Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC LÃNH THỔ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CHÈ TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
3.2. Các giải pháp thực hiện
3.2.2. Giải pháp về chọn giống; kỹ thuật canh tác và chế biến chè
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn tạo các giống tại chè từ vật liệu sẵn có để đưa ra các giống chè có năng suất cao, phẩm chất tốt, thích nghi với điều kiện địa phương; mở rộng diện tích chè cành chất lượng cao theo định hướng của rà soát quy hoạch, đồng thời tiếp tục nhập nội một số giống chè có chất lượng cao để làm vật liệu chọn tạo, khảo nghiệm nhằm làm phong phú tập đoàn giống chè có chất lượng cao, giá trị hàng hoá lớn, tiếp tục hỗ trợ chương trình trợ giá cây giống cho nông dân để phát triển ổn định vùng nguyên liệu chè.
Chọn những giống chè có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích ứng mạnh với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Chọn giống chất lượng cao, phù hợp hợp với công nghệ chế biến hiện tại của địa phương và phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Giống chủ yếu phải được nhân vô tính theo biện pháp giâm cành.
Phải được trồng theo quy trình trồng trọt tiên tiến, thâm canh cao theo xu hướng tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm sử dụng phân hoá học và thuocs bảo vệ thực vật, chịu được sâu bệnh tốt…
Trong những năm tới, ngành chè cần cấm tuyệt đối nhân giống bằng chè hạt, bằng các giống cũ, lẫn tạp. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để đầu tư vườn chè với giống mới, giống tốt cùng thiết bị công nghệ mới, góp phần phát triển ngành chè.
Nhân nhanh các giống có năng suất và chất lượng tốt như: 777, LP1, LP2, TR1777, Shan, LĐ97… Ngoài ra, tiếp tục nhập các giống chè của các nước có điều kiện sinh thái gần giống với Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, SriLanka, Nhật Bản.... Nhưng cũng cần chú ý đến đặc điểm sinh thái của từng loại
giống để bố trí trồng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất như:
Giống Yabukita của Nhật Bản nên trồng ở những vùng ẩm, có độ cao dưới 800 m.
Giống Ôlong, Kim Huyền, Ngọc Thuý, Văn Xương của Đài Loan có thể trồng đại chè, nhưng thích hợp nhất vẫn là những vùng cao.
Giống Bát Tiên của Trung Quốc, rất thích hợp với vùng đất ẩm và cao nhưng vẫn phát huy hiệu quả khá ở vùng trung du.
Bốn giống chè mới của vùng Assam, Darjeeling Ấn Độ có thể trồng đại chè ở các vùng khác nhau.
Bên cạnh các chương trình trợ giá giống cây trồng, chính sách hỗ trợ của nhà nước sự phát triển nhanh diện tích các giống chè cành cao sản, các giống chè cành chất lượng cao trong những năm qua có sự đóng góp của quá trình chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật; đặc biệt là kỹ thuật nhân giống chè cành, chè ghép.
Bên cạnh chuyển đổi giống chè, nông dân còn mạnh dạn đầu tư sản xuất chè theo hướng nâng cao chất lượng (theo tiêu chuẩn GAP). Tại Bảo Lộc, nhiều hộ nông dân đã đăng ký vào mô hình trồng chè Viet GAP và 1 hộ với 50 ha sản xuất chè theo hướng Global GAP.
Có nhiều biện pháp làm tăng năng suất phẩm chất chè:
+ Xác định được đất và vùng trồng thích hợp.
+ Chọn được những giống chè tốt có năng suất cao.
+ Thâm canh ngay từ đầu, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật.
+ Tăng lứa hái, hái đúng quy cách.
+ Vận dụng tốt các loại chè có thể thu hái.
+ Cải tiến công cụ sản xuất, mở rộng việc sử dụng cơ giới hóa.
+ Hợp lý hóa các quy trình sản xuất trong phạm vi cho phép.
+ Hợp lý hóa các quá trình lao động sản xuất, kết hợp làm một việc có tác động đến nhiều khâu, chia nhỏ các công đoạn sản xuất, thực hiện chuyên môn hóa cao và hợp tác.
+ Cải tiến thao tác và phương pháp làm việc.
+ Bồi dưỡng trình độ kỹ thuật, kỹ năng và ý thức trách nhiệm cho người lao động.
+ Cải thiện đời sống và áp dụng các hình thức tiền lương tiền thưởng đúng mức.
