Nhân v ật tự vấn

Một phần của tài liệu cảm hứng bi kịch trong văn xuôi việt nam thời kỳ đổi mới (1986 1996) (Trang 87 - 90)

CHƯƠNG 2: CẢM HỨNG BI KỊCH TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM THỜI

3.2. Ngh ệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.4. Nhân v ật tự vấn

Những nhân vật bi kịch thường có sự tự vấn, tức là tự nhận thức, tự phân tích, nhận xét mình, đối diện với lương tâm của chính mình. Dạng nhân vật này luôn có sự băn khoăn, trăn trở, day dứt trước hành động của mình. Đó là sự trăn trở của những nhân cách luôn khao khát hoàn thiện mình để hướng tới một lẽ sống cao đẹp hơn. Những tâm trạng ấy được thể hiện qua nhiều hình thức: đối thoại, đối thoại ngầm, độc thoại nội tâm... Bằng những thủ pháp ấy, các nhà văn đã đi sâu tìm hiểu “cái con người ở bên trong con người” của nhân vật (Bakhtin).

Nhân vật Kiên luôn bị nhấn chìm trong những tâm trạng đối nghịch, liên tục suy tư cật vấn lương tâm. Ngoài hình thức độc thoại nội tâm quen thuộc theo dòng ký ức, những ám ảnh, giấc mơ..., nhân vật này thường xuyên cật vấn mình bằng hình thức đối thoại: đối thoại với người khác, đối thoại ngầm với chính mình.Đây là một trường hợp rất đặc biệt về mặt thủ pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết của Bảo Ninh. Có thể liệt kê một số trong hàng loạt những câu hỏi mang tính đối thoại ngầm thể hiện những đau buồn, dằn vặt đầy bi kịch của nhân vật Kiên từ quyển tiểu thuyết này:

- “Có thể là từ rày cuộc đời anh sẽ luôn luôn như thế này chăng: tối tăm, đau khổ nhưng rạng ngời hạnh phúc?” [112, tr.46]

- “Đến bây giờ, đến lúc này đây, bạn hãy xem thực chất quanh ta có gì khác hơn ngoài cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến?” [112, tr.50]

- “Cứ nói rằng số phận không cho một lời mách bảo nào sau khi chiến tranh kết thúc, song cái đêm đầu tiên ấy chẳng là lời mách bảo hay sao? Nhưng cả anh và cả Phương đều đã cưỡng lại. Để làm gì cơ chứ?” [112, tr.87].

88

- “Không biết rằng đến nay, sau bấy nhiêu năm sống bình yên, lòng Phán đã nguôi được hay chưa nỗi dằn vặt? Cái người ngồi chết trong hố nước có còn ngoi ngóp nổi lên trong tâm trí anh?- Kiên vẫn thường hỏi vậy như là tự hỏi mình” [112, tr.98].

- “Thương Phương, lòng anh se lại... Sau khi bị sa sút vì chiến tranh, một con người có thể tạo dựng lại cơ nghiệp, có thể phục hồi lại mức sống hồi trước, nhưng những tài sản tinh thần, nhưng giá trị tinh tế của đời sống nội tâm một khi đã đánh sập, bị đứt khúc ra thì ai là người có được cơ hội lần về với thuở ban đầu?” [112, tr.240].

- “Bây giờ, đâu rồi tất cả? Và từ bấy đến nay, ngọn gió phũ phàng nào đã thổi trên thế giới này?” [112, tr.241].v.v...

Những tự vấn của nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh là những tự vấn của con người về cuộc sống của chính nó trước, trong và sau chiến tranh. Đó là sự đặt để tồn tại của mình trong những không - thời gian khác nhau, qua những sự kiện khác nhau, quá khứ và hiện tại, để soi tỏ mình hơn, nhận thức rõ mình hơn. Đó là những tự vấn mang màu sắc siêu hình, những tự vấn về tồn tại của con người, trong quá khứ và trong hoài niệm.

Chị Quy trong Chim én bay cũng là một kiểu nhân vật tự vấn. Trong và sau chiến tranh, chị không hề làm điều gì trái với lương tâm của mình. Nhưng vì chị là một con người đa cảm, đa mang, đầy nhân hậu nên mỗi một hành động, chị đều cân nhắc, đắn đo, day dứt.

Khi giáp mặt với kẻ thù đã giết chết cả gia đình mình, lòng chị sôi lên nỗi căm hờn, nhưng khi thấy nó bồng trên tay đứa trẻ, chị lại lúng túng, băn khoăn, day dứt “Nếu như lúc đó, chị cứ nhắm mắt nổ súng thì có thể đã chấm dứt được bao nhiêu đau đớn trong cuộc đời chị.

Nhưng chị sẽ bị giày vò, sẽ không thể yên ổn khi nghĩ tới thằng bé. Nó không hề có tội, tại sao chị lại nhằm bắn vào nó? Cái khoảnh khắc trớ trêu, không lường trước ấy đã dắt theo bao nỗi bất hạnh mà cho đến bây giờ chị vẫn phải gánh chịu một cách cay đắng” [56, tr.50].

