lẫn. Có cái tôi dịu dàng e ấp, có cái tôi sẵn sàng bày tỏ; có cái tôi muốn được chở che, lại không ít cái tôi khát thèm là mái ấm… Một thoáng không dám tỏ bày, chỉ có cái sôi nổi vụng về gửi vào hương hoa hay bối rối, e thẹn trong cái nhìn nhau không nói được thành lời là những bản tình ca trong trẻo của thơ tình chống Mỹ. Một chút thầm thoảng trong anh và em, chỉ kịp giấu tình yêu vào mùi hương sâu kín. Vậy mà tình yêu dùng dằng, ngượng ngập lại vẫn cứ len ngấm vào tận chiều dài nỗi nhớ: Nào ai đã một lần dám nói/ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn). Hồn thơ Nguyễn Duy cũng say với những thoáng gặp gỡ, những ý tình hò hẹn chưa thành lời. Và cái tôi vẫn không thể giấu mình trong lời tự thú:
Ngả bàn tay, nhớ bàn tay/ hương thơm buổi ấy thoáng bay trở về/ nói nhiều cũng chỉ mình nghe/ nhớ nhau mình lại vuốt ve tay mình. Bên khung cảnh tỏ tình ý nhị ấy, thơ tình thời chống Mỹ còn khắc họa một không gian lãng mạn mà cũng đầy cái hổn hển mê say của tình yêu. Cái tôi rạo rực trước khoảnh khắc dịu dàng, mê đắm:
Từ môi mưa giọt xuống môi/ nhấm chung một giọt mưa rơi mặn mà/ áo em ướt lẫn vào da/ tóc lẫn vào gió, gió là sợi tơ/ mắt em trong đến ngây thơ/ trong như nắng giữa mịt mờ mưa giăng (Mưa trong nắng nắng trong mưa - Nguyễn Duy). Nguyễn Duy nhiều lần thể hiện cái tôi tình yêu khắc khoải đến nao lòng. Tác giả làm thức dậy những cung trầm yêu thương tưởng mờ nhạt trong thơ tình đương thời. Day dứt cái tôi là âm thanh bàn tay của người yêu, trong đó tôi xáo lòng khi nhận ra bàn tay nhiều vết xước: Không thể nào quên một buổi chiều nao/ tôi chợt biết tay em nhiều vết xước/ ấy là lúc trong tay tôi rung lên ấm áp/ bản nhạc không lời mười ngón tay em đan. Dẫu đó là âm thanh của cái nắm tay đằm thắm hay đó là tiếng đàn thăng trầm bật lên từ cuộc đời dâu bể thì xoáy vào lòng cái tôi vẫn là dấu vết của đời thường nhọc nhằn: Chưa sâu bằng đêm nay tôi nghe em/ tiếng đàn êm như tóc/