Bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Lạng Sơn

Một phần của tài liệu Kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay (Trang 28 - 35)

1.2 Bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Lạng Sơn

1.2.2 Bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Lạng Sơn

Khi nói đến sắc thái văn hóa nói chung, văn hóa của tộc người Tày nói riêng khó có thể phân định một cách rạch ròi đâu là văn hóa vật thể và đâu là văn hóa phi vật thể, bởi đằng sau những hiện tượng, những vật thể cụ thể bao giờ cũng ẩn chứa những yếu tố tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Những nét văn hóa độc đáo của người Tày được thể hiện một cách tinh tế trong những vật dụng hàng ngày, trong lao động sản xuất, trang phục, kiến trúc, thơ ca, lễ hội, trong sự sinh thành và các mối quan hệ của con người. Do vậy, khi đề cập đến những sắc thái văn hóa của dân tộc Tày, khóa luận chỉ đề cập vấn đề ở những nét cơ bản mang tính liệt kê.

Người Tày ở Lạng Sơn là một bộ phận của hệ thống dân tộc Tày ở Việt Nam. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 số cư dân người Tày ở Lạng Sơn là 259.532 người, chiếm 35,4 % dân số toàn tỉnh và 31,5 % tổng số người Tày tại Việt Nam.

Ngoài những đặc điểm chung của dân tộc Tày ở Việt Nam, người Tày ở Lạng sơn còn có những đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc của người Tày xứ Lạng.

Lạng Sơn là một tỉnh nằm ở biên giới phía bắc có đường biên giới với Trung Quốc dài 253km. Phía bắc Lạng Sơn giáp tỉnh Cao Bằng, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn, phía tây nam Thái nguyên. Với vị trí địa lí như trên Lạng Sơn đã trở thành một trong những điểm giao thoa văn hóa giữa các tỉnh thành, khu vực nước ta và giữa nước ta

với nước ngoài (Trung Quốc). Điều đó cũng góp phần tạo nên nền văn hóa đặc trưng của người dân xứ Lạng nói chung, người Tày bản địa nói riêng.

Đặc điểm kinh tế: cũng như người Tày ở các tỉnh thành, khu vực khác trong cả nước, người Tày ở Lạng có nền nông nghiệp truyền thống với cây lúa nước làm chủ đạo. Ngoài ra cư dân Tày ở xứ Lạng cũng trồng các loại hoa màu, cây ăn quả khác. Nhiều giống cây thể hiện đặc trưng của vùng biên giới , chẳng hạn như giống ngô ngọt của Trung Quốc được bà con sử dụng gieo trồng và ngày càng trở nên phổ biến. Giống thuốc lá sợi vàng ở Lạng Sơn cũng nổi tiếng là thơm ngon (đặc biệt là khu thuốc lá Bắc Sơn), đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho cho người dân nơi đây trong đó có đồng bào người Tày. Bên cạnh những cây lâu năm được đồng bào Tày trồng phổ biến ở các địa phương người Tày ở Lạng sơn còn trồng phổ biến một loại cây lâu năm là cây hồi. Loại cây này đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của Lạng sơn (như người ta vẫn nhắc: hương hồi xứ Lạng). Hồi thường được trồng theo hình thức chuyên canh thành những đồi hồi, rừng hồi. Sản phẩm chú yếu được khai thác ở loại cây này là quả hồi, nhằm đem bán qua biên giới cho người Trung Quốc chưng cất dầu hồi. Nhiều địa phương đã tìm tòi được giống cây hồi có khả năng sinh trưởng nhanh, cho quả to, chất lượng (ví dụ như huyện Văn Quan và một số xã của huyện Cao Lộc). Ngoài ra, người Tày ở Lạng Sơn cũng trồng phổ biến các loại cây ăn quả; trong đó những loại cây đã trở thành thương hiệu trong vùng hoặc cả nước như: quýt Bắc Sơn, mận Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm (Cao Lộc)… Người Tày ở Lạng Sơn đã biết áp dụng phần nào tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, canh tác. Họ đã sử dụng khá rộng rãi các loại máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa và một số công cụ, máy móc khác phụ vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. phần lớn đó là những loại máy móc đơn giản, thuận tiện cho sử dụng hoặc được nhập từ biên giới Trung Quốc với giá phù hợp với điều kiện kinh tế của người nông dân.

