Bi k ịch của sự mất mát

Một phần của tài liệu cảm hứng bi kịch trong văn xuôi việt nam thời kỳ đổi mới (1986 1996) (Trang 33 - 45)

CHƯƠNG 2: CẢM HỨNG BI KỊCH TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM THỜI

2.1. Con người và chiến tranh

2.1.1. Bi k ịch của sự mất mát

Không phải ngẫu nhiên mà văn xuôi thời kì đổi mới nhìn những mất mát của con người từ phía bi kịch. Lịch sử văn học, từ một phương diện nào đó còn là lịch sử nhận thức của con người về thực tại, về quá khứ và về chính mình. Ba chiều nhìn ấy, trong hoàn cảnh Việt Nam sau chiến tranh, đều có thể thấy được những mất mát, những khó khăn, những nhọc nhằn. Nhưng cái chính của văn học không phải là sự phản ánh đơn thuần đời sống, mà chính là ở góc độ nhìn, mức độ nông sâu của cái nhìn về hiện thực. Nếu như văn học trong giai đoạn chiến tranh nhìn những mất mát như là những hi sinh, từ góc độ của yêu cầu giải phóng đất nước, từ lí tưởng anh hùng và chủ nghĩa cộng sản thì văn học thời kì đổi mới trăn trở với góc nhìn khác.

Mất mát trong chiến tranh không trừ một ai, từ phía bên kia và từ phía bên này của cuộc chiến. Con người có khả năng bị mất một phần hoặc mất tất cả: tuổi thơ, với những kỉ niệm đẹp; đời sống bình thường, được yêu, được là mình; gia đình, người thân, bạn bè, người yêu, tình yêu... thân thể và chính cả phần người trong con người mình. Mất mát diễn ra ở mọi thời điểm: trong chiến tranh đã đành, sau chiến tranh mất mát càng hiện hình rõ hơn, nỗi đau càng ngấm vào sâu hơn. Đó là lúc mất mát đã đi vào đời thường, đã vận vào số

34

phận, đã trở thành một cái bóng nhạt nhòa, xiêu vẹo và u ám đeo bám lấy cuộc sống. Nhà văn Chu Lai đã từng viết: “Chiến tranh là một dung dịch mạnh nhỏ xuống số phận con người làm cho cái số phận ấy lên hết màu hết nét” [81]. “Dung dịch” ấy trước hết chính là sự mất mát. Mất mát, theo quan niệm của ông, còn là sự thử thách. Mất mát, với tư cách là một điều kiện thử thách, một mặt, nó làm bộc lộ hết những tính cách, số phận của con người, nó làm cho cái số phận ấy lên hết màu hết nét; nhưng mặt khác, nó nhấn chìm con người trong những bi kịch của nỗi tuyệt vọng. Văn học thời kì đổi mới nhìn nhận những mất mát của con người từ cả hai phía, thử thách và bi kịch.

Công bằng mà nói thì không phải đến văn học thời hiện đại những năm thời kì đổi mới, những mất mát của con người trong chiến tranh mới được nhìn ở phía bi kịch. Chiến tranh, nhìn từ chiều nhân bản, từ bao đời nay, đều gây nên những mất mát, những nỗi đau thầm lặng, dù là chiến tranh phi nghĩa hay chiến tranh vệ quốc. Từ hình ảnh anh lính thú thời xưa “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” đến hình ảnh người chinh phụ bao năm mòn mỏi chờ chồng; từ nỗi oan khuất của nàng Vũ Nương ( Chuyện người con gái Nam Xương) đến hình ảnh người vợ mất chồng trong “cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) đều là những biểu hiện khác nhau về nỗi mất mát mà con người phải chịu trong chiến tranh. Nhưng có thể nói chưa bao giờ văn học Việt Nam lại viết về những mất mát trong chiến tranh với một cái nhìn toàn diện và sâu sắc như lúc này. Đặc biệt, nó lên án chiến tranh, trong việc tập trung miêu tả những mất mát vật chất, với cái nhìn bên ngoài, rõ ràng, cụ thể và những mất mát tinh thần, từ cái nhìn bên trong, cái nhìn về phía tâm hồn, tâm linh, cái nhìn từ bản thể con người. Nó cũng không chỉ nhìn mất mát từ phía chiều rộng, từ không gian và thời gian lịch sử; nó nhìn từ chiều sâu của mối quan hệ người - người. Cái nhìn ấy, vì vậy, vừa thông cảm vừa đau đớn; vừa xót xa vừa trăn trở; vừa ngưỡng vọng vừa ai oán cho những bi kịch của con người.

