Chương II: Không gian và thời gian nghệ thuật
2.2. Không gian và thời gian nghệ thuật truyện ngắn Phùng Văn Khai
2.2.2. Thời gian nghệ thuật
Thi pháp học hiện đại đã quan niệm rằng thời gian nghệ thuật không chỉ bó hẹp trong chức năng làm “phông nền” cho nhân vật hành động mà là nơi “Phản ánh cái hữu hạn của mình, một thế giới là bên ngoài tác phẩm”.
Cùng với sự đa dạng của thế giới nhân vật, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai cũng được tổ chức rất linh hoạt. Trong đó có thể kể tên một số kiểu cơ bản như: Thời gian hiện thực, thời gian tâm trạng, thời gian lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng trước hết, cần phải nói đến thời gian hiện thực bởi đây là khoảng thời gian sinh tồn cơ bản nhất của con người.
2.2.2.1. Thời gian hiện thực
Thời gian hiện thực có thể đo, đếm bằng ngày, tháng cụ thể hoặc được cảm nhận qua những thay đổi của sự vật, sự nếm trải của cuộc sống. Thời gian hiện thực có thể ngưng đọng, trì trệ, xoay quanh những quỹ đạo của cuộc đời.
Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai đã được anh tổ chức rất khéo léo, mang đến cho bạn đọc cảm giác rất thực về sự chảy trôi của thời gian. Những khoảng thời gian ấy có thể không nhiều, không diễn tả được hết về cuộc đời và số phận của một con người nhưng nó là một lát cắt của cuộc sống tạo nên số phận con người đó, gắn với những sự biến đổi, những bước ngoặt của cuộc đời. Đó có thể là khoảng thời gian cụ thể
trong vòng tám năm của Tuấn ở truyện ngắn “Màu của thời gian”. Khoảng thời gian ấy đã gắn với bao nhiêu thay đổi trong cuộc đời của Tuấn. Tuấn đã lấy được người con gái mà anh yêu thương mặc sự cấm đoán của gia đình cô gái ấy. Không những vậy, nhờ sự chăm chỉ, ý chí, nghị lực vượt khó, tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm mà Tuấn đã gây dựng được cho mình một cơ ngơi khang trang trên mảnh đất đầy nắng, gió. Từ những mảnh đất khô cằn, trơ trọi qua tay anh đã biến thành những vườn vải trĩu quả. Tám năm - khoảng thời gian không dài nhưng đủ để thể hiện những phẩm chất đáng quý trong nhân vật này.
Trong truyện ngắn “Mùa hoa súng”, thời gian hiện thực ở đây chính là quãng thời gian mà chàng trai chờ đợi sự quay trở về của người con gái anh yêu thương. Mỗi năm, ở đầm ấy chỉ có duy nhất một bông hoa súng đen nở
“loài hoa súng đen vốn hiếm, nó chỉ tồn tại duy nhất ở khu đầm này, mỗi năm chỉ nở một bông độc nhất”. Vậy mà sau khi cô gái bỏ đi vì bị người cha say rượu đánh đuổi do có thai với anh, năm nào cứ đến mùa hoa súng nở anh cũng quay trở lại với hi vọng được gặp lại người con gái ấy. “Trong gần hai mươi mùa hoa súng, chàng trai chỉ vắng mặt một mùa. Đó là vụ bão năm Tân Sửu”. Trong khoảng thời gian ấy anh sống cuộc sống đầy đủ, sung túc nhưng sâu thẳm bên trong con người anh là nỗi buồn, nỗi nhớ, nỗi day dứt không yên vì đã rời bỏ người con gái mình yêu thương. Tình yêu mà anh dành cho cô gái ấy thật lớn biết bao, khi đã ngần ấy năm trôi qua mà anh vẫn tiếp tục tìm kiếm cô gái, anh không lập gia đình riêng mặc dù bây giờ đã là một vị giám đốc tài giỏi, là thần tượng của bao đứa trẻ làng quê ấy. Gia đình, dòng họ đều mong anh sớm có mái ấm của riêng mình nhưng hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi anh “lại thui thủi ra đi”. Sự xa cách của thời gian không thể làm đứt tình yêu mãnh liệt tồn tại nơi trái tim anh.
Thời gian hiện thực trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai không chỉ được đo đếm bằng những khoảng thời gian cụ thể, mà sự chảy trôi ấy của thời gian còn được thể hiện ở sự nối tiếp của các sự kiện trong cuộc đời nhân vật. Trong truyện ngắn “Bên bến đò Lăng”, tác giả không cho chúng ta biết rõ khoảng thời gian cụ thể là bao lâu nhưng chắc hẳn mỗi bạn đọc cũng đều nhận ra được sự biến đổi của thời gian thông qua những sự kiện diễn ra với cuộc đời của cô Lụa, cuộc đời của nhân vật Khang. Truyện kể về Khang từ khi mồ côi cha mẹ cho đến khi trưởng thành, đã học xong và có công việc ổn định. Đó là khoảng thời gian tương đối dài, gắn liền với cuộc đời nhân vật cô Lụa. Cô Lụa khi ấy mới ngoài ba mươi “dì đẹp lắm, tóc dì Lụa dài đen nhưng nhức, sợi nào sợi ấy quấn quýt chảy xuôi xuống lưng”. Rồi khoảng thời gian mà cô chờ đợi người đàn ông của mình từ chiến trường trở về để xây dựng tổ ấm. Nhưng cuộc đời không để cô được như mong muốn, người đàn ông ấy ra đi không bao giờ trở lại. Cô sống lầm lũi như cái bóng để rồi dựa vào lão Tam chủ tịch xã với mong muốn có một đứa con nhưng cũng không được. Câu chuyện là chuỗi những bi kịch đã xảy ra trong cuộc đời của cô Lụa khiến người đọc không khỏi xót xa, buồn tủi cho một số phận con người. Thời gian nghệ thuật đã giúp ta hiểu sâu hơn về nhân vật, về những sự kiện diễn ra với nhân vật đó cũng như con đường đời mà tác giả dựng nên trong truyện.
Kiểu thời gian hiện thực góp phần làm cho truyện ngắn của Phùng Văn Khai mang đậm chất hiện thực, gần gũi, gắn bó với cuộc sống của mỗi người. Đọc tác phẩm của anh người đọc dường như thấy được đó là cuộc đời của chính những con người đang hiện hữu xung quanh mình. Trong các tác phẩm, anh không nêu rõ khoảng thời gian ấy cụ thể là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Nhưng dưới ngòi bút của mình anh đã giúp người đọc tự nhận
ra những điều đó thông qua sự tiếp nối của các sự kiện trong cuộc đời nhân vật.
2.2.2.2. Thời gian tâm trạng
Cùng với thời gian hiện thực thì thời gian tâm trạng cũng là một yếu tố để tạo nên thời gian nghệ thuật trong tác phẩm. Nếu như thời gian hiện thực là khoảng thời gian gắn với những biến đổi của thời gian ở thực tại cuộc sống, có thể đo đếm được thì thời gian tâm trạng lại là khoảng thời gian được nhìn nhận, khúc xạ qua ý thức, tâm trạng của con người. Nó không đồng nhất với thời gian tự nhiên. Thời gian tâm trạng có thể dài hay ngắn, trôi nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào sự cảm nhận và tâm trạng riêng của mỗi người. Thời gian có thể chùng xuống hay căng ra, các sự kiện diễn ra trong một thời gian dài có thể bị dồn nén lại trong chốc lát hoặc có khi kéo dài những cái chốc lát thành vô tận.
Thời gian tâm trạng gắn liền với đời sống nội tâm của nhân vật. Nó được biểu hiện bằng những suy nghĩ, trầm tư, niềm khát khao… của nhân vật. Để từ đó ta có cơ sở hiểu hơn về những con người này.
Đó có thể là quãng thời gian dài đằng đẵng mà anh thanh niên - giờ đã là một vị giám đốc phải chịu đựng trong đêm chờ bông súng chúa nở ở
“Mùa hoa súng”. Tác giả đã đặt anh vào sự chờ đợi, chờ đợi để được gặp lại người con gái năm xưa, chờ đợi để có thể hái đền một bông hoa súng khác hay chờ đợi để ngăn lại những cuộc tình dang dở như của anh. Năm nào đến mùa hoa súng đen nở anh cũng trở về chốn xưa, và chắc hẳn không có đêm nào trở về mà anh không ngồi đó đến hết đêm. Người xưa có nói: “Thức khuya mới biết đêm dài”, đằng này anh không chỉ thức mà trong lòng còn ngổn ngang những suy nghĩ, chất chứa bao nỗi niềm thì khoảng thời gian ấy chắc hẳn không dễ gì để chịu đựng. “Hình như trời đã gần sáng. Tiếng gà eo óc vẳng ra từ phía làng”.
