Sự vận dụng thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu khảo sát sự vận dụng ca dao trong thơ trên báo văn nghệ năm 2009 (Trang 109 - 121)

Chương 3: SỰ VẬN DỤNG THỂ THƠ, KẾT CẤU, THỜI GIAN, KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT CA DAO TRONG THƠ TRÊN BÁO VĂN NGHỆ NĂM 2009

3.3. Sự vận dụng không gian và thời gian nghệ thuật

3.3.2. Sự vận dụng thời gian và không gian nghệ thuật ca dao trong thơ trên báo Văn nghệ năm 2009

3.3.2.1. Sự vận dụng thời gian nghệ thuật

Trong ca dao, thời gian hiện tại gắn liền với thời điểm diễn xướng, là lúc nhân vật nói, kể hoặc hát. Riêng thơ ca là một thể loại văn học, có kiểu

thời gian nghệ thuật riêng, được đo bằng thước đo khác nhau, thời gian trong thơ “có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành cái vô tận” [15, tr.322].

Các nhà thơ vẫn sử dụng các công thức thời gian quen thuộc của ca dao: bây giờ, chiều nay, hôm nay trong sáng tạo thơ ca. Đây những dấu hiệu để nhận biết có sự xuất hiện thời gian hiện tại. Tuy nhiên, thời gian trong thơ không thể hiện bằng văn bản nói mà bằng văn bản viết. Bài thơ được tạo ra tuy xuất phát từ cảm hứng nhưng không thể hiện tại thời điểm nói. Lời thơ phải được nhà thơ nghiềm ngẫm, chọn lọc ý nhằm truyền tải được nội dung mang những hình thức nghệ thuật. Lời thơ được thể hiện khi tác giả trào dưng cảm xúc, có nhu cầu muốn thể hiện. Do vậy, tuy có xuất hiện những cụm từ quen thuộc nhưng không phải là thời gian hiện tại như trong ca dao. Đây cũng là lẽ tự nhiên của việc làm thơ.

Tuy không phải là thời gian hiện tại như ca dao nhưng những cụm từ thời gian quen thuộc: chiều nay, hôm qua, hôm qua, bây giờ … xuất phát từ cuộc sống hiện thực của nhà thơ. Những cụm từ này không phải dùng để thể hiện những sự kiện, hành động của nhân vật mà để ký thác những nỗi tâm sự, những tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm. Về phương diện nào đó, chúng cũng là thời gian của tâm lý, dùng để thể hiện cho tâm trạng. Thời gian hiện tại trong thơ tuy không hoàn toàn được vận dụng từ ca dao nhưng khi chúng kết hợp với những hình ảnh mộc mạc làm cho bài thơ mang âm hưởng của ca dao và mang nhiều ý nghĩa.

Thời gian hiện tại gợi lên bức tranh cuộc sống hiền hòa. Các nhà thơ mượn thời gian này để bộc lộ tình cảm, thể hiện những tình cảm với gia đình và quê hương. Nhìn thấy cơn mưa chiều xóm núi, đàn chim vội vàng bay về tổ, nỗi nhớ quê lại trào dâng như những cơn sóng lòng, cảm xúc ấy được nhà

thơ Đăng Sâm thể hiện qua những dòng thơ nghe thiết tha, chân thành:

“Chiều nay xóm núi cơn mưa/ Đàn chim nhớ tổ đong đưa nhau về/ Thấu chăng có kẻ xa quê/ Nôn nao phố cũ lặng nghe sóng lòng” (Sóng, 1, số 30).

Sau bao nhiêu năm xa cách nay trở về quê hương, nhà thơ được quây quần, đoàn tụ cùng gia đình bên bữa cơm chiều. Đây là quãng thời gian ấm áp tình yêu thương, tuy chỉ là bữa cơm đạm bạc nhưng đó là bữa cơm ngon nhất của cuộc đời: “Chiều nay về với quê nhà/ Bữa cơm mắm tép quả cà giòn tan”

(Hồn quê, Nguyễn Tường Thuật, 3, số 31).