- Để đưa được giống mới vào sản xuất đại chè, theo tôi cần chú trọng đến những vấn đề sau đây:
Xây dựng vùng nguyên liệu chè tập trung có năng suất, chất lượng cao và ổn định theo hướng chuyên môn hóa nhằm mục tiêu là cải tạo vườn chè hạt thay thế bằng các giống chè có chất lượng cao trên diện tích đất quy hoạch mới, có đủ độ ẩm, khả năng tưới nước. Trên cơ sở đó đảm bảo yêu cầu nguyên liệu đáp ứng cho công nghiệp chế biến chè và đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng cao.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết chương trình nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2000 - 2010, rà soát quy hoạch đến năm 2020, ổn định diện tích chè khoảng 26.000, trong đó diện tích chè áp dụng công nghệ cao chiếm 50%, tương đương 13.000 ha áp dụng công nghệ giống mới, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch, trong diện tích chè chất lượng cao chiếm 30% diện tích chè ứng dụng công nghệ cao khoảng 4.000 ha, trên cơ sở rà soát quy hoạch cần có giải pháp quản lý tránh để nông dân tự chuyển đổi cây trồng tự phát như những năm gần đây.
3.2.2.2. Giải pháp về kỹ thuật canh tác
Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp cho từng giống chè, từng vùng sinh thái. Đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, vật tư nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất chè nguyên liệu trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chuyển dần tập quán bón phân tỷ trọng vô cơ cao sang phương thức canh tác hữu cơ bền vững, quản lý dịch hại tổng hợp.
Tăng cường công tác khuyến nông về kỹ thuật canh tác chè an toàn, chè hữu cơ để mở rộng diện tích chè an toàn, gắn với công nghệ chế biến phù hợp và tăng cường công tác nghiên cứu, khảo nghiệm xác định các loại thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ tốt các loại sâu bệnh hại chè, đồng thời không để lại dư lượng, hoặc dư lượng ở dưới ngưỡng cho phép trong sản phẩm theo quy định.
Tập trung chuyển giao sản xuất đại chè quy trình quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV an toàn, nghiên cứu sự ảnh hưởng của kim loại nặng đối với chè, đặc biệt là quy trình quản lý sản xuất chè an toàn, nhằm đáp ứng các Hiệp định TBT và hiệp định SPS trong quá trình hội nhập WTO.
Việc đầu tư mạnh cho thâm canh là rất cần thiết và cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
Đảm bảo đồng đều trên diện tích thâm canh. Đối với những vườn chè già cỗi không có khả năng phục hồi thì phải phá bỏ để trồng mới hoặc chuyển sang cây khác có hiệu quả hơn. Những diện tích có khả năng phục hồi thì đốn, trồng dặm và tập trung chăm sóc, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo năng suất.
Đối với diện tích trồng mới, cần đầu tư giống mới có năng suất, chất lượng cao, đã được tuyển chọn; ứng dụng các biện pháp tiên tiến như trồng chè bằng giâm cành và những kỹ thuật chăm sóc tiến bộ.
Tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh tổng hợp, hướng dẫn các hộ gia đình làm tủ cỏ, tủ chè lá già cỗi vào gốc chè để tăng độ mùn cho đất và giữ ẩm, giữ ấm cho chè vụ đông.
Thực hiện sử dụng phân khoáng cân đối, đa yếu tố (hỗn hợp, phức hợp) trên nền phân hữu cơ đầy đủ để vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cao, an toàn thực phẩm và hiệu quả cao trên cơ sở hiệu suất sử dụng phân bón cao.
Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa học trên chè. Đẩy mạnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng các chế phẩm thảo mộc. Tuyệt đối không sử dụng thuốc cấm, thuốc có tàn dư nhiều ngày, tuân thủ thật tốt thời gian cách ly cần thiết khi thu hái chè.
Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chè, cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thu hoạch, xử lý, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện các quy trình trồng, chế biến sạch theo các tiêu chuẩn như Global Gap, VietGap…
Chú trọng đầu tư công nghệ tưới chè, đặc biệt là công nghệ tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân và tưới nước trong mùa khô sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả vườn chè.
3.2.2.3. Giải pháp chế biến
Đầu tư xây dựng mới một số nhà máy chế biến với công suất vừa và nhỏ tại các vùng nguyên liệu chưa có hoặc thiế u năng lực chế biến. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu.
Quản lý chặt chẽ quy trình công nghệ, chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến chủ động nguồn nguyên liệu. Tạo mối quan hệ bình đẳng giữa giá mua và chất lượng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất chè chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường tiến tới mối quan hệ ổn định lâu dài “người trồng chè làm ra nguyên liệu tốt, an tâm đầu ra, người chế biến an tâm khai thác thị trường”.
