Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH C ỰC TRONG DẠY HỌC Ở BẬC HỌC MẦM NON
1.3. Phương pháp dạy học tích cực trong giáo dục Mầm non
1.3.6. Các phương pháp dạy học tích cực ở bậc mầm non
1.3.6.1. Phương pháp dạy học theo nhóm nhỏ
Dạy học theo nhóm nhỏ là cách thức giáo viên chia học sinh thành từng nhóm nhỏ để thảo luận về một vấn đề học tập hoặc thực hiện một nhiệm vụ chung dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên.
Trong dạy học theo nhóm nhỏ, một lớp được chia thành các nhóm nhỏ (3-6 trẻ), trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cở sở phân công và hợp tác làm việc.
Có ba dạng tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ:
- Dạng học tập theo nhóm thống nhất: tất cả các nhóm đều thực hiện nhiệm vụ học tập như nhau.
- Dạng học tập theo nhóm phân hóa: những nhóm khác nhau thực hiện những nhiệm vụ học tập khác nhau trong khuôn khổ dề tài chung cho toàn lớp.
- Phân hóa ở cấp độ nhóm và cá nhân: Thành lập nhóm phân hóa có nhiệm vụ
khác nhau. Các thành viên trong nhóm có nhiệm vụ giống nhau, nhưng mỗi thành viên sẽ thực hiện những nhiệm vụ chung của cả nhóm.
Đặc điểm của phương pháp dạy học theo nhóm nhỏ.
Có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên một cách tích cực.
Hoạt động học tập của người học trong nhóm là hoạt động tập thể hợp tác.
Thể hiện sự tương tác trực tiếp giữa người học trong nhóm với nhau.
Tranh luận và trao đổi trực tiếp.
Có sự lắng nghe và phản hồi tích cực.
Ưu điểm
Dạy học nhóm nhỏ nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được tính tính cực, tính trách nhiệm; tính kỹ luật, phát triển năng lực cộng tác và năng lực giao tiếp của trẻ.
Học theo nhóm nhỏ đem lại cho trẻ cơ hội được sử dụng các kiến thức, kỹ năng của mình đã được lĩnh hội và rèn luyện ứng dụng vào các hoạt động thực tiễn; trẻ được
diễn đạt những ý tưởng, khám phá của mình; đồng thời mở rộng suy nghĩ và thực hành các kỹ năng tư duy (so sánh, phân tích, tổng hợp...).
Giúp nâng cao mối quan hệ giữa trẻ với nhau.
Rèn luyện kỹ năng xã hội như biết tin tưởng, chấp nhận và hổ trợ lẫn nhau đồng thời biết cách giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó là kỹ năng nghe và nói, diễn đạt ý kiến của mình.
Hạn chế
Mất nhiều thời gian cho một nội dung tri thức.
Một số thành viên có tâm lý ỷ lại các thành viên khác.
Kết quả toàn nhóm sẽ khó khách quan cho từng thành viên trong nhóm.
Vận dụng
Dạy học nhóm nhỏ thường được áp dụng để đi sâu, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học hoặc cũng có thể tìm hiểu một chủ đề mới.
Có thể áp dụng phối hợp với phương pháp dạy học giải quyết vấn đề [3], [22], [36].
1.3.6.2. Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề
Dạy học giải quyết vấn đề là một hệ phương pháp dạy học, trong đó giáo viên nêu ra vấn đề học tập, tạo ra tình huống có vấn đề, tổ chức hướng dẫn người học tự tìm tòi cách giải quyết vấn đề, qua đó người học tự lực lĩnh hội tri thức mới và cách thức hành động mới, hình thành, phát triển năng lực sáng tạo.
Đặc điểm của dạy học giải quyết vấn đề
Giáo viên là người nêu lên vấn đề hoặc trẻ tự đưa ra vấn đề cần giải quyết liên quan đến đề tài trẻ đang tìm hiểu.
Trẻ được đặt vào tình huống có vấn đề.
