Chương 3: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ 1965 -
3.4. Bản tự thuật đa giọng điệu
3.4.2. Giọng nồng ấm, yêu tin
Chính cái tôi trữ tình ắp đầy khát vọng đã tạo nên giọng yêu tin đằm thắm trong thơ trẻ. Khi cảm hứng hô hào, cổ vũ, thậm chí lòng căm giận đã lên đến đỉnh điểm, con người thơ chạm vào những không gian của yêu tin, hứa hẹn. Giọng thơ vì thế chuyển sang một gam khác, thể hiện cái tôi đầy ắp niềm tin vào sự đổi đời của dân tộc và sự thay đổi thân phận con người: Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa/ Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào/ Ta nghẹn ngào, Đất nước Việt Nam ơi. (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Đức Mậu cũng bàng bạc giọng yêu tin, lời thơ như ngân nga trong nguồn cảm xúc dâng trào về hình ảnh ngày vui chiến thắng, một ngày mai đất nước là những bài ca: Cây phong lan giữa vùng bom đạn, mơ ngày mai đôi bờ mở hội, những khuôn mặt dáng người hồ hởi, cây đàn vang vọng mãi âm thanh…
Trong tư duy thơ trẻ, niềm hướng vọng lớn lao nhất của con người thời chiến là sự đoàn tụ, viên thành. Vì thế trải trên hầu hết tác phẩm thơ ca là niềm tin. Ngay trong cảm quan về mất mát, đau thương cũng đã hàm sắc giọng của sự hồi sinh mãnh liệt: Những bạn bè đã chết/ Cũng sẽ trở về như những bông hoa/ Cắt xuân trước, tháng giêng sau lại mọc/ Những bông hoa không chết bao giờ (Những bông hoa không chết bao giờ - Lưu Quang Vũ). Ở những bài thơ đậm chất sử thi, khi ngòi bút thơ trẻ biểu hiện thế giặc trong cơn hấp hối của sự tan rã, tàn lụi, giai điệu yêu tin càng có chỗ để neo đậu, chắp cánh cho hồn thi sĩ thăng hoa, về với bến đỗ của quan niệm nghệ thuật về cuộc sống, chiến tranh - không thế lực nào, không điều gì có thể xóa đi niềm tin của con người. Thơ trẻ bấy giờ mang sắc giọng của lí tưởng sống vốn ăn sâu vào tâm thức của lớp người đã phải trả giá quá đắt cho những tháng ngày tang tóc: Đạn bom giặc hãy trả lên đầu giặc/ Người Việt Nam hãy về với Việt Nam/ Đây bát cơm mẹ già đang đợi chờ con/ Đây đồng ruộng mênh mông dang vòng tay đón/ Êm ấm làm sao, nghĩa đồng bào rộng lớn/ Tha thiết làm sao tiếng gọi quê hương/ Khoác súng lên vai, kèn trỗi lên đường/ Một đời mới khai sinh mùa xuân mới (Bài ca khởi nghĩa - Trần Quang Long).
Ngay cả tâm tưởng của con người khi hướng về khoảng kí ức ngày xưa cũng ấm áp trong cái nhìn tin yêu. Giọng nồng ấm yêu thương dịu dàng của tình mẫu tử trong thế giới hồi tưởng của Hoàng Nhuận Cầm ắp đầy những điều yên lành, xao động tâm tư. Tứ thơ mở ra một câu chuyện đẹp về hình tượng người mẹ trong tình yêu nồng ấm với cái chấm nôi hiền thật bé, ở đó giọng dịu ngọt là gam chủ đạo: Cái chao nôi đủ thành con sóng bể/ Mẹ đã nghiêng nôi - chấm vào giữa trời xanh/
Chấm theo cả những khát khao đẹp nhất/ Con ngước nhìn lên trời cao xanh ngút mắt/ Mẹ hiện ra như mây trời trong khúc hát đầu tiên (Má và mẹ).
Từ cảm hứng lạc quan, các cây bút còn tạo nên một cung bậc giọng điệu khác, làm nên nét duyên cho thơ trẻ giai đoạn này. Cái tôi trữ tình trong cái nhìn trẻ trung, tươi tắn đã tạo nên giọng thơ mang hơi hướng của sự tinh nghịch, dí dỏm. Nguyễn Duy khám phá cái mái tăng của mình là một bầu trời vuông. Nguyễn Đức Mậu lại có cả ngăn yêu thương cho mảnh trời riêng; giọng thơ thoảng niềm vui ngạc nhiên trước những điều giản dị trong chiến trường: Người nằm nghiêng súng cũng nằm nghiêng/
Người ngồi ngủ, súng ôm ghì trước mặt (Đơn vị ngủ rừng theo đội hình đánh giặc).
Chính từ sự gắn bó cùng đời sống chiến trận với cái nhìn của người trong cuộc mà chất giọng lạc quan pha chút dí dỏm nhẹ nhàng như thế đã tự nhiên đi vào thơ trẻ.