Đầu tư hoàn thiện các thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và công nhân với quy mô hợp lý, đáp ứng yêu cầu tạo sản phẩm chuẩn xác theo yêu cầu thị trường. Tăng cường thiết bị hiện đại kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành nhằm từng bước làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm. Xây dựng và mở rộng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (ISO), về phân tích rủi ro bằng phân tích tới hạn (HACCP), về ISO 22000 cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm và về quản lý môi trường (ISO 14001) để xuất khẩu chè có xuất xứ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp cần tổ chức đào tạo và đào tạo lại nghiệp vụ và tay nghề cho cán bộ công nhân viên để đáp ứng đòi hỏi hiện nay và chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp phát triển của của các doanh nghiệp Lâm Đồng.
Các doanh nghiệp chế biến từ chè búp tươi nhất thiết phải có vùng nguyên liệu cụ thể của mình. Có thể doanh nghiệp tự trồng kết hợp mua của nông dân, có thể
100% mua của nông dân nhưng vùng chè của nông dân phải được địa phương quy hoạch, giao cho doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và thu mua sản phẩm.
Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ và sửa chữa lớn các công trình cần thiết, định hướng sâu hơn mối quan hệ khép kín: Giống - Công nghệ - Thị trường tiêu thụ, bảo đảm tính đồng bộ trong sản xuất của các công ty cổ phần, phấn đấu sử dụng hết công suất chế biến của tất cả các doanh nghiệp, các công ty cổ phần cần chú trọng hơn về chuyển đổi giống mới và thâm canh.
Đầu tư xây dựng mới một số nhà máy chế biến với công suất vừa và nhỏ tại các vùng nguyên liệu chưa có hoặc thiếu năng lực chế biến, đặc biệt là huyện Bảo Lâm, gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Xác định cơ cấu chè thành phẩm có tính chiến lược; Chè xanh 45 - 50%; chè Ô long 15 - 20%; chè đen 35 - 40% (trong đó chè OTD 5 - 10%, chè CTC chiếm 25 - 30%), đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ chè, áp dụng công nghệ chiết suất các hoạt chất có tính sinh học cao để phát huy tổng hợp hiệu quả cây chè như công nghệ chiết xuất EPIGALLOCATECHIN GALLATE (EGCG).
Gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến chủ động nguồn nguyên liệu hoặc tạo vùng nguyên liệu ổn định với nông dân, tạo mối quan hệ bình đẳng giữa giá mua và chất lượng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất chè chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường tiến tới hình thành các liên minh sản xuất mối quan hệ ổn định lâu dài giữa người trồng trọt, chế biến và tiêu thụ chè.
Tăng cường thiết bị hiện đạt kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành nhằm từng bước làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm, hiện nay Lâm Đồng đã xây dựng xong Trung tâm kiểm định nông sản tại thành phố Bảo Lộc là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chè phân tích chất lượng chè tại địa phương. Tập trung chỉ đạo sản xuất chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GLOBALGAP, các sở sản xuất chè phải nâng cao năng lực quản lý đạt tiêu chuẩn ISO 9000, HACCP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập WTO, có giải pháp khai thác mạnh thương hiệu chè B’lao trong thời gian tới để góp phần tăng uy tín sản phẩm chè Lâm Đồng trên thị trường thế giới.
Thực hiện tốt công tác bảo quản chè sau thu hoạch và sau chế biến để giữ được hương vị của chè. Cần kết hợp xử lý bảo quản tại vùng nguyên liệu, tại cơ sở chế biến gần vùng nguyên liệu, tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tại các kho cảng bến bãi để vừa giữ được chất lượng chè tươi, chè đã chế biến, vừa giảm tỷ lệ hư hao, hạ giá thành sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm trong khi thời gian cung cấp chè cho thị trường xuất khẩu phải kéo dài.
Mặt khác, khuyến cáo kỹ thuật thu hái chè đúng phẩm cấp, đúng quy trình kỹ thuật thu hái của từng giống chè, từng mùa vụ, từng thời kỳ sinh trưởng của vườn chè. Chú trọng khâu bảo quản và vận chuyển bảo đảm nguyên liệu luôn ở trạng thái tốt để phục vụ cho chế biến. Từng bước mở rộng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè vì hiện nay chi phí lao động cho khâu thu hái chiếm 50%, khi áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch gắn công nghệ chế biến đồng bộ và kỹ thuật thâm canh cao vườn chè sẽ cho năng suất cao, giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm do quản lý dư lượng thuốc BVTV tốt. Tiếp tục đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị. Quản lý chặt chẽ quy trình công nghệ, chú trọng công tác an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.