Trong truyện ngắn “Những người đốt gạch”, ta cũng thấy những khoảng thời gian bị kéo dài đến vô tận. Đó là khi nhân vật “tôi” xin nghỉ phép ở nhà. Về nhà rồi anh mới biết rằng người em trai đã lo cho anh một công việc khác nhàn hạ hơn, được gần nhà, gần vợ gần con. Nhưng cũng trong đêm hôm ấy, nằm bên người vợ trẻ và đứa con xinh đẹp của mình mà anh không tài nào chợp mắt được. “Con tôi đẹp như một thiên thần. Ngắm nhìn hai mẹ con ngủ say dưới ánh đèn xanh dịu, một cảm giác ấm áp khẽ khàng lan đến trùm phủ lên tôi. Nhưng tôi không tài nào ngủ được”. Có ai biết được rằng trong lòng anh đang diễn ra một cuộc đấu tranh giữa việc ra quân hay tiếp tục làm lính. Ra quân tức là anh phải rời bỏ những người đồng đội của anh, những con người nghèo khổ đang phải oằn mình trong sương đêm để nuôi cả gia đình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh vứt bỏ cuộc sống vất vả của người lính để đi tìm cho mình một cuộc sống đủ đầy. Nhưng đổi lại cả gia đình anh lại được sống trong sự đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó khiến anh phải trằn trọc suy tư. Thời gian tâm trạng ở đây đã gắn liền với dòng suy nghĩ của anh, cứ miên man chìm trong dòng cảm xúc lẫn lộn khi ấy. Anh đã trải qua một đêm không bình yên, đó là đêm của sự giằng xé quyết liệt.
Có thể thấy, truyện ngắn của Phùng Văn Khai đã mang đến cho bạn đọc một thế giới của những con người bé nhỏ trong cuộc sống, mà đa phần trong đó là hình ảnh của những người lính. Với lối viết văn chan chứa suy tư, trầm lắng nên dòng thời gian tâm trạng trong tác phẩm của anh hầu hết là được kéo dài ra cho phù hợp với tâm lí của nhân vật, ít bắt gặp những khoảng thời gian được dồn nén, gấp gáp. Điều đó không có nghĩa là nó không xuất hiện. Trong truyện ngắn “Cống Ngầm”, đó là lúc ông Tám cùng thanh niên trong làng ra sức bảo vệ cống ngầm khi trận mưa to ập đến. Hành động của nhân vật diễn ra khẩn trương, gấp gáp dưới sự chỉ huy của ông
Tám. Nào là những con người “Trần trụi vác những bó cọc tre lớn”, “con trâu mộng, mắt xanh lè lùi lũi kéo một xe cọc”, rồi hình ảnh của những người đang oằn mình bất chấp sóng gió để giữ cá giống cho bà con trong làng; “Các thanh niên oằn mình đi vì luồng cá nhất tề xông về phía cống…”. Tất cả những điều đó diễn ra một cách liên tục, gấp gáp, chỉ trong một trận mưa mà dường như không biết có bao nhiêu sự kiện xảy ra. Đặt nhân vật vào sự đấu tranh khốc liệt với thiên nhiên khiến bạn đọc hiểu rõ hơn về vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng cũng đầy mạnh mẽ của những con người ở vùng quê này.
Thời gian tâm trạng góp phần thể hiện những biến đổi trong tâm hồn con người, tạo nên chiều sâu cho nhân vật.
2.2.2.3. Thời gian lồng ghép
Thời gian lồng ghép là kiểu thời gian được sử dụng khá phổ biến trong truyện ngắn và tiểu thuyết cận, hiện đại. Nếu thời gian hiện thực mang tính chất khách quan thì thời gian lồng ghép mang đậm tính chủ quan của tác giả. Thông thường, các sự kiện nào xảy ra trước sẽ được nhắc đến trước, sự kiện nào xảy ra sau thì xếp sau. Nhưng thời gian lồng ghép thì không như vậy mà là sự tổ chức thời gian không theo trật tự quá khứ - hiện tại - tương lai. Ở đây đã có sự đảo lộn về trật tự thời gian. Phát ngôn trần thuật có thể ở hiện tại để nói về quá khứ hoặc nó cũng có thể nằm ở giữa ranh giới giữa hiện tại và quá khứ. Nhưng dù thế nào thì thời gian lồng ghép cũng được xây dựng khá linh hoạt phù hợp với chủ ý của tác giả. Đặc biệt, thời gian lồng ghép được thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm có sự đan xen, soi chiếu giữa thời hiện tại, quá khứ và tương lai trong khoảnh khắc đồng thời.
Thời gian lồng ghép là kiểu thời gian không còn quá mới lạ với bạn đọc nữa. Ta đã bắt gặp kiểu thời gian này trong các sáng tác của nhà văn Nam Cao mà điển hình là trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Tác giả đã không để nhân vật của mình xuất hiện theo trật tự tuyến tính từ khi bắt đầu sinh ra
đến khi mất đi mà đã đưa đến hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng mạnh với bạn đọc đó là hình ảnh của một tên say rượu, vừa đi vừa chửi. Rồi sau đó mới là những chi tiết lí giải về cuộc đời của hắn, nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa của hắn. Cách kể này tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc bởi phải theo dõi những tình tiết tiếp theo thì mới hiểu được về cuộc đời của nhân vật.