Không chỉ có niềm tin vào tương lai của cuộc chiến đấu, ngày mai của dân tộc hay khoảng kí ức của đời người mới là mạch cảm hứng chủ đạo tạo nên sắc giọng yêu tin, khát vọng trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975. Nét trong trẻo, đằm thắm trong những mối tình thời chống Mỹ cũng nhen lên trong thế giới nghệ thuật thơ trẻ âm sắc của giọng điệu nồng ấm, khao khát. Tình yêu giai đoạn này cũng thanh thoát, dịu nhẹ như không gian chiều, trong giọng thơ đằm thắm: Chiều xuống cánh chim bay/ Như nụ cười thoáng gặp/ Như vầng trăng mới mọc/ Như mối tình mới yêu (Chiều - Lưu Quang Vũ). Hay có khi chất giọng trong trẻo, da diết của Lưu Quang Vũ lại bắt nhịp cho tác giả thổ lộ những tâm sự kín đáo: Giấc mơ lạ về theo cơn gió lạ/ Cơn gió quen thầm thỉ giấc mơ quen/ Cầm tay nhau run rẩy cả trời đêm/ Trong mắt ướt một vì sao thoáng hiện (Mùa gió). Chất giọng trong vườn thơ tình yêu của thời cả nước lên đường nhìn chung ấm áp, nồng nàn. Nỗi nhớ cũng phả nét thanh khiết, giản dị đến yên lòng: Nhớ em khi đang sang sông/ Nghe em là sóng bập bùng đưa chân (Nhớ - Nguyễn Duy).
Dù trong hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt có khi là vĩnh viễn song hầu hết cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 sống cùng thế giới tình yêu với những cung bậc trong trẻo, đằm thắm, dịu nhẹ. Giọng thơ tình vì thế là hòa âm của những giai điệu dịu dàng, thanh thoát. Với cái nhìn về tình yêu thuở đầu trong sáng, lãng mạn,
Dương Hương Ly - nhà thơ đại diện cho đội ngũ sáng tác trên tiền tuyến lớn miền Nam - đã phối giọng trong trẻo, khỏe khoắn vào những lời tình tứ: Một tiếng chim ngân/ Một làn gió biển/ Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến/ Thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu/ Ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau (Bài thơ tình yêu). Hầu hết vườn thơ tình yêu giai đoạn 1965 - 1975 ngào ngạt sắc hương của lời tin yêu đằm thắm mà cũng không kém phần da diết. Không chỉ hứa hẹn mà còn là trao gửi yêu tin. Hướng về tình cảm lớn lao của dân tộc, những con người yêu nhau trong thời khốc liệt vẫn gieo vào nhau niềm tin giản dị đến nao lòng. Ấp ủ trong những trái tim yêu vẫn là khát vọng và niềm tin cháy bỏng về ngày mai gặp mặt. Dẫu muôn trùng cách trở song chờ đợi họ vẫn là điểm đến của tình yêu: Cơn dông là đôi mắt em cười/ Chiều lạ quá, chiều ơi lay động mãi/ Giá lại phải băng qua trăm ngả đường phá hoại/ Thì hẳn chỗ cuối cùng, anh gặp vẫn là em (Những đoạn thơ tình viết giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại - Bằng Việt).
Với cái tôi trữ tình đa đoan, lật trở nhiều nỗi niềm riêng tư thì giọng điệu bi quan, giằng xé có khi cũng không phải là chuỗi giọng ám ảnh một đời. Đó chỉ là chặng đổ vỡ lòng tin tạm thời để về sau, lạc quan lại bừng sáng trong giọng điệu đậm chất suy tư. Khi những vết tổn thương đời tư đã lành lặn, giọng xốn xang hạnh phúc ngỡ òa lên nức nở:
Bỗng một ngày em tới em ơi
Anh gặp biển khơi gặp nhà ga bóng mát Anh thấy chân trời tuổi thơ bát ngát Em dạy anh nhìn cái thật của đời Hiểu bao điều lòng anh vẫn non tươi Chẳng còn là đám mây rách rưới
Từ nay có nhau từ nay không còn bóng tối
(Những ngày chưa có em… - Lưu Quang Vũ) Cái tôi trong thế giới thơ tình Lưu Quang Vũ không tránh khỏi chông chênh.
Nhưng tận sâu tâm thức cái tôi chẳng bao giờ chịu ở với bờ yên là phút khát vọng
thành màu trên khung vải (Người con giai đến phòng em chiều thu…). Về bản chất, thơ trữ tình chính là nơi gửi gắm khát vọng thành thực của con người. Đi qua những bức tường gạch vỡ, những bãi nền đổ nát, những tháng ngày rơi vãi, cái tôi mới có những suy cảm về hạnh phúc giản dị là thế. Chính mâu thuẫn trong đời sống nội tâm tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Hầu như cuộc đời người nghệ sĩ hiến dâng cho nghệ thuật, cho lẽ sống, cho tình yêu bằng cái nhìn biện chứng: Đời sống là bờ/ Những giấc mơ là biển/ Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa (Giấc mơ của anh hề). Có lẽ thật hiếm ngòi bút nào trong địa hạt thơ tình thời chống Mỹ lại đi đến tận cùng bản sắc tình yêu như bút thơ Lưu Quang Vũ.
Những bông hoa không chết bao giờ không chỉ là suy nghiệm của Lưu Quang Vũ về chiến tranh, về cái chết của đồng đội trong đối cực mất - còn nghiệt ngã của chiến tranh mà đó còn là bản tự thuật của hạnh phúc trở về, của tình yêu vĩnh cửu.
Giọng thơ tình mê đắm ấy vẫn không nguôi với “di chúc tình yêu”. Nhân hậu biết bao khi đó chính là sắc giọng của ước mơ một đời chưa thỏa nguyện, là lòng yêu còn đương khát, là hạnh phúc dở dang: Em cần gì giếng lạnh/ Tâm hồn anh cô quạnh dưới lòng sâu/ Ngẩng lên biền biệt mây cao/ Cuộc đời thăm thẳm/ Tình anh như cỏ lau/ Tìm nhau trên đất vắng/ Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh/ Hoa cúc nở vàng trên cánh tay/ (Không đề). Khi hạnh phúc tái sinh, giọng thơ ấm áp trong lời tâm niệm hàm ơn cuộc sống: Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất/ Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật/ Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời (Em - Lưu Quang Vũ).