2.1.1.1. Mất mát của con người trong chiến tranh từ phía bi kịch trước hết là mất đi cuộc sống bình thường. Điều này tưởng chừng như thật đơn giản bởi vì cuộc sống trong chiến tranh có bao giờ là cuộc sống bình thường. Nhưng vấn đề là ở chỗ chính cuộc sống không bình thường này lại là nguyên nhân dẫn đến những bi kịch của con người khi mà con người không được yêu một cách bình thường, không được mơ ước và hi vọng, không được là chính mình... Truyện ngắn Truyền thuyết về quán Tiên (Xuân Thiều) là một lối vào những bi kịch không được sống bình thường ấy. Truyện kể về cuộc sống của ba cô gái Mùi,

35

Phượng và Tuyết Lan trong một cái hang trên tuyến đường Trường Sơn. Ba cô gái là ba cá tính, không hẹn mà chung một cuộc sống trong cái hang nhỏ bé này. Hoàn cảnh chiến tranh đã làm cho họ không được sống và yêu trọn vẹn. Nếu như Mùi phải xa người yêu của mình ngay từ sau ngày cưới thì chiến tranh đã cướp mất đi người yêu của Phượng, một nỗi mất mát triền miên và một nỗi mất mát đột ngột. Tuyết Lan là một trường hợp khác. Là một cô gái thanh xuân đầy sức sống nhưng không được sống thực với chính mình, với con người thật của bản thân mình nên cô đã bị mắc chứng uất, một chứng bệnh thất tình quá độ làm tâm thần rối loạn. Tác phẩm nêu ra ba trường hợp của những mất mát trong tình cảm, tình yêu như là ba cung điệu buồn trong bản hòa tấu hùng tráng của cuộc kháng chiến. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và đi đến ngày toàn thắng, nhưng nó đã bỏ lại đằng sau những hoàn cảnh của cá nhân. Điều đáng chú ý là tác phẩm này không hoàn toàn nói về tình yêu, cung bậc tình cảm cao nhất của lứa đôi mà nó đề cập một phương diện rộng lớn và sâu sắc hơn: sự cô đơn và mất cân bằng trong tình cảm của con người. Bi kịch của Mùi không xuất phát từ mất mát tình yêu, nói đúng hơn là không hoàn toàn từ tình yêu. Dù có vô vọng trong đợi chờ, nhưng chị vẫn vững vàng. Có một điều sâu sắc và thấm thìa hơn, đó là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn còn khủng khiếp hơn sự thiếu vắng tình yêu. Vì sợ cô đơn mà con người cần đến tình cảm, vì thấy sự tồn tại của mình là hữu hạn nên con người cần đến sự gắn kết, chia sẻ. Chia sẻ và trống vắng, tình yêu và nỗi cô đơn luôn là những thái cực làm trăn trở con người. Cái đêm mà Mùi cảm thấy mình không thể vững vàng được nữa là lúc Mùi chỉ còn một mình, một mình với cái ý nghĩa chân thực và sâu sắc nhất của nó. Nhà văn đã đi rất sâu vào diễn biến tâm lí của Mùi lúc này. “Đêm hôm ấy, trời lại đổ cơn mưa. Mưa loi thoi ở trong rừng, tiếng mưa đổ từ nhiều tầng lá xuống nghe nặng nề. Vốn đã sợ giấc ngủ, đêm ấy, Mùi càng sợ hơn. Nằm xuống sạp, cảm thấy chống chếnh” [132, tr.156]. Từ cảm giác “chống chếnh”

đến những suy nghĩ về cái chết, về sự chia li, về tình yêu đã dẫn Mùi vào những giấc mơ, những khao khát trong tiềm thức mà đời sống thường nhật của chiến tranh đã vùi lấp nó.

Mùi đã mơ thấy Hân, niềm vui rạo rực trong giấc mơ và nỗi sợ hãi khi tỉnh giấc là một sự soi chiếu nhiều chiều vào nỗi cô đơn, giữa vô thức và tỉnh thức. “Lúc này Mùi mới thấm đậm hết nỗi cô đơn của mình. Cô chỉ là một thực thể nhỏ bé mà phải chống chọi với bao nhiêu nỗi niềm uy hiếp.... Nỗi niềm tràn đầy như một thứ chất lỏng trong lòng muốn san sẻ cùng ai mà bốn bề chỉ nín thinh”, “Lúc này Mùi cần có người, dẫu Thiệt không nghe thấy gì. Được nắm một bàn tay là biết mình không còn cô đơn” [132, tr.158]. Bi kịch của Mùi là bi kịch của một đời sống tình cảm không được sống và sẻ chia một cách bình thường. Đề

36

cập đến điều này một cách sâu sắc và tinh tế, tác phẩm tỏ ra thấu hiểu con người ở chiều sâu nhân bản. Nhà văn thông cảm và chia sẻ những giây phút con người trở về là chính mình, ở phương diện bản thể.