Cụm từ hôm nay được nhà thơ Thu Nguyệt sử dụng thể hiện cảm xúc khi trở về quê hương. Nhà thơ không cảm thấy vui sướng mà cảm nhận sự cô đơn, lẻ loi của cuộc đời: “Hôm nay trở lại thăm quê/ Đò ngang một chuyến đi về một tôi/ Buâng khuâng ngồi vớt bông trôi/ Với nhằm chiếc bóng mồ côi một mình” (Dòng sông tuổi thơ, 2, số 88). Cụm từ hôm nay thể được sử dụng một cách sáng tạo, hôm nay là thời gian của thực tại, nó không chỉ thể hiện cho tình cảm của người còn sống mà còn mang ý nghĩa tâm linh với những con người đã khuất. Họ là những chiến sĩ đã ngã xuống nơi đất khách quê người, hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Họ cũng có ước mong được trở về quê hương, nắm xương tàn được di táng về quê hương mang ý nghĩa thiêng liêng: “Bao năm gối đất xứ người/ Hôm nay xương trắng về nơi quê nhà” (Đón anh về nghĩa trang làng, Nguyễn Minh Khang, 3, số 29).

Cảm xúc trong tình yêu cũng được thể hiện qua thời gian quen thuộc.

Mượn thời gian bây giờ, nhà thơ Quang Chuyền thể hiện niềm hạnh phúc khi gặp được người yêu: “Bây giờ hẹn gặp sớm trưa/ Ngỡ cầm trái đất vào vừa lòng tay” (Tìm ở chiêm bao, 3, số 28). Nhà thơ Kiều Công Luận có cách thể hiện cảm xúc khác, tác giả mượn thời gian thực tại kết hợp với không gian vật lý tạo nên những cảm xúc chân thật. Nhân vật trữ tình đang đợi chờ người yêu thương trong niềm khắc khoải, nhìn những trái khế rụng sau vườn nhưng

không thấy dáng người yêu gợi lên nỗi buồn man mác: “Chiều nay vườn sau khế rụng/ Vườn sau đợi chẳng thấy về” (Khế rụng, 3, số 25). Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn vẽ nên bức tranh tự nhiên trong thời gian hiện tại: “Sáng nay hoa nở tình cờ/ Có con bướm đậu trên bờ ngó ngang”. Trong bài thơ “Khúc tương tư” của Trúc Linh Lan, thời gian giờ đâythể hiện cho tâm trạng đợi chờ trong niềm tương tư: “Ai thề hẹn chuyện trăm năm/ Giờ đây giở chiếc khăm thầm tương tư”(2, số 90).

Thời gian đêm qua được nhà thơ Vũ Thiên Vũ vận dụng. Đêm qua là thời gian quá khứ nhưng rất gần với thời gian hiện tại. Nếu thay từ đêm qua bằng từ đêm nay chắc hẳn ý nghĩa bài thơ sẽ khác. Tâm trạng nhớ thương người yêu không phải bắt đầu từ đêm naymà nó kéo dài từ quá khứ, tâm trạng nhớ thương, sầu khổ lăn dài theo thời gian càng làm cho nhân vật trữ tình thấm thía nỗi cô đơn. Nỗi nhớ hòa với tiếng dế trong đêm mưa nghe thật não nề: “Thả lòng theo chút tương tư/ Thả theo sợi tóc hình như bạc rồi/ Mắt buồn nhỏ hạt trăng rơi/ Đêm qua dế khóc lưng trời tiếng mưa” (Tương tư, 3, số 34). Nỗi niềm ấy có sự tương đồng với tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài ca dao: Đêm qua trăng gác đầu non/ Vạc kêu sương lạnh em buồn tái tê.

Thời gian tâm lý là thời gian của tâm trạng được các nhà thơ vận dụng để bộc lộ cảm xúc, nó không được thể hiện một cách cụ thể, chính xác mà chỉ mang tính ước lệ. Những cụm từ: đêm đêm, chiều chiều được vận dụng tạo nên những cách diễn đạt quen thuộc, gợi màu sắc của ca dao.

