1. Căn cứ thực hiện
- Khoản 1 Điều 66 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại theo quy định của Luật này; động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về khiếu nại; tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại; khi nhận được khiếu nại thì nghiên cứu, hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
- Khoản 1 Điều 44 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân, hội viên của mình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố cáo; giám sát việc thi hành pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo.
- Căn cứ Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với các cấp hội Nông dân Niệt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”;
- Căn cứ Quy chế phối hợp số 01/2015/QCPH – TTCP – HNDTW ngày 29/9/2015 giữa Thanh tra Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; một số Chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của địa phương đã ban hành.
- Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận TQVN và các đoàn thể chính trị- xã hội, theo đó “Hội Nông dân chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình;
phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với những nội dung có liên quan”. Khẳng định: Giám sát thông qua đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi đến Hội.
- Quy định số 943/QĐ-HNDTW ngày 30/9/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: công tác kiểm tra cần được coi trọng ở tất cả các cấp Hội; tham gia giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông
thôn, Quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân; góp phần thực hiện công bằng xã hội.
2. Nội dung giám sát:
Việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tại cơ sở.
- Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân của chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng phải đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, quyền lợi hợp pháp của hội viên, nông dân.
- Việc thực thi các quyết định giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo đúng thời hạn và nội dung quyết định.
- Việc chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết lại các vụ việc mà Hội Nông dân đã có kiến nghị, đề xuất.
- Đối với dự án thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp, Hội Nông dân phải tham gia ngay từ đầu và giám sát quá trình thực hiện dự án, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh khiếu nại, tố cáo ở các địa phương.
3. Các hình thức giám sát:
- Qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tham gia với chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân.
- Thông qua công tác phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp hội viên, nông dân.
- Tiếp xúc với hội viên, nông dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo do Uỷ ban MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến:
- Khoản 2 Điều 66 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Khiếu nại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách
nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.
Khoản 3 Điều 44 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: Tố cáo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết tố cáo xem xét, giải quyết và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định xử lý, phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định xử lý.
Để thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đòi hỏi cán bộ Hội các cấp đặc biệt là cấp cơ sở phải nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, có lòng nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao.
Hội phải thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với hội viên, nông dân, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân.