Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN BẢN QUỐC ÂM THI TẬP
1.2. VĂN BẢN LÀM CHỖ DỰA CHỦ YẾU ĐỂ NGHIÊN CỨU THI PHÁP QATT
1.2.1. Lưu ý một số từ cổ trong văn bản QATT cổ liên quan đến thi pháp của câu thơ, bài thơ
Đọc bài 2 (Ngôn chí), chúng tôi thấy có một số từ cổ cách phiên âm không giống nhau giữa các văn bản QATT. Ở câu thơ thứ nhất:
"Thương Chu bạn cũ 各諸堆 "
Ba từ cuối của câu thơ các bản phiên âm không giống nhau, và từ chỗ phiên âm không giống nhau dẫn đến việc chú thích cũng không giống nhau, nên việc hiểu nghĩa của câu thơ, bài thơ cũng khác nhau. Các tác giả Trần Văn Giáp [39], Đào Duy Anh [132], Bùi Văn Nguyên [102] đều phiên ba từ này là "Các chư đôi", nhưng cách giải thích của Đào Duy Anh và Bùi Văn Nguyên lại không giống nhau. Đào Duy Anh cho rằng: ba từ này khó hiểu, thử hiểu nghĩa: "Nguyễn Trãi gọi bạn cũ đời Thương Chu thì chỉ có thể là Y Doãn và Chu Công... tự xét mình chưa có thể so sánh với Y Doãn và Chu Công được. Nguyễn Trãi khiêm tốn tự cho mình "chưa sánh đôi" được với bạn đời xưa. Vậy "các chư đôi" nghĩa là: đều là chưa sánh đôi với được." [132: 704] Hiểu cả câu theo cách trên là: "Thương Chu bạn cũ đều là chưa sánh đôi với được".
Bùi Văn Nguyên lại giải thích theo kiểu khác: "Bạn cũ của Nguyễn Trãi đời Hồ, lúc này có người làm việc với nhà Minh, như ngày xưa bề tôi nhà Thương có kẻ chạy theo nhà Chu, Nguyễn Trãi nói: "các chư đôi" là nói không thể theo bạn cũ, kiểu bợ đỡ giặc Minh, mà phải đi ở ẩn chờ thời; đó là tiếp câu thừa đề, câu thứ hai" [102: 33].
Hai cách giải thích này đưa đến cách hiểu câu thơ trong mối quan hệ với bài thơ có khác nhau. Nếu theo cách giải thích của Đào Duy Anh thì ý của câu thơ thứ nhất không lôgic với câu thơ thứ hai, vì luật thơ thường có sự chuyển tiếp giữa câu phá đề và câu thừa đề. "Thương Chu bạn cũ đều là chưa sánh đôi với được" sao lại an tâm mà
30
"Xá lánh thân nhàn thuở việc rồi" - "thuở việc rồi" (rồi: xong, hoàn thành); khi việc đã xong, đã hoàn thành.
Theo cách giải thích của Bùi Văn Nguyên thì ý thơ đi quá xa với nội dung của cả bài, Nguyễn Trãi đã từng bị giam lỏng ở thành Đông Quan, đã từng ở ẩn chờ thời, nhưng lại rơi vào trạng thái bức xúc, dở dang: "Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải"
(Thủ vĩ ngâm), hay "Quân thân chưa báo lòng canh cánh" (Ngôn chí, 8)... Vả lại, "ở ẩn chờ thời" sao lại "Xá lánh thân nhàn thuở việc rồi" và "cởi tục", "tìm thanh" khi đã thấm thía "mùi tục lụy"...
Trong NTTT (tân biên) lại phiên là: "gác chưa đôi": gác lại chưa tranh cãi, từ
"đôi" được hiểu là đôi chối, đôi co, và hiểu cả câu: Hãy gác lại chưa tranh cãi về những người bạn hiền thần giúp dựng nghiệp Thương Chu. Đây là kiểu ẩn dụ để biểu thị thái độ không đồng tình của tác giả với cách "xử lý" của Lê Lợi với các hiền thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, và kể cả với Nguyễn Trãi. Trong bài "Oan thán", Nguyễn Trãi có viết: "Hư danh thực họa, thù kham tiếu, Chúng báng cô trung, tuyệt khả liên". (Danh hư họa thực, buồn cười nhỉ, Chúng nịnh mình trung, đáng xót thôi - Nguyễn Khuê dịch).