Trong ăn uống, ẩm thực: người Tày ở Lạng Sơn được biết đến với các loại bánh đặc biệt, ngon, độc đáo và dường như chỉ có ở xứ Lạng hoặc có ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn phải là xuất xứ ở Lạng Sơn. Trong đó phải kể đến các loại bánh như: bánh chưng đen (pẻng chưng đăm),bánh chưng cẩm (pẻng chưng căắm) , bánh ngải (pẻng nhả ngaái), cơm lam (khẩu lam hay boóc lam)…Ngoài ra người Tày ở Lạng Sơn vẫn có những tục lệ , truyền thống nhất định trong ăn uống như những cộng đồng Tày ở các tỉnh, thành, khu vực khác.

Nhà ở của người Tày xứ Lạng về cơ bản vẫn theo lối kiến trúc của đồng bào người Tày ở nhiều vùng nói chung. Trong đó chủ yếu là nhà kiểu 4 mái, 2 mái chính và 2 mái phụ ở hai đầu hồi để che cho 2 chái, mái lợp bằng ngói máng hay còn gọi là ngói âm dương. Nhà ở được che xung quanh, quây buồng ngủ hay ngăn ra thành nhiều ngăn bởi những mảnh ván gỗ ghép lại với nhau hoặc những tấm liếp nứa lồng trong đố tre. Sàn nhà bằng gỗ hoặc mai được chẻ đều ngâm bùn trong vài tháng sau đó phơi nắng trước khi sử dụng để tránh mối, mọt. Tường rào quanh nhà (rược) của người Tày ở Lạng Sơn thường được làm bằng cây xương rồng. Đó là điểm khác biệt so với tường rào quanh nhà của người Tày ở các vùng miền khác – thường làm bằng đá xếp chồng lên nhau.

Trang phục truyền thống của người Tày tương đối đơn giản so với các dân tộc khác và có nhiều nét giống với trang phục truyền thống của người Nùng. Ngày thường, đàn ông Tày mặc áo cánh (slửa cỏm) may theo kiểu 4 thân, cổ áo tròn và cao, không có cầu vai. Quần (khóa) của đàn ông thuộc loại đũng chéo hay còn gọi là quần chân què. Ống quần rộng, dài tới mắt cá chân, cạp quần to kiểu lá tọa. Giầy (hài) khâu bằng vải, có mũi tròn, cổ cao, dùng dây buộc. Guốc (khuc hay khuốc) làm từ gỗ hoặc gốc tre bổ đôi, mỗi mảnh dùi 3 lỗ bố trí theo hình tam giác và luồn vào đó 2 đoạn dây tết bằng dây rừng

hoặc nan tre nứa tạo thành hình chữ V. Loại guốc này dùng cho cả nam và nữ.