Trẻ là người giải quyết vấn đề bằng cách tìm tòi các phương án giải quyết, lựa chọn phương án tối ưu, dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Ưu điểm
Tạo điều kiện cho trẻ nắm tri thức và phát triển năng lực hoạt động trí tuệ một cách sâu sắc và vững chắc, đặc biệt là phát triển năng lực tư duy độc lập sáng tạo.
Nâng cao hứng thú học tập, rèn luyện năng lực tìm kiếm, phát hiện vấn đề, năng lực vận dụng tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, bước đầu làm quen với phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học.
Biết thu thập, phân tích, xử lý thông tin, biết giải quyết vấn đề.
Nhược điểm Tốn nhiều thời gian
Đòi hỏi giáo viên về trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức, hướng dẫn.
Trong một số trường hợp đòi hỏi thiết bị, phương tiện, hỗ trợ thì phương pháp này mới có hiệu quả.
Vận dụng
Phương pháp này được sử dụng nhiều trong hoạt động dạy cho trẻ mầm non đặc biệt là hoạt động làm quen với biểu tượng toán, hoạt động khám phá khoa học [3], [22], [36].
1.3.6.3. Phương pháp đóng vai
Phương pháp đóng vai là cách thức dựa vào một câu chuyện kể hoặc một tình huống trong mối quan hệ giữa người với người, trẻ đóng vai các nhân vật khác nhau trong cốt truyện, đối thoại, trò chuyện và tranh luận với nhau, qua đó rút ra kết luận về vấn đề học tập.
Đây là phương pháp nhằm giúp trẻ suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà trẻ vừa thực hiện hoặc quan sát được. Việc “diễn”
không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy.
Đặc điểm của phương pháp đóng vai
Thể hiện tức thời một tình huống thành hành động mà trẻ sử dụng một cách sáng tạo ý nghĩ và óc tưởng tượng của mình.
Khác với loại hình kịch thông thường ổ chỗ không có kịch bản, không cần thuộc vai, không cần diễn tập.
Ưu điểm
Phù hợp với trẻ mầm non, trẻ chỉ cần nhập vai và thể hiện theo ngôn ngữ của trẻ chứ không cần thuộc kịch bản, không cần diễn tập.
Tạo cơ hội cho trẻ tìm hiểu và thể hiện thế giới nội tâm của con người
Trẻ bộc lộ những lời nói, ý tưởng, việc làm theo vai diễn, qua đó thu nhận kiến thức, kỹ năng ứng xử, thái độ.
Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện hiểu biết, kỹ năng và phương pháp ứng xử của mình, phát triển kỹ năng giao tiếp.
Tạo cơ hội để trẻ tập cho mình khả năng tự tin trước đám đông.
Hạn chế
Trẻ hay nhút nhát có thể sẽ dừng đóng vai của mình giữa chừng.
Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm, vốn từ, kỹ năng diễn sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của phương pháp này.
Lớp học mầm non ở Việt Nam thường đông, không yên tĩnh, nếu trẻ đóng vai nói không đủ to thì khó để cả lớp nghe thấy.
Vận dụng
Nên vận dụng với lớp học có ít trẻ (khoảng 10 trẻ).
Có thể áp dụng phương pháp này vào những giờ dạy trẻ các quy tắc, hành vi chuẩn mực đạo đức của xã hội [3], [22], [36].
1.3.6.4. Phương pháp tổ chức trò chơi .
Phương pháp trò chơi là phương pháp tổ chức cho trẻ tìm hiểu một vấn đề hay thể nghiệm những hành động, những thái độ, những việc làm thông qua một trò chơi nào đó .
Trong giáo dục mầm non, đây là phương pháp dạy học hiệu quả , phù hợp nhất.
Vì trẻ học qua chơi, chơi mà học.
Đặc điểm của phương pháp trò chơi
Trò chơi phù hợp bản chất va khuynh hướng của trẻ mầm non.
Khi chơi trẻ cảm thấy thích thú và tràn ngập niềm vui.
Động cơ của trò chơi không nằm ở kết quả mà nằm ngay trong bản thân hành động chơi.
Trong trò chơi có sự hiện diện của mầm mống sáng tạo.
Nếu được tổ chức tốt trò chơi sẽ tạo điều kiện tích cực hóa quá trình tư duy của trẻ [15].