2.1.1.2. Trong chiến tranh, bên cạnh sự mất mát đời sống bình thường của con người là sự mất mát những gì thiết yếu nhất liên quan đến con người. Đó là thân xác, là một phần không thể thiếu của con người. Đành rằng những con người đi ra từ chiến tranh thường không bao giờ trở về lành lặn, nhưng bên cạnh những nỗi đau đớn về cơ thể mà họ đã trải qua trong chiến tranh còn có những tổn thất về tinh thần như là hệ quả sự không còn toàn vẹn.

Vấn đề thân xác của con người không phải là vấn đề mới mẻ đối với văn học, cả trong văn học Việt Nam, nền văn học một thời trong quá khứ (Lí - Trần) từng coi thân xác là nơi trú ẩn tạm bợ của con người trong cõi trần gian. Nhưng bi kịch của con người xuất phát từ sự không toàn vẹn hoặc mất mát về thân xác thì ít được đề cập đến. Bi kịch tình yêu đến từ sự không hoàn mĩ về ngoại hình trong truyện Trương Chi có lẽ là sự đề cập trên phương diện nhân bản đầu tiên trong văn học Việt Nam về phương diện thân xác cua con người.

Những sự quan tâm đến bi kịch không toàn vẹn, hoàn mỹ ấy về thân xác không còn được chú ý nữa trong văn học những giai đoạn sau. Ngoại hình không còn được là một con người của Chí Phèo chỉ là dấu hiệu của sự tha hóa về bản chất chứ không phải là nguyên nhân gây nên bi kịch cho Chí. Có lẽ truyền thống văn hóa của người phương Đông vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho - Phật - Đạo, không xem thân xác như là một phần của thuộc tính con người.

Văn học trong chiến tranh cũng đề cập đến những mất mát, những thương tích về cơ thể, nhưng ở chiều kích đó là những hi sinh, những nỗi đau chuyển hóa thành lòng căm thù.

Đó là mất mát trong cái mất mát lớn lao của đất nước. Mất mát của chị Lý trong Người con gái Việt Nam được soi rọi dưới ánh sáng của lí tưởng và tình yêu đất nước. Đó là những hi sinh cao cả, anh hùng Tố Hữu đã ca ngợi sự hi sinh ấy “Từ cõi chết em trở về chói lọi, Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi, Em trở về, người con gái quang vinh, Cả nước ôm em, khúc ruột của mình”. Lúc này, con người cá nhân không được nghĩ về những mất mát ấy như là những nỗi đau của chính mình, cho mình, và chỉ mình. Chỉ đến thời kì đổi mới những mất mát về thể xác trong chiến tranh mới được đề cập đến trong quan hệ với con người, với

37

chiều kích bản thể của con người. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ở đây chính là cảm hứng về hiện thực, cái nhìn về hiện thực.

Mất mát về thân xác trong chiến tranh được những tác phẩm văn xuôi thời kì đổi mới đề cập đến trên nhiều phương diện nhưng nổi bật nhất là hai phương diện: phương diện thẩm mĩ của cơ thể và phương diện thực hiện thiên chức của người chồng, người vợ. Điều đáng chú ý là cả hai phương diện mất mát trên đều liên quan đến hạnh phúc của con người, đều gây ra những bi kịch.

Bến không chồng của Dương Hướng có lẽ là tác phẩm chú ý thể hiện cả hai phương diện này của nỗi mất mát. Thành trở về với những dấu vết của “bom cháy bỏng toàn thân, mặt sần sùi rộp lên đỏ lừ” [69, tr.158]. Cô gái có tình cảm với anh, cô gái mà anh thương mến “thấy anh ấy hoàn toàn xa lạ, xa lạ tới mức đáng sợ. Gương mặt anh ấy ám ảnh em cả trong giấc mơ” [69, tr.160]. Bi kịch không phải đến với Thành, nói đúng hơn, không chỉ đến với anh, khi bị từ chối tình cảm. Bi kịch còn đến với chính người đã từ chối tình cảm ấy. Cô đã hầu như không thể xem anh như là người đàn ông, như một con người bình thường được nữa. “Em nhìn vào gương mặt anh ấy và bỗng thấy mọi sự đều tan biến đổ vỡ hết. Em nhận rõ là mình không yêu anh ấy, em không thể yêu anh ấy” [69, tr.161]. Cô đau đớn và hầu như không thể hiểu nổi mình. Tình yêu cần sự chân thật, sự chân thật của cô là một cách cô tôn trọng Thành và tôn trọng mình, dẫu rằng tất cả mọi người đều trách cô.