Trong truyện ngắn Phùng Văn Khai, thời gian lồng ghép được sử dụng khá nhiều. Hầu hết các tác phẩm của anh đều chứa kiểu thời gian lồng ghép. Điều này đã tạo nên nét đặc trưng trong tác phẩm của anh.
Truyện ngắn “Cúc tần sông” đã đưa ta vào thế giới nội tâm của nhân vật tôi. Sau mấy chục năm xa quê, anh trở lại, nhìn những đọt cúc tần vẫn
“dàn dạt, xum xuê cắm xiên xuống lòng sông kiêu hãnh” mà anh lại nhớ những con người nơi đây, thầy cô giáo, bạn bè... rồi cả những kí ức của một thời tuổi thơ đầy hiếu động. Một loạt những kỉ niệm lần lượt hiện về trong anh nhưng đặc biệt nhất đó là câu chuyện của cô giáo Phương và thầy Hoàn.
Đã sau ba mươi năm, giờ đã là cán bộ cao cấp trong quân đội ở vùng đất Tây Nguyên mà trong anh vẫn không nguôi những lời mà thầy cô dạy. Cô Phương là giáo viên dạy môn Địa lí, kiêm chủ nhiệm lớp 7. “Cô ít nói và ít giao tiếp”, “cô đi thanh niên xung phong vào chiến trường rồi giải ngũ trở lại nghề dạy học”. Còn thầy Hoàn là hiệu trưởng, là người giỏi toán, lí, hóa.
Thầy là hiệu trưởng mà kiêm nhiệm giảng rất nhiều môn. Hai con người ấy đúng là trai tài, gái sắc, xứng lứa vừa đôi. Vậy mà vì tổ quốc, vì độc lập của dân tộc hai người không đến được với nhau. Họ tìm đến với nhau trong niềm khao khát mãnh liệt nhưng rồi tình yêu ấy lại bị lên án khi thầy Hoàn phải vào chiến trường. Đứng ở hiện tại để nhìn lại quá khứ, dường như điều này mang đến cho nhân vật tôi những cảm nhận mà trước đây khi còn là học trò anh đã không thấy được. Cùng làm đồng đội với thầy Hoàn, biết rõ nguồn cơn sự việc và cũng chính là người chôn cất cho thầy. Anh hiểu hơn ai hết
về con người ấy. Để đến ngày hôm nay, khi đứng trước dòng sông thuở nào, đứng trước những đọt cúc tần trong anh không khỏi có chút se sắt khi nghĩ về cuộc đời, số phận của những con người anh đã rất tôn trọng và yêu quý.
Truyện ngắn “Nước mắt trúc” cũng được bắt đầu bằng những sự việc diễn ra ở hiện tại. Mở đầu câu chuyện là những ca từ của cây sáo trúc “rừng, rừng hoa tiếng chim ca vui tưng bừng. Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh. Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng. Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân…”. Rồi tiếp đó ta bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông đang bị chính tiếng sáo ấy dày vò, ám ảnh. Từ thực tại cô đơn, đau khổ tác giả đã đưa ta trở về với khoảng thời gian trong quá khứ để hiểu rằng tại sao lại như vậy. Ở đó có cả mối tình trong sáng, thủy chung với cô sơn nữ ASao nhưng cũng có cả vết trượt dài của ông ta trên con tha hóa.
Dường như khi đứng ở thực tại đầy bi kịch, vợ đã bỏ đi theo con trai, công danh, chức tước đã tan biến hết, ông ta mới nhận ra những sai lầm của mình trong quá khứ. Ông đã bị cuốn theo sự cám dỗ của đồng tiền để rồi mất tất cả. Sau khi miên man ở những miền hồi ức ấy, tác giả lại đưa bạn đọc trở lại với cuộc sống của nhân vật ở thực tại với cái chết rất kì lạ. Đó là sự trả giá cho những gì mà ông ta đã gây ra. Dùng thời gian lồng ghép ở đây, tác giả đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về con người này, về quá trình tha hóa của ông ta. Đứng ở hiện tại để soi xét và nhận ra những khuyết điểm đã mắc phải trong quá khứ. “Hiện tại hôm nay là quá khứ của ngày mai” muốn có một quá khứ đẹp thì ngay trong hiện tại chúng ta cũng phải sống sao cho xứng đáng.
Sử dụng thời gian lồng ghép là thao tác nghệ thuật quen thuộc của Phùng Văn Khai. Trong truyện ngắn “Đầm vạc”, nhà văn đã đưa bạn đọc đến với hiện thực đầy lố lăng ở vùng quê nọ. Nơi ấy có những con người vì đồng tiền mà đã nhẫn tâm giết cả đồng đội của cha mình. Nhưng người uống