Biết gác lại chưa bàn về những người bạn cũ giúp dựng nghiệp Thương Chu thì mới có sự thanh thản khi "Xá lánh thân nhàn thuở việc rồi", và có cốt cách của một ẩn sĩ lánh đời:
" Cởi tục trà thường pha nước tuyết Tìm thanh trong vắt tận chè mai" [134]
Phép đối ở hai câu thơ này chưa chuẩn, bởi "trà" là danh từ không đối được với
"trong" là tính từ, nên có ý kiến phiên chữ "trà thường" là: "chung vét" - "chung" là cái chén nhỏ: chung trà. "Chung vét tận": uống cạn chung.
Chữ " " cách phiên âm của các tác giả cũng không đồng nhất. Trần Văn Giáp và Bùi Văn Nguyên đều phiên là "tiễn", Bùi Văn Nguyên giải thích: "Tiễn": thích hợp, thích ứng; Đào Duy Anh lại phiên là "Tịn" và giải thích: tịn: tức là hết, hết chè hồng mai nên phải uống với nước tuyết. NTTT (tân biên) lại phiên là "Tiện": sẵn có hoặc muốn - "Đi tìm cái thanh cao thì sẵn có chén chè hồng mai (theo ý muốn) [134: 639]
31
Câu thơ thứ 7 nên đọc là: "Bui có một niềm chăng nỡ trễ" thì chúng ta mới hiểu đúng tâm sự của Ức Trai. Vì một nguyên nhân nào đó, mà phải gác mọi chuyện lại, lánh thân nhàn với lối sống ẩn sĩ, nhưng đạo quân thần thì không thể trễ nãi chút nào, mà luôn canh cánh trong lòng Nguyễn Trãi. Người xưa khi dã "lánh đục tìm trong"
thường quay lưng với thế sự, nhưng Nguyễn Trãi tuy nói đến "nhàn" mà "quân thân tại niệm thốn tâm đan". Tuy có làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ để khuây khỏa nỗi lòng, nhưng tấm lòng đau đời, lo nước vẫn "Đêm ngày cuồn cuộn nước chầu đông".
Chỉ trong một bài thơ 8 câu (Ngôn chí, 2) có biết bao nhiêu điều "hệ lụy" về cách phiên âm và giải nghĩa về các từ cổ, thì trong suốt 226 bài thơ trong QATT còn biết bao nhiêu vấn đề cho người nghiên cứu quan tâm ? Đưa ra một vài từ cổ và lưu ý đến sự phiên âm, giải nghĩa các từ cổ đó để thấy rằng: nghiên cứu thi pháp của cả tập thơ là nghiên cứu thi pháp trên văn bản thực lực của tập thơ đó.
Có hai từ " " trong bài 207 là sự thú vị cho chúng tôi khi tra cứu vào sự chú thích của các tác giả Đào Duy Anh, Paul Schneider và của nhóm tác giả trong NTTT (tân biên). Đào Duy Anh và Paul Schneider phiên là: "đon dùng". Paul Schneider còn dịch nghĩa cả câu: "Fleurs et lune se hâtent de jouir des instants propices" (Hoa và trăng vội vã hưởng thụ những giờ khắc tốt lành). Ở phần "tự điển tiếng cổ" (Glossaire) được giải nghĩa "đon" là se hâter de, s'empresser de (vội vàng, hối hả, sốt sắng).
Như vậy, theo cách hiểu của Paul Schneider là "trăng và hoa" - khách thể thẩm mĩ, "vội vã hưởng thụ những khoảnh khắc tốt lành" chứ ở đây không liên quan đến chủ thể thẩm mĩ. Mà xưa nay, thiên nhiên là đối tượng (khách thể) thẩm mĩ của con người, và con người có mối quan hệ với ngoại giới.
"NTTT" (tân biên) lại phiên là "ron ròng" và tra vào từ điển Génibrel thì thấy từ
"ron" có nghĩa là "ramesser", réunir (góp nhặt lại, họp lại). Còn "ròng" ngoài nghĩa tinh chất (vàng ròng, bạc ròng...) còn có nghĩa "ròng rã, liên tục"... Cả câu thơ được hiểu: "Cảnh hoa nguyệt dồn lại ròng rã được bao khoảnh khắc tốt lành" - cảnh đẹp của trăng và hoa chẳng được là bao (con người có ý thức về điều đó không ?).