Khi không giết được tên giám Tuân, vợ tên giám Tuân kêu hét lên bảo chị: “Chạy đi, chạy đi!”. Hành động ấy của vợ kẻ thù đã luôn theo chị trong suốt những năm dài sau chiến tranh khiến Quy luôn tự vấn chính mình: “Chị thấy lạ vì tại sao chị vợ thằng giám Tuân lại giục chị chạy mà không la hét kêu bọn dân vệ tới bắt chị. Cái tiếng thét “Chạy đi” ấy cứ vang lên mãi, day dứt, nhức nhối trong đầu chị” [56, tr.51]. Cũng chính vì hành động ấy của vợ giám Tuân khiến lòng Quy không thanh thản trong những năm sau chiến tranh khi nghĩ về vợ con những tên ác ôn bị chị giết năm xưa. Nguyễn Trí Huân đã đi sâu vào nội tâm nhân vật bằng giọng văn đầy trăn trở: “Có thể nói không quá rằng, chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì

89

cần thiết nhất cho một đời sống bình thường của chị. Lẽ ra chị có thể hoàn toàn thanh thản trước quá khứ. Nhưng không hiểu sao chị lại trăn trở, bức xúc muốn tìm lại nhà những thằng ác ôn bị chị giết hơn mười năm trước? Cái gì đã thúc đẩy chị? Chị không giải thích được. Mặc dù ngay lúc này đây, nếu phải sống lại những năm tháng cũ, chắc chắn chị sẽ vẫn sống như thế. Chị không thể làm khác vì đó là sinh mệnh, là sự còn mất của cả quê hương chị” [56, tr.20].

Nhân vật Lực (Cỏ lau) luôn mang mặc cảm mình là con người của chiến tranh, bị chiến tranh làm cho “hư đi” bởi một chút ích kỉ nhỏ nhen mà anh đã đẩy người chiến sĩ liên lạc của mình đi vào chỗ chết, đã quyết định sám hối trước Phi Phi- người yêu của anh chiến sĩ, sẵn sàng chấp nhận cơn giận dữ của cô mà lương tâm đỡ ray rứt hơn. Có thể nói, đối với những nhân vật hay tự nhận thức, tự vấn như Quy, như Kiên, Lực, chiến tranh đã được nhìn nhận từ tinh thần nhân văn, trong trách nhiệm đối với cuộc đời.

Các nhân vật trong Hài kịch cuối đời (Dạ Ngân), Bất hạnh của tài hoa (Đặng Thư Cưu) được nhà văn nhường cho cái quyền tự lên án, tự biện hộ, tự buộc tội và phán xét chính mình. Vì không đủ tiền lo cho đám tang của mẹ mình nên hai Kiên, vốn là một người lính, luôn giữ được phẩm chất cách mạng để làm gương sáng cho vợ con trong nhà, giờ đây lại đánh cắp tiền của cơ quan gởi người thư ký đi phúng điếu mẹ mình. Nếu là một người xấu thì ông không có gì phải xấu hổ. Đằng này, ông là một người có lương tâm nên lương tâm của ông không thể tha thứ cho hành động ấy của mình. Kể từ giờ phút ấy, tác giả để cho nhân vật luôn sống trong tâm trạng đau khổ, dằn vặt: “Ông đặt bàn tay nhớp nháp lên vai anh thư ký thay lời cảm ơn và không nói gì, càng kkông dám đối diện với anh lâu hơn.

Lương tâm của ông đang làm việc. Mấy ngày tang chế è ạch cũng qua. Cũng đã đến cái việc cuối cùng của mọi thứ đám, kể cả đám ma. Cô em gái ông lại mở cuốn sổ nhỏ và cuối cùng công bố hoàn lại phần nửa số tiền ông đã góp vào, oái oăm thay, đó là con số mà ông rút từ cái tép không phải của mình. Ông lại vã mồ hôi lạnh khi chợt nghĩ biết đâu chẳng có vong linh má ông trong chuyện này” [96, tr.348].

Nhân vật người chồng trong Bất hạnh của tài hoa của Đặng Thư Cưu vốn là một nghệ nhân làm mặt nạ. Nhưng công việc này đã làm vợ anh không thích vì nó chẳng tạo cho cô và anh một cuộc sống dễ thở hơn về vật chất. Và để thuận lợi cho công việc giao tiếp làm ăn của vợ mình, anh phải đóng vai làm anh trai của vợ. Anh đau khổ vì đã tự đánh mất chính mình, không được sống thật với chính mình, dẫu hành động ấy là để làm hài lòng vợ anh:

90

“...anh không có quyền sống với con người thật của mình được nữa. Anh là một nhân viên khiêm tốn, lễ độ với người bạn nối khố mà anh từng đùm bọc ngày trước. Anh là người anh trai ít nói, hiền hậu đối với người vợ thân yêu. Anh phải mang những chiếc mặt nạ” [18, tr.97]. Điều quan trọng là anh luôn trong một tâm thế đau khổ, tự vấn chính hành động nhu nhược của mình. Anh hành động chiều theo ý vợ, và anh cảm thấy chính hành động đó làm anh đánh mất chính anh. Tự vấn chính mình ở đây không chỉ thể hiện qua suy nghĩ mà còn qua hành động, anh trốn vào trong cái mặt nạ không còn là một con người cụ thể, “mặt nạ không mắt, mũi, miệng”. Đó là sự tự vấn, tự nhận thức đắng cay và chua chát về mình.

Nhân vật tự vấn, xét trong tính chức năng của nó, là điều kiện tồn tại cho nội dung bi kịch. Không thể có nội dung bi kịch sâu sắc nếu con người không ngừng suy tư về nó, tự vấn về nó, nhận thức về nó. Nhân vật tự vấn cũng là một điều kiện cho sự phát triển của tư duy văn học. Nhà văn đã trao cho nhân vật vai trò độc lập cũng như khả năng nhận thức, tra vấn về mình. Nó cũng làm cho sự thể hiện nội dung được sâu sắc và phong phú hơn.

Một phần của tài liệu cảm hứng bi kịch trong văn xuôi việt nam thời kỳ đổi mới (1986 1996) (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)