Chương 3: SỰ VẬN DỤNG THỂ THƠ, KẾT CẤU, THỜI GIAN, KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT CA DAO TRONG THƠ TRÊN BÁO VĂN NGHỆ NĂM 2009
3.1. Sự vận dụng thể thơ
3.1.2. Sự vận dụng thể thơ của ca dao trong thơ trên báo Văn nghệ năm 2009
3.1.2.2. Sự vận dụng thể thơ ca dao trong thơ trên báo Văn nghệ năm 2009
Trong thơ, có xuất hiện thể 4 chữ, 5 chữ, nếu xét về số chữ trong mỗi dòng thì giống với ca dao. Tuy nhiên, đây không phải là thể vãn của ca dao vì nội dung bài thơ không xuất hiện chất liệu của ca dao. Những bài thơ này là một sự sáng tạo của tác giả, thể hiện phong cách thơ hiện đại. Như bài thơ 4 chữ: “Vườn chiều hoang lặng/ Hàng cây đứng yên/ Từng vuông đất nhỏ/ Lối mòn thân quen/ Một thời thơ dại/ Qua đây êm đềm” (Vườn xưa, Nguyễn Trường Tam, 3, số 9). Hay bài thơ 5 chữ: “Chiều như nơm úp cá/ Chụp xuống đồng mênh mông/ Gió dao cau loáng sắc/ Bổ mỏng tang bầu trời”.
Thể thơ thất ngôn (7 chữ): Đường luật, tứ tuyệt, cổ phong là những thể thơ này vay mượn từ Trung Quốc. Hơn nữa, thể thất ngôn trong ca dao rất ít và một bài ca dao thường chỉ có hai câu. Do đó, thể thơ thất ngôn không vận dụng từ ca dao.
Song thất lục bát là một thể thơ của dân tộc có từ thế kỷ XV. Đến thế kỷ XVIII, XIX, thể thơ này phát triển rực rỡ. Trong văn học viết cũng đã có những tác phẩm mẫu mực sáng tác bằng thể thơ song thất lục bát đạt nghệ
thuật như: “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm, “Ai tư vãn” của Lê Ngọc Hân, “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều ... Theo thời gian, thể thơ này vắng dần trên thi đàn. Khảo sát thơ trên báo Văn nghệ, người viết nhận thấy, thể thơ song thất lục bát có số lượng rất ít, có 8/1919 bài, chiếm 0.4%. 08 bài thơ này do 2 tác giả sáng tác, có bút danh Tú Rót (7 bài) và Lục Trúc Ông (1 bài), đăng trên báo Văn nghệ Tp.HCM. Về mặt hình thức: số chữ, cách hiệp vần, nhịp của các bài thơ tuân thủ theo quy tắc của thể song thất lục bát truyền thống. Về nội dung, các bài thơ này không thuộc thơ trữ tình, chúng thuộc thơ trào phúng châm biếm và thể hiện tâm trạng của người dân trước trước thực trạng xã hội Việt Nam còn lắm điều nhiễu nhương.
“Kênh Ba Bò trước đây ô nhiễm/ Do nước dơ thập diện bủa vây/ Chính quyền đã kịp ra tay/ Bỏ tiền nạo vét tưởng rày đã xong” (Chuyện dài kênh Ba Bò, Tú Rót, 2, số 53).
Xét về ngồn gốc lịch sử, thể thơ song thất lục bát hình thành từ thế kỷ XV, khi nền văn học viết Việt nam đã phát triển và đạt nhiều thành tựu rực rỡ.
Tác giả dân gian cũng mượn thể song thất lục bát này để tạo ra ca dao vì thể thơ này phù hợp với việc biểu đạt cảm xúc và tâm trạng éo le, uẩn khúc của bình dân xưa. Như vậy, thể thơ song thất lục bát có xuất hiện trong thơ nhưng không vận dụng từ ca dao.
Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt, nó có một sức sống mãnh liệt trong dòng chảy của văn học dân tộc. Lục bát được hình thành và thử thách từ ca dao. Điểm khác biệt lớn giữa thể lục bát trong ca dao và thể lục bát trong văn học viết thể hiện ở số dòng trong trong mỗi bài. Lục bát trong ca dao thường ngắn gọn, chủ yếu gồm 2 câu, một câu lục và một câu bát. Trong văn học viết, bài thơ lục bát dài hơn hai câu. Các nhà thơ Việt Nam từ cổ chí kim đã biết kế thừa thể thơ mượt mà và kho thi liệu ca dao để sáng tạo ra nhiều tác phẩm thắm đượm hồn dân tộc. Thể thơ lục bát tiếp tục được
vận dụng để tạo ra nhiều tác phẩm mới vừa mang dáng dấp của thời đại, vừa mang hơi thở của dân gian.
Trong tổng số 1919 bài thơ đăng trên báo Văn nghệ, thơ lục bát có 503 bài, chiếm tỉ lệ 26.2%. Tỉ lệ này thấp hơn thể thơ tự do nhưng cao hơn thể thơ thất ngôn, song thất lục bát. Điều này góp phần khẳng định, thơ lục bát có một vai trò quan trọng trong thơ ca dân tộc, tiếp tục được các nhà thơ vận dụng nhiều trong sáng tác.