Cách phiên âm và chú giải này vừa phù hợp với từ cổ, vừa lôgic với ý tứ của cả bài. Do "Thương cảnh vì nhân cảnh hữu tình", nên "Xuân ba tháng thời thu ba tháng" - con số "ba" lặp lại hai lần như nhấn mạnh khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian và
32
cũng vì thế mà "hoa nguyệt" - khách thể thẩm mĩ của con người cũng tồn tại ngắn ngủi biết bao - "Hoa nguyệt ron ròng mấy phút lành". Câu thơ mang tính triết lý về các phạm trù hữu hạn và vô hạn, cũng như con người từng ngậm ngùi trước "ngày vui ngắn chẳng tày gang".
Thi nhân, nghệ sĩ là người ý thức về cái đẹp, đưa cái đẹp đến cho mọi người, và trong ý nghĩa đó còn nhắc nhở mọi người đừng thơ ơ, vô tình với cái đẹp, vì "hoa nguyệt ron ròng mấy phút lành".
Trong QATT có một số tiếng ghi bằng hai mã chữ, nên hiểu nó như thế nào?
Bài 109 có câu thơ: "La ngàn non nước một thằng hề"
Từ "La ngàn" được Trần Văn Giáp, Đào. duy Anh phiên là "lê la", "La làn non nước một thằng hề" - Lê la non nước một thằng hề. Là một ẩn sĩ sống nhàn: "Thong thả dầu ta ngoài thế giới", sao lại "lê la" (dù "lê la" - nghĩa cổ có khác nghĩa hiện đại thì cách chú này cũng là suy diễn và tiếng "la" trở thành một từ láy "lê la"), chú như vậy có làm mất đi phong thái của một bậc quân tử như Nguyễn Trãi hay không ?
Từ "La ngàn" ở bài 109 này có âm tiết "la" giống với tiếng "la đá" trong các bài 21: "Dấu người đi la đá mòn", hoặc bài 54: "Cối cây la đá lấy làm nhà", hoặc bài 87:
"La đáhay mòn nghĩa chẳng mòn".
NTTT (tân biên) dựa vào một số cứ liệu ngữ âm học để giải thích: "La ngàn non nước" là "Thiên sơn vạn thủy", nếu hiểu "La ngàn non nước" là "thiên sơn vạn thủy", thì lột tả được thần thái "tiên phong đạo cốt" của Nguyễn Trãi, khi Nguyễn Trãi đã chọn cách sống: "Mừng cùng vượn hạc quen lòng thắm", thì đi cùng "thiên sơn vạn thủy" với "một thằng hề" là phù hợp (chứ sao lại "lê la"?)
Và điều thú vị là âm tiết "la" nhiều khi lại mang nghĩa, khi nó nằm trong cặp câu đối ngẫu, ví dụ:
"Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc, La đá hay mòn nghĩa chẳng mòn"
"Đá" đối với "vàng", "chính" (một danh từ, chỉ về một vật dụng - "Chuông khánh còn chẳng ăn ai, Nữa là mảnh chĩnh ném ngoài bờ tre" - "Chuyện Tấm Cám") lại đối được với "la", và "la" được xem như là một từ có mang nghĩa.
33
Tương tự như vậy, có trường hợp "Bà ngựa" ( ) trong bài "Thủ vĩ ngâm".
"Ngựa" được ghi bằng hai mã chữ (vốn là cách ghi từ cổ ma-gơ, hiện đang còn thấy trong các ngôn ngữ vùng khu bốn cũ, như tiếng người Patakkan chẳng hạn). Vì không nắm được luật đó, nên mới có chuyện phiên là "Bầy ngựa" (Trần Văn Giáp, Paul Schneider), "Ngựa cái" (Bùi Văn Nguyên).
