Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn phùng văn khai (Trang 38 - 43)

Chương II: Không gian và thời gian nghệ thuật

2.2. Không gian và thời gian nghệ thuật truyện ngắn Phùng Văn Khai

2.2.1. Không gian nghệ thuật

Mỗi nhà văn lựa chọn cho mình một không gian phù hợp với nhân vật và nội dung mà họ muốn truyền tải đến bạn đọc. Ta thấy ở truyện ngắn của Nam Cao là không gian đầy ngột ngạt của đất nước trong những năm sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến với những mâu thuẫn, kịch tính.

Không gian mà Thạch Lam mang đến cho bạn đọc lại là không gian nhỏ bé, tù túng, nghèo nàn của phố huyện nào đó… Mỗi người chọn cho mình những không gian riêng để thỏa sức sáng tạo. Ở truyện ngắn của Phùng Văn Khai, với lối viết văn nhẹ nhàng, trầm lắng mà chứa đầy trăn trở, suy tư anh đã chọn cho mình không gian hấp dẫn, đặc thù.

2.2.1.1. Không gian tự nhiên

Nếu như khi đọc tác phẩm của tác giả Phạm Duy Nghĩa ta sẽ bắt gặp không gian lung linh, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc thì tác phẩm của Phùng Văn Khai sẽ đưa đến cho bạn đọc một cảm giác mới lạ, đầy thú vị.

Bởi đó là không gian rộng lớn, mênh mông, sóng sánh nước của những con sông quê hương tạo cho người đọc cảm giác thoải mái, dễ chịu. Hình ảnh của sông nước không chỉ xuất hiện trong một tác phẩm mà xuất hiện trong hàng loạt truyện ngắn của anh. Sông nước là môi trường sống, là không gian sống của những người dân chài trong truyện ngắn: Mênh mông trời nước, Bên kia sông. Đó là nơi diễn ra sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình, là nơi gắn với những kí ức của tuổi thơ, ở đó luôn toát lên vẻ đẹp của tự nhiên: “Mặt trời bắt đầu lên, khúc xạ xuống dòng sông những tia nắng ban mai tuyệt đẹp”. Dòng sông ấy đã chứng kiến cuộc đời, số phận của biết bao con người. Dòng sông gắn với cuộc đời chèo đò của cô Lụa, gắn với những kí ức của nhân vật “tôi” về một thời thơ ấu cùng với bạn bè, gia đình, thầy cô. Ngoài những lúc yên ả, tác giả cũng mang đến cho bạn đọc hình ảnh của dòng sông Lăng vào mùa lụt “Nước từ các ao đầm mương rãnh dồn ra sông Lăng. Sông Lăng bồng bềnh, rộng ngút tầm mắt…. đê lở, tre pheo gỗ lạt bập

bều trên mặt sông”. Vốn đã mênh mông nhưng khi có mưa bão thì dòng sông ấy trải dài ra vô tận. Nó mang sức mạnh của thiên nhiên, có thể là người mẹ phù sa nhưng đôi lúc cũng có thể gây ra những tai họa khôn lường cho con người. Hình ảnh của dòng sông được lặp đi lặp lại nhiều lần trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai. Dường như nó là một phần không thể thiếu trong tâm hồn tác giả.

Cùng với dòng sông, tác giả cũng đưa bạn đọc đến với không gian của nông thôn Việt Nam trong những năm sau chiến tranh, khi đất nước đang trong công cuộc xây dựng kinh tế. Đó là không gian ở vừa chật chội vừa tù túng của người đàn ông trong tác phẩm “Người đàn ông có bàn tay cụt ngón”. “… căn nhà hơn chục mét vuông… Ngay ở rìa sân cái máy bơm lúc nào cũng hoạt động để đẩy nước lên khỏi sân. Khu vườn ẩm mốc và tù túng đồ phế thải chất cao chằng chịt”. Trong truyện ngắn “Những người đốt gạch” thì không gian hiện thực chính là nơi ở của những người làm công việc đốt gạch. Nơi mà các họ sống chỉ là những “túp lều” tạm bợ, những vật dụng ở đây đều toát lên sự khó khăn, túng thiếu. “Chiếc chăn rách”, “chai bia Hà Nội sứt miệng, nút lá chuối” rồi những cái chén không nhận ra màu sắc… Tác giả dựng nên một bức tranh cuộc sống bằng những gam màu xám xịt. Màu sắc ấy không chỉ của đồ vật mà dường như còn là cuộc đời của những con người nơi đây.