Nhưng gây nên nhiều nỗi đau đớn cho con người nhất là những mất mát về thể xác ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm chồng, làm vợ. Ở đây, văn học thời kì đổi mới tỏ ra có sự cảm thông đặc biệt với thân phận người phụ nữ. Nhân vật Quy trong Chim én bay là một trường hợp trong biết bao trường hợp khác mà người phụ nữ phải gánh chịu khi tham gia vào cuộc chiến. Chị đã không còn khả năng làm vợ, làm mẹ nữa. Và có lẽ cũng chính vì mất mát ấy mà người chị thương yêu đã không thể gắn bó đời mình với chị. Chị đã chủ động cắt đứt tình cảm mà suốt cuộc đời mình, chị đã không thôi ao ước ấy. Chị nói lời chia tay mà

“cảm thấy có một cái gì đấy đang đứt rời ra trong cơ thể của mình” [56, tr.19]. Nỗi đau mất mát thể xác giờ đây lại tạo nên nỗi đau về tình yêu, hai phương diện mà bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ đau khổ tột cùng nếu đánh mất nó.

Trong nỗi đau mất mát này, dẫu có lúc không phải là những mất mát từ phía họ, những người phụ nữ vẫn là những người chịu nhiều nỗi buồn hơn cả. Di chứng của vết thương chiến tranh không chỉ gây nên nhiều nỗi đau khổ cho Nghĩa (Bến không chồng - Dương

38

Hướng) mà còn cho những người phụ nữ mà anh gắn kết, yêu thương. Trước hết là với Hạnh. Không ai có thể nghĩ rằng cuộc tình duyên gắn bó và sâu sắc dường ấy, cuộc tình bất chấp dư luận để tiến đến với nhau, lại có thể tan vỡ vì những di chứng của chiến tranh. Hạnh đã nhận lấy phần đau khổ cho riêng mình, dù cuối cùng, lỗi không phải ở chính cô. Giữa hai người không có một đứa con là hậu quả của mất mát về thể xác mà chiến tranh đã gây nên cho Nghĩa. Nghĩa đã đến với Thủy, số phận cứ đẩy những con người ấy theo những lối rẽ chẳng ai ngờ. Và Thúy cũng không thể có con với Nghĩa. “Nghĩa thấy rùng mình như có một mũi kim đâm nhói vào tim. Anh cảm nhận thấy mình có tội với Hạnh, có tội với Thủy”

[69, tr.300].

Nỗi đau chiến tranh thực sự là một sự tác động ghê gớm và sâu sắc trên toàn bộ đời sống con người. Người ra trận và người chờ đợi ở hậu phương. Người đàn ông và người mẹ, người vợ. Nó trải rộng khắp không gian của cuộc sống, nó đi sâu vào tiềm thức, vào những giấc mơ, nó lan ra chiều dài của số phận, nó ám ảnh, đeo bám suốt cuộc đời con người. Mất mát về thể xác, vì vậy, chỉ là tiền đề cho những mất mát lớn hơn, cho nỗi đau tinh thần dai dẳng và sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả của Bến khống chồng xây dựng nên hai chiều nhìn trái ngược về cuộc sống của Nghĩa sau chiến tranh. Đó trước hết là một ông thiếu tá, huân huy chương, chiến công và oanh liệt, không phải ai cũng làm được (“khó nhất là phấn đấu được hai cái gạch trên ve áo kia mới khó”, lời của Biền), nhưng đằng sau là cả một nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng lớn lao. Có thể nhận ra một sự chuyển biến sâu sắc và tinh tế trong cách xây dựng hình tượng con người suốt chiều dài của tác phẩm. Mở đầu truyện là hình ảnh của Nguyễn Vạn trở về trong hiên ngang và tự hào (“đố ai còn dám coi thường Nguyễn Vạn: Hãy cứ nhìn những tấm huân chương rung rinh lấp lánh trên ngực Vạn...” [69, tr.5]), nhưng cuối truyện con người ấy phải tự vẫn trong đau đớn; hình ảnh hiên ngang trở về của Nghĩa đi liền với sự thất vọng ngay sau đêm gặp Hạnh. Tác phẩm đặt gần nhau những hình ảnh về con người, con người của cuộc chiến và con người của con người, của những ước vọng và dự kiến không thể thiếu đã quy định bản thân nó. Trong khi đề cập đến nỗi mất mát ở chiều kích bản thể ấy, văn học thời kì đổi mới đã thực sự chạm vào những chiều cạnh vấn đề mang tính triết lí về con người. Con người luôn muốn vượt lên bản chất sinh học thể xác của mình, nhưng không thể tồn tại trong sự không toàn vẹn của nó. Nó cho thấy con người dễ tổn thương biết bao nhiêu. Những lí tưởng lớn lao, những chiến công thần thánh, những địa vị chức tước không thể ngăn con người đối diện với chính bản thân mình, trong nỗi đau mất mát của nó.

Một phần của tài liệu cảm hứng bi kịch trong văn xuôi việt nam thời kỳ đổi mới (1986 1996) (Trang 33 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)