Tuy nhiên những năm gần đây giầy và guốc đã ít xuất hiện (thậm chí biến mất hoàn toàn) trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày ở Lạng sơn. Y phục của phụ nữ Tày (ở Lạng Sơn nói riêng và của đồng bào người Tày nói chung) tương đối phức tạp so với y phục của nam giới cùng dân tộc. Nét độc đáo và đặc sắc nhất trong bộ nữ phục Tày là chiếc áo dài (slửa rì). Áo trùm quá đầu gối, che đến nửa ống chân, được may theo kiểu 5 thân, xẻ nách, cài cúc bên phải với 5 chiếc cúc tròn theo kiểu nụ vối làm bằng đồng hoặc tết bằng dây vải, thân áo nhỏ và hơi thắt eo, ống tay áo hẹp và liền với thân áo, cổ áo tròn và cao. Áo cánh ngắn (slửa cỏm) là loại áo 4 thân, xẻ ngực cổ tròn, phần dưới vạt trước có 2 cái túi. Váy ống (slửn hay xổng) có màu chàm hoặc màu đen tương tự như loại váy của phụ nữ Việt. Thắt lưng (rặng) là một mảnh vải hình chữ nhật, loại khổ hẹp, dài khoảng 2 sải tay, rộng trọn khổ, chừng một gang tay. Khi sử dụng, họ gập ba hay gập bốn tấm vải theo chiều dọc, quấn bên ngoài áo dài 2 -3 vòng xung quanh eo rồi thắt mối ở sau lưng cho hai đầu của nó buông thõng xuống phía dưới. Khăn đội đầu (khân) có màu chàm hoặc màu đen, gồm hai bộ phận khác nhau là khăn trong và khăn ngoài. Khăn trong được gọi là khăn ngang (khân queng), khăn ngoài được gọi là khăn vuông (khân puồng). Ngoài ra cũng có thêm các phụ kiện như dây xà tích, vòng tay (mijằm)

Tổ chức bản làng của người Tày ở Lạng Sơn khá đông đúc. Tên bản làng ở nhiều nơi vẫn giữ như cách gọi có từ xa xưa (thường là bằng tiếng Tày). Nhưng ở nhiều nơi, nhất là ở những nơi giáp với các trung tâm huyện, thị, biên giới... tên gọi của các bản làng đã được thay đổi theo hướng Kinh hóa với những cái tên mới hơn, lạ hơn, mang tính hình thức hơn so với tên gọi cũ.

Cưới xin: ở một số địa phương vẫn còn tục ở rể nhưng là được nhìn nhận ở góc độ thoáng hơn và có nhiều điểm tích cực. Dù là ở rể nhưng con rể thời nay bình đẳng, được gia đình và xã hội thừa nhận như một hiện tượng bình thường. Những gia đình người Tày không có con trai sẽ lấy rể vào nhà, con cái sinh ra sau này (cháu) sẽ mang họ nhà gái ( họ của mẹ). Chính vì lẽ đó nhiều ở nhiều địa phương đồng bào người Tày tự giác thực hiện rất tốt chính sách dân số, dừng lại ở 2 con (kể cả là 2 con gái); không quá coi trọng việc phải bắt buộc có con trai “nối dõi tông đường”. Đó cũng là một điều mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên việc cưới gả, dù là lấy rể thì vẫn theo phong tục truyền thống: bên nào gả con (làm dâu, làm rể) thì sẽ nhận được sính lễ,tiền bạc từ nhà bên cưới con (con dâu, con rể sẽ ở nhà đó). Ở nhiều địa phương người Tày đã dứt bỏ hoàn toàn việc mê tín dị đoan, coi tuổi, bói toán trong cưới gả. Mà hôn nhân là sự tự nguyện, bình đẳng của nam nữ.

Ma chay: đám ma của người Tày ở Lạng Sơn thường diễn ra trong vòng ba hoặc bốn ngày tùy vào việc chọn được ngày tốt để ra ma. Với đặc trưng của đồng bào miền núi, người chết thường được chôn cất ở trên khu rừng hoặc quả đồi của nhà mình. Nghi lễ đám ma diễn ra khá cầu kì, phức tạp.