Khi nhân vật trữ tình gặp những trắc trở trong tình duyên, tác giả dân gian thường mượn công thức đêm đêm để nói thay cho tâm trạng. Đêm đêm là lúc nhân vật đối diện với chính mình và thường thốt lên những lời thở than:

Đêm đêm ngồi tựa bóng đèn/ Than thân với bóng giải phiền với hoa. Nguyễn Xuân Hải mượn thời gian đêm đêm thể hiện cho nỗi niềm như nhân vật trong

ca dao: “Người về ngụp lặn nông sâu/ Đêm đêm còn đến chân cầu đợi trăng”

(Bến mơ, 3, số 50). Đêm đêm ở đây được dùng rất ước lệ nhưng là thời gian phù hợp để bày tỏ tâm trạng. Hành động của nhân vật đến cầu đợi trăng thể hiện qua thời gian đêm đêm không chỉ một lần mà rất nhiều lần, tâm trạng của nhân vật cũng đang rối bời và nhân vật không kiểm soát được hành động của chính mình. Nếu thay từ đêm đêm bằng một từ chỉ thời gian thì tâm trạng nhân vật không được diễn tả một cách sâu sắc như thế. Trái lại, Nguyễn Bùi Vợi mượn thời gian đêm đêmkhông thể hiện cho nỗi buồn mà là niềm vui, tạo nên khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Thời gian đêm đêm kết hợp với cảnh lao động hiện lên thật vui nhộn, thể hiện niềm hăng say trong công việc. Hàng trăm cô gái giã gạo với vóc dáng khỏe khoắn, xinh đẹp, tiếng chày giã gạo tạo nên những âm thanh cuộc sống vang vọng trong đêm nghe thân thương, gần gũi: “Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình/ Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình/ Cối sao đầy cả nghĩa tình nước non” (Qua Thậm Thình, 3, số 17+18).

Khi diễn tả nỗi buồn, nhà thơ thường đặt nhân vật, sự việc vào buổi chiều, có lẽ buổi chiều là thời gian của tâm trạng. Trong ca dao, mô típ chiều chiềuđược dùng để nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng: Chiều chiều ra đứng ngó xuôi/ Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương. Cũng là nỗi nhớ thương của người con gái đi lấy chồng xa, nhà thơ Trần quốc Cưỡng diễn tả nỗi lòng của người con gái rất chân thành, tâm trạng ấy thể hiện qua thời gian chiều chiều gợi nỗi buồn man mác: “Chiều chiều gởi nhớ cho quê/ Gởi hương cho gió đưa về mẹ yêu/ Xa con chắc mẹ buồn nhiều/ Áo mòn bậu cửa, cơm chiều buồn tênh” [Con gái con của người ta, 3, số 10]. Thời gian chiều chiều không chỉ được vận dụng để thể hiện cho tâm trạng người con gái đi lấy chồng xa mà còn thể hiện sự lo âu của người mẹ cho tính mạng người con trong lửa đạn chiến tranh, hình ảnh người mẹ già đứng trên bến sông chiều trở

thành hình tượng nghệ thuật giàu sức biểu cảm: “Thương con lòng mẹ nguyên lành/ Cả khi bom đạn chiến tranh bão bùng/ Chiều chiều mẹ đứng bến sông/

Ngóng con giữa tiếng réo gầm đạn bom”(Trở về bến cũ, Thi Sảnh, 3, số 29).

Bao giờ là thời gian tâm lý, mang tính ước lệ. Trong ca dao, bao giờ được sử dụng nhiều, thể hiện cho niềm ước mong, là lời khẳng định tình cảm của nhân vật trữ tình: Bao giờ lúa trổ vàng vàng/ Cho anh đi gặt cho nàng quảy rơm; Bao giờ hết nước sông Gianh/ Chợ Đồn hết nhóm thì anh bỏ nàng.

Phần lớn, bao giờ thể hiện niềm ước mong không thực tế, như một lời thách đố rất khó thực hiện: Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim lăn nghém thì mình lấy ta; Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình. Trong thơ, bao giờ xuất hiện 23 lần, mang tính ước lệ. Thời gian bao giờ được các nhà thơ vận dụng thể hiện ý nghĩa khác nhau trong cảm thức của người hiện đại. Tựu chung, chúng vẫn nhằm mục đích bày tỏ nỗi niềm. Ánh Tuyết mượn thời gian bao giờ thể hiện ước mong được sum vầy với người yêu, nỗi niềm ước mong này không phi lý mà rất đời thường, giản dị, chân thành: “Bao giờ xanh lại bóng tre/ Đỏ au tường gạch em về cùng anh” (Lục bát làng, 3, số 39). Nhà thơ Thanh Thân mượn công thức bao giờ thể hiện sự hoài niệm về quá khứ, niềm ước muốn này không có ở hiện thực: “Bao giờ cho đến ngày xưa/ Tịch điền mở ruộng xem vua đi cày” (Ngày xưa, 3, số 26). Có khi, thời gian bao giờ là sự dự báo về một sự đổi thay của thời thế: “Bao giờ cạn nước cầu Chầy/ Con vua cháu chúa ăn mày khắp nơi/ Dòng sông vừa chảy vừa chơi/ Cầu xin với đất cùng trời thương nhau”(Sông cầu Chầy, Lê Đình Cánh, 1, số 42).

