Chương 1 NH ỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.2. Thiên nhiên trong thơ trung đại
1.2.4. Thiên nhiên trong thơ từ nửa sau thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX
Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm do Đoàn Thị Điểm diễn Nôm cũng là một tác phẩm thành công về nhiều mặt. Trong đó, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên cũng được đông đảo bạn đọc quan tâm. Bức tranh thiên nhiên hiện lên hội tụ vẻ đẹp của hoa, của trăng và của gió làm xao xuyến lòng người:
Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm, Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Cảnh trong Chinh phụ ngâmthường gắn bó với con người, cụ thể là gắn bó với những nỗi nhớ nhung, khát khao thầm kín của người chinh phụ:
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cảnh cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.
Nhìn chung, thiên nhiên trong Chinh phụ ngâm còn mang nặng tính chất công thức, ước lệ của văn học trung đại.
Đến với Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ tiêu biểu và có phong cách độc đáo của giai đoạn văn học này, chúng ta sẽ bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên vô cùng lí thú mang đậm dấu ấn cá nhân tác giả. Trong thơ Hồ Xuân Hương, đề tài thiên nhiên chiếm một số lượng lớn và hiện lên vô cùng xinh tươi, ngộ ngĩnh :
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép, Nước trong leo lẻo một dòng thông
(Giếng nước) Hay:
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp Lách khe nước rỉ mó lam nham
(Hang Thanh Hóa)
Xuân Hương là một nhà thơ yêu đời, yêu người, thiết tha với cuộc sống. Bức tranh thiên nhiên trong thơ bà rất gần với cuộc đời thật, nhiều khi ta tưởng như đang được sờ mó hay tận mắt chứng kiến cảnh vật:
Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo, Đường đi thiên thẹo quán cheo leo.
Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác, Xỏ kẻ kèo tre đốt khẳng kheo.
(Quán Khánh)
Ngoài ra, có những bài thơ nhìn tựa đề đúng là viết về thiên nhiên nhưng thật ra không phải là để tả cảnh mà Xuân Hương mượn cảnh để chế giễu một số hạng người trong xã hội (Quả mít, Con ốc nhồi).
Thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương rất thật, không hề giả tạo hay theo một khuôn mẫu có sẵn trong văn học phong kiến của nước ta. Về phương diện miêu tả thiên nhiên, bà đã có nhiều thành công thật sự.
Nguyễn Du là tác gia có tên tuổi nhất trong gian đoạn văn học từ nửa sau thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX. Ông được mọi người biết đến với kiệt tác Truyện Kiều. Nguyễn Du là một thiên tài không chỉ thành công trong thơ Nôm mà thơ chữ Hán cũng đạt được những giá trị rực rỡ. Thiên nhiên dưới ngòi bút Nguyễn Du hiện lên sinh động và chân thực, ngoài sự kế thừa những thành tựu trong thơ cổ, thiên nhiên trong thơ ông cũng mang những nét rất riêng, tiêu biểu cho phong cách thơ của ông, điều này sẽ được chứng minh rõ trong nội dung chính của luận văn.
Như vậy, qua việc tìm hiểu khái quát thiên nhiên trong thơ trung đại, chúng ta đã có cái nhìn khái quát về thiên nhiên qua các thời kỳ. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, thiên nhiên trong thơ đều mang những đặc điểm, nét đặc sắc riêng. Tính chất công thức, ước lệ nhìn chung được các tác giả sử dụng nhiều trong việc miêu tả thiên nhiên nhưng cũng dần được thay thế bằng những chất liệu của đời sống hiện thực.
Điểm qua một số đặc điểm của thiên nhiên trong thơ trung đại sẽ tạo nền tảng cơ sở để chúng ta đi vào tìm hiểu thiên nhiên trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Từ đó, giúp ta thấy được sự kế thừa và phát huy của ông trong quá trình miêu tả thiên nhiên.
Nguyễn Du sinh ra và trưởng thành trong nền văn học trung đại Việt Nam, những nguyên tắc và chuẩn mực của nền văn học cổ điển đã ăn sâu bén rễ trong quan niệm sáng tác của ông. Bởi vậy, các sáng tác của Nguyễn Du cũng phản ánh đời sống, cách nhìn, cách nghĩ của nền thơ ca trung đại. Mặt khác, ông sống giữa một thời kì đầy phong ba bão táp của lịch sử, lại thêm hoàn cảnh bản thân Nguyễn Du mang nhiều nỗi đau buồn, tủi cực… tất cả những điều đó tác động rất lớn đến đời sống tâm hồn thi nhân, làm cho thơ ông mang những nét đặc trưng, rất riêng.
Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là một minh chứng cụ thể cho điều đó.
Bên cạnh những đặc điểm chung của thơ trung đại, nó vẫn mang tính cá thể hóa, rất riêng của Nguyễn Du; phản ánh cách nhìn, cách cảm của Nguyễn Du về thiên nhiên, con người và cuộc đời.