Các bước khi tiến hành hoà giải

Một phần của tài liệu CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (Trang 37 - 41)

HỘI NÔNG DÂN CƠ SỞ VỚI CÔNG TÁC HÒA GIẢI

II. HỘI NÔNG DÂN VỚI CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

5. Các bước khi tiến hành hoà giải

Khi tiến hành hoà giải 1 vụ việc gồm có 3 bước là:

- Trước khi tổ chức hoà giải - Trong khi hoà giải

- Kết thúc hoà giải

5.1. Trước khi tổ chức hoà giải, cán bộ chi, tổ Hội cần phải thực hiện những công việc sau:

- Làm dịu tình hình căng thẳng giữa các bên: khi xảy ra vụ việc tranh chấp xích mích, cán bộ hoà giải cần có mặt kịp thời gặp gỡ các đối tượng để can ngăn, dàn xếp, thuyết phục các bên bình tĩnh, tránh để xảy ra cãi cọ, xô sát.

- Tiến hành thu thập thông tin, xác minh nhanh nguyên nhân gây ra vụ việc.

- Lựa chọn địa điểm, thời gian phù hợp để tiến hành hòa giải.

- Hội ý nhanh trong cán bộ chi, tổ Hội, tổ hoà giải, đối chiếu các tình tiết vụ việc với các quy định của pháp luật, làm rõ đúng sai, bàn biện pháp hoà giải, phân công các cán bộ Hội tiếp xúc đương sự để hoà giải. Nếu gặp vụ việc phức tạp thì báo cáo lên Ban Thường vụ HND cơ sở biết để chỉ đạo giải quyết.

5.2. Trong khi hoà giải, cán bộ chi, tổ Hội cần tiến hành các công việc sau:

- Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

- Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

- Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, cán bộ hòa giải áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, cán bộ hòa giải hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ hòa giải có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Việc hòa giải không bắt buộc phải lập thành văn bản hòa giải. Trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc được các bên đồng ý, cán bộ hòa giải lập văn bản hòa giải. Văn bản hòa giải chỉ là sự ghi lại thỏa thuận giữa các bên, mang ý nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên một sự ràng buộc về mặt đạo lý và tâm lý giữa các bên. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực cụ thể pháp luật có quy định

thì cần lập văn bản hòa giải để làm chứng cứ pháp lý nếu như vụ việc phải đưa ra Tòa án giải quyết.

5.3. Kết thúc hoà giải:

- Các bên đạt được thỏa thuận.

- Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.

- Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

* Hoà giải thành: Việc hòa giải kết thúc và được coi là hòa giải thành khi các bên đã đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó. Tổ hoà giải có thể đề nghị với chính quyền xã và đoàn thể ở thôn, xóm, ấp, bản tạo điều kiện để các bên thực hiện thoả thuận.

- Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

+ Căn cứ tiến hành hòa giải;

+ Thông tin cơ bản về các bên;

+ Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

+ Diễn biến của quá trình hòa giải;

+ Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;

+ Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

- Thực hiện thỏa thuận hòa giải thành:

+ Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

+ Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành

Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện.

* Hoà giải không thành: Việc hòa giải không thành khi các bên không đạt được thoả thuận và việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả.

- Giải quyết trường hợp hòa giải không thành

+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.

+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.

Trong trường hợp này, các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải theo quy định của pháp luật.

Đối với tranh chấp phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, có thể gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương thì cán bộ hòa giải kịp thời báo cáo Tổ trưởng Tổ hòa giải để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giải quyết.

---

Một phần của tài liệu CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(53 trang)
w