Nguyên nhân của thực trạng kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay

Một phần của tài liệu Kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay (Trang 50 - 58)

Chương 2: Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay – Thực trạng và nguyên nhân

2.2 Nguyên nhân của thực trạng kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi với 80% diện tích là đồi núi. Dạng địa hình phổ biến ở Lạng Sơn là núi thấp và đồi, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển. Nơi thấp nhất là 20 m ở phía nam huyện Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1541m. Khí hậu của Lạng Sơn thể hiện rõ nét khí hậu miền Bắc Việt Nam. Khí hậu phân mùa rõ rệt, ở các mùa khác nhau nhiệt độ phân bố không đồng đều do sự phức tạp của địa hình miền núi và sự biến tính nhanh chóng của không khí lạnh trong quá trình di chuyển ở vùng nội chí tuyến đã gây nên những chênh lệch đáng kể trong chế độ nhiệt giữa các vùng.

Hướng gió và tốc độ gió của Lạng Sơn vừa chịu sự chi phối của yếu tố hoàn lưu, vừa bị biến dạng bởi địa hình. Mùa lạnh thịnh hành gió Bắc, mùa nóng thịnh hành gió Nam và Đông Nam. Tốc độ gió nói chung không lớn, trung bình 0,8-2 m/s song phân hoá không đều giữa các vùng trong tỉnh. Mật độ

sông suối của Lạng Sơn thuộc loại trung bình đến khá dày, qua địa phận có các sông chính là: Sông Kỳ Cùng ,độ dài: 243 km, diện tích lưu vực: 6660 km²; Sông Bản Thín, phụ lưu của sông Kỳ Cùn, độ dài: 52 km, diện tích lưu vực: 320 km²; Sông Bắc Giang, phụ lưu của sông Kỳ Cùng,dộ dài: 114 km, diện tích lưu vực: 2670 km²; Sông Thương Là sông lớn thứ hai của Lạng Sơn, độ dài: 157 km, diện tích lưu vực: 6640 km². Với đặc điểm tự nhiên như vậy, Lạng Sơn là một vùng đất giàu tiềm năng thiên nhiên, là chỗ dựa vững chắc cho đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc (trong đó, có người Tày sinh sống). Và đây cũng là cơ sở cho việc hình thành đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của họ.

Với kỹ thuật lạc hậu: phát, đốt, chọc, tỉa nếu không dựa vào sự mênh mông bạt ngàn của đồi núi, sự phì nhiêu của các lưu vực sông suối thường xuyên được bồi đắp thì họ sẽ khó tồn tại. Thiên nhiên đã cho họ đất đai màu mỡ để canh tác, tre - gỗ để làm nhà, rau thịt trong các bữa ăn. Tất cả những thứ đó qua bàn tay lao động của con người đã trở thành những giá trị văn hóa.

Gắn bó với đồi núi, dân tộc Tày đã phải đối đầu với những thiên tai, dịch bệnh, khan hiếm nước sinh hoạt… cho nên họ đã chọn cách ứng xử phù hợp trong sản xuất và sinh hoạt: gieo trồng canh tác trong mùa mưa và săn bắn, chăn thả gia súc hoặc vui chơi, lễ hội vào mùa khô. Thiên nhiên đã in dấu vào tâm hồn họ tạo thành tính cách thật thà, chất phác, chăm chỉ lao động, hiếu khách... đã đưa vào thơ, ca, nhạc, họa chất men của cuộc sống đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của văn hóa dân tộc Tày nói chung, dân tộc Tày ở Lạng Sơn nói riêng. Nhưng cũng tạo cho họ một tâm lý trông chờ ỷ lại vào tự nhiên cũng như sức ỳ về tâm lý, tính tự ty, tự ái, an phận còn khá đậm. Sự tự tin, chủ động, mạnh dạn vươn lên, giao lưu tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài chưa mạnh, cũng như việc hòa nhập với nhịp sống công nghiệp, hiện đại một cách kịp thời chưa diễn ra đồng bộ ở các bộ phận dân cư Tày trong tỉnh. Cùng

với sự hạn chế về trình độ tư duy, đồng bào Tày cũng không tránh khỏi thái độ sùng bái tự nhiên, đó là nguồn gốc của tín ngưỡng đa thần, của niềm tin vào thế giới hồn ma (Phi). Địa hình miền núi đến nay cũng ít nhiều gây khó khăn trong giao lưu nhiều mặt, phủ sóng phát thanh, truyền hình nhiều vùng còn chưa tới.