Thời gian nghệ thuật được các nhà thơ hiện nay sử dụng hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy là những cụm từ quen thuộc của thời gian hiện tại nhưng được sàng lọc qua tâm hồn, tâm trạng của nhân vật nên đều trở thành thời gian tâm lý. Cho dù là thời gian hiện tại hay thời gian tâm lý, việc

nhà các nhà thơ vận dụng nhiều mô típ thời gian quen thuộc giúp cho bài thơ mang màu sắc dân gian, tự nhiên và giản dị. Những tình cảm, nỗi niềm trong thơ có khác nhau nhưng chung quy lại vẫn thể hiện cho những cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của con người xưa và nay. Đó là tiếng lòng đối với quê hương, xứ sở, là tình yêu thương giữa con người với con người, hoặc là những ưu tư, trăn trở trước cuộc đời. Theo dòng chảy của thời gian, những nỗi niềm ấy vẫn là cái bình thường của cuộc sống trần thế, thể hiện cho vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.

3.3.2.2. Sự vận dụng không gian nghệ thuật

Quê hương có sự ảnh hưởng lớn đối với sự trưởng thành của con người Việt Nam. Cho dù sống ở đâu, hình bóng quê nhà luôn ẩn hiện trong tâm hồn và ký ức của mỗi người con đất Việt. Không chỉ tồn tại trong tâm thức của mỗi người mà nó còn đi vào trong thơ, nhạc, họa gợi nên những không gian thân thương, gần gũi, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Các nhà thơ hôm nay đã sử dụng ngôn từ tạo nên không gian riêng cho thơ, có cả không gian vật lý và không gian tâm lý. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ mang ý nghĩa tương đối vì không gian vật lý hay tâm lý đều thuộc thế giới tinh thần, nhằm mục đích bày tỏ tình cảm, tâm trạng của nhà thơ.

Với mái đình, cây đa, bến nước, dòng sông, ngõ quê, giếng nước, ao cá, khu vườn ... rất quen thuộc, các nhà thơ đã tạo ra không gian vật lý. Không gian này gợi nên bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt Nam, mộc mạc, đáng yêu, chan chứa nghĩa tình. Ngõ quê là không gian quen thuộc, mang nét riêng của đời sống ở nông thôn vùng Bắc bộ và Trung bộ, ngõ quê uốn lượn mang vẻ đẹp mộc mạc của hồn quê: “Ngõ quê dẫn lối ta về/ Mấy ai không có ngõ quê một thời/ Khi ta chưa có trên đời/ Ngõ quê đã ắp, đầy vơi nỗi niềm”

(Ngõ quê, Huy Trụ, 3, số 21). Không gian vườn quêxuất hiện với mùi hương ổi thoang thoảng trong gió gợi nên cảm giác thân quen, không gian ấy không

chỉ được cảm nhận bằng thính giác, thị giác mà còn bằng cả khứu giác: “Sớm nay trời trở heo may/ Mà hương ổi chẳng dâng đầy vườn quê/ Tuổi thơ lạc bước trên đê/ Gió lạc hương ổi thổi se sắt lòng” (Mùa ổi chín, Hoàng Anh Tuấn, 3, số 8).