Bên cạnh đó, tác giả cũng mang đến cho bạn đọc không gian lãng mạn, tràn đầy sức sống của thiên nhiên vùng trung du Bắc bộ. Đó là không gian mênh mông, vô tận của những đầm sen trong truyện ngắn “Cống ngầm”. Với những bông sen “căng mẩy, cong cong, bụ bẫm” tràn trề nhựa sống. Hay hình ảnh của những đồi vải xanh mướt nơi Lục Ngạn đầy nắng gió ở truyện “Màu của thời gian” : “Màu xanh hun hút hai bên đường trải hút hắt”, “vải sai kì lạ, núc nỉu, cây nọ chịn vào cây kia, chùm này dựa vào chùm kia”. Thiên nhiên tươi mới ấy như luồng gió lạ thổi vào câu chuyện, làm cho cả cảnh vật và con người trở nên tươi tắn hơn bao giờ hết.

Tác giả cũng dành không ít những trang văn để miêu tả không gian khoáng đạt, hoang sơ của vùng cao. Trong truyện “Đêm trăng thiêng” đó là không gian của rừng núi “Bốn bề lau đùa gió lật phật. Mấy chú chim kêu K.rách, k.rách”. Hay không gian của chốn thần tiên ở truyện “Nước mắt

trúc”: “Một bình minh đang tràn ra dưới tán lá cây rừng. Bao nhiêu là tiếng chim. Bao nhiêu là ánh nắng…”. Rồi bạn đọc còn được đắm mình trong sắc hoa Pơlang, màu xanh biếc của dòng sông Pô Kô trong truyện “Tiếng khèn”.

Tất cả những khung cảnh kì diệu ấy của thiên nhiên đã tạo nên trước mắt bạn đọc bức tranh về rừng núi bát ngát đầy thơ mộng.

Nếu như tác giả Nguyễn Ngọc Tư đưa bạn đọc vào thế giới truyện của mình với không gian rộng lớn, bát ngát của sông nước Cà Mau, Phạm Duy Nghĩa mang đến cho bạn đọc vẻ đẹp lung linh, huyền ảo đầy sức hút của núi rừng Tây Bắc thì Phùng Văn Khai chọn cho mình một con đường đi riêng biệt. Trong các truyện ngắn của mình, anh không đi sâu khám phá ở một không gian cụ thể nào, mà ở mỗi khía cạnh của cuộc sống anh đều dừng lại một chút để thể nghiệm. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng, nhiều vẻ trong không gian nghệ thuật của Phùng Văn Khai. Có thể nói, việc xây dựng không gian nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo nên bản sắc riêng của mỗi nhà văn.

2.2.1.2. Không gian tâm lí

Bên cạnh không gian hiện thực thì trong tác phẩm còn có một dạng không gian khác đó chính là không gian tâm lí. Kiểu không gian này được tạo ra để tương ứng với thời gian tâm lí. Bởi đây là kiểu không gian đặc biệt mang cảm quan đời sống của nhà văn. Nó được tạo ra do dòng ý thức bên trong của nhân vật, thường gắn với sự tưởng tượng, hồi ức hay những giấc mơ. Không gian này in đậm trạng thái tinh thần, đạo đức, tính cách của nhân vật. Không gian tâm lí mang tính hướng nội có vai trò khơi dậy tình cảm, cảm xúc của con người. Truyện ngắn của Phùng Văn Khai cũng sử dụng kiểu không gian này, chủ yếu là gắn với hồi ức và giấc mơ.

Khi đọc truyện ngắn của Phùng Văn Khai ta có thể dễ dàng nhận ra kiểu thời gian lồng ghép được sử dụng khá phổ biến. Điều đó cũng có nghĩa

rằng, kéo theo sự lồng ghép về thời gian ấy sẽ là những khoảng không gian nằm ở quá khứ. Đó chính là những mảng hồi ức của nhân vật để từ đó ta hiểu sâu hơn về nhân vật ấy.

Trong truyện ngắn “Cúc tần sông” khi nhân vật “tôi” trở về, đứng trước không gian rộng lớn của dòng sông năm xưa, vẫn những rặng cúc tần thủa nào đã khiến kí ức về một thời học sinh dội về trong tâm tưởng. Đó là không gian của những căn nhà tập thể trong khu dành cho giáo viên. Đó là hình ảnh của thầy Hoàn, của cô Phương và mối tình lén lút của họ. Tất cả cứ lần lượt hiện về, từng sự việc cứ như vừa mới xảy ra. Nhưng đó đã là hoài niệm, là không gian của một miền kí ức cách đó ba mươi năm. Nhân vật

“tôi” lúc ấy chỉ là một cậu học trò lớp bảy thì giờ đây đã là người cán bộ cấp cao trong quân đội, thầy Hoàn đã không còn nữa, cô Phương cũng không rõ chuyển đi đâu. Nhưng những đọt cúc tần quấn quýt bên dây tơ hồng vẫn còn đó, vẫn lặng lẽ nhìn ra dòng sông xưa. Sự hồi tưởng này đã khiến cho không gian của truyện được mở rộng thêm ra, đưa bạn đọc trở về với một thời mà nay chỉ còn trong kí ức.