"Bà ngựa" là thói quen tự nhiên trong ngôn ngữ (người ta nói "bà ngựa" cũng như nói "ông voi"). "Bà" là âm tố mờ không có nghĩa. Thế nhưng, ở trong thế đối xứng của câu thơ 3, 4 trong bài "Thủ vĩ ngâm" thì "bà ngựa" được xem như tiểu đối được với "con đòi", nên cũng có thể hiểu cả cách thô thiển "bà" cũng đồng đẳng như "con".
"Con đòi trốn, dường ai quyến, Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn."
Thế nhưng, ở QATT còn có hiện tượng hai âm tiết được ghi bằng một mã chữ:
"Khách đến vườn còn hoa lác,
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào" (Bài 35)
Tiếng "lác" nếu hiểu nghĩa là "lác đác" thì nghĩa của từ này cũng phù hợp với bài 164:
"Giậu cúc thu vàng nảy lác Sân mai tuyết bạc che đầu"
Giậu cúc mùa thu nảy lác đác màu vàng. Sân mai (mùa đông) tuyết bạc che đầu.
Ý của hai câu thơ cân đối với vẻ đẹp cổ điển.
" " có thể phiên là "lác" hoặc "rác", từ điển Génibrel có ghi:
" " lác: dịch "lác đác" là rare (hiếm, còn ít) và dịch "lác rác" cũng là rare.
Paul Schneider còn đề xuất thêm một cách đọc khác là "lạc" (rụng) thì có lẽ không phù hợp. Lí do, tự dạng của "Lác" ) khác tự dạng của "lạc" ( ); QATT có bài 105 dùng từ "Rụng" - "Ngắm hoa tàn, xem ngọc rụng". Ý thơ "khách đến, hoa rụng" đã từng có trong thơ Đỗ Phủ (trong bài "Khách chí"), và thơ cổ điển thường có xu hướng "ôn nhu đôn hậu", thì không biết câu thơ "Khách đến vườn còn hoa lạc" có đúng với ý của Nguyễn Trãi không ?
Ở trường hợp khác, cách giải thích một từ có trong hai bài lại không giống nhau.
Ví dụ: Tiếng "Ốc" ở bài 91 được hiểu là: "Tưởng nghĩ", theo Paul Schneider: "Ngõ
34
ốc": tưởng (S'imaginer), nghĩ (penser) - "Tưởng nghĩ khiêm nhường là mĩ đức" [134:
846]. Nhưng ở bài 195 lại chú là "Gọi" [134: 1076]. Cả hai cách chú thích lại phù hợp với ý tứ của mỗi bài thơ.
Dẫn chứng thêm như vậy để thấy cái khó của văn bản QATT, nếu không đọc kỹ, không hiểu rõ nghĩa của một số từ cổ trong một số bài thì các thao tác còn lại chỉ là vô ích.
Đưa một từ cổ về đúng vị trí nguyên thủy của nó là phải có cái lý của sự tồn tại.
Một từ tự nó tồn tại độc lập khi nó là ngôn ngữ giao tiếp, nhưng ở câu thơ, bài thơ nó phải chịu các mối quan hệ về ý, về tứ, về từ loại; nó còn mang tính hệ thống khi từ đó được sử dụng nhiều lần trong cùng một tập thơ và cùng một tác giả. Đọc đúng một từ, giải thích đúng một từ là mục đích của các nhà văn bản học. Phân tích được cái đúng, cái hay, cái chuẩn là nhiệm vụ của người nghiên cứu văn chương. Hai công việc này cùng song song tồn tại.
Từ " " trong các bài 111, 113, 116, 124 từ này nên chọn cách phiên âm, chú thích nào để thấy được sự thống nhất của Nguyễn Trãi trong sử dụng ngôn ngữ. Có lẽ nên phiên âm và chú thích theo cách của NTTT (tân biên): "biêu" (theo "Tự điển de Béhaine) và nghĩa là "ngọn cờ, nêu danh, ngọn nêu, tiêu chí...". Xác định "Biêu" là một tiếng cổ khoảng thế kỷ XV, XVI, XVII (Sách "Truyền kỳ mạn lục" chữ "đệ" (khoa đệ: thứ bậc trong thi cử) được dịch sang Nôm là "biêu" như "Quả lĩnh tiến sĩ đệ" dịch là "ắt lãnh biêu tiến sĩ", "Trạc tiến sĩ đệ" dịch là "tót được biêu tiến sĩ").