Người chết được gia đình thể hiện lòng tưởng nhớ bằng cách lập bàn thờ và tổ chức cúng giỗ. Người mất được thờ ở bàn thờ nhỏ, thấp hơn bàn thờ lớn, thờ tổ tiên (sựa sòi) để chính giữa nhà; sau giỗ ba năm mới được chuyển lên bàn thờ lớn, nhưng vẫn phải xếp theo trật tự, vai vế. trường hợp người mất là đàn bà khi đã thờ ở bàn thờ nhỏ được ba năm nhưng người chồng vẫn còn sống thì người vợ đã mất cũng chưa được chuyển lên bàn thờ lớn mà vẫn phải được thờ ở bàn thờ nhỏ đến khi nào người người chồng mất, được ba năm cả hai người mới được chuyển lên bàn thờ lớn. Đồng bào Tày tổ chức cúng giỗ người chết theo trình tự thời gian là 49 ngày, 100 ngày, một năm, ba năm

(mãn tang); sau ba năm là giỗ thường niên vào đúng ngày mất của người quá cố.

Tiếng tày ở Lạng Sơn có sự khác biệt tương đối rõ giữa các địa phương trong tỉnh. Ở một số địa phương như các huyện Văn Lãng, Tràng Định, Văn quan, tiếng Tày nghe nhẹ nhàng, có ngữ điệu mềm mại và hầu như vẫn giữ được những từ trong tiếng Tày cổ xưa. Còn ở một số nơi như các huyện Bắc sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng tiếng Tày thường có ngữ điệu kém mềm mại hơn và bị kinh hóa nhiều hơn.

Lạng sơn cũng được biết đến với nhiều di tích như hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Bình Gia), cửa ải Chi Lăng, khu du kích Bắc Sơn…đều là những khu vực có phần đông đồng bào Tày sinh sống. Điều đó ít nhiều đã có tác động góp phần hun đúc nên truyền thống yêu quê hương, đất nước của người xứ Lạng nói chung và của đồng bào người Tày nơi đây nói riêng. Trong những năm tháng chiến tranh , đồng bào người Tày đã góp sức cho quê hương, đất nước biết bao sức người, sức của, vật chất, tinh thần. Có biết bao anh hùng, liệt sĩ là người Tày đã anh dũng hi sinh góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó tiêu biểu có chiến sỹ công sản Hoàng Văn Thụ người con kiên trung của dân tộc Tày Lạng Sơn, người có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam. Ông đã từng giữ đến chức bí thư xứ ủy Bắc Kì. Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, ông bị bắt, tù đày và bị xử tử hình. Ngay cả đến lúc ra pháp trường, ông vẫn hiên ngang giữ vững tinh thần

“ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”, không khuất phục kẻ thù và luôn tin tương vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tinh thần đó vẫn mãi được các thế hệ mai sau (trong đó có đồng bào người Tày) học tập và phát huy.

Văn nghệ dân gian của người Tày ở Lạng Sơn cũng phong phú với các điệu hát then, hát lượn, foongsư, ... Lượn gồm lượn cọi, lượn slương, lượn

then, lượn nàng ới... là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở các địa phương trước đây. Nhưng nay đã bị thu hẹp dần.

Người Tày ở Lạng Sơn cũng có các lễ hội như hội Lồng Tồng (một số nơi gọi là Lồng thồng), lễ hội nàng trăng (ngày hai) – một lễ hội cầu mùa diễn ra với những nghi thức độc đáo và đặc sắc. Họ cũng có các trò chơi dân gian như : thi kéo co, thi đi cà kheo (pây mạ điếng), chơi cầu lá (làm từ lá dứa dại – người Tày gọi là tả khừ), thi bắn nỏ (thi bẳn ná)

Lễ tết của đồng bào người Tày xứ Lạng cũng rất phong phú. Tết nguyên đán (tết cái) là dịp tết lớn nhất trong năm. Sau đó là các dịp : tết thanh minh (đắp nhí khẳm tam), mùng 5 tháng năm (so hả bươn hả), mùng 5 tháng mười (so hả bươn sất), mùng 10 tháng mười ( so thíp bươn thíp)… mỗi dịp lễ tết lại gắn với một loại bánh trái đặc trưng cho từng vụ mùa, từng địa phương.

Một phần của tài liệu Kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)