Tất cả những điều trên cho thấy điều kiện tự nhiên, môi trường sinh tụ của đồng bào dân tộc Tày ở Lạng Sơn là cơ sở, nền tảng cho sự hình thành vận động của nền văn hóa dân tộc này.

- Nguyên nhân kinh tế - xã hội

Dân tộc Tày chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn thả gia súc gia cầm, khai thác tự nhiên. Về trồng trọt chủ yếu là lúa, ngô, sắn, đậu, thuốc lá…

Nhưng kỹ thuật canh tác truyền thống vốn dĩ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư nên nhiều nơi không thâm canh, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém. Hồi là loại cây công nghiệp đem lại thu nhập không nhỏ, góp phần cải thiện đời sống cho người Tày ở Lạng Sơn. Nhưng đồng bào ở đây chưa biết đầu tư đúng mức cho việc chăm sóc, khai thác loại cây này. Chủ yếu là trồng và để cây hồi phát triển tự nhiên như một cây lâu năm ở rừng, chưa có chế độ chăm sóc để đem lại hiệu quả thu hoạch cao. Sản phẩm từ cây hồi (quả hồi) chủ yếu được người dân bán lẻ cho những người đi buôn, rồi được bán sang Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu nên giá không cao. Nếu đồng bào người Tày nói riêng và cộng đồng dân cư ở Lạng Sơn nói chung biết đầu tư, học hỏi, kĩ thuật trưng cất dầu hồi hiện đại, rồi đem bán dầu hồi dưới dạng thành phẩm thì sẽ thu được lợi nhuận cao hơn. Tỉ lệ đói nghèo của bà con dân tộc Tày những năm gần đây đã giảm. Dưới tác động của các chính sách kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước, của tỉnh cơ cấu kinh tế của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn, trong đó có dân tộc Tày đã có những chuyển biến, song về cơ bản vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ được cái đói, cái nghèo.

Do đời sống của đồng bào dân tộc Tày còn chưa phát triển cho nên, phần lớn bà con chưa nghĩ đến và cũng không có khái niệm “giữ gìn”, “kế thừa” hay “phát huy”, cũng như chưa nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, chưa nhận thức được các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình. Cái nghèo đói còn tồn tại khiến họ chỉ lo miếng cơm manh áo, lo toan cuộc sống hàng ngày, mà chưa thể nghĩ nhiều hơn tới một phần rất quan trọng đó là đời sống tinh thần, điều đó là lẽ tự nhiên. Với đời sống còn khó khăn và không ít lạc hậu như thế, bà con chỉ coi văn hóa truyền thống của dân tộc như một giá trị tinh thần thuần túy, chưa khai thác và phát huy được những nhân tố tích cực của nó. Văn hóa truyền thống vốn đã ít chứa đựng những nhân tố phát triển, những giá trị văn hóa mới cũng chưa được đồng bào tiếp cận được bao nhiêu, mà mới tiếp thu được một phần mang tính tự phát, do tính chất tự giao thoa của các nền văn hóa. Bên cạnh một bộ phận nhỏ đồng bào nuôi khát vọng làm giàu một cách chân chính, biết phát huy sức lực và tri thức văn hóa, thì một bộ phận lớn vẫn bảo thủ giữ nếp cũ, được chăng hay chớ chạy theo những giá trị văn hóa nhất thời, tự làm nghèo bần cùng hóa cuộc sống của mình. Hơn nữa, trong tư duy của đồng bào còn chứa đựng những yếu tố bảo thủ, những tập tục lạc hậu, không mơ ước nhiều về một đời sống hiện đại về vật chất và phong phú về tinh thần. Cuộc sống hiện tại của họ cũng chứa đựng những ước mơ đơn giản, trông chờ vào những thế lực siêu nhiên. Điều này dẫn đến phong cách sống không xem mục tiêu vật chất như một sự hối thúc mạnh mẽ, nói cách khác là mục tiêu làm giàu chưa trở thành một sự tự thân và do đó ý thức tích lũy, tiết kiệm cũng chưa trở thành ý thức tự thân của mỗi thành viên.