Không gian thưở ruộng hoang, đồng lànggợi nên cuộc sống lao động ở thôn quê: “Về cày lại thưở ruộng hoang/ Ngày xưa ai múc trăng vàng đổ đi/

Đồng làng mấy bận thiên di/ Còn hương cỏ mật thơm vì đất đai” (Về đồng, Nguyễn Long, 3, số 20). Ao rau muống trước nhà cũng là không gian bình dị:

“Rồi ta về với mẹ già/ Với ao rau muống ruộng nhà mưa chan”(Tiễn em lên máy bay, Bình Nguyên, 3, số 27). Cây đa, giếng nước vừa là hình ảnh, vừa là không gian quen thuộc, là nơi các nhân vật trữ tình thường gặp gỡ. Cây đa giếng nước xuất nơi làng cổ đã tạo nên một bức tranh đẹp của làng quê: “Đá ong uốn lượn cổng làng/ Cây đa, giếng nước mênh mang sân đình/ Làng quê như một bức tranh/ Đông vui chợ múa nghĩa tình đầy vơi” (Về thăm làng cổ, 3, số 35+36);

Không gian vật lý không chỉ tạo nên bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt Nam mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Trong bài ca dao Hôm qua tát nước đầu đình, đình làng là không gian cộng đồng và cũng là nơi chàng trai lấy cớ mất áo và buông lời tán tỉnh với cô gái: Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em có được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà. Không gian đình làng được các nhà thơ hôm nay khai thác tạo nên nét văn hóa sinh hoạt của cộng đồng. Trong bài thơ “Hồn tết” của Bùi Huy Thắng, bức tranh rộn ràng của cái tết cổ truyền dân tộc diễn ra tại sân đình mang bản sắc văn hóa riêng của người Việt: “Hồn tết ngụ ở hồn quê/ Xứ người đâu có bờ đê cổng làng/ Sân đình lễ hội rộn ràng/ Nhớ người bạn gái nồng nàn sắc xuân” (3, số 30). Không gian sinh hoạt cộng đồng vẫn là nếp sinh hoạt truyền thống của người Việt Nam.

Những đêm chèo diễn ra nơi đình làng luôn thu hút người xem, rất nhộn nhịp, náo nức, làm sống lại nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống có ý nghĩa với đời sống nhân dân lao động: “Tóc ai thoang thoảng hương chanh/ Đêm chèo náo nức sân đình làng ơi” (Lục bát làng, Ánh Tuyết, 3, số 39). Cũng tại không gian mái đình, đôi trai gái hát những câu quan họ tình tứ gợi nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua lời ca tiếng hát, họ trao lời yêu thương:

“Ca dao uốn lượn mái đình/ Cong cong câu hát trao tình cho nhau” (Đêm trăng quan họ, Ngô Thế hiển, 3, số 37).

Trong con mắt của nhà thơ hiện đại, không gian vật lý mang nét văn hóa dân tộc không phải lúc nào cũng tồn tại và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người lao động. Như một sự sáng tạo, Đỗ Quý Bông mượn không gian sân đình để tạo nên một bức tranh văn hóa ảm đạm, thiếu sức sống. Những nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trước đây bị phai nhòa, thậm chí có nguy cơ rơi vào quên lãng nếu con người Việt không biết gìn giữ và tôn tạo. Lời thơ nghe đượm buồn, xót xa cho số phận của những làn điệu dân ca: “Sân đình bến nước lắt lay/ Điệu chèo ngoắc ngoải giữa ngày hội xuân”(Trăng quê, 3, số 42). Trần Quang Hiển thảng thốt khi nhận ra sự lụi tàn của nét đẹp văn hóa truyền thống trong cuộc sống hôm nay. Đã một thời, những chiếc chiếu chèo tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa Việt, nay nét đẹp truyền thống ấy có lẽ chỉ tồn tại trong kí ức: “Còn đâu chiếu rãi sân hè ?/ Đêm trăng bát nước hả hê tiếng cười”(Cò ơi hãy về, 3, số 22).

Nếu không gian vật lý được các nhà thơ khắc họa rõ nét, phảng phất hương vị quê hương và tạo nên đặc trưng của văn hóa Việt thì không gian tâm lý là không gian của tâm tưởng, chứa đựng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Bờ ao trước nhà là không gian cụ thể nhưng được tái tạo qua tâm trạng nhân vật. Bờ ao trở thành không gian của nỗi buồn, là nơi nhân vật đang tuôn trào những giọt nước mắt thương nhớ: “Cầu vồng rực phía chân mây/

Một phần của tài liệu khảo sát sự vận dụng ca dao trong thơ trên báo văn nghệ năm 2009 (Trang 109 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(203 trang)