Sự vận dụng kết cấu của ca dao trong thơ trên báo Văn nghệ năm 2009

Một phần của tài liệu khảo sát sự vận dụng ca dao trong thơ trên báo văn nghệ năm 2009 (Trang 102 - 106)

Chương 3: SỰ VẬN DỤNG THỂ THƠ, KẾT CẤU, THỜI GIAN, KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT CA DAO TRONG THƠ TRÊN BÁO VĂN NGHỆ NĂM 2009

3.2. Sự vận dụng kết cấu

3.2.2. Sự vận dụng kết cấu của ca dao trong thơ trên báo Văn nghệ năm 2009

Bước đầu khảo sát, tác giả thấy, kết cấu đối đáp hai vế và một vế không được vận dụng và không xuất hiện. Dường như, kiểu đối đáp hai vế là “sản phẩm của một thời”, gắn với sinh hoạt hội hè và môi trường diễn xướng nên không phù hợp với đặc trưng của thơ hiện đại.

Sự trùng điệp xuất hiện khá nhiều trong thơ, biểu hiện qua sự những điệp từ, điệp ngữ xuất hiện với tần số cao nhằm mục đích nhấn mạnh hoặc gây ấn tượng mạnh thể hiện dụng ý nghệ thuật nào đó của tác giả. Trong bài

“Một nửa”, từ nửa được lặp lại nhiều lần, kết hợp với những hình ảnh bình dị:

“Lẽ nào dang dở cuộc chơi/ Nửa ly rượu chát, nửa hơi điếu cày/ Nửa sương, nửa gió, nửa cây/ Nửa tình yêu gửi vào mây suối nguồn” (Nguyễn Hoài Nhơn, 3, số 27). Những từ, cụm từ được lặp lại trong thơ tạo nên màu sắc tu

từ, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Người viết cho rằng, mặc dù bài thơ có xuất hiện những điệp từ, điệp ngữ kết hợp mới những hình ảnh quen thuộc nhưng sự trùng điệp trong thơ không vận dụng kết cấu trùng điệp của ca dao.

Vì ngôn ngữ là sản phẩm chung, là chất liệu để tạo nên tác phẩm nên việc lặp lại từ ngữ là điều cần thiết trong sáng tác, không phải là sự bắt chước từ khuôn mẫu.

Ca dao không chỉ là lời ăn tiếng nói hằng ngày của người bình dân xưa mà còn có sự ảnh hưởng trong cách thức sáng tạo thơ ca của người hôm nay.

Các nhà thơ hiện đại vận dụng một vài kiểu kết cấu tạo nên những vần thơ gần gũi, bình dị cuộc sống hằng ngày và mang màu sắc ca dao. Bước đầu khảo sát, người viết nhận thấy, các nhà thơ có vận dụng kết cấu trần thuật và kết cấu công thức của ca dao:

* Kết cấu trần thuật.

Kết cấu trần thuật ca dao thể thường thể hiện ở ngôi thứ nhất, nhân vật là những người gặp cảnh ngộ éo le, bị chà đạp, ngược đãi như người đi ở, những người phụ nữ chịu cảnh ép duyên, làm lẽ … Trong thơ, cách thể hiện này không thấy xuất hiện, nhân vật trữ tình không trực tiếp bày tỏ nỗi niềm riêng theo ngôi kể thứ nhất. Sự vận dụng kết cấu trần thuật ca dao trong thơ thể hiện ở phương thức tự sự, mỗi bài thơ có hẳn cốt truyện, có nhân vật, có sự kiện và diễn biến của sự kiện được kể lại bằng lời thơ theo ngôi thứ 3.

Những số phận của nhân vật trong thơ được xây dựng trở thành hình tượng nghệ thuật trở nên quen thuộc như các nhân vật của ca dao, số phận của họ đầy éo le, ngang trái, đau khổ, dằn vặt và cũng có những khát khao đời thường. Giọng điệu thơ chất chứa nỗi niềm tâm trạng, như lời than thở về số phận. Những số phận của nhân vật trong thơ thường là người phụ nữ, tác giả dành sự ưu ái khi viết về người mẹ, về người chị. Những đức tính tảo tần, sự hi sinh của họ tạc nên những vần thơ đẹp, đầy cảm động.

Trong số đó, hình tượng người chị được nhiều nhà thơ xây dựng thành câu chuyện gây nhiều xúc động và chủ yếu được sáng tác bằng thể lục bát.

Bài thơ “Chị tôi” của Phạm Đức Tường viết về người chị với sự hi sinh thầm lặng, chị đã hi sinh tuổi thanh xuân, vừa làm người mẹ, vừa là người cha nuôi đàn em thơ khôn lớn: “Chị vừa là mẹ là cha/ Gạo đong từng bữa nếp nhà vẫn vui/ Ngọt ngon rau luộc khoai lùi/ Hạt muối mặn thấm một đời chị tôi/ Những ngày lam lũ cút côi/ Bớt phần chị đã vun bồi cho em” (2, số 69). Cũng trong bài “Chị tôi”, Đào Quang Lâm thể hiện tình cảm chân thành, sự tri ân đối với người chị kính yêu, cuộc đời chị là một câu chuyện buồn, “Chị tôi vạt áo nhuộm thâm/ Khi lưng nắng dãi, lúc dầm vai mưa/ Cuốc cày hai buổi sớm trưa”, chị đã từng yêu thương và chờ đợi người yêu trở về, chị đã đợi chờ trong nỗi buồn vô vọng: “Cuối chiều ngồi đếm lá mùa thu rơi/ Người đi khuất núi xa vời/ Bờ sông bên lở chơi vơi một dòng/ Biết rồi! Sao vẫn chờ mong/