Và còn bổ sung nghĩa của "biêu", do "biêu" thông với "tiêu" ( ) nên còn hàm các nghĩa "tiêu chuẩn, phù hiệu, phong độ, cách điệu, biểu dương, chuẩn mực, nêu danh, khuôn mẫu".
Đưa các nghĩa trên vào bài 111, 113, 116, 124 đều lọn nghĩa.
Ví dụ: Bài 111; "Một lòng trung hiếu làm biêu cả" - "Một lòng trung hiếu làm tiêu chí lớn". Trung hiếu là tiêu chí lớn trong suốt cuộc đời của Nguyễn Trãi - khi được thời cũng như khi thất thế, Nguyễn Trãi bao giờ cũng lòng tự dặn lòng: "Bui có một niềm trung hiếu cũ, Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen". Hay ở bài 124: "Lấy biêu phú quí đổi biêu hèn". Người quân tử biết "khiêm nhường, trung hiếu" là đức tính tốt đẹp thì cũng sẵn sàng từ bỏ "phú quí" để "lánh đục tìm trong".
35
Nhiều khi một từ cổ xuất hiện trong nhiều bài, nhưng khi phiên và chú thích lại chưa thống nhất, nên ở bài này thì lọn nghĩa, bài khác thì chưa được.
Chữ Nôm thế kỷ XV vừa khó đọc, vừa khó hiểu so với ngôn ngữ hiện đại, thơ Nôm Nguyễn Trãi càng khó hơn, bởi văn bản QATT đã hơn cả "ba lần" (tam sao) bị chép đi chép lại, cho nên có từ tưởng là bình thường, mà lại thu hút sự chú ý của các nhà làm văn bản QATT: Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh, Vũ Văn Kính, Bùi Văn Nguyên, Paul Schneider, nhóm làm "NTTT" (tân biên), kể cả sự chú ý của các nhà nghiên cứu quan tâm đến văn bản QATT: Đỗ Văn Hỷ, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quảng Tuân, Cao Xuân Hạo, Trần Xuân Ngọc Lan, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đình Hòa, Nguyễn Khắc Kham... "Song viết" ( ) hay "Song nhật" ( ) ? Hai từ này không chỉ xuất hiện trong QATT trong các bài 10, 13, 18, 24, 49, 58, 156, 164; mà còn xuất hiện trong cả "Hồng Đức quốc âm thi tập", "Bạch vân quốc ngữ thi"...
Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Khắc Kham đều phiên là "song nhật" với nghĩa ngày chẵn, ngày của các quan được nghỉ, không phải vào chầu vua nên được nhàn nhã, thong thả. Với nghĩa đó, thử đưa vào câu thơ "Con cháu chớ hiềm song nhật ngặt" thì đã thấy ngay là không ổn.
"Song viết": mỗi người phiên âm hai chữ này đều có cách giải thích riêng của mình: "thật là" (Hoàng Xuân Hãn), "gia tài, của thừa kế, di sản" (Paul Schneider);
"rông vát": phiêu lãng bồng bềnh, ngao du nhàn tản, sống cuộc sống lang bạt, nay đây mai đó (Nguyễn Tài cẩn). Đào Duy Anh đề ra một giải pháp là chọn những từ ngữ tương đương để thay thế vào các bài cho lọn nghĩa... Với tất cả các cách chú giải trên, chỉ có cách của Paul Schneider là có thể lọn nghĩa cho các bài: 10, 13, 18, 24, 49, 143, 156, 164, nhưng đến bài 58 lại bị vướng, và ở bài 58 lấy nghĩa giải thích của Nguyễn Tài Cẩn thì phù hợp.
Thật đúng là "Xem như thế thì thấy chữ "song viết" là một chữ vô nghĩa mà nó có cái vận mệnh lạ lùng đã cho nó một sức hấp dẫn đặc biệt, khiến người ta trong khi chép lại tập thơ Quốc âm của nguyễn Trãi, hễ gặp chữ nào khó hiểu mà có tự dạng ít nhiều tương tự với nó thì người ta dùng nó để giải quyết" (Đào Duy Anh).
Và chừng nào chưa có thêm các chứng cứ có hệ thống trên các sách Nôm cổ Việt Nam thế kỷ XV, XVI, XVII thì "song viết" vẫn còn đó, chưa xong.