Khi tổ chức trò chơi yêu cầu:
Trò chơi phải dễ tổ chức và thực hiện, phải phù hợp với chủ đề, với đặc điểm và trình độ của trẻ, với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của lớp học, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho trẻ .
Trẻ nắm bắt được quy tắc chơi và luật chơi và phải tôn trong luật chơi .
Phải phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được tham gia tổ chức, điều khiển tất cả các khâu: từ chuẩn bị, tiến hành trò chơi và đánh giá sau khi chơi.
Trò chơi phải tạo được hứng thú, sự vui thích cho trẻ .
Ưu điểm
Phù hợp với lứa tuổi mầm non.
Phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của trẻ.
Tạo được niềm vui, hứng thú tham gia hoạt động của trẻ.
Hình thành kỹ năng hợp tác khi chơi.
Hạn chế
Giáo viên vất vả hơn trong việc bao quát trẻ.
Vận dụng
Có thể vận dụng phương pháp này vào hầu hết các hoạt động dạy học cho trẻ mầm non.
Có thể kết hợp với phương pháp dạy học theo nhóm nhỏ để đạt hiệu quả cao hơn.
[3], [15], [22], [36].
1.3.6.5. Phương pháp dạy học theo tình huống
Phương pháp dạy học theo tình huống là cách thức giáo viên tổ chức cho người học tự lực nghiên cứu và giải quyết các tình huống từ thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp gắn với những chủ đề học tập, qua đó người học tự lực lĩnh hội tri thức mới và cách thức hành động mới, hình thành, phát triển năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn và nghề nghiệp… Vì vậy có thể xem phương pháp dạy học theo tình huống là phương pháp đặc thù của dạy học giải quyết vấn đề theo tình huống, trong đó, các tình huống dạy học là đối tượng của quá trình dạy học.
Đặc điểm của phương pháp dạy học theo tình huống
Tình huống dạy học là đối tượng chính của hoạt động dạy học
Tình huống trong dạy học là những tình huống mang tính điển hình, miêu tả những sự kiện, hoàn cảnh có thật hay hư cấu nhằm giúp người học hiểu và vận dụng tri thức.
Người học tự nghiên cứu tình huống và giải quyết các vấn đề mà tình huống đặt ra.
Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, ủy thác và điều phối.
Ưu điểm
Tạo ra những khả năng vận dụng đa dạng, phong phú.
Góp phần tạo ra sự hứng thú, say mê học tập, sáng tạo ở người học.
Tạo cho người học khả năng trình bày những điều đã học và suy nghĩ về điều đó.
Phát triển các kỹ năng phân tích vấn đề, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước tập thể, kỹ năng tranh luận, bảo vệ ý kiến…
Tạo điều kiện để người học có thể trao đổi lẫn nhau và trao đổi với giáo viên.
Phương pháp này cũng giúp giáo viên tiếp thu được kinh nghiệm, cách nhìn, giải pháp từ người học.
Hạn chế
Đòi hỏi nhiều thời gian, chỉ phù hợp cho việc vận dụng tri thức, không thích hợp cho việc truyền thụ tri thức mới một cách hệ thống.
Gia tăng khối lượng làm việc của giáo viên, bên cạnh đó còn đòi hỏi giáo viên phải luôn chấp nhận đổi mới, cập nhật các thông tin, kiến thức và kỹ năng mới.
Người học khó thích ứng nếu đã quen với lối học truyền thụ.
Vận dụng
Phương pháp dạy học theo tình huống có thể vận dụng cho trẻ làm quen với những chủ đề về nghề nghiệp, những tình huống thực tế trẻ đã gặp hoặc có thể gặp, giúp trẻ có những kỹ năng sống cần thiết [3], [22], [36].
1.3.6.6. Phương pháp động não
Động não là phương pháp giúp cho người học trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng mới mẽ, độc đáo về một chủ đề nào đó. Các thành viên được cổ vũ tham gia một các tích cực, không hạn chế các ý tưởng.
Ưu điểm
Phát huy được khả năng tư duy sáng tạo cho trẻ.
Tìm ra các ý tưởng mới mẻ từ trẻ.