Cũng giống như các tỉnh thành khác ở nước ta, tỉnh Lạng Sơn không có sự phân vùng rõ ràng về không gian cư trú cho mỗi dân tộc, ở đó có nhiều dân tộc sinh sống trong một thời gian dài từ trước, nhưng ngày nay có nhiều đổi

thay. Xu hướng người Kinh từ miền xuôi lên các tỉnh miền núi trong đó có tỉnh Lạng Sơn làm ăn, sinh sống ngày càng đông, mức độ cư trú xen cài vốn có từ xưa nay càng thể hiện rõ nét hơn. Việc phân bố này có tác động đến nhiều mặt của đời sống: chính trị, kinh tế, xã hội, đến văn hóa và nếp sống.

Có thể nói, các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, văn hóa của một bộ phận người Kinh ngày càng tác động mạnh mẽ vào sự đổi thay trong các hoạt động đời sống của các dân tộc anh em, mà người Tày cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Quá trình này đã tạo ra sự chia sẻ không gian sinh tồn, làm cho không gian văn hóa có nguy cơ bị tàn phá. Chính điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới nguy cơ bị phá vỡ các giá trị văn hóa khác của tộc người này.

Sự giao lưu giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số ngày một tăng và đa dạng, đó chính là xu hướng đồng hóa tự nhiên ngày một rõ, người dân tộc thiểu số ngày một mất đi nét riêng trong văn hóa của dân tộc mình.

Xu thế toàn cầu hóa hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi những giá trị làm mai một dần bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày nói chung và người Tày ở Lạng Sơn nói riêng. Ngày nay, khi mà không gian văn hóa của các dân tộc ngày càng được mở rộng, thì sự giao lưu giữa các quốc gia, các dân tộc cũng không ngừng được mở rộng và tăng cường. Các giá trị văn hóa của nhân loại được truyền tải qua các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin đã phần nào đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nhưng cũng gây ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới đời sống văn hóa của cộng đồng tộc người Tày. Ngoài ra do đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới (có hai cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có hai cửa khẩu quốc gia: Chi Ma (Huyện Lộc Bình), Bình Nghi (Huyện Tràng Định), Tân Thanh (Huyện Văn Lãng), Cốc Nam (Huyện Cao Lộc) và 7 cặp chợ biên giới với Trung Quốc) , đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng sơn nói

chung, đồng bào dân tộc Tày nói riêng trong quá trình tham gia các hoạt động giao lưu buôn bán cũng chịu tác động không nhỏ của văn hóa nước bạn.

- Về trình độ dân trí

Trong một xã hội với một nền sản xuất chưa thực sự phát triển, các kỹ thuật được sử dụng cho lao động sản xuất và sinh hoạt còn dựa nhiều vào kinh nghiệm được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời trước truyền lại cho đời sau thông qua một nền giáo dục tự phát. Gia đình là môi trường, là nhà trường của mỗi cá thể, thế hệ trước là thầy của thế hệ sau. Mặc dù dân tộc Tày là một trong những dân tộc thiểu số đi đầu trong việc tiếp thu văn minh hiện đại, có ý thức nâng cao dân trí để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên những hoạt động mang mục đích này chưa thực sự có hiệu quả đồng bộ trong cộng đồng người Tày ở Lạng Sơn. Cuộc sống của họ phần lớn vẫn là những chuỗi ngày lao động miệt mài để có cái ăn, chủ yếu là lao động chân tay thuần túy. Chính điều đó làm cho một bộ phận không nhỏ người Tày ở đây có thói quen lười suy nghĩ, ít tư duy, không chịu khó tìm tòi những kiến thức mới, bằng lòng với cuộc sống.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn nhằm phát triển kinh tế xã hội cho vùng các dân tộc thiểu số sinh sống; đã triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình cho vay vốn làm ăn kinh tế, mở rộng mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe tới tận các xã bản vùng sâu vùng xa,như chương trình chính sách 135 của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách cho phát triển sự nghiệp giáo dục ở miền núi; đầu tư các nguồn lực cho công tác giáo dục; thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho con em các dân tộc thiểu số đến trường, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được học tập nâng cao trình độ… nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con các dân tộc, trong đó có dân tộc Tày có phần tăng lên đáng kể.