Ruột gan bời rối nỗi lòng tơ vương/ Ngắm hình sao mũ người thương”, và người chị tội nghiệp, giàu lòng chung thủy ấy đã đánh mất thời xuân sắc:

“Chị ngồi chải tóc mây vương nắng trời/ Một mình tải nắng ra phơi/ Hong khô kỷ niệm cái thời tóc xanh” (Chị tôi, Đào Quang Lâm, 3, số 37). Nhà thơ Phạm Thế Hưng có cách thể hiện khác, tác giả đã nói thay lời cho số phận người chị gặp cảnh ngộ đắng cay, không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân: “Lén lút chị nhận lời yêu/ Qua đêm chăn ấm là nhiều đắng cay/ Chị tôi ngồi hát chiều nay/ Rau Răm ở lại Cải bay về trời”(Chị tôi, Phạm Thế Hưng, 3, số 23).

Ngoài ra, có không ít bài thơ có nội dung như một câu chuyện kể, không chỉ kể về số phận của con người mà tái hiện nhiều vấn đề trong cuộc sống, câu chuyện được dồn nén rất tự nhiên, có sự khởi đầu và kết thúc theo trình tự thời gian đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Tuy cách xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu của những bài thơ trên mang phong cách

hiện đại nhưng người đọc vẫn thấy được âm hưởng của ca dao. Hòa quyện với những vần thơ lục bát, bài thơ gợi nên những nỗi niềm, những thân phận nhỏ bé. Những vần thơ viết về người chị đầy lòng trắc ẩn, lời thơ trau chuốt, giọng điệu tâm tình tự nhiên, giản dị.

* Kết cấu công thức

Kết cấu công thức là kiểu kết cấu quen thuộc, là chiếc chìa khóa để đi vào khám phá kho tàng ca dao. Kiểu kết cấu này được các nhà thơ hiện đại vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ trong thơ.

Qua khảo sát, 8 bài thơ có vận dụng cặp công thức: ngày xưa- bây giờ, bên ấy - bên này, còn duyên - hết duyên, sống - chết … Tuy những cặp công thức này không xuất hiện liên tục trong một bài thơ mà chỉ nằm rải rác trong các bài thơ nhưng chúng vẫn tạo nên sự quen thuộc, gần gũi. Các nhà thơ kết hợp giữa công thức quen thuộc với hình tượng thơ tạo ra sự tương phản, đối lập giữa các hiện tượng, giữa quá khứ và hiện tại nhằm mục đích bày tỏ những chuỗi tâm trạng, cảm xúc riêng tư trong cuộc sống.

Mượn ý từ câu ca dao: Khi đi bóng hãy còn dài/ Khi về bóng đã nghe ai bóng tròn, nhà thơ Trần Quang Hiển mượn hình ảnh cái bóng đặt trong công thức quen thuộc ngày xưa – bây giờ, không phải thể hiện sự đổi thay như ca dao mà là nỗi niềm hạnh phúc trong tình yêu: “Ngày xưa bóng chếch bên thềm/ Bây giờ bóng đã kề bên nhau rồi” (Cái bóng, Trần Quang Hiển, 3, số 9). Công thức tương phản về không gian bên kia - bên này được nhà thơ vận dụng thể hiện tâm trạng mong chờ của người đang yêu: “Bên kia là nhà của nàng/ Bên này ai đó chờ sang mỗi ngày” (Mơ một người, Phan Anh Tuấn, 2, số 55). Có khi, sự đối lập không gian tạo nên tâm trạng chờ đợi trong niềm khắc khoải, cô đơn: “Bên kia nửa trái đất quay/ Tôi còn một nửa bên này bóng đêm” (Một nửa, Nguyễn Hoài Nhơn, 3, số 27).

Nhà thơ Phạm Thanh Khương vận dụng công thức còn duyên- hết duyên một cách sáng tạo, dễ gây ra sự nhầm lẫn:“Còn duyên say khướt nụ hồng/ Hết duyên bèo dạt người không thấy về”(Hội Lim, 4, số xuân Kỷ Sửu).

Mượn công thức sống - chết và ý của ca dao:Sống thì chẳng cho ăn nào/ Chết thì cúng giỗ mâm cao cổ đầy, nhà thơ Ngô Cang thể hiện một chiều sâu triết lí, ý nghĩa nhân sinh. Khi sống, con người có thể khác nhau nhưng khi chết đi, con người đều giống nhau: “Sống còn phân biệt sang hèn/ Chết đi một nấm đất đen xanh mồ” (Nghĩa trang làng, 2, số 5).

Bên cạnh đó, một số tác giả có vận dụng những công thức như: ta về, bao giờ, ước gì… tạo nên kiểu kết cấu công thức. Đây cũng là những công thức thể hiện sự vận dụng ở phương diện ngôn ngữ đã trình bày ở chương II.

Những công thức này đã làm cho thơ ca trở nên gần gũi hơn với cuộc sống.

Kết cấu là phương tiện cơ bản trong sáng tạo thơ ca, tùy theo nguồn cảm xúc và ý đồ nghệ thuật mà các nhà thơ vận dụng các kết cấu quen thuộc từ ca dao tạo nên những bài thơ mang âm hưởng ca dao, gần gũi và tự nhiên với cuộc sống lao động. Sự vận dụng này không hoàn toàn là sự kế thừa nguyên xi kết cấu ca dao mà có sự biến hóa, tạo nên cho thơ những sự đột biến và cách tân cần thiết, làm cho thơ ca không trở nên xa lạ với công chúng và độc giả.

Một phần của tài liệu khảo sát sự vận dụng ca dao trong thơ trên báo văn nghệ năm 2009 (Trang 102 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(203 trang)