Khảo sát 503 bài thơ dưới góc độ hình thức, tác giả nhận thấy: các bài thơ đều được sáng tác theo lục bát chính thể (6/8) tác giả đã tuân thủ theo những quy tắc của thể thơ lục bát truyền thống ở các phương diện:
Số câu: rất đa dạng, không có bài lục bát 2 câu, bài thơ lục bát ngắn nhất có 4 câu, bài lục bát dài nhất là 32 câu.
Nhịp: cách ngắt nhịp rất đa dạng, phần lớn đều là nhịp chẵn, câu sáu ngắt nhịp 2/2/2, 2/4; 4/2, câu tám có thể ngắt nhịp 2/2/2/2; 2/6; 4/2/2; 6/2, nhiều trường hợp ngắt nhịp lẻ 3/3 ở câu thứ 6:“Ơi tri âm// ơi nguyệt cầm/
Ngoài hiên lá vắng ướt dầm sương mai/ Ơi yếm thắm// ơi đêm dài/ Lạ hơi cửa đóng không ai lên lầu”(Đánh thức trầu, Phạm Thị Hà Hàn, 3, số 39); “Hồn tử sĩ// khúc quân ca/ Hòa trong tiếng nấc nhạt nhòa nghĩa trang” (Đón anh về nghĩa trang làng, Nguyễn Minh Khang, 3, số 29). Việc ngắt nhịp lẻ là một ý đồ nghệ thuật, khác với sự đều đặn của nhịp chẵn, nhịp lẻ làm cho thơ gần với nhịp của đời sống hiện đại hơn, tránh được cảm giác nhàm chán, thể hiện những phức hợp cảm xúc trong tâm hồn con người.
Cách hiệp vần và luật bằng trắc: tuân thủ theo thể thơ lục bát truyền thống.
Khảo sát trên 1919 bài thơ, nếu căn cứ vào sự tăng giảm số lượng âm tiết trong câu lục và câu bát để xác định là lục bát biến thể thì tác giả nhận thấy: không có bài thơ nào là lục bát biến thể. Một số bài thơ có xen lẫn với
câu lục bát như: bài có số chữ là 6/6/6/8:“Hiu hiu ngọn gió thổi xa/ xuồng câu đưa anh về bến/ Xuồng neo trên mặt trời vàng/ Lung linh đáy nước như nàng bơi qua” (Đồng chiều, Phan Anh Tuấn, 2, số 55). Hoặc bài thơ không kết thúc bằng dòng bát mà bằng dòng lục: “Cái đinh gỗ ấy mủn ra/ Rơi vào bóng tối mất đà chơi vơi/ Cái đinh đóng vội một thời” (Thoáng cảm, Vũ Xuân Toản, 1, số 44). Như vậy, tác giả xếp chúng vào thể thơ tự do vì những dấu hiệu này không phải là dấu hiệu của lục bát biến thể, chúng không có sự co giãn về số âm tiết trong câu lục hoặc câu bát.
Ngoài ra, còn tồn tại một cách thể hiện khác, bài thơ lục bát có sự tách dòng trong câu lục hoặc câu bát. Có khi câu lục và câu bát được tách làm hai, làm ba dòng như: “Mẹ xa/ Em cũng xa rồi/ Cỏ xanh thôi gắng đắp bồi ngày xưa” (Mỗi ngày sông, Nguyễn Nhã Tiên, 1, số 16); Hay “Biển xanh/ Áo đỏ/
Của em/ Bất ngờ/ Cơn bão đổ lên ngực chiều” (Áo đỏ, Nguyễn Hữu Quý, 3, số 105). Thoạt nhìn, ta cứ ngỡ đây là bài thơ lục bát biến thể nhưng khi sắp xếp theo trật tự con chữ thì đây vẫn là thơ lục bát chính thể. Việc phân tách câu thơ lục bát thành nhiều dòng thơ là hiện tượng của sự sáng tạo theo phong cách thơ hiện đại nhằm mục đích thể hiện cảm xúc, nhấn mạnh một tứ thơ theo dụng ý nghệ thuật của nhà thơ, người viết cũng xếp chúng vào thể thơ tự do.
Như vậy, trong 1919 bài thơ có 503 bài thơ lục bát là một minh chứng cụ thể cho sự kế thừa và vận dụng thể thơ lục bát từ thơ ca truyền thống.
Những bài thơ lục bát được tạo ra có sự vận dụng đầy đủ về mặt hình thức.
Các nhà thơ đã tuân thủ đúng số chữ trong mỗi câu thơ, cách ngắt nhịp, hiệp vần, luật bằng trắc, nhịp thơ tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển phù hợp với giọng điệu của nhiều tác giả. Ẩn trong vỏ bọc hình thức, nội dung bài thơ vẫn khai thác cái bình thường, giản dị hàng ngày của cuộc sống, chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm của con người hôm nay, tạo cho thơ ca một sắc thái mang
đậm bản sắc văn hóa dân tộc.