- Về tổ chức, quản lý

Thứ nhất, đó là sự nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo ở các cấp đối với vấn đề văn hóa còn nhiều khiếm khuyết và lệch lạc, chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của văn hóa trong trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và của Lạng Sơn nói riêng. Chỉ thấy một chiều, văn hóa là kết quả của quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội, chưa thấy được văn hóa sẽ tạo động lực cho sự phát triển. Từ đó dẫn tới những chủ trương và sự chỉ đạo thực tiễn nhiều lúc, nhiều nơi không đáp ứng và làm chủ được những biến đổi đang diễn ra, có biểu hiện xem nhẹ văn hóa, không chú ý đầu tư cho văn hóa. Các chương trình đầu tư cho miền núi hàng năm tương đối lớn và quy mô, nhưng hầu như chưa chú ý thích đáng cho văn hóa và các hoạt động liên quan tới văn hóa.

Chưa nhận thức được đầy đủ giá trị tư tưởng của văn hóa truyền thống, xem nhẹ những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, dẫn tới nôn nóng muốn cải tạo văn hóa cổ truyền, ào ạt du nhập các yếu tố văn hóa văn minh, hiện đại mà không xem xét, đánh giá cái được cái mất ở hiện tại và tương lai. Điều đó, đã dẫn tới tình trạng: cái cũ lạc hậu không xóa đi được, mà cái mới cũng không thâm nhập nổi. Ở một số nơi, văn hóa mới thâm nhập được nhưng lại là sự sao chép, bắt chước (ví dụ như sao chép mô hình lối sống của người Kinh từ Nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt. Thanh niên người Tày có khi không biết tới một làn điệu hát sli, hát lượn của dân tộc mình, nhưng lại thuộc lòng những bài hát nhạc vàng, nhạc sến của người Kinh… trong khi những giá trị văn hóa của dân tộc họ lẽ ra phải được chính họ gìn giữ và phát huy).

Việc đầu tư cho sưu tầm, kiểm kê, bảo vệ và phổ biến các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số chưa có hệ thống, từ đó dẫn tới mơ hồ trong sự chỉ đạo đánh giá các giá trị văn hóa: cái nào cần được bảo vệ, giữ gìn, kế thừa?

cái nào cần hạn chế xóa bỏ? Nhận thức, chỉ đạo và định hướng cho các hoạt

động giao lưu văn hóa còn thiếu cơ sở khoa học, lúc thì áp đặt, lúc thì quá buông lỏng, do vậy thường bị động, chưa phát huy được vai trò của giao lưu văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và xã hội, nhiều khi các hoạt động giao lưu văn hóa còn mang nặng tính hình thức, phong trào.

Thứ hai, chưa có chính sách ngôn ngữ phù hợp cho việc giữ gìn tiếng nói và chữ viết cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn coi tiếng Việt là quốc ngữ nên chưa thực sự chú trọng phát triển tiếng nói và chữ viết của đồng bào. Trong những năm gần đây Lạng Sơn đã có những hoạt động nhằm duy trì ngôn ngữ dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Tày, như các bài nói, bài viết, đặc biệt là chương trình phát thanh tiếng Tày của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Lạng Sơn, tuy nhiên hiệu quả của các hoạt động này chưa thực sự hiệu quả.

Thứ ba, chưa có những biện pháp hữu hiệu để khai thác, bảo quản, giữ gìn và phát huy vốn nghệ thuật dân gian, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một và có nguy cơ bị mất do các già làng khuyết dần. Các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ thiếu khoa học trong cách thức tổ chức, dàn dựng tiết mục. Một nhà đạo diễn là người Kinh, ít có hiểu biết nhiều về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, thậm chí nhiều người còn không biết một tí tiếng dân tộc nào. Họ dàn dựng mọi tiết mục theo những mẫu hình mà họ được học ở các trường lớp. Hoặc nếu các nhà đạo diễn là người dân tộc thì lại có xu hướng làm mới theo kiểu nghệ thuật hiện đại, thị trường. Kết quả là người ta dễ dàng nhận thấy những màu sắc văn hóa có cái gì na ná như nhau giữa nền văn hóa của các tộc người khác nhau; khó tìm ra bản sắc.

Thứ tư, công tác tuyên truyền giáo dục và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các hoạt động văn hóa còn chưa đầy đủ, kịp thời, chưa thường xuyên. Nhiều phong trào còn mang tính chất khái quát, chung chung, chưa sát thực với điều kiện thực tế địa phương cho nên chưa phát huy được hiệu quả thực sự.

Một phần của tài liệu Kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày ở Lạng Sơn hiện nay (Trang 50 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)