Tập cho trẻ suy nghĩ nhanh.
Hạn chế
Có thể làm trẻ căng thẳng.
Đôi lúc ý tưởng của trẻ không phù hợp với thực tế.
Vận dụng
Dùng trong giai đoạn giới thiệu vào một chủ đề.
Sử dụng để tìm các phương án giải quyết vấn đề.
Dùng để thu thập các khả năng lựa chọn và suy nghĩ khác nhau [3], [22], [36].
1.3.6.7. Phương pháp dạy học theo dự án
Các nhà sư phạm Mỹ từ đầu thế kỷ XX đã xây dựng cơ sở lý luận cho phương pháp dạy học theo dự án và coi đó là phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học định hướng vào người học, nhằm khắc phục nhược điểm dạy học truyển thống “coi giáo viên là trung tâm”.
Hiện nay, phương pháp dạy học theo dự án đã được sử dụng phổ biến trong các trường phổ thông và đại học, đặc biệt là các nước phát triển. Trong dạy học ở bậc học phổ thông và đại học, phương pháp dạy học theo dự án được hiểu là phương pháp dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn người học tự lực thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp thông qua quá trình giải quyết một bài tập tình huống gắn với thực tiễn – dự án [22].
Trong giáo dục mầm non, phương pháp dạy học theo dự án được xây dựng như một mô hình dạy học bởi Lilian Kazt (2001), theo quan điểm của bà thì dạy học theo dự án là hoạt động khám phá sâu về một chủ đề liên quan đến môi trường xung quanh trẻ em. Trẻ em thực hiện một dự án dựa trên những sở thích, kinh nghiệm, ý tưởng của chúng và nhiều vấn đề trong các nhóm nhỏ hoặc đôi khi là những vấn đề của chính bản thân chúng [26].
Đặc điểm của dạy học theo dự án
Dạy học theo dự án có ba đạc điểm cốt lõi: định hướng người học, định hướng thực tiễn và định hướng sản phẩm.
- Định hướng người học: Người học được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân
- Định hướng thực tiễn: Chủ đề của dự án xuất phát từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp cũng như thực tiễn đời sống.
- Định hướng sản phẩm: Trong quá trình thực hiện dự án, các sản phẩm được tạo ra. Sản phẩm của dự án không giới hạn trong những thu hoạch lý thuyết, mà trong đa số các dự án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu [43].
Ưu điểm
Giúp trẻ hình thành và phát triển những kỹ năng cần thiết trong thời đại ngày nay như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…
Phát huy cao độ tính tích cực của trẻ.
Không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực phát triển mà có sự liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tạo cơ hội cho trẻ phát triển mạnh mẽ khả năng tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động trong suốt tiến trình thực hiện dự án.
Trẻ được trực tiếp khám phá thế giới tự nhiên và xã hội để giải quyết vấn đề đặt ra, qua đó hình thành và phát triển ở trẻ tình cảm với thiên nhiên, biết quý trọng và bảo vệ thiên nhiên, đồng thời hiểu giá trị của đời sống xã hội, điều này có ý nghĩa đạo đức đối với trẻ.
Hạn chế
Đòi hỏi có sự chuẩn bị và lên kế hoạch chu đáo thì mới lôi cuốn được hứng thú của trẻ.
Việc tổ chức tham quan thực tế có thể gây khó khăn cho một số trường do khuôn viên, kinh phí…
Đòi hỏi giáo viên phải hiểu kỹ về bản chất của dạy học theo dự án.
Hầu hết tài liệu về dạy học theo dự án của Lilian Kazt đều bằng tiếng Anh.
Vận dụng
Dạy học theo dự án có thể vận dụng cho trẻ khám phá sâu những đề tài/ vấn đề gì đó trong cuộc sống thực của trẻ, có thể là một vấn đề cần giải quyết hay một hiện tượng thiên nhiên.
Vận dụng PPDHTC vào hoạt động dạy học góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, các phương pháp dạy học dù là tích cực cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng. Không có một phương pháp dạy học tích cực nào là vạn năng, do vậy cần lựa chọn và vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học một cách linh hoạt và sáng tạo [3], [22].