Trong truyện ngắn “Thập bát điền trang”, nhân vật “nữ giám đốc” đã có những giây phút miên man trong dòng hồi tưởng về tuổi thơ đầy tinh nghịch của mình khi tình cờ nghe tên của một đối tác giống với tên của một người mà ngày xưa cô đã từng quen. Người ấy làm khảo sát, một dạo về khảo sát trên quê hương của cô, khi ấy cô đang học dưới trường huyện. Họ ngụp lặn ở bờ sông và rất hay trêu chọc cô - một người đặc biệt hơn cả mà cô hay gọi là “chú”. Những kí ức của thời thiếu nữ cứ ùa về khiến cô thấy có cái gì đó khẽ rộn rạo trong lòng. Dòng hồi ức đã đánh thức trong cô những tình cảm của một thời mới lớn, gắn với những mộng mơ, khao khát, là mối tình mà cô luôn giữ trong trái tim cho dù đã xảy ra bao biến cố.

Không gian tâm lí trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai còn là không gian của giấc mơ. Giấc mơ đó có thể là sự thỏa mãn những khát khao mà ở thực tại cuộc sống họ vẫn chưa có được. Không gian “Cống Ngầm” là một ví dụ. Đó là không gian mơ tưởng của nhân vật Sen. Sen và Thám có tình cảm với nhau, nhưng vì nghĩa vụ với đất nước Thám đã lên đường nhập ngũ. Có lẽ tình yêu mà Sen dành cho Thám vô cùng mãnh liệt đã khơi lên trong Sen niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi. Những cảm xúc ấy ùa về trong những giấc mơ, trong tiếng thì thầm trầm ấm của Thám “Sen chờ anh nhé”.

Dường như sự chờ đợi, nỗi nhớ, tình yêu ấy đã khiến Sen trỗi dậy những khát khao bản năng của người phụ nữ. “Cô sà vào vòng tay rắn chắc của Thám, đặt cặp môi cháy bỏng của mình lên cặp môi khao khát của chàng trai. Tóc Sen sổ tung ra quấn riết vào mặt, vào cổ, vào ngực Thám. Chàng trai sau giây phút đầu ngơ ngẩn, đờ đẫn, bản năng vụt trỗi dậy, mạnh mẽ, bàn tay từ phía lưng nàng khao khát luồn vào trong lần áo nơi có hai bầu vú căng nính ních đang cựa quậy trên tấm ngực vạm vỡ của chàng trai, miệng hai người rên lên khe khẽ”. Giấc mơ ấy khiến không gian như được mở rộng ra, thêm lung linh huyền ảo cho câu chuyện tình yêu. Đó là những khao khát chính đáng, khao khát bản năng của người phụ nữ, cũng là sự thể hiện tình yêu mãnh liệt của nhân vật.

Không gian tâm lí ở đây còn là không gian của nỗi nhớ, nhớ gia đình, nhớ quê hương. Đó là nỗi nhớ dài, da diết của nhân vật Khang trong truyện ngắn “Bên bến đò Lăng”. Cứ đến tháng ba, mùa hoa gạo dù ở nơi đâu lòng Khang cũng chất chứa nỗi niềm thương nhớ quê hương. Không gian ấy hiện về trong tâm trí Khang. Ở nơi đó có bà ngoại, có dì Lụa, có cả dòng sông Lăng, cả những bông hoa gạo gắn với một thời thơ ấu đi chèo đò cùng dì bên sông. Tất cả cứ lần lượt hiện về, hòa quyện vào nhau tạo thành nỗi nhớ da diết.

Có thể nói, không gian tâm lí cũng là yếu tố góp phần thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Không gian ấy gắn liền với những hồi ức của con người trong cuộc sống, gắn liền với những mong muốn khát khao mà ở hiện thực họ chưa có được. Điều này cũng cho ta thấy rằng, con người không chỉ sống với những gì ở hiện tại mà những điều đã đi qua, đã xảy ra cũng gây ra những tác động không nhỏ đến cuộc sống ở thực tại.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn phùng văn khai (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)