Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN TRÍ TUỆ XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN SƯ PHẠM MẦM NON
3.2. Thực trạng ảnh hưởng của các yếu tố đến trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non
3.2.1. Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan
Ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan đến trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 3.19: Ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan
đến trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non
TT Các yếu tố chủ quan Kết quả Thứ
bậc ĐTB ĐLC
1. Tố chất nghệ thuật 4,50 0,42 3
2. Lòng yêu nghề, yêu trẻ 4,58 0,37 2
3. Vốn sống, vốn kinh nghiệm 4,40 0,28 4
4. Tính tích cực hoạt động, rèn luyện 4,67 0,31 1
Chung 4,54 0,35
Theo đánh giá chủ quan của sinh viên được trình bày trong bảng cho thấy:
Mức độ của các nhóm thuộc yếu tố chủ quan được phân tích có ảnh hưởng đến trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non ở mức cao (ĐTB từ 4,40 đến 4,67). Điều này có ý nghĩa là các yếu tố thuộc về nhóm yếu tố chủ quan có ảnh hưởng nhiều đến mức độ trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non. Yếu tố “Tính tích cực hoạt động, rèn luyện” và “lòng yêu nghề, yêu trẻ” được cho là có ảnh hưởng nhiều hơn so với yếu tố“ có tố chất nghệ thuật” và “Vốn sống, vốn kinh nghiệm”.Xem xét từng yếu tố cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố không đồng đều và xếp lần lượt theo thứ bậc. Cụ thể:
“Tính tích cực hoạt động, rèn luyện” của sinh viên sư phạm mầm non (ĐTB = 4,67) ảnh hưởng nhiều nhất đến trí tuệ xã hội của các em. Điều này cho thấy, sinh viên sư phạm mầm non càng tích cực tham gia các hoạt động như học tập, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thực hành, thực tế giáo dục, thực tập sư phạm và các hoạt động rèn luyện tập thể khác thì càng lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm xã hội trong việc tương tác với các đối tượng như bạn học, thầy cô giáo, trẻ mầm non và phụ huynh của trẻ. Từ đó mà nâng cao mức độ trí tuệ của các em. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật hoạt động tâm lý của cá nhân. Tâm lý của cá nhân chỉ được hình thành, thể hiện và phát triển trong hoạt động và thông qua hoạt động. Điều này gợi mở cho các nhà quản lý, các nhà giáo dục những biện pháp nhằm nâng cao trí tuệ xã hội của các em. Kết quả điều tra cho chúng tôi thấy rằng, sinh viên chỉ “Tích cực tham gia các hoạt động học tập trên lớp” với ĐTB 4,78 và “Tích cực khi tham gia các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thực tập sư phạm, thực hành sư phạm” với ĐTB = 4,72; các hoạt động các em ít tham gia hơn cả là “Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học/tự học/lên thư viện” và “Tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ/TDTT/hoạt động phong trào khác do lớp, khoa, trường tổ chức” với ĐTB lần
lượt là 4,63 và 4,59. Điều này cho thấy, các hoạt động bắt buộc do nhà trường đưa ra hoặc hoạt động đó nhằm phục vụ trực tiếp cho tay nghề sư phạm được sinh viên tham gia nhiệt tình hơn so với các hoạt động rèn luyện tự nguyện, hoạt động tập thể (Xem phụ lục). Khi được hỏi về nguyên nhân ít lên thư viện, sinh viên Trần Ngọc H. (SV lớp K18C- ĐH Hồng Đức) cho biết: “vì sống ngoại trú nên em ngại lên thư viện. Nếu cần tài liệu phục vụ cho việc học, em thường tra cứu trên internet. Nếu bí quá mới lên thư viện nhưng thường là cuối kỳ để phục vụ cho kì thi”. Sinh viên Phan Thị N. (SV lớp K64- ĐHSP Hà Nội) giải thích về việc tích cực tham gia hoạt động học tập: “Việc học trên lớp được em ưu tiên nhất vì em muốn được học bổng mỗi kì và bằng giỏi sau khi ra trường. Vả lại, khoa cũng quản lý rất sát sao việc học nên chúng em không thể lơ là. Trong lớp em toàn nữ nên bọn em có sự ghanh đua và cố gắng lắm”.
“Lòng yêu nghề, yêu trẻ” (ĐTB = 4,58) có ảnh hưởng thứ 2 trong các nhóm yếu tố chủ quan đến trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non. Thực tế qua quan sát chúng tôi thấy, những sinh viên nào có lòng yêu trẻ thường có biểu hiện quấn quýt trẻ, cảm thấy vui vẻ và thích thú khi được tiếp xúc với các em và cũng thường được trẻ mầm non yêu quý, gần gũi hơn so với các các sinh viên khác. Lòng yêu trẻ sẽ giúp các em sinh viên vượt qua được những khó khăn ban đầu của nghề (như là phải biết chăm sóc trẻ trong khi bản thân các em mới chỉ là những sinh viên chưa có kinh nghiệm, thời gian lao động kéo dài trong ngày, phải thực hiện nhiều công việc khác nhau, áp lực lớn…). Từ đó sẽ hình thành lòng yêu nghề, gắn bó với nghề giáo viên mầm non. Khi có lòng yêu trẻ, yêu nghề, sinh viên sư phạm mầm non sẽ tích cực tương tác với trẻ, sẽ vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây là mọt trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ trí tuệ xã hội của các em. Kết quả điều tra cho chúng tôi thấy rằng, biểu hiện rõ nhất của lòng yêu nghề, yêu trẻ là “Mong muốn trở thành giáo viên mầm non” và “Yêu quý trẻ mầm non, muốn được gần gũi các em”
(ĐTB = 4,69 và 4,62). Đánh giá “nghề giáo viên mầm non là một nghề rất thú vị, cần thiết” (ĐTB = 4,49) nhận được ít sự đồng tình của sinh viên hơn cả. Bởi khi đi thực thực tập, nhìn khối lượng công việc mà giáo viên đảm nhận, áp lực từ phía xã hội và gia đình trẻ với nghề, qua trao đổi với giáo viên dạy mầm non, phần đông các em đều
cho rằng, đây là một nghề rất vất vả, chế độ đãi ngộ thấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu nhân lực của xã hội lớn nên các em ra trường dễ xin việc, phù hợp với con gái đặc biệt là ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp có đặc điểm dân số đông và trẻ. Đây cũng là lí do vì sao các em cho rằng nghề không thú vị nhưng vẫn mong muốn trở thành giáo viên mầm non.
“Tố chất nghệ thuật”(ĐTB =4,50 ) của sinh viên sư phạm mầm non được xếp thứ 3 trong nhóm các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến trí tuệ xã hội. Thực tế chúng tôi được biết, các em sinh viên khi thi đầu vào đều có thi môn năng khiếu (hát, múa, kể chuyện, đọc thơ, đàn…). Có nghĩa, ít nhiều các em cũng có năng khiếu. Vì đặc thù công việc của người giáo viên mầm non liên quan nhiều đến các hoạt động cho trẻ làm quen với nghệ thuật nên ngay từ khi đi học, sinh viên đã được học nhiều học phần liên quan đến nghệ thuật. Tuy nhiên, yêu cầu về tố chất năng khiếu nghệ thuật của sinh viên mầm non chỉ ở mức cơ bản chưa không quá cao. Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Văn N. (ĐH Hồng Đức) cho rằng: “Nếu sinh viên mầm non nào có sẵn năng khiếu nghệ thuật, khi học các môn chuyên ngành liên quan sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu không thì chỉ cần cố gắng, chăm chỉ luyện tập là có thể đạt yêu cầu”. Khi có năng khiếu nghệ thuật, sinh viên sẽ thuận lợi hơn trong việc học các môn như: Đàn organ, hát, múa, kể chuyện và đọc thơ, Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ, mỹ thuật… Các em không chỉ học hiệu quả hơn mà sẽ dạt kết quả cao hơn. Những sinh viên này sẽ là nòng cốt trong các đội văn nghệ của lớp/ khoa/ trường, sẽ có nhiều cơ hội hoặc sẽ thuận lợi hơn trong việc tham gia các hoạt động tập thể khác. Điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến mức độ trí tuệ xã hội của các em. Kết quả khảo sát cho chúng tôi thấy, sinh viên nhận về tầm quan trọng của tố chất năng khiếu ảnh hướng đến việc lĩnh hội nghề nghiệp tốt (ĐTB = 4,54). Tuy nhiên cho rằng mình gặp khó khăn trong việc học các môn đòi hỏi năng khiếu (âm nhạc, mỹ thuật, múa, kể chuyện, làm đồ chơi…) với ĐTB = 4,46. Điều này cũng dễ hiểu bởi, năng khiếu nghệ thuật được hình thành do bẩm sinh hoặc di truyền, có ở người này nhưng không có ở người khác. Dù biết rằng, có năng khiếu nghệ thuật sẽ thuận lợi hơn rất
nhiều trong học tập để trở thành người giáo viên mầm non nhưng một số em cũng đành chịu.
“Vốn sống, vốn kinh nghiệm” (ĐTB = 4,40) cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến mức độ trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non. Những sinh viên nào có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, ưa tìm tòi về ngành nghề tương lai của mình, về trẻ mầm non thì sẽ có vốn sống tốt hơn.
Từ đó mà nâng cao mức độ trí tuệ xã hội. Theo kết quả khảo sát của luận án, vốn sống, vốn kinh nghiệm của sinh viên sư phạm mầm non được tích lũy chủ yếu thông qua “tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài nhà trường sư phạm” (ĐTB = 4,53) và “những trải nghiệm trực tiếp trong hoạt động học tập và rèn luyện nghề nghiệp” (ĐTB = 4,41). Nhận thức về tầm quan trọng của vốn sống, vốn kinh nghiệm có điểm thấp nhất (ĐTB = 4,27). Vì vậy, muốn nâng cao trí tuệ xã hội cho sinh viên, cần thiết làm cho các em hiểu về tầm quan trọng của vốn sống, vốn kinh nghiệm. mặt khác, cần giúp các em có thêm những trải nghiệm trong hoạt động học tập, rèn luyện trong nhà trường lẫn ngoài nhà trường.
Như vậy, trong các yếu tố chủ quan thì yếu tố thuộc về “Tính tích cực hoạt động” và “Lòng yêu nghề, yêu trẻ” của sinh viên ảnh hưởng rõ rệt nhất đến trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non. Các yếu tố ảnh hưởng ít hơn là “Tố chất nghệ thuật” và “Vốn sống, vốn kinh nghiệm” sinh viên. Với kết quả nghiên cứu trên, để nâng cao trí tuệ xã hội cho sinh viên sư phạm mầm non, cần tác động mạnh nhằm nâng cao tính tích cực hoạt động và lòng yêu nghề, yêu trẻ của sinh viên; đồng thời cũng nâng cao vốn sống, vốn kinh nghiệm và tăng thời gian thực hành các môn học liên quan đến nghệ thuật trong chương trình đào tạo của sinh viên